Wednesday, March 25, 2020

VÀI BĂN KHOĂN SAU CHUYẾN ĐI NHẬT LẦN ĐẦU (Nguyễn Tùng, Paris)




Nguyễn Tùng  (Paris)
25/03/2020

LTS. Bài này đã được đăng trong số xuân Canh Tý 2020 của Thời báo kinh tế Sài Gòn.
Vì quá dài, nó đã bị ban biên tập của tuần báo này cắt bớt một số câu, đoạn.
Chúng tôi cho đăng lại dưới đây toàn văn của bài đã được tác gả sửa và bổ sung.

*
Vào đầu tháng 11.2019 vừa qua, tôi đã cùng 9 người bạn cả Việt lẫn Pháp ngao du 12 ngày ở đảo Honshu (Nhật). Chúng tôi đã đi gần 2000 km bằng xe ca để viếng thăm các điểm du lịch quan trọng nhất của nước này : Osaka, Himeji, Miyajima. Hiroshima, Kyoto, Nara, Hikone, Kanazawa, Shirakawako, Takayama, Matsumoto, Kawaguchiko, Hakone, Kamakura, Nikko và Tokyo. Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi đã mượn của thư viện gần nhà mấy cuốn sách hướng dẫn bằng tiếng Pháp viết khá công phu về Nhật mà thú thật tôi biết rất lờ mờ ! Vi những điều mà tôi thu lượm được trong các cuốn sách này cũng như trong chuyến « cỡi ngựa xem hoa » (rất đẹp !) » này đã làm tôi vừa sửng sốt vừa băn khoăn, nên tôi mạo muội viết viết bài để chia sẻ cùng độc giả Thời báo Kinh tế Sài Gòn, dù tôi biết hiện nay đối với không ít người Việt Nam, Nhật không phải là điểm đến xa lạ nữa : thực vậy từ khoảng mươi năm nay, du khách Việt Nam đến Nhật ngày càng đông với sức tiêu xài ngày càng lớn khiến cho nhiều cửa hàng sang trọng ở Tokyo đã dùng thêm tiếng Việt trên các bảng chi dẫn, bên cạnh các tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thành (Lâu đài) Himeji, xây vào thế kỷ XVII

Kinkaku-ji (Kim các tự=chùa Vàng) xây năm 1393 ở Nara


Nội lực và tinh thần tự lập, tự cường của người Nhật

Khác với Việt Nam, Hàn Quốc hay ngay cả Trung Quốc, Nhật Bản chưa bao giờ bị nước ngoài thống trị, có lẽ một phần do nó là một quần đảo : ngay cả quân Nguyên Mông cũng đã thất bại trong hai lần xâm lăng Nhật vào năm 1278 và 1281, do bị bảo tố làm đắm thuyền. Chưa từng bị nô lệ nước nào, người Nhật có tinh thần tự lập, tự cường rất mạnh. Vào khoảng thế kỷ 19, dân số Nhật đã lên đến 30 triệu (tuyệt đại đa số đều thuộc tộc người Nhật), tức gấp hơn bốn lần dân số Việt Nam vào cùng thời (khoảng 7 triệu dân. Từ thời thượng cổ người Nhật chủ yếu sống trên ba đảo chính : Shikoku (18 803 km), Kyushu (36 753 km2) và nhất là Honshu (227 960 km2) : không gian sinh hoạt của người Nhật lên đến hơn 280 000 km2 mà núi rừng chiếm khoảng ¾. Ở Đại Việt, cho đến thế kỷ 17, đèo Cù Mông (ở phía nam Bình Bịnh) vẫn còn là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Chẳng những thế, vì rất sợ « ma thiêng nước độc », cho đến đầu thế kỷ XX, hầu như toàn bộ người Việt chỉ sống ở các vùng đồng bằng và chẳng ai lặn lội, phiêu lưu lên vùng thượng du hay cao nguyên trừ các lái buôn, nên không gian sinh hoạt của Việt vào đầu thế kỷ 17 ước tính chỉ được khoảng 25 000 km2, tức thua Nhật rất xa ngay vào lúc phải bắt đầu chạm trán với phương Tây đang trên đà phát triển, bành trướng nhanh chóng từ thời Phục Hưng (thế kỷ 16) và nhất là sau khi phát hiện ra châu Mỹ vào năm 1492.

Do nội thương các nghề thủ công truyền thống của Nhật (gốm, sứ, vải, lua, luyện kim, đồ gỗ…) khá phát triển trong thời đại Tokugawa (1603-1868) đóng đô ở Edo (tức Tokyo hiện nay), Nhật đã sớm đô thị hoá đến mức làm ta kinh ngạc : vào thế kỷ 18, dân số của Edo lên đến một triệu, tức là gấp đôi Paris (500 000 dân) và ngang với London thường được xem là thành phố đông dân nhất thế giới vào thời kỳ này ; Kyoto : 400 000 dân ; Osaka : 300 000 dân. Trong khi đó vào năm 1772, dân số Sài Gòn chỉ khoảng 20.000–30.000 người. Và khi Pháp chiếm Hà Nội vào năm 1884, dân số của Thăng Long « 36 phố phường » (chứ không phải của tỉnh Hà Nội được lập năm 1831) có lẽ cũng chỉ khoảng ba, bốn chục ngàn người thôi. Vào năm 1921, tức là gần 40 năm sau khi bị Pháp chiếm đóng, thành phố Hà Nội chỉ có khoảng 4.000 người Âu và 100.000 người Việt1.


Tiếp thu văn hoá Trung Quốc với sự sáng tạo

Theo nhiều nhà nghiên cúu, chữ Hán được đưa vào Nhật Bản vào khoảng thế thế kỷ 4 sau CN, tức sau Việt Nam khoảng năm thế kỷ, nếu ta tạm thời cho rằng thứ chữ này được du nhập vào Âu Lạc sau khi nước này bị Triệu Đà thôn tính năm 179 trước CN. Vì các loại chữ viết ở Nhật là một vấn đề quá phức tạp khó có thể trình bày ngắn gọn trong vài giòng, nên tôi chỉ nói sơ qua điều chính yếu này : để làm thơ viết văn bằng tiếng Nhật, từ khoảng thế kỷ 8, người Nhật đã dần dà tạo ra một hệ thống chữ viết kết hợp các chữ Hán (kanji= hán tự, tức các ký tự tiếng Hán) với các âm tiết kana (bao gồm các âm tiết hiragana và các âm tiết katakana). Như vậy người Nhật đã tạo ra chữ viết của họ sớm hơn chữ nôm đến năm thế kỷ, nếu ta cho rằng chữ Nôm được dần dà tạo ra vào thế kỷ 13. Khác với Nhật, vua chúa Việt Nam chưa bao giờ thay chữ Hán bằng chữ Nôm trong cai trị cũng như trong giáo dục. Đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi, nếu không bị Pháp đô hộ và cưỡng đặt chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán vào đầu thế kỷ 20, phải chăng cho đến ngày nay nước ta vẫn còn dùng chữ Hán và tiếng Hán Việt ?!

Vào đầu thế kỷ 11, nữ sĩ cung đình Nhật Bản có biệt danh là Murasaki Shikibu đã dùng lối viết kana để sáng tác cuốn Genji monogatari tức Truyện kể Genji  là trường thiên tiểu thuyết đầu tiên của thế giới, sớm hơn tác phẩm Don Quijote de la Mancha của Miguel de Cervantes (Tây Ban Nha) đến 500 năm !

Một điều cần nhấn mạnh khác là người Nhật đã hoàn toàn không bắt chước Trung Quốc dùng lối học từ chương rỗng tuếch bằng chữ Hán và nhất lối thi cử bằng thơ, phú… để tuyển chọn quan lại như ở Việt Nam !


Phật giáo và Thần đạo

Vào đầu công nguyên, các tăng sĩ người Ấn Độ đã góp phần lập ra trung tâm đạo Phật tại Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam), một trong những trung tâm lớn nhất của đạo Phật tại phương Đông cùng với hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành ở  Trung Quốc2. Phật giáo được du nhập vào Nhật vào khoảng giữa thế kỷ 6, tức sau Đại Việt chừng 5 thế kỷ. Nhưng chỉ khoảng 150 năm sau, Phật giáo Nhật đã xây được nhiều chùa chiền hoành tráng, công phu như chùa Todai-ji (Đông đại tự) được xây vào năm 752 ở Nara với tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới (16,2 m), và với ngôi nhà chính bằng gỗ lớn nhất thế giới (cao 48,6 m, dài 57,3 m, rộng 50 m), được xây lại nhỏ hơn ngôi nhà cũ vào năm 1702 sau khi bị cháy.

Tượng Phật bằng đồng cao 13 m, đúc năm 1252 ở Kamakura

Ngôi tháp năm tầng cao 50m của chùa Kofuku-ji (Hưng phúc tự) xây lần đầu năm 669 ở Nara

Từ xa xưa, cũng giống như người Việt, người Nhật đã có tục thờ vô số thần (kami) : thần mặt trời, gió, mưa, sấm, sét, sông hồ, núi non, súc vật sống lâu nên thành tinh, hồn người chết… Sự du nhập của đạo Phật vào Nhật đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển một hệ thống thần đạo thống nhất thường cộng sinh với Phật giáo. Cuốn Kojiki (Cổ sự ký, được viết năm 712) và cuốn Nihonshoki (Nhật Bản thư kỷ, năm 720) đã ghi lại sự tích của nhiều thần cũng giống như hai cuốn Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên và Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp được viết vào thế kỷ 13 ở Đại Việt, tức muộn hơn nhiều. Cho đến hiện nay, nhiều người Nhật vẫn tin cả Phật giáo lẫn Thần đạo. Theo một cuộc điều tra vào năm 2015 của Bô Giáo dục, Văn hoá Nhật, 85 triệu người Nhật (tức 67% dân số) theo Thần đạo và 88 triệu (tức 69% dân số) theo đạo Phật. Đa số người Nhật có thể đến cầu nguyện ở đền thờ Thần đạo (mà tiếng Nhật gọi là jinjia, tức thần xã) để mua bùa, xin thẻ và nhất là để cầu phước, cầu tài hay để thi đỗ, nhưng khi chết lại được chôn cất theo nghi thức Phật giáo, cũng giống như ở Việt Nam.


Chế độ Bakufu (Mạc phủ)

Khá giống với chế độ « vua Lê chúa Trịnh » (1545 – 1787) ở Đại Việt, chế độ Bakufu (tức Mạc phủ) (trong đó thực quyền nằm cả trong tay Shogun (tướng quân) và Thiên hoàng chỉ giữ hư vị) xuất hiện sớm hơn nhiều (vào năm 1192) và kéo dài cho mãi đến năm 1867, tức trong gần bảy thế kỷ.

Từ năm 1641 đến năm 1854, Mạc phủ cuối cùng Tokugawa (hay Mạc phủ Edo) đã áp dụng chính sách « bế quan toả cảng » mà tiếng Nhật gọi là Sakoku (toả quốc, tức « khoá đất nước lạỉ ») hay kaikin (hải cấm, tức cấm đi biển), nhưng các tàu Trung Quốc và Hà Lan vẫn được phép ghé đến cảng Nagasaki. Người Hà Lan lập thương điếm ở đảo nhân tạo Dejima (Xuất Đảo, tức « đảo xuất khẩu » chỉ rộng khoảng 9000 m2) kế cận cảng này.  Nhờ sự tiếp xúc với người Hà Lan, trong thời kỳ này người Nhật đã tiếp thu được phần nào cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật và công nghiệp của phương Tây. Đó là điều khác hẳn Đại Việt : dưới triều Tự Đức (1847 - 1883), ngay cả sau khi Pháp thôn tính toàn bộ Nam Kỳ (1868), vua quan và tuyệt đại đa số sĩ phu Đai Nam đều mù tịt về Pháp và phương Tây, khiến cho Phan Thanh Giản đã phải than trong bài thơ  « Tự thán »:

Từ ngày đi sứ tới Tây kinh,
Thấy việc Âu Châu phải giật mình.
Kêu gọi đồng bang mau kịp bước,
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin !


Vài tâm đắc về người Nhật

Qua chuyến đi, thú thực tôi bái phục người Nhật ít ra ở hai điều sau đây :

- Người Nhật rất sạch sẽ : dù đi bộ tất nhiều, tôi không thấy ở các hè phố, các bãi đậu xe hay các điểm du lịch… một miếng giấy, một bao thuốc, một túi nhựa… nào trên mặt đất. Tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy khắp nơi đều có bồn cầu được trang bị hệ thống xịt nước để rửa ráy sau khi đại tiện : thực thú vị vô cùng !

- Người Nhật rất kỷ luật : vì họ triệt để tôn trọng luật đi đường, nên tôi chưa thấy một người lái xe nào vượt ẩu hay lái quá nhanh so với tốc độ cho phép  ; ở các ngã tư, dù trên con đường chạy ngang qua trước mặt không có bóng dáng một chiếc xe nào, tất cả những người đi bộ đều đợi cho đến khi hình người chuyển sang màu xanh, mới qua đường. Chính nhờ thế, ở Nhật dường như ít khi bị tắt đường hàng giờ và ít xảy ra tai nạn chết người so với nhiều nước khác; ở những nơi đông người, dân Nhật quen sắp hàng, nên không có cảnh chen lấn bát nháo : tất cà những điều đó dường như rất khác với Việt Nam ta .

Tóm lại, chính nhờ dân tộc Nhật có được nội lực và tinh thần « tự lập, tự cường » rất cao mà Thiên hoàng Minh Trị đã thành công trong công cuộc cải cách khiến cho sau ba mươi năm Nhật đã biến thành một cường quốc ; nhưng vô cùng đáng tiếc là nước này đã dần dà theo đuổi tham vọng đế quốc, quân phiệt, dần dà thôn tính Hàn Quốc, Trung Quốc và, trong thế chiến II, chiếm cứ toàn bộ Đông Nam Á, điên cuồng tấn công ngay cả Mỹ để rốt cuộc phải đầu hàng sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki : một sự kiện vô cùng thảm khốc! Hơn bao giờ hết Việt Nam cần phải nghiền ngẫm về bài học của Nhật (và và của vài nước khác vừa phát triển vừa dân chủ ở Á Đông như Singapour, Hàn Quốc, Đài Loan…), cần phải cấp tốc dốc sức cải cách, canh tân, chủ yếu bằng việc thực hiện ba mục tiêu mà nhà ái quốc Phan Châu Trinh đã đề ra vào đầu thế kỷ 20 : « khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh ». Trong ba mục tiêu đó, có lẽ « chấn dân khí » là quan trọng nhất : thật vậy, chừng nào người mình còn chưa có « chí khí », chưa có tinh thần « tự lập, tự cường », thì chừng đó dân ta chưa « ngóc » đầu  lên được cùng thiên hạ !

Nguyễn Tùng

Chú thích :

1 Papin, Philippe (2001). Histoire de Hanoi. Fayard. tr. 381.

2 Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, Chương 1, Nguyễn Lang, Nxb văn học, 2014
Các






No comments:

Post a Comment