Sunday, March 29, 2020

TT TRUMP GIA HẠN LỆNH CÁCH LY TOÀN QUỐC ĐẾN 30 THÁNG TƯ (Người Việt Online)




NỘI DUNG :

Người Việt Online
.
Nguyễn Đạt Thịnh
.
============================
.
Người Việt Online
Mar 29, 2020

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố gia hạn cách ly toàn quốc đến ngày 30 Tháng Tư, 2020.

Ông cho biết, lệnh cách ly toàn quốc tiếp tục kéo đến ngày 30 Tháng Tư để làm chậm lại sự lây lan COVID-19 và chính phủ sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho người dân Mỹ vào Thứ Ba tới, nhật báo The Washington Post dẫn lời tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc họp báo hôm Chủ Nhật 29 Tháng Ba.

Ông Trump trích dẫn những nghiên cứu cho thấy thời điểm tuần thứ hai của Tháng Tư sẽ là cao điểm của bệnh dịch tại nước Mỹ.

Với tuyên bố trên, Tổng Thống Trump rút lại ý muốn trước đó là mở cửa nước Mỹ trở lại vào Lễ Phục Sinh, 12 Tháng Tư.

Các chuyên gia y tế chính phủ đều khuyến cáo cần kéo dài tình trạng cách ly để ngăn chận tình trạng lây lan.

Hiện nay, Hoa Kỳ đứng đầu thế giới số người bị nhiễm COVID-19.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình “State of the Union” của CNN, sáng chủ nhật, Bác Sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc Gia về Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm (NIAID), đưa ra tiên đoán hàng triệu người dân Mỹ có thể lây nhiễm COVID-19 và từ 100,000 đến 200,000 trong số các bệnh nhân này sẽ thiệt mạng.

Các ổ dịch mới đang thấy xuất hiện ở một số thành phố tại Mỹ như Detroit, New Orleans và Chicago.

Ngay cả khu vực nông thôn các tiêu bang miền Trung Tây báo cáo có nhiều bệnh nhân COVID-19.

Tổng Thống Trump tin rằng nước Mỹ sẽ phục hồi trở lại vào ngày 1 Tháng Sáu. Ông tuyên bố: “Nhiều điều tốt đẹp sẽ xảy ra trong thời gian sắp tới.” (MPL)

-----------------------------

LIÊN QUAN





-------------------------------------------------

Nguyễn Đạt Thịnh
Mar 29, 2020

Một ký giả Mỹ bị COVID-19 tấn công, phải vào bệnh viện trị bệnh; ông viết lại kinh nghiệm đó và được nhiều độc giả quan tâm, thăm hỏi.

Tôi kể lại câu chuyện bằng Việt ngữ dưới đây; chuyện kể lại bắt đầu từ đoạn sau, và cũng từ đó, chữ “tôi” không có nghĩa là tôi nữa.

Một bệnh viện dã chiến chuẩn bị điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại Indio, California hôm 29 Tháng Ba. (Hình: APU GOMES/AFP/Getty Images)

                                                     ***

Ba triệu chứng khởi thủy của bệnh COVID-19 là sốt, không nóng lắm, chỉ luẩn quẩn 101 hoặc 102 độ, mệt đuối, và ngứa ngáy khắp châu thân.

Đang làm việc tại gia, tôi cứ tiếp tục làm, mệt thì ngủ, thì nghỉ; tôi nhờ bác sĩ chẩn bệnh qua video, ông ta bảo có thể tôi đang là nạn nhân của con virus corona; và do tình trạng chưa được thử nghiệm, nên việc chữa trị chỉ giới hạn vào cách nghỉ ngơi và uống nhiều nước.

Dĩ nhiên – như mọi người – tôi cũng sợ con virus corona lắm; tôi mới 45, nói chung chung thì cũng mạnh khỏe, đã bỏ không hút thuốc từ nhiều năm trước, và không thấy có triệu chứng gì rõ rệt là đang vướng vào bệnh dịch COVID-19.

Khoảng một tuần sau, tôi bắt đầu ho; mỗi lần hít không khí vào lồng ngực là cảm thấy nóng ran trong phổi; vị bác sĩ tiên khởi (primary care doctor) qua video, bảo tôi có lẽ tôi bị cảm, và cho tôi thuốc kháng sinh.

Ngày hôm sau, tôi sốt, đi đứng không vững nữa; vợ tôi đưa tôi đến một trạm cấp cứu, tôi được chụp hình quang tuyến X, và được xác nhận là bị viêm phổi. Họ tiêm thuốc chống virus corona, và thử nghiệm COVID-19 cho tôi, nhưng không biết kết quả thử nghiệm, vì tình trạng phòng thí nghiệm bị tràn ngập. Cho đến giờ này tôi vẫn chờ kết quả.

Tôi trở về nhà trong tình trạng khiếp đảm: ngực như cháy bỏng, trong lúc toàn thân ớn lạnh, không thể làm gì khác hơn là nằm yên dưới tấm mền, mà rùng mình, run rẩy. Vị bác sĩ tiên khởi bảo vợ tôi đưa tôi đến E.R. (emergency room -phòng cấp cứu).

Nhân viên cấp cứu bảo tôi tình trạng dưỡng khí và bạch huyết cầu của tôi bình thường; họ cho tôi về nhưng căn dặn là nếu triệu chứng bất ổn gia tăng, phải cấp tốc gọi họ.

Ngày hôm sau tôi sốt đến 103.5 độ; chúng tôi gọi E.R. và họ bảo chúng tôi trở lại. Đêm hôm đó, tôi nằm trong bệnh viện Northern Dutchess Hospital tại Rhinebeck, N.Y.

Đêm đó và ngày kế tiếp, tôi triền miên sống trong chuỗi ác mộng với những mũi chích, những thử nghiệm, rọi kiếng, và mồ hôi. Tôi lơ lửng giữa ý thức và ảo tưởng, trong lúc y tá lấy máu từ khắp nơi trên cơ thể tôi, tiêm thuốc ngừa đặc máu vào bụng tôi; rồi lại chụp quang tuyến X.

Ngày thứ nhì, tôi tỉnh táo hơn, mặc dù vẫn chưa hết khiếp đảm; một bác sĩ – vẻ thân thiện – bảo tôi là bộ thử nghiệm tôi thử tại E.R. ngày hôm qua đã có kết quả – tôi vướng vào bệnh COVID-19, nhưng bộ thử nghiệm mới hôm nay lại tốt. Vị bác sĩ này cho tôi thấy cả hai tấm phim chụp phổi tôi; tấm chụp ngày hôm qua, phổi tôi bị che bởi một lớp mờ, nhưng hôm nay lại rất sáng, rất rõ.

Nhìn 2 tấm phim chụp phổi, tôi chợt nhớ lại cái khoảnh khắc ảm đạm khi tôi ôm đứa con gái 9 tuổi của tôi vào ngực, giã biệt nó trước khi vào nhà thương, mà không tin là còn có ngày gặp lại nó.

Vị bác sĩ thân thiện này bảo tôi là cuộc điều trị được tiếp tục, và ông ta sẽ chích cho tôi một liều thuốc kháng sinh nữa; nếu mũi thuốc không tạo kết quả tốt, tôi sẽ được đưa vào nằm trong khu chăm sóc đặc biệt (intensive care unit). Mất tinh thần, tôi nằm xuống giường trở lại, và mở TV xem, để giải khuây. Trên màn ảnh là một chương trình tin tức của CNN.

Tổng Thống Trump đang bảo ai đó là ông sẽ cho tình hình sinh hoạt quốc gia trở lại bình thường vào ngày Easter – Lễ Phục Sinh.

Nếu vài tuần trước, ngày còn khỏe mạnh, mà nghe ông ta nói như vậy, tôi đã trợn mắt làm hề, tìm cho bằng được một câu bỡn cợt chế nhạo tổng thống, như bảo ông ta cứ yên tâm về Florida, chơi golf trên sân Mar-a-Lago với không khí trong lành của bờ biển mà tự ly cách với nước Mỹ trầm luân trong tai ách COVID-19.

Nhưng kinh nghiệm hiện tại, đang lâm bệnh dịch đó khiến tôi không còn thấy con virus corona là trừu tượng, và là chuyện có thể nói đùa, nói giỡn được nữa.

Tôi ngồi vào máy để viết bài báo này; và hôm nay là ngày thứ 14 tôi bị bệnh COVID-19. Hai tuần lễ vật lộn với con virus Corona quả là khiếp đảm, đau đớn khiếp đảm, và lo sợ cũng khiếp đảm.

Tôi không còn tự chủ được nữa, mọi việc đều do bác sĩ định đoạt; tôi còn khiếp sợ nữa, khiếp sợ trước thế bấp bênh của số phận mình, và của gia đình mình. Tôi nghe thương xót vợ tôi, tội nghiệp đứa con gái của tôi.

Tôi cũng cảm thấy mình nhỏ bé, bất lực, rồi kinh ngạc trước nỗ lực chăm sóc mà tôi nhận được từ các y tá, bác sĩ, kỹ thuật viên, kể cả người lao công chùi nhà, người bếp nấu ăn, người đẩy chiếc xe thực phẩm đến tận giường cho tôi. Mọi người, những người không liên hệ huyết thống, không thân thuộc gì với tôi tận tình giúp đỡ tôi ngày này sang ngày khác, khéo léo, tận tụy và vui vẻ, khích lệ tôi.

Họ quả là can đảm, kiên nhẫn; thái độ của họ làm tôi xúc động. Tôi trách tổng thống vì ông ta coi nhẹ nạn đại dịch COVID-19, coi thường công khó và thành tích của những vĩ nhân vô danh đang ngày ngày chấp nhận nguy hiểm lây lan để chăm sóc tôi và hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn bệnh nhân.

Con virus Corona không nể nang quyền lực chính trị nào cả; mỗi khinh suất đều giúp nó bành trướng thêm vùng tác hại, gây nguy hiểm thêm cho nhiều ngàn nhân mạng nữa. Tôi nghĩ đến ngày những người tốt bụng và vô cùng kiên nhẫn đang chăm sóc tôi bị tràn ngập vì số người bệnh trở thành quá đông đảo, vượt khả năng của họ.

Riêng phần tôi, tôi đang được y dược, và nhân viên y tế cứu sống; tôi không còn nóng lạnh nữa, phổi tôi không còn bị tấn công nữa, ảnh chụp bằng quang tuyến X chứng minh tôi đã thoát nạn, chính tôi cũng cảm thấy sức khỏe đang dần trở lại. Tôi đã nhìn thấy cái ngày tôi được trở về nhà, được đoàn tụ với vợ con tôi.

Tôi tự nhận là mình may mắn, tôi thầm cảm ơn gia đình tôi, bè bạn tôi, cảm ơn cả chế độ lao động bảo vệ tôi, cảm ơn tờ báo tôi phục vụ, và nhất là cảm ơn quy chế bảo hiểm y tế đã giúp tôi trang trải mọi tiện nghi để trị bệnh.

Tôi ý thức được tình trạng đất nước tôi đang cần đấu tranh trong cuộc khủng hoảng này. Tôi còn ý thức được số phận may mắn của mình được chăm sóc bởi những chuyên viên y tế tuyệt vời, ngày ngày đỡ tôi ngồi dạy, giúp tôi ăn, uống, tắm rửa, nghỉ ngơi và bình phục; họ làm tất cả những việc đó với nụ cười thân hữu, và với lời thầm cầu nguyện cho tôi.

Xã hội chúng ta chưa đãi ngộ họ xứng đáng với công khó và thiện chí của họ; tôi nhìn nhận họ cứu sống tôi. Và họ vẫn đang tiếp tục, ngày ngày cứu sống chúng ta.

Cuộc chiến chống tử thần, chống cuộc tấn công của đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục, tôi nghĩ đến nhiều cách đãi ngộ để tri ân những công nhân vô danh, nhưng cũng vô cùng xứng đáng được ưu đãi đó.

Tôi thấy chúng ta có thể tưởng thưởng họ bằng hiện kim, bằng cách cho sinh viên, con cái họ được vay tiền trong thời gian học đại học, và tha nợ cho những sinh viên tốt nghiệp mà vẫn nghèo túng, cung cấp thực phẩm miễn phí cho những công nhân quá nghèo, tổ chức săn sóc thiếu nhi miễn phí để họ yên tâm và rảnh tay phục vụ xã hội.

Tôi cũng đề nghị bành trướng kỹ nghệ Mỹ để cung cấp đầy đủ cho nhu cầu y tế của chúng ta; giờ này chúng ta đang may khẩu trang cho nhân viên y tế, việc làm dù không sớm sủa, nhưng vẫn dễ thương và cao quý.

Tôi còn thấy trên truyền hình, nhiều tin tức về việc các hãng xe hơi đang quay qua nỗ lực sản xuất máy thở dưỡng khí, giúp bệnh nhân hô hấp thoải mái hơn. Việc làm đó quả là đáng khuyến khích, nếu không bị trục lợi.

***
Việc một ký giả lâm bệnh dịch COVID-19, nhận xét về căn bệnh này và viết lên cảm nghĩ của mình đối với bệnh viện và nhân viên y tế, kèm theo việc kỹ nghệ xe hơi tự nguyện sản xuất y cụ quả là một cơ hội tốt, để độc giả suy ngẫm. (Nguyễn Đạt Thịnh)






No comments:

Post a Comment