Monday, March 30, 2020

VIRUS CORONA : THẾ GIỚI KHỦNG HOẢNG, CỨU TRỢ TIỀN BẠC BAO NHIÊU MỚI ĐỦ? (Phạm Đỗ Chí)




TS Phạm Đỗ Chí
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Florida, Hoa Kỳ
30/03/2020

Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), đã tuyên bố hôm thứ sáu ở Washington D.C. 27/3 rằng kinh tế thế giới đã ở vào cơn suy thoái và hiện có 81 quốc gia đang cầu cứu khẩn cấp cứu trợ tài chính của định chế quốc tế quan trọng này.

Bà thêm rằng IMF đã sẵn sàng can thiệp với một gói tài chính là 1,000 tỷ đô la Mỹ để cứu trợ các nước hội viên ứng phó với hiểm họa suy thoái đó, phát xuất từ cơn đại dịch COVID 19.

Lời xác nhận trên cho thấy cơn đại dịch cúm Coronavirus đã đưa đến cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vai trò quan trọng có thể gọi tới sự can thiệp của 2 định chế tài chính quốc tế lớn nhất là IMF và World Bank (Ngân hàng Thế giới).

Nhưng điều quan trọng phải nói ngay là IMF và WB không thể dùng khả năng tài chính khổng lồ của mình để cung ứng gói cứu trợ tài chính thông thường đi kèm các biện pháp kinh tế kích cầu theo mô hình Hoa kỳ-Anh quốc để chống suy thoái mới đây.

Sống tại Hoa Kỳ, tôi nhận thấy, đành rằng một phần lớn gói cứu trợ dùng để trợ cấp các cá nhân qua cơn khủng hoảng vì mất việc và các doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động phải dính vào nợ nần, nhưng nhận xét kỹ có thể thấy ngay rằng đồng đô la hay bảng Anh vứt vào đời sống kinh tế hàng ngày chưa chắc đã có hiệu quả chặn được con virus quái ác hoành hành không ngừng nghỉ và gây ra bệnh tật và thương vong tăng theo cấp số nhân hàng tuần.

Việc Hoa Kỳ và các nước Tây Âu ra lệnh phong tỏa (lockdown) và cách ly chính là nguyên nhân gây ra tê liệt sự đi lại và các hoạt động kinh tế.

Không chặn được cơn dịch hiệu quả thì kinh tế càng đi sâu vào suy thoái tiếp và nặng thêm. Do đó đã có dự đoán cho rằng với đà tăng lây nhiễm khủng khiếp của dịch bệnh ở Mỹ, gói cứu trợ khổng lồ 2,200 tỷ đô chỉ là bước đầu, HK còn cần thêm các gói vài nghìn tỷ kế tiếp trong vài tháng tới.

Nhìn lại nhanh các thời điểm chính của cơn dịch COVID 19, Trung Quốc (TQ) đã để lỡ cơ hội phòng chống qui mô cơn dịch từ khoảng đầu tháng 12/2019 xuất phát từ Vũ Hán. Và đã chịu hậu quả nặng nề khi cơn đại dịch bùng phát ở TQ và kéo theo sự phong tỏa đi lại của 600-700 triệu người ở đa số các tỉnh lớn, sau đó là sự sụp đổ của toàn nền kinh tế cho đến nay.

Nhận định sai tình hình ban đầu

Bài học từ Trung Quốc và các lời tuyên bố xem nhẹ lúc bắt đầu cơn dịch nêu trên cho đến giữa tháng 1/2020 đã bị lập lại bởi chính Hoa kỳ từ cuối tháng 1/2020 lúc có bệnh nhân lây nhiễm đầu tiên ở tiểu bang Washington bên bờ Tây nước Mỹ. Bên bờ Đông, chính phủ trung ương liên bang đã nhận định sai tình hình trong suốt 5-6 tuần, do thiếu các phương tiện xét nghiệm trên cả nước để không biết rằng cơn lây nhiễm đã lan rất rộng, và đã không kịp ra lệnh phong tỏa kịp thời.

Từ đầu tháng 3 lúc có thêm các dụng cụ xét nghiệm, cũng là lúc nắm bắt được thực trạng của cơn dịch thì lại thành quá muộn để ngăn chặn hiệu quả cơn lây lan đó. Từ thiếu dụng cụ xét nghiệm, tình trạng "vỡ trận" ở vài tiểu bang lớn Hoa kỳ, nhất là bang New York và điển hình là thành phố New York (NYC), đã cho thấy HK đang thiếu toàn diện các thứ khác : dụng cụ bảo hộ như khẩu trang và quần áo phòng bị thích hợp cho nhân viên y tế, các trung tâm xét nghiệm, các dụng cụ xét nghiệm nhanh, các nhà thương hay khu chữa bệnh COVID 19 chuyên biệt, các máy thở, và nhất là các thuốc chữa trị vẫn còn đang thời kỳ thử nghiệm thô sơ; chưa nói gì đến các thuốc chủng ngừa ("vaccines") còn cần 12-18 tháng nữa mới cho các kết quả khoa học chính xác đầu tiên.

Nay đại dịch đã thành đại họa cho Mỹ, suy thoái kinh tế HK có thể trở thành đại suy thoái cho cả thế giới, và cơn dịch cúm sẽ lan ngược ra lại khắp thế giới nếu Mỹ không có chính sách chữa trị quyết liệt và nhất là hiệu quả trong vài tháng tới đây! Và đó là lý do thị trường chứng khoán sụp đổ tan tành mà người viết chưa muốn nhắc tới trong bài này!

Người viết muốn đặc biệt nhấn mạnh tới hai chọn lựa lúc này cho nước Mỹ:

1) Chính phủ trung ương phải dùng tới các người chỉ huy phải là các chuyên gia y tế nhiều kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm, và trao quyền cho các Thống đốc phối hợp trong từng tiểu bang, thống nhất các việc như tuyên bố phong toả, lập nhà thương hay khu điều trị chuyên trách, đặt mua khẩu trang loại tốt và các dụng cụ phòng hộ cho nhân viên y tế, lập khu xét nghiệm và đặt mua thêm thật nhiều dụng cụ xét nghiệm từ khu vực tư nhân trong nước (thay vì làm bởi CDC) và nhất là nhập cảng lập tức từ nước ngoài (Hàn quốc, Nhật bản).

Còn về chữa trị sẽ cần chế tạo thêm máy thở và lập kho thuốc dự trữ chiến lược gồm vài thứ đã dùng có hiệu quả bên Á châu như Hàn quốc, TQ...

2) Chính phủ trung ương chỉ đưa ra các chiến lược tổng quát, trao quyền rộng rãi cho các tiểu bang thực hiện các kế hoạch chống dịch chi tiết nêu trên, và nhất là lên tiếng kêu gọi các tổ chức từ thiện tư nhân lớn hay các đóng góp tư nhân tài trợ các chương trình chống dịch ở từng tiểu bang.

Người viết nghiêng về đề nghị này vì còn có thể huy động nhiều sáng kiến tư nhân và các đóng góp tài chính tự nguyện rộng rãi, cùng sự tổ chức phân quyền rộng rãi thích hợp với các điều kiện địa phương vì thời gian đã quá gấp rút.

Cần kết nối cả thế giới, gồm Việt Nam:

Trong tiến trình này, IMF và WB còn giúp được ngay chính các cường quốc như Mỹ, Tây Âu, Nhật có phương tiện ngăn chặn được cơn dịch nhanh hơn, nhờ cách tổ chức phòng chống dịch chi tiết nêu dưới đây, nhấn mạnh vào nguyên tắc phân công trong các nước hội viên, về việc tổ chức sản xuất và phân phối các dụng cụ phòng và chữa bệnh, hay thuốc chủng ngừa.

IMF sẽ giữ vai trò cung cấp và tư vấn tài chính. WB ngoài cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển còn có thể tư vấn và giám sát kỹ thuật.

Cho cơn đại dịch Covid 19 và ngăn ngừa cơn Đại Suy Thoái Thế giới có thể xảy ra vào cuối năm 2020 hay sang đầu năm 2021, IMF và WB có thể cung cấp tài chính và phối hợp với các nước trong nhóm OECD để tổ chức việc sản xuất và phân phối các dụng cụ và thuốc men liên hệ đến việc chống dịch như sau:

·         thiết lập một tổ chức nhỏ quốc tế mới ("Oversight Organization") để thiết lập và thanh sát các việc sau, được giao cho các nước chuyên biệt.

·         sản xuất khẩu trang, y phục phòng hộ và nước tẩy trùng: TQ và các nước Đông Nam Á trong đó gồm Việt Nam vốn có giá lao động thấp;

·         sản xuất các dụng cụ xét nghiệm: Hàn quốc và Nhật bản đã có kinh nghiệm và trình độ khoa học cao;

·         sản xuất máy thở: Nhật, Mỹ và các nước Tây Âu;

·         nghiên cứu thêm và sản xuất vài thứ thuốc chữa trị có sẵn : Pháp (Plaquenil); Mỹ (Remdevisir; Hydroxychloroquine...)

·         nghiên cứu và sản xuất các thứ vaccines trong vòng 12-18 tháng: Mỹ , Nhật , Tây Âu, TQ...

Các hoạt động này sẽ tạo ra một nền kinh tế - y tế mới hỗ trợ cho tất cả các nước tham gia, vừa chống dịch bệnh, vừa tạo công ăn việc làm, thúc đẩy xuất khẩu.

Bệnh tật, tử vong và tâm lý xấu

Cho sự can thiệp sắp tới của IMF và WB, nếu có, các biện pháp tiền tệ và tài khoá kiểu Mỹ và Anh không thể đáp ứng với tình hình bệnh tật và tâm lý đang làm tê liệt mọi nền kinh tế thế giới.

IMF dù có nghìn tỷ đô không thể gửi phái đoàn đi giải cứu 81 nước một lúc và đưa ra các biện pháp stimulus mong mỏi, vì điều quan trọng là liệu pháp cần thiết: giúp các nước hội viên chặn sớm được cơn dịch COVID 19.

Tất cả phải tuỳ theo đầu tàu là Mỹ và Tây Âu chặn được bệnh và tái lập sinh hoạt kinh tế để tái tạo mức "tổng cầu" cho các nước khác trên thế giới trong giai đoạn phục hồi: đó mới là stimulus thật sự trong tương lai, còn chính sách kích cầu của IMF lúc này không làm được gì cho 81 nước đó.

Tiền của IMF và World Bank nếu có đủ chỉ là để cứu trợ khẩn cấp và tạm thời, chứ không phải là để kích thích các nền kinh tế, nên các giải pháp khác nữa như nêu trên mới có thể góp phần giúp thế giới chống lại dịch bệnh và tạo nền tảng cho các hợp tác toàn cầu về sau, khi nhân loại đối mặt với các thách thức khác.

------------------------------------
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Phạm Đỗ Chí từ Florida.






No comments:

Post a Comment