Friday, March 27, 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 27/03/2020 ( The Economist)




The Economist
Biên dịch : Đỗ Nhật Huy
27/03/2020


Con số ban đầu của những người xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên 3,28 triệu vào tuần trước, từ mức 282.000 của tuần trước nữa, giữa lúc các công ty sa thải hàng loạt công nhân nhằm đối phó với lệnh phong tỏa được ban hành để ngăn chặn covid-19 lây lan. Con số này phá vỡ kỷ lục trước đó là 695.000, chỉ trong một tuần hồi năm 1982.

Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu nhất trí phê duyệt gói kích thích kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ đô la để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch. Các biện pháp bao gồm phát trực tiếp 1.200 đô la cho mỗi người Mỹ kiếm được dưới 75.000 đô la mỗi năm và cung cấp các khoản vay do chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Hạ viện sẽ bỏ phiếu vào hôm nay. Trong khi đó, các nước G20 hứa sẽ bơm 5 nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đang có “những dấu hiệu đáng khích lệ” ở Châu Âu khi số ca tử vong do covid-19 giảm ở một số quốc gia. Ở Tây Ban Nha, 655 người chết vì covid-19, giảm so với 738 của ngày hôm trước. Số ca tử vong do căn bệnh này đã giảm trong bốn ngày liên tiếp ở Ý. Nhưng các thống kê khác cho thấy coronavirus vẫn đang lây lan nhanh chóng. Số ca nhiễm tiếp tục tăng trên khắp các châu lục.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak công bố các biện pháp giúp đỡ người lao động tự do đối phó với hậu quả kinh tế của covid-19, bao gồm khoản trợ cấp lên tới 2.500 bảng Anh (3.000 USD) mỗi tháng. Ngân hàng Anh đã cố gắng xoa dịu những e ngại về khoản nợ gây nên bởi các biện pháp đó bằng cách khẳng định cam kết mua trái phiếu. Thâm hụt ngân sách của Anh có thể tăng gấp ba lên 175 tỷ bảng trong năm nay, theo Viện Nghiên cứu Tài khóa.

Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc ra lệnh cho các hãng hàng không giới hạn số chuyến bay vào nước này nhằm ngăn chặn làn sóng covid-19 thứ hai. Các hãng hàng không nước ngoài chỉ có thể khai thác một chuyến bay vào Trung Quốc mỗi tuần. Các hãng hàng không Trung Quốc chỉ được thực hiện một chuyến bay mỗi tuần đến và đi mỗi nước.

Ấn Độ đã công bố 22,6 tỷ đô la chi tiêu thêm để giúp đỡ những công dân nghèo nhất của họ trong đợt bùng phát covid-19. Tiền sẽ được cho trợ cấp tiền mặt, cũng như các loại lương thực chính như gạo và lúa mì. Nỗi lo về nguồn cung thực phẩm đã dẫn đến cảnh mua tích trữ hoảng loạn sau khi Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố phong tỏa toàn quốc 21 ngày hồi đầu tuần.

Trong một động thái bất ngờ, người đàn ông Úc bị buộc tội giết 51 người trong vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất ở New Zealand đã thay đổi và nhận tội. Brenton Tarrant bị cảnh sát bắt giữ từ tháng 3 năm ngoái, sau khi anh ta thực hiện hai vụ xả súng hàng loạt vào các nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch giữa các buổi cầu nguyện thứ Sáu.

TIÊU ĐIỂM

Nhu cầu máy thở trên toàn cầu tăng đột biến
Các nhà khoa học, kỹ sư và công ty trên khắp thế giới đang cố gắng đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về máy thở. Các nhà sản xuất đang làm việc hết công suất. Hamilton Medical, một công ty Thụy Sĩ, hy vọng sẽ tăng gấp đôi sản lượng lên 400 máy mỗi tuần sau khi tăng cường nhân viên văn phòng vào dây chuyền sản xuất. Tại Ý, các kỹ thuật viên quân đội đang giúp đỡ Siare Engineering đẩy mạnh sản xuất. Ở Mỹ, Ventec Life Systems đang hợp tác với General Motors. Ở Anh, một số công ty đang tiến hành các dự án, bao gồm nhà sản xuất thiết bị điện tử gia dụng Dyson, bên được chính phủ đặt tới 10.000 máy thở hãng vừa phát triển được.

Giới nghiên cứu cũng đang cố gắng sáng  tạo xoay sở, và những người khác đang sản xuất các phiên bản tự chế. Song có những rủi ro. Máy thở cần phải an toàn và đáng tin cậy. Trong tay những người nghiệp dư, chúng có thể nguy hiểm hơn chính virus. Do đó, các kỹ sư Tây Ban Nha chế tạo máy thở nguồn mở sử dụng động cơ kính chắn gió khẳng định chỉ dùng nó khi không còn biện pháp nào khác.

Phát thải giảm do covid-19 và cơ hội cho bảo vệ môi trường
Thát thải khí nhà kính của Anh tiếp tục giảm trong năm 2019, dựa theo số liệu tạm thời được công bố hôm nay, phần lớn là nhờ vào việc nước này tiếp tục giảm sản xuất điện từ than. Mức phát thải giảm của ngành điện cũng xảy ra ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, dẫn đến giảm phát thải toàn cầu trong hai năm. Việc các chuyến bay bị hủy và phong tỏa do covid-19 – khiến người dân phải làm việc tại nhà và các nhà máy phải đóng cửa – gần như chắc chắn sẽ khiến khí thải toàn cầu giảm vào năm 2020.

Đây có thể là cơ hội để đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa thành nền kinh tế xanh hơn, nhưng chỉ khi các chính phủ, hiện đang tìm cách kích thích tăng trưởng, quyết định chi tiền thúc đẩy các lĩnh vực thân thiện với môi trường như năng lượng tái tạo, giao thông xanh và các công nghệ giúp hút CO2 ra khỏi khí quyển. Họ đã không làm được điều này sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, góp phần kéo dài cuộc khủng hoảng khí hậu. Người ta chỉ có thể hy vọng các lãnh đạo sẽ có tầm nhìn xa hơn lần này.

Người Brazil ngó lơ tổng thống và tự mình chống dịch
Người Brazil trên khắp đất nước sẽ tiếp tục gõ nồi và chảo trong đêm thứ 11 liên tiếp để phản đối lối xử lý sai lầm cuộc khủng hoảng coronavirus của Jair Bolsonaro. Các cuộc biểu tình bắt đầu sau khi tổng thống bác bỏ những quan ngại là “quá mức”. Tuy nhiên, 23 người đã cùng ông đến khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Donald Trump ở Florida trong tháng này đều đã có kết quả dương tính, trong khi Brazil ghi nhận 2.611 ca nhiễm và 63 trường hợp tử vong (xét nghiệm đang thiếu do đó con số thực sự có thể cao hơn nhiều).

Bộ trưởng y tế Luiz Henrique Mandetta lo ngại hệ thống y tế công cộng sẽ “sụp đổ”; giường chăm sóc đặc biệt gần như kín chỗ ngay cả trước khi dịch bùng phát. Các thống đốc đã tiến hành phong tỏa trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của covid-19, bỏ qua yêu cầu mở lại các trường học và cửa hàng của ông Bolsonaro. Việc chặn dịch sẽ khó khăn nhất ở các khu ổ chuột, nơi hàng triệu người thiếu nước sinh hoạt và không có việc làm chính thức. Một số kẻ buôn bán ma túy đã áp đặt lệnh giới nghiêm. “Nếu chính phủ không thể, thì tội phạm có tổ chức sẽ làm”, một băng nhóm đã cảnh báo trên WhatsApp.

Người Ý mong đại dịch sớm qua
Hôm nay người Ý sẽ hồi hộp theo dõi sự xác nhận rằng dịch Covid 19 ở Ý đang đến gần bước ngoặt. Dù vậy thực tiễn lại không như ý. Số ca nhiễm mới tăng trong ngày đạt mức cao nhất là 6.557 vào thứ Bảy tuần trước. Nhưng con số 6,153 của ngày hôm qua chẳng thấp hơn là bao. Các nhà dịch tễ học cảnh báo rằng dù sao đây cũng là một thước đo đáng nghi ngờ: gia tăng số ca nhiễm có thể chỉ phản ánh số lượng xét nghiệm tăng (và đúng là xét nghiệm đã tăng lên gần đây).

Một con số đáng tin cậy hơn, số người nhiễm bệnh trong các bệnh viện, tiếp tục tăng (và ngày hôm qua vẫn tăng mạnh), gây áp lực ngày càng lớn lên các dịch vụ y tế địa phương của đất nước. Phần lớn các tin xấu đến từ khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vùng Bologna. Thống đốc Bologna Attilio Fontana thừa nhận ông quan ngại về tình hình này. Để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus, chính phủ ở Rome đã đồng ý vào ngày 24 tháng 3 rằng sẽ áp dụng các hình phạt mạnh tay hơn đối với những người vi phạm lệnh phong tỏa, từ 400 euro lên 3.000 euro.

Chính trị Kosovo và covid-19
Khi covid-19 lan khắp Balkan, các chính phủ đã phản ứng, như mọi nơi khác, bằng cách tạm ngưng hoàn toàn cuộc sống bình thường. Mặc dù vậy, người Kosovo đã rất kinh hoàng khi các chính trị gia sử dụng các lập luận về virus này như một công cụ trong cuộc chiến quyền lực để hạ bệ chính phủ vào thứ Tư. Virus khiến một cuộc bầu cử nhanh không thể diễn ra, do đó từ đây nhiều tuần tranh cãi chính trị sẽ bắt đầu.

Tổng thống Hashim Thaci, được hậu thuẫn bởi chính quyền Donald Trump, đang mâu thuẫn với Albin Kurti, thủ tướng tạm quyền. Ông Thaci muốn ký một thỏa thuận với Serbia, và Hoa Kỳ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Kosovo vì thủ tướng từ chối tuân thủ các yêu cầu từ Washington. Được ủng hộ bởi các cường quốc châu Âu, ông Kurti từ chối một thỏa thuận mà ông cho rằng có liên quan đến việc hoán đổi lãnh thổ. Ông đã từng muốn sử dụng thời gian tại nhiệm để tống càng nhiều càng tốt những chính trị gia tham nhũng lớn tuổi vào tù. Song chính phủ của ông chỉ kéo dài 51 ngày.

----------------------------------------

Có Thể Bạn Quan Tâm:






No comments:

Post a Comment