Sunday, March 29, 2020

VƯƠNG TRIỀU HỖN LOẠN CỦA TRUMP (Financial Times)




Demetri Sevastopulo và Hannah Kuchler   -   Financial Times
29/03/2020

Quá tập trung vào mục tiêu tái đắc cử, ngài Tổng thống Hoa Kỳ đã thất bại trong việc kiểm soát đại dịch trên đất nước mình.

Mới bốn tuần trước, Donald Trump còn ngập tràn tự tin, rằng con virus đang khiến cả thế giới lao đao kia chẳng thể làm Hoa Kỳ suy suyển. “Rồi nó sẽ biến mất,” ngài Tổng thống phát biểu tại Nhà Trắng hôm 28/2. “Một ngày nào đó, nó sẽ biến mất, như một phép màu”.

Đến hôm nay, ta biết dự đoán ấy đã sai bét và Donald Trump đã trở thành một “Pele trong làng chính khách”.

Hôm thứ Năm, có ba con số đã đánh sập tự bình tĩnh của Trump.

Một: Mỹ đã chính thức vượt mặt Trung Quốc lên dẫn đầu bảng xếp hạng những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Hoa Kỳ đang có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, với hơn 1.300 người chết. Mấy tháng trước, Trung Quốc còn tiến hành xây bệnh viện dã chiến. Bây giờ, New York đã buộc phải dựng lên những nhà xác dã chiến.

Hai: Thông số chính thức từ chính phủ: đã có 3,3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ trong tuần trước. Đấy là một kỷ lục mới trong lịch sử Hoa Kỳ, gấp năm lần kỷ lục cũ, khi lệnh phong tỏa khiến các hoạt động kinh tế phải đình lại.

Ba: Tại New York, một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới, lực lượng khẩn cấp thành phố mỗi ngày đều phải nhận số cuộc gọi y tế nhiều hơn cả sự kiện 11/9.

Đấy là những con số không biết nói dối. Trên khắp nước Mỹ, các Thống đốc và Thị trưởng liên tục cầu cứu sự giúp đỡ từ Washington, từ máy thở cho đến các vật tư y tế khác. Họ cũng kêu gọi cư dân ở nhà để ngăn chặn đà lây lan của virus.

Thế nhưng phản ứng của Trump trong khung cảnh báo động ấy, vẫn là cố mở cửa lại nền kinh tế vào dịp lễ Phục sinh (giữa tháng Tư). “Các nhà thờ trên cả nước rồi sẽ đông đảo trở lại,” ông nói trên Fox News vào ngày 24/3. “Đấy sẽ là một thời gian tươi đẹp”.

Người Mỹ đang chứng kiến những cuộc khủng hoảng song hành. Trên truyền thông và mạng xã hội là cơ man những con số và câu chuyện đối nghịch nhau trong cách chính quyền liên bang ứng xử với đại dịch, được lồng trong bối cảnh của một nền kinh tế đang lao đao và cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ đến vào tháng 11.

Mặt khác là cơn lũ tin dữ ập đến khi dịch bệnh tràn qua những thành phố của Hoa Kỳ. Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York và là người theo phe Dân chủ, cảnh báo: “Chúng ta đang nhìn vào một con tàu cao tốc. Bởi vì con số vừa kịp nhìn thấy đã thay đổi mất rồi”.

Nhưng góc nhìn từ Nhà Trắng lại hoàn toàn khác biệt. Quá chú trọng vào mục tiêu tái đắc cử, Donald Trump đã nhiều phen hạ thấp sự nghiêm trọng của đại dịch trong những cuộc họp thường nhật. Ở những cuộc họp ấy, người đau khổ nhất có lẽ là bác sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và các Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, được Trump chọn vào lực lượng ứng phó với virus Corona.

Khi được hỏi, làm sao ông có thể đứng giữa Nhà Trắng trên vai trò “đại diện cho những con số và sự thật” trong lúc Tổng thống liên tục đưa ra những thông tin sai lệch, ông Fauci đã đáp: “Tôi không thể nhảy vào micro và đẩy ông ấy ra. OK, ông ấy đã lỡ nói thì thôi, mình sẽ tìm cách đính chính trong những lần tới”.

Thật vậy. Chưa có một nguyên thủ quốc gia nào vẫn duy trì thói quen phát ngôn bừa bãi như Trump dẫu đang trong một tình huống nguy cấp thế này. Đầu tháng này, Trump tuyên bố sẽ có vắc xin ngừa SARS-CoV-2 trong 3-4 tháng nữa. Bác sĩ Anthony Fauci liền phải đính chính: đâu mà sớm thế. “Chúng ta chỉ mới thử nghiệm. Tôi đã nói với ngài Tổng thống phải mất từ một năm đến một năm rưỡi trước khi phân phối được một loại vắc xin hiệu quả và an toàn”, Fauci nói.

Ngày 7/3, ông tuyên bố dịch bệnh rất khó lây lan vì “chúng ta đang làm công việc của mình một cách tuyệt vời”. Ông cũng bảo cúm mùa giết người còn ghê hơn con virus, nên hãy suy nghĩ về điều đó. Chỉ chưa một tuần sau, ông phải công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Không dừng lại ở đó, ông bảo mình vốn đã biết trước sự nguy hiểm của đại dịch, trước khi nó trở thành… đại dịch.

Chừng chục ngày trước, ông nói Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thông qua việc sử dụng thuốc chống sốt rét để chữa trị bệnh nhân virus corona. Ngày 22/3, tại bang Arizona (miền tây nước Mỹ), có một người đàn ông tử vong sau khi uống một loại thuốc dùng lau chùi hồ cá và chất này cũng có trong loại thuốc mà ông Trump nhắc tới.

Trump biết mỗi phát ngôn của mình trên Twitter đều được cả thế giới theo dõi sát sao, nhưng ông vẫn thích gì nói đấy. Và dù tiền hậu bất nhất, ông vẫn không… xóa tweet cũ. Sau khi gây tranh cãi với việc gọi tên “virus Trung Quốc”, hôm qua Trump đã gọi Tập Cận Bình là “bằng hữu” và tin hai quốc gia sẽ dìu nhau qua cơn khủng hoảng.

David Axelrod, nguyên cố vấn cho Tổng thống Barack Obama, phát biểu trên AFP: “Chúng ta có một thách thức rất lớn và một tổng thống rất tầm thường“.

David Gergen, giáo sư trường Harvard Kennedy, có thâm niên cố vấn cho bốn đời Tổng thống Hoa Kỳ từ Richard Nixon đến Bill Clinton, phát biểu: “Sự thất thường, khó hiểu, lộn xộn, tự coi mình là trung tâm và kiêu ngạo của Trump đã kéo theo một làn sóng chỉ trích từ các nhà khoa học, các chuyên gia sức khỏe, báo chí và những ngành nghề khác. Ông ấy luôn nghĩ mình và cộng sự đang làm một công việc phi thường, nhưng những nhà phê bình thì tin Trump đã trở nên thực sự nguy hiểm cho nước Mỹ”.

Mặc dù chính thức thông qua gói cứu trợ kỷ lục 2.200 tỷ USD để đối phó với tình hình virus, Trump vẫn phải nhận vô vàn những lời chỉ trích, không chỉ từ phe Dân chủ và ngay chính trong phe Cộng hòa của mình vì phản ứng quá chậm của Liên bang trong việc kiểm tra, giải quyết đại dịch mà chỉ tập trung vào giải cứu nền kinh tế, cũng chính là cứu chiếc ghế Tổng thống trong cuộc tái tranh cử vào cuối năm. Và có lẽ Trump đang dần cảm thấy cô độc hơn, vì những đồng minh thân thiết, trong đó có nữ nghị sĩ bang Wyoming, Liz Cheney, cũng đang chống lại mình. Bà nói: “Nền kinh tế làm sao có thể vận hành bình thường nếu bệnh viện của ta quá tải và hàng ngàn người Mỹ ở mọi độ tuổi, kể cả bác sĩ và y tá, nằm chờ chết vì ta từ chối làm những việc cần thiết để ngăn chặn lây lan”.

Một thống kê gần đây do Morning Consult tiến hành, cho thấy 80% người Mỹ trưởng thành tin là cần phải tiếp tục cách ly xã hội, ngay cả khi điều đó khiến cho nền kinh tế bị thương tổn.

Hôm thứ Năm, Trump viết cho các thống đốc bang ở Mỹ một phác thảo kế hoạch, phân loại nguy cơ ở các hạt từ thấp, trung bình cho đến cao để cho phép kinh tế hoạt động trở lại ở một số khu vực.

Nhưng Larry Hogan, Thống đốc phe Cộng hòa của Maryland, cho Financial Times hay là Trump không hề nói gì về kế hoạch này với các thống đốc bang, dù gặp họ ít lâu trước khi gửi thư đi. Ngoài ra, ông Hogan cũng dội gáo nước lạnh và bản phác thảo ấy khi dùng từ “phi thực tế” để nói về nó.

Hogan nói: “Vì chúng ta chưa làm đủ xét nghiệm, làm sao có thể cam kết chỗ nào của quốc gia là nguy cơ thấp, trung bình hay cao”. Ông cũng khẳng định các thống đốc bang đều đang có “rất nhiều mối lo”.

Ông Hogan ca ngợi Nhà Trắng tuần trước đã yêu cầu cơ quan Quản lý Khẩn Cấp Liên bang nhận nhiệm vụ giúp các bang trang bị khẩu trang và máy thở. Nhưng số lượng cung cấp hiện vẫn quá nhỏ bé so với nhu cầu. Rõ ràng Mỹ đang ở vào một tình thế hết sức bị động và đang cố hết sức để giải quyết những thiệt hại do sự chủ quan gây ra.

New York đã vượt mặt Washington để trở thành bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Scott Gottlieb, cựu lãnh đạo của Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm, cho biết, 11 bang tại Mỹ đã có số ca nhiễm nhiều hơn bất kỳ tỉnh thành nào của Trung Quốc ngoại trừ Hồ Bắc (nơi có thành phố Vũ Hán), nơi phát sinh dịch bệnh. Đây tất nhiên là một cuộc khủng hoảng mang tầm quốc gia.

Ở New York, hơn 37.000 người đã có kết quả dương tính, 5.000 đang trong bệnh viện và gần 400 người chết. Xác chết đang phải tạm thời để trong các khoang đông lạnh của xe tải vì các nhà xác đã quá tải. New York đang tiến hành xây dựng những nhà xác dã chiến.

Các bệnh viện cũng đang đối diện với vấn đề lớn. Họ không có đủ đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế. Hôm thứ Năm, một bệnh viện ở Manhattan là Mount Sinai West có một y tá qua đời vì nhiễm virus. Để chuẩn bị cho những tình huống tệ hơn, Cuomo đã ra lệnh biến Trung tâm Javits, một địa điểm tổ chức sự kiện, thành bệnh viện dã chiến, trong khi một tàu quân sự sẽ cung cấp thêm 1.000 giường bệnh mới. Ông cũng yêu cầu các bệnh viện trong toàn bang phải lập tức tăng công suất lên ít nhất 50%, với mục tiêu phải đạt con số 140.000 giường bệnh.

Nhưng những nỗ lực như thế vẫn như muối bỏ bể, Theodora Hatziioannou – một nhà nghiên cứu về virus tại Đại học Rockefeller ở New York cho biết. Cô ước tính số người New York cần nhập viện săn sóc phải tầm 240.000 người. “Chúng ta cần chuẩn bị tới đó,” cô nói.

Trump đã làm những người chỉ trích phẫn nộ thêm khi không dùng một đạo luật thời chiến tranh Hàn Quốc để buộc các công ty trên toàn nước Mỹ sản xuất nhu yếu phẩm y tế. “Máy thở, máy thở và máy thở,” ông Cuomo nói về nhu cầu lớn nhất của quốc gia hiện tại. Hôm thứ Sáu, rốt cục Trump cũng chịu yêu cầu General Motors mở “nhà máy bị bỏ rơi một cách ngu ngốc ở Lordstown” để làm máy thở thật nhanh.

Những người bảo vệ Trump thì ca ngợi hành động cấm các chuyến bay từ Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ hồi tháng Giêng, đồng thời xiết chặt quy định xuất nhập cảnh từ châu Âu.

Nhưng các chuyên gia về sức khỏe rất lo âu về việc Trump nhất quyết mở lại nền kinh tế trong hai tuần nữa. Bà Hatziioannou nói: “Điên rồ! Ông định giết dân ư?

Trump phủ nhận thông tin ông đang ưu tiên tái đắc cử hơn là sức khỏe của công chúng. Ông nói: “Có vài người cứ nhất định phải làm cho tình hình tài chính tồi tệ đi, vì họ tin làm thế sẽ đánh bại tôi trong cuộc bầu cử”.

Có một sự thật đối lập: trong lúc các chuyên gia chỉ trích Trump tơi bời, uy tín của ông trong công chúng lại tăng. Theo Gallup, 49% tin ông đang điều hành tốt quốc gia, tăng 5% so với đầu tháng. 60% tin ông đã phản ứng tốt với khủng hoảng, theo một trưng cầu khác cũng của Gallup đầu tuần.

Gergen nói: “Người ta ít khi nhìn thấy sự chia rẽ như thế trong lòng nước Mỹ”, đồng thời nói thêm, Trump có thể tận dụng tinh thần “cất cao ngọn cờ” từng giúp George W Bush sau vụ 9/11. Hôm thứ Năm, Trum tuyên bố muốn “hành động nhanh chóng” trong việc mở lại nền kinh tế ở một số vùng rộng lớn của nước Mỹ vẫn chưa bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng.

Nhưng bất chấp việc Trump tha thiết muốn ngưng việc cách ly xã hội, quyết định giảm phong tỏa các thành phố lại thuộc về các thống đốc bang. Ông Hogan nói, Hoa Kỳ còn lâu mới có thể thư giãn và ngưng cảnh giác. Ông nhấn mạnh: Các thống đốc sẽ nghe các chuyên gia y tế nhiều hơn là Nhà Trắng. Hogan nói: “Chúng ta không thể ấn định một thời gian mong muốn nào vào lúc này và chờ đợi nó sẽ tốt hơn để toại ý. Chúng ta đang phải ra những quyết định không phải vì mình, vì lợi ích của ai mà vì mạng sống của hàng ngàn con người”.

Và giữa những lộn xộn khó khăn ấy, Trump vẫn tự tin như thường thấy. Ông vẫn xuất hiện trước công chúng, ra chỉ thị đều, gây tranh luận đều và… tweet đều. Gói 2.200 tỷ đô chỉ là một trong số nhiều quyết sách mà Trump sẽ đưa ra trong vài ngày tới. Và không ai có thể dự báo được điều gì. Trump đã lên Tổng thống theo cách không giống ai, vận hành đất nước kiểu không giống ai, nên xử lý khủng hoảng cũng không giống ai.

Hôm qua Trump gọi Tập Cận Bình là “bằng hữu” đó, kêu gọi cùng nhau băng qua đại dịch đó, nhưng ngay ngày mai ông có thể đổi ý, như hàng ngàn status tiền hậu bất nhất của ông từ thuở còn chưa làm Tổng thống đến bây giờ. Mọi quyết định của ông đều chỉ phản ánh tư duy của ông ở chính thời điểm đó. Một phút sau có khi ông đã nghĩ khác.

Người ta vẫn nghĩ chính trị gia phải kiên định, phải vạch ra những kế hoạch cụ thể cho tương lai. Nhưng Trump có một cách nghĩ khác. Ông đang làm hero với cái đầu của một villian.


 -----------------------------------


NGUỒN :
Demetri Sevastopulo Hannah Kuchler
March 27, 2020





No comments:

Post a Comment