Monday, March 2, 2020

HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ : MỘT ĐỜI TRANH ĐẤU (Trần Phương - Luật Khoa)






01/03/2020

“Rồi ngày đó sẽ đến, ngày mà chính quyền không thể bịt miệng tất cả mọi người. Nhân dân sẽ vùng dậy như nước vỡ bờ, khi đó đất nước sẽ phải thay đổi, và một quá trình dân chủ sẽ bắt đầu” – Hòa thượng Thích Quảng Độ, tháng Tư năm 2006.

*
Bài viết có nhiều đoạn trích dẫn lời hoặc văn thư của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Một số đoạn có thể khó hiểu, quy cách trình bày có thể không thống nhất với các phần khác. Tác giả và Luật Khoa giữ nguyên văn để tôn trọng bản gốc.

*

                               Thích Quảng Độ

Tên khai sinh là Đặng Phúc Tuệ.
Sinh ngày 27/11/1928 trong một gia đình có ba anh em tại xã Thanh Châu, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Xuất gia vào năm 14 tuổi (1942) tại chùa làng Thanh Lam, tỉnh Hà Đông, nay là thành phố Hà Nội.
Viên tịch vào tối ngày 22/02/2020 tại chùa Từ Hiếu, thành phố Hồ Chí Minh.

Chân dung Thích Quảng Độ, ảnh chưa rõ năm chụp. Ảnh: Phật Tử Việt Nam.

Mấy tháng đầu năm 1945, nạn đói lan rộng khắp miền Bắc làm hai triệu người chết. Lúc đó, Sa di Thích Quảng Độ 18 tuổi đang tu tập ở tỉnh Hà Đông dưới sự chỉ dạy của Hòa thượng Thích Đức Hải.

Rất lâu sau này, năm 1992, ông đã kể về ký ức của buổi đầu đi tu:

“Năm Ất Dậu (1945) dân đói lắm, nhất là hai tỉnh Thái Bình, Nam Định, người chết đói nằm ngổn ngang đầu đường. […] Lúc đó thầy tôi đang ở chùa làng Thanh Sam […] nghe người ta nói thương tâm lắm, thầy tôi bèn ra thị xã Hà Đông, lập hội cứu tế giúp người đói, lúc ấy là tháng Ba năm 1945. Thầy tôi mở một khu trại và đưa người đói về đó để nuôi. Bấy giờ thầy tôi có nhờ ông Hồ Đắc Điềm là tổng đốc Hà Đông, can thiệp với người Nhật xin một số gạo để cứu đói. Hội đã cứu được nhiều người qua cơn đói”. [2]

Một thiếu phụ và ba anh em một gia đình khác ở Thái Bình trong nạn đói 1945. Đây là nạn đói được biết là do người Nhật và người Pháp gây ra ở miền Bắc với tổng số người chết khoảng hai triệu người. Ảnh: Võ An Ninh.

Ngay sau thảm họa ấy, Cách mạng tháng Tám bùng nổ, nhân lúc lòng dân còn căm phẫn vì nạn đói do ngoại quốc gây ra, Việt Minh đã lùng bắt Việt gian và những ai làm việc cho người Nhật, Pháp, rồi xử tử để phô trương thanh thế. Sư phụ của Thích Quảng Độ bị cho là Việt gian.

Ông kể trong một bức thư ngỏ gửi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười vào năm 1994:

”Lúc 10 giờ sáng ngày 19/8/1945 […] khi tôi nhìn sư phụ tôi, hai tay bị trói bằng dây kẽm quặt về phía sau, cổ đeo hai tấm biển viết mấy chữ ‘Việt gian bán nước’, […] hai bên một đoàn người tay cầm gậy gộc giáo mác, cu liêm bồ cào đứng canh gác. Một nhóm người mệnh danh là quan tòa của Tòa án Nhân dân đứng trên thềm […] bắt sư phụ tôi quỳ xuống sân đình và cúi đầu nghe tòa luận tội. […] Lập tức họ tuyên án tử hình rồi đưa sư phụ tôi ra bãi cỏ trước đình, máu từ miệng sư phụ tôi tiếp tục chảy ra [do bị đấm]. Khi đến bãi cỏ, họ vật sư phụ tôi nằm nghiêng xuống rồi một người bắn vào màng tai sư phụ tôi ba phát súng lục, lại một dòng máu đỏ tươi phun lên thẳng tắp và sư phụ tôi chết liền tại chỗ”. [3]

Trong sự đau đớn tột cùng trước hình ảnh người thầy bị xử tội, “tôi đã thề sẽ chiến đấu với sự cuồng tín và không khoan dung, và cống hiến cả cuộc đời mình cho việc theo đuổi công lý thông qua những lời dạy của Phật giáo về bất bạo động, khoan dung và từ bi”. [4]

Năm 1947, Thích Quảng Độ thọ giới Tỳ kheo. Sau một thời gian tu học ở Phật học viện Quán Sứ tại Hà Nội, năm 1951, Hòa thượng Thích Tố Liên đã cử ông đi học ở Sri Lanka [5]. Cùng năm đó, các hội Phật giáo toàn quốc được thống nhất dưới sự lãnh đạo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam đặt trụ sở tại chùa Từ Đàm (Huế). [6]

Sau khi ở Sri Lanka, ông sang tiếp Ấn Độ để tu học vào năm 1953. Một năm sau, đất nước chia đôi, Tổng hội Phật giáo Việt Nam bị chia cắt, các giáo phái, hội đoàn Phật giáo tiếp tục hoạt động riêng lẻ, một số hội Phật giáo miền Bắc chuyển vào Nam.

Trong khi chờ ngày Tổng tuyển cử tự do, Hiệp định Gienevè lấy vĩ tuyến 17 chia đôi Việt Nam thành hai vùng quân sự, người dân mỗi bên có quyền di cư về phía bên kia. Khoảng hơn 800.000 người miền Bắc đã di cư vào miền Nam theo số liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Trong ảnh, một cảnh người miền Bắc di cư vào miền Nam. Ảnh: LIFE.

Năm 1958, Thích Quảng Độ, 30 tuổi, thông thạo Anh văn và Hán văn, trở về Sài Gòn để dạy học và dịch kinh sách [7], khi đó Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã chuyển vào chùa Ấn Quang, Sài Gòn, các giáo phái, hội đoàn Phật giáo vẫn hoạt động riêng lẻ. [8]

Cuối năm 1961, các phật tử và các nhà sư ngày càng bị chính quyền Sài Gòn chèn ép tôn giáo quá đáng. Nhiều nơi cấm phật tử sinh hoạt tôn giáo, bắt bỏ đạo. Vào tháng Tư năm 1963, không chịu nổi sự đàn áp khi lễ Phật Đản gần kề, các nhà sư ở Huế đã tuyên bố đối đầu với chính quyền, mở ra một cuộc tranh đấu sôi nổi của Phật giáo. [9]

Tăng ni, phật tử xô xát với cảnh sát ở Sài Gòn để phản đối chính sách đàn áp của chính quyền. Các lãnh đạo Phật giáo đã yêu cầu chính quyền tôn trọng giáo kỳ Phật giáo, đối xử công bằng, tự do truyền đạo và hành đạo, ngừng đàn áp phật tử và bồi thường cho những ai đã thiệt mạng. Ảnh: HORST FAAS/AP.

Để vượt qua pháp nạn, tháng Năm năm 1963, một uỷ ban liên kết 11 giáo phái, hội đoàn được thành lập đặt trụ sở ở chùa Xá Lợi (Sài Gòn), Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Ủy ban gồm 19 người do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết là lãnh đạo tối cao, trong đó Thích Quảng Độ làm uỷ viên ngoại giao. [10]

Ủy ban này đã tổ chức biểu tình, tuyệt thực với quy mô lớn. Thích Quảng Độ đã xuống đường cùng hàng nghìn tăng, ni, phật tử để chiến đấu vì đạo pháp. Chính quyền thẳng tay trấn áp. Nhiều nhà sư đã tự thiêu để đòi hỏi giải quyết năm nguyện vọng của Phật giáo. Hàng chục người đã bỏ mạng khi xô xát với cảnh sát. Cuộc xáo động kéo dài đến hàng tháng trời, làm xúc động dư luận thế giới.

Thích Quảng Độ, 35 tuổi, đương giải thích về cuộc tranh đấu của Phật giáo trước tăng ni, phật tử, sinh viên và cảnh sát. Ảnh: Phật giáo tranh đấu (Quốc Oai).

Ngày 20/08/1963, Thích Quảng Độ bị chính quyền bắt giữ trong “chiến dịch nước lũ” nhằm bố ráp đồng loạt các chùa để bắt những người lãnh đạo. Ông bị tra tấn ở trại giam. Trong khi bị cầm tù, ông bí mật nhận được các bài báo tiếng Anh rồi gửi lại các bản dịch tiếng Việt ra ngoài, các bài viết này được in lại trên các tờ báo Phật giáo để động viên tinh thần tranh đấu của tăng, ni, phật tử. [11]

Xung đột kéo dài giữa chính phủ và Phật giáo đã khiến Phái đoàn Điều tra của Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam vào ngày 24/10/1963. Một tuần sau đó, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát và Phật giáo giành được thắng lợi. Thích Quảng Độ được trả tự do nhưng mang trọng bệnh vì bị tra tấn. [12]

Ngay sau pháp nạn 1963, một số nhà sư có thanh thế lúc đó nhân lúc ngọn lửa đoàn kết trong lòng các tăng, ni còn đang hừng hực đã kêu gọi thống nhất Phật giáo một lần nữa.

Quang cảnh khai mạc Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam ở chùa Xá Lợi vào ngày 31 tháng 12 năm 1963, ở bên ngoài ngôi chùa hàng nghìn phật tử đã tập trung để ủng hộ sự đoàn kết của Phật giáo. Ảnh: từ sách Cuộc tranh đấu lịch sử của Phật giáo.

Đến đầu năm 1964, Đại hội Thống nhất Phật giáo kết thúc. Mười một giáo phái, hội đoàn được thống nhất dưới tên gọi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), đặt trụ sở tại Việt Nam Quốc Tự (bắt đầu được xây dựng). Giáo hội đã thông qua hiến chương do Thích Trí Quang biên soạn [13]. Giáo hội đặt dưới sự trông coi của Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo.

Chỉ hơn hai năm sau khi thống nhất, năm 1966, giáo hội bắt đầu bị chia rẽ trong căng thẳng. Đó là mâu thuẫn giữa khối chủ trương tranh đấu quyết liệt nhằm can thiệp chính trị là khối Ấn Quang do Thích Trí Quang lãnh đạo với lực lượng áp đảo, khả năng tổ chức vượt trội, còn bên kia là khối chủ trương ôn hòa, Việt Nam Quốc Tự, chỉ tranh đấu cho tự do tôn giáo do Thích Tâm Châu lãnh đạo.

Thích Trí Quang (trái) và Thích Tâm Châu ngồi trong một tu viện ở Sài Gòn vào ngày 09/04/1966 để tuyên bố với báo giới về việc thành lập Uỷ ban lập hiến sớm nhất để tổng tuyển cử một chính quyền dân sự. Ảnh: AP.

Tháng 10/1966, khối Ấn Quang tự thành lập Viện Hóa Đạo riêng với ba giáo phái, hội đoàn. [14]

Sang năm 1967, khối Việt Nam Quốc Tự triệu tập đại hội với tám giáo phái, hội đoàn để sửa đổi hiến chương vì cho rằng hiến chương 1964 muốn tiêu diệt quyền tự chủ của các giáo phái, hội đoàn. Từ đây, mâu thuẫn càng trầm trọng khi chính quyền công nhận hiến chương sửa đổi. Trong năm 1967, khối Ấn Quang tổ chức hàng loạt các cuộc biểu tình quy mô, mang bàn Phật xuống phố để phản đối chính phủ và khối Việt Nam Quốc Tự. Các hoạt động của khối Ấn Quang bị chính quyền cho “làm loạn” nên đã trấn áp và sau đã cáo lỗi với các tăng ni, phật tử nói chung vì phải đảm bảo trật tự xã hội.

Không chỉ xuống đường, khối Ấn Quang còn tổ chức nhiều hoạt động gây chú ý như mang bàn Phật ra đường, tuyệt thực và một số hành động đến nay vẫn đang gây tranh cãi là đi ngược lại tinh thần của đạo Phật. Ảnh: LIFE

Theo Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Nam Thống nhất, Thích Quảng Độ làm Phát ngôn nhân kiêm Thanh tra của Viện Hóa Đạo vào năm 1972 và được cử làm Tổng Thư ký của cơ quan này vào 1974.

Hai khối Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự với chủ trương hoạt động khác nhau vẫn duy trì xung đột cho đến ngày 30/4/1975.

Từ khi về Sài Gòn cho đến năm 1975, Thích Quảng Độ đã giảng dạy tại Viện Đại học Vạn Hạnh, Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Viện Đại học Hòa Hảo (An Giang), Giáo Hoàng Học viện Piô X (Đà Lạt) và các phật học viện khác [15]. Ông cũng đã biên dịch nhiều kinh, sách về Phật giáo.

Ngay sau khi kiểm soát miền Nam, phe chiến thắng để lập tức trấn áp toàn bộ tôn giáo, đưa các chức sắc vào trại cải tạo, đập phá tượng Phật, tịch thu các tài sản của các giáo phái, hội đoàn.

Tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Uỷ ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định tổ chức họp báo quốc tế ngày 8/5/1975. Nguồn: Herve GLOAGUEN/Gamma-Rapho via Getty Images.

Thích Quảng Độ đã chứng kiến những gì phe chiến thắng làm với Phật giáo. Ông kể trong một bài phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do năm 2015:

“30/4/1975, Cộng sản đã cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam. Toàn dân Việt Nam bị nô lệ hoá về một chính sách phi nhân, tàn bạo, hận thù và bất bao dung tôn giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi cũng bị tước đoạt pháp lý 2000 năm, các vị lãnh đạo Giáo hội bị đàn áp khốc liệt, 12 Tăng Ni chùa Dược Sư đã tự thiêu”. [16]

“Cuộc điều tra vụ mười hai tăng ni tự thiêu [có người chỉ mới 14 tuổi] tại tỉnh Cần Thơ để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo mà cộng sản định gán cho [trụ trì] đại đức Thích Hậu Hiền tội làm chỉ điểm cho Mỹ Ngụy và tội hủ hóa [dâm ô với các ni cô] để khiến cho cái chết của mười hai vị tăng ni trở thành vô nghĩa, nhưng mưu đồ ấy đã thất bại, vì tôi đã không ký vào biên bản đúc kết để hợp pháp hóa cho mưu đồ ấy của họ.

[…] Ngày 3-3-1977 đã đến điểm cao nhất khi cộng sản đến chiếm dụng cô nhi viện Quách Thị Trang […], giật tấm bảng mang danh hiệp GHPGVNTN và liệng xuống lề đường. Ngay 11 giờ hôm ấy, nhanh danh tổng thư ký Viện Hóa Đạo, tôi đã ký một thông tư kêu gọi tăng ni sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đạo pháp và danh dự Giáo hội.

Đến ngày 6-4-1977, thượng tọa Huyền Quang và tôi cùng một số vị khác bị bắt vào nhà tù Phan Đăng Lưu ở Bà Chiểu Gia Định. Ít lâu sau, tôi được biết cố thượng tọa Thích Thiện Minh cũng bị bắt và đã chết một cách bí ẩn tại sở Công an Sài Gòn”. [17]

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, Hòa thượng Thích Thiện Minh đã chết trong trại tạm giam vào tháng 10/1978. [18] Đến nay nhà nước Việt Nam vẫn chưa công bố về cái chết của ông trong trại giam số 4, đường Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh.

Chân dung Hòa thượng Thích Thiện Minh. Hòa thượng Thích Thiện Minh đã chết trong trại tạm giam vào tháng 10 năm 1978. Đến nay nhà nước Việt Nam vẫn chưa công bố về cái chết của ông trong trại giam số 4, đường Phan Đăng Lưu, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoavouu.com.

Tiếp đến, bảy người của khối Ấn Quang, trong đó có Thích Quảng Độ bị đưa ra xét xử vào tháng 12 cùng năm. [19]

Bảy người họ đã bị buộc nhiều tội: lợi dụng tôn giáo nhằm phá hoại an ninh quốc gia, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, và hoạt động nhằm chống cách mạng. Dưới áp lực quốc tế, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Hòa thượng Thích Thanh Thế được trắng án [20]. Cùng năm, ông và Hòa thượng Thích Huyền Quang được đề cử Giải Nobel Hòa bình. [21]

Đến năm 1980 – 1981, ông cùng các hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Đức Nhuận và một số người khác không đồng ý với số còn lại của khối Ấn Quang vốn chủ trương hợp tác với nhà nước thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho phép Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của giáo hội.

Chỉ trong một ngày, chính quyền đã thống nhất được các tăng ni, phật tử trên cả nước qua Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam vào ngày 7 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kể từ khi Giáo hội Phật giáo được nhà nước thành lập thì GHPGVNTN với lịch sử thống nhất từ năm 1951 trở nên bất hợp pháp cho đến hôm nay. Hòa thượng Thích Quảng Độ kể:

“Kể từ ngày cố Hòa thượng Trí Thủ được bầu làm trị sự trưởng của Giáo hội nhà nước [chính là Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay] thì GHPGVNTN không còn viện trưởng Viện Hóa Đạo. Không có viện trưởng thì phó viện trưởng lên quyền viện trưởng cho đến khi có Đại hội bầu lại  […]. Do đó, thượng tọa Huyền Quang là đệ nhất phó viện trưởng lên làm quyền viện trưởng và chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc Giáo hội [Phật giáo Việt Nam Thống Nhất] như thường”.

“Lúc bốn giờ chiều ngày 24-2-1982, tôi nhận được một văn thư của sở Công an thành phố, ngoài bì để ‘hỏa tốc’. Tôi mở ra xem thì biết tôi được ‘mời’ đến sở Công an.

Đúng 8 giờ [hôm sau], tôi tới sở Công an, được đưa đến một căn phòng ngồi chờ và có hai anh công an đồng phục mang súng lục đứng canh gác. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, chắc họ cho là khủng bố thế đã đủ, tôi được đưa vào gặp ông Quang Minh. Ông ta nói: “Ông làm việc tôn giáo cũng là làm chính trị (!), chúng tôi sẽ có thái độ với ông.” Thế rồi khoảng năm phút sau, ông Quang Minh đứng dậy đọc bản quyết định, […] trục xuất tôi ra khỏi thành phố”. [22]

Trong mười năm sau đó, Thích Quảng Độ đã sống cô đơn dưới sự canh giữ của công an ở Thái Bình: “Tôi đã bị cộng sản […] lưu đày tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình từ ngày 25.2.1982 vì tội ‘làm việc tôn giáo cũng là làm chính trị’”. [23]

Thích Quảng Độ và Thích Huyền Quang trong một tấm ảnh chưa rõ năm chụp, có thể là trong thời gian Thích Huyền Quang bị lưu đày ở Bình Định. Hòa thượng Thích Huyền Quang sinh năm 1919, xuất gia ở Bình Định từ năm 13 tuổi. Theo GHPGVNTN, ông bị giam giữ tại các chùa cho đến khi viên tịch. Ảnh: chưa rõ nguồn.

Cuối những năm 1980, Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi Mới, kinh tế bao cấp, hợp tác xã dần chuyển sang kinh tế thị trường. Lúc đó, các nhà sư đã nghĩ rằng cơ hội tranh đấu cho tự do tôn giáo đã đến.

Cuối năm 1991, Hòa thượng Thích Đôn Hậu sắp lìa đời đã để lại di chúc kêu gọi khôi phục GHPGVNTN, phục hoạt hiến chương giáo hội năm 1964 tu chính năm 1973 [24]. Ông nhắc lại các chức vụ, trong đó Hòa thượng Thích Huyền Quang giữ quyền viện trưởng Viện Hóa Đạo và Thích Quảng Độ làm tổng thư ký của viện.

Đàn áp tôn giáo ngày càng tồi tệ, trong hai năm 1992 và 1993, các nhà sư ở đồng bằng sông Cửu Long đã tự thiêu mình để đòi tự do tôn giáo dẫn đến những cuộc biểu tình khổng lồ ở Huế nhưng bị chính quyền trấn áp và che giấu thông tin. [25]

Ngày 21 tháng Năm năm 1992, một người đàn ông đã tự thiêu ở chùa Thiên Mụ dẫn đến trụ trì Thích Trí Tựu bị tạm giữ. Rất nhanh sau đó, hàng nghìn tăng ni đã biểu tình náo động cả thành phố, xe chính quyền bị đốt. Ảnh: Nicolas Cornet.

Sau khi bị lưu đày 10 năm ở Thái Bình, năm 1992, ông tự ý trở về miền Nam sau một tháng thông báo cho chính quyền về kế hoạch của mình:

“Đến ngày 10.2.1982 thì mẹ tôi cũng bị cộng sản bắt đưa ra xã Vũ Đoài để đày cùng với tôi không biết vì tội gì, và mẹ tôi đã chết một cách thê thảm vào […] tháng 1 năm 1985 vì quá thiếu thốn và rét mướt. Còn lại một mình tôi, tôi thấy không thể để cho mình cứ tiếp tục bị đày ải một cách vô tội, vô thời hạn, vô lương tâm, nên ngày 22.3.1992 (tức đã bị đày 10 năm 27 ngày), sau khi báo cho bộ Công an ở Hà Nội biết, tôi đã trở về Sài Gòn và đến nơi vào ngày 25.3.1992. [26]

Tôi về Miền Nam vào năm 1992, tôi tiếp tục làm bộ từ điển [Phật Quang] và đến 1994 thì tôi có gửi cho ông Đỗ Mười một tập nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật Giáo Việt Nam. Sau đó tôi ra tôi đi cứu trợ”. [27]

Tháng 11/1994, đồng bằng sông Cửu Long chìm đắm trong trận lũ bất ngờ làm khoảng 400 người chết. Đại diện GHPGVNTN, Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng với các tăng sĩ, cư sĩ đã tham gia cứu trợ đồng bào nhưng sau đó đã bị bắt.

“Vào mùng 4 Tháng Giêng 1995 họ bắt [tôi] giam ở trại giam trên đường Nguyễn Văn Cừ ở giữa Sài Gòn này. Tôi với Hòa Thượng Không Tánh là mỗi người 5 năm tù giam, 5 năm quản chế”. [28]

Thích Quảng Độ trong phiên tòa vào tháng Tám năm 1995 tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Hòa thượng Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực và hai Cư sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường. Ảnh: Phật tử Việt Nam.

“Tôi ở tù thì cũng nhàn lắm chứ có sao […]. Ở đâu thì cũng ăn cũng làm việc thôi […]. Trước khi vào tù thì tôi đã vận động, […] xin đưa theo bộ từ điển Phật Quang mà tôi đang làm dở dang.

Tôi làm hết [bộ từ điển] ở trong tù cho đến lúc được đặc xá 02/09/1998 thì về nhưng họ lại không trả gần một trăm tập mà tôi đã dịch rồi […]. Họ bắt phải làm đơn xin. 

Vô lý! Việc gì phải xin. Nếu như thế thì tôi không xin đâu, các ông để lại mà dùng, tôi về tôi làm lại. Thế là tôi về tôi phải làm lại mất 2 năm trời. Làm lại, tôi không xin ai hết. Xin phải hợp lý cơ. Như mình đói mình đi xin ăn, người ta cho thì mình cảm ơn. Còn cái này của mình mà họ giữ chứ mình đâu có gửi”. [29]


Thích Quảng Độ, 70 tuổi, ảnh chụp sau khi ông ra tù năm 1988 ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: AFP.

Đầu năm 1999, ông ra Quảng Ngãi thăm Hòa thượng Thích Huyền Quang đang bị lưu đày chỉ trong ba ngày. Cũng trong năm đó, ông trở thành viện trưởng Viện Hóa Đạo của GHPGVNTN.

Sau chuyến đi Quảng Ngãi, ông bị công an thẩm vấn. Tháng Hai năm 2001, ông chính thức bị giam giữ tại nhà do chống lệnh quản chế. [30]

Sau chuyến đi đó, ông đã nói với báo chí rằng: “Tôi sẽ còn tiếp tục nói to, nói lớn, nói mạnh hơn nữa cho tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, để trong và ngoài nước nghe thấu lời kêu gọi của Giáo hội mà hậu thuẫn cho nhân quyền và dân chủ được thực hiện”. [31]

Năm 2001, ông ra lời kêu gọi dân chủ cho Việt Nam đến tất cả các đồng bào trong nước và hải ngoại cũng như chính quyền Việt Nam:

“Thế mà ngày nay, trong khi các nước trong thế giới ra công phát triển ngày càng cường thịnh, tự do, dân chủ, thì nước ta ngày càng bại liệt, nghèo khốn, nhân dân bị bức bách, chà đạp. […]

Thảm họa ấy cứ kéo dài, nuôi dưỡng bởi ba sự trạng: chính quyền tự thị, bất chấp ý kiến của người khác, đưa tới xu thế độc đảng chuyên quyền; chính quyền ly khai dân, bất chấp những đòi hỏi thiết tha cho nhân quyền và dân quyền, đưa tới chế độ độc tài ác liệt; chính quyền lệ thuộc nước ngoài, từ ý thức hệ đến cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, làm đảo lộn xã hội và nhân văn Việt […] làm suy thoái đạo đức và suy liệt quốc gia”. [32]

Tháng 10/2003, sau khi nhà nước bỏ lệnh quản chế, Thích Quảng Độ đã mạo hiểm đưa Thích Huyền Quang từ Bình Định vào thành phố Hồ Chí Minh để chữa bệnh. Trên đường đi, chuyến xe chở hai người bị công an giữ lại trên Quốc lộ 1A vì bị cho là mang theo bí mật nhà nước [33], khoảng 200 tăng, ni và hơn 1.000 phật tử từ các ngôi chùa lân cận đã biểu tình để bảo vệ hai người. [34]

Hòa thượng Thích Quảng Độ thăm Hòa thượng Thích Huyền Quang đang nằm vào năm 2006. Hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch vào ngày 05/07/2008 tại tu thiện Nguyễn Thiều, tỉnh Bình Định. Ảnh: Phật tử Việt Nam.

Năm 2006, ông được trao hai giải thưởng vì sự nghiệp nhân quyền là Giải tưởng niệm Thorolf Rafto của Na Uy và Giải Can đảm vì Dân chủ do Phong trào Dân chủ Thế giới trao tặng. Chính quyền Việt Nam cấm ông ra nước ngoài nhận các giải thưởng.

Năm 2007, GHPGVNTN đã tương trợ dân oan, những người đi khiếu kiện lâu năm về đất đai qua Quỹ Cứu tế dân oan.

Và để triệt hạ những gì chính quyền không thích, chính quyền đã mở chiến dịch quen thuộc là dùng báo chí để bôi nhọ ông và GHPGVNTN.

Các tờ báo từ Nhân dân đến Tuổi Trẻ đã gọi ông là “kẻ lợi dụng tôn giáo”, “kích động người dân”, “lấy oán báo ơn”, “ngựa quen đường cũ”, “cơ hội chính trị”…

Cùng năm 2007, ông trả lời đài Al Jazeera qua video trong khi bị cấm tiếp xúc với báo chí: [35]

VIDEO :

“Chúng tôi là tù nhân trên quê hương của mình, nơi mà chính quyền quyết định ai có quyền nói và ai phải ngậm miệng lại. Ngay trong lúc này, tôi vẫn còn đang bị giam giữ ở Thiền viện Thanh Minh, Sài Gòn. Cảnh sát mật đang theo dõi tôi ngày đêm, không cho tôi đi lại. 

Tôi đã bị chế độ cộng sản đàn áp liên tục từ năm 1975. Bản thân tôi không sợ bất cứ điều gì vì tôi tranh đấu cho lẽ phải.

Ngày hôm nay chúng tôi không có đảng đối lập, không có tự do báo chí, các tôn giáo độc lập đều bị đàn áp, những ai đòi cải cách chính trị, dân chủ và nhân quyền đều có thể bị bắt ngay lập tức.

Chúng tôi phải có đa nguyên chính trị, quyền bầu cử tự do, quyền lựa chọn hệ thống chính trị […]. Tóm lại, chúng tôi phải có quyền định đoạt tương lai và số phận của chúng tôi”.

Từ năm 2001, Hòa thượng Thích Quảng Độ bị giam giữ tại chùa Thanh Minh với lực lượng công an canh gác nghiêm ngặt nhằm cô lập ông với thế giới bên ngoài, hoạt động của giáo hội rất khó khăn. Các chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới đã thường xuyên tìm cách đến thăm ông. Ảnh: Clochers & Lieux de culte.

Năm 2012, nhân lúc gặp Đại sứ Úc tại Việt Nam, ông đã trao đổi quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông:

“Việt Nam đã mất một phần rồi, đảo Hoàng sa, 8 đảo ở Trường Sa. Bây giờ Trung Quốc đã lập Trung tâm huyện Tam Sa rồi, rồi đặt cơ quan hành chính, quân sự để mà điều khiển cái vùng biển đó. […] Bây giờ chỉ có cái mong muốn là làm thế nào để dân chủ hóa được Việt Nam để rồi liên kết với tất cả các nước dân chủ trên thế giới. […] Còn riêng Việt Nam bây giờ thì tôi không có hy vọng gì”. [36]

Năm 2011, Thích Quảng Độ trở thành tăng thống thứ năm Viện Tăng Thống GHPGVNTN nhưng ông gặp rất nhiều khó khăn để phát triển giáo hội vì bị chính quyền giam giữ ở Thiền viện Thanh Minh:

“Họ [chính quyền] chưa chấm dứt sự kỳ thị, đàn áp GHPGVNTN. Cho nên những hoạt động của Giáo hội từ ba mươi mấy năm nay rất khó khăn. Thuyết pháp, giảng đạo không được, mở trường dạy học không được, […] Nếu có một cơ hội nào dẹp bỏ được [giáo hội] là họ sẽ áp dụng đấy thôi.

Bao nhiêu chục năm nay, [tôi chỉ có] một cái phòng trên lầu một đây này, cứ ở đây thôi. […] hai tháng một lần đi bệnh viện vậy thôi. Có ai ra vào gì đâu, mà mình có đi đâu được đâu? Mà đi đâu bệnh viện thì họ [công an] theo.”

Ảnh Hòa thượng Thích Quảng Độ tại căn phòng của mình ở Thiện viện Thanh Minh vào ngày 03/09/2018. Ảnh: Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.

“Cũng như bây giờ, [tôi] ăn có một bữa, sáng ở dưới bưng lên. Ở ngoài cái cửa ra vào có cái ghế đẩu để đó, ăn xong để đó, dưới bếp họ lên họ đưa xuống, rồi họ khóa cửa sắt lại. Cầu thang lên tôi có cái cửa sắt y như nhà tù vậy. Như vậy là hai mươi mấy năm nay rồi, từ ngày ở Bắc về.

Ở đây là ở nhờ, chùa của Hòa thượng Thích Thanh Minh […]. Tôi từ suốt từ ngày đi tu sáu mươi mấy năm nay chỉ đi ở nhờ không thôi. […] Bây giờ tôi chỉ thuyết [pháp] cho tôi thôi. Không được tụng kinh cho người khác, không được giảng đạo, chỉ có quyền tụng kinh cho mình thôi. Họ đã quy định rõ ràng“. [37]

Giữa tháng Chín năm 2018, đúng ba tháng sau khi Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đến thăm thì ông bị đuổi khỏi Thiền viện Thanh Minh, rồi ở nhờ một vài ngôi chùa xong thì ra Thái Bình khi đã 90 tuổi:

“Tôi về quê thì coi như nhập thất nhưng có chùa nhỏ thì tụng kinh. Nhưng giáo hội trước thế nào sau thế ấy, [tôi] chết thì thôi, làm sao bỏ được Giáo hội.”

Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink (trái) và đồng nghiệp thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ vào ngày 14/06/2018. Ảnh: Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.

Không lâu sau đó, vị hòa thượng 90 tuổi, tăng thống thứ năm của GHPGVNTN, lại trở về thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục công việc đầy khó khăn của giáo hội.

Hai năm sau đó, vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 22/02/2020, Hòa thượng Thích Quảng Độ, tăng thống thứ năm của GHPGVNTN trút hơi thở cuối cùng tại chùa Từ Hiếu, kết thúc cuộc tranh đấu đau khổ trên quê hương Việt Nam.

Ngày 25/02/2020, ba ngày sau lễ tang, tăng ni, phật tử tiễn đưa Hòa thượng Thích Quảng Độ đến nơi hỏa thiêu để sau đó tro cốt của ông sẽ được rải xuống biển sau 49 ngày. Ảnh: Giác Ngộ.

-------------------------------------

Các trích dẫn trong bài:

[1] Thich Quang Do, Defiant Rights Champion in Vietnam.

[3] Thư viết cho ông Đỗ Mười, Thích Quảng Độ viết năm 1994.

[5] Tóm tắt tiểu sử của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ (1928 – 2020), Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

[6] Nguyệt san Phật giáo Việt Nam số 1, Tổng hội Phật giáo Việt Nam xuất bản

[7] Tóm tắt tiểu sử của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ (1928 – 2020), tài liệu đã dẫn.

[8] Nguyệt san Phật giáo Việt Nam số 27 và 28, Tổng hội Phật giáo Việt Nam xuất bản.

[9] Cuộc tranh đấu lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Nam Thanh, Viện Hóa đạo G.H.P.G.V.N.T.N xuất bản năm 1964.

[10] Cuộc tranh đấu lịch sử của Phật giáo Việt Nam, tài liệu đã dẫn.

[11] Thich Quang Do is appointed new leader of the Unified Buddhist Church of Vietnam, tài liệu đã dẫn.

[12] Tóm tắt tiểu sử của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ (1928 – 2020), tài liệu đã dẫn.

[14] Bạch thư về vấn đề chia rẽ giữa Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự, tài liệu đã dẫn.

[15] Tóm tắt tiểu sử của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ (1928 – 2020), tài liệu đã dẫn.

[17] Những nhận định sai lầm tai hại của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Dân tộc và Phật giáo, Thích Quảng Độ, viết năm 1992

[19] Thich Quang Do is appointed new leader of the Unified Buddhist Church of Vietnam, tài liệu đã dẫn.

[20] Amnesty International Report 1979, trang 117, tài liệu đã dẫn.

[21] Thich Quang Do is appointed new leader of the Unified Buddhist Church of Vietnam, tài liệu đã dẫn.

[22] Những nhận định sai lầm tai hại của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Dân tộc và Phật giáo, Thích Quảng Độ, viết năm 1992.

[23] Thư viết cho ông Đỗ Mười, Thích Quảng Độ viết năm 1994.

[26] Thư viết cho ông Đỗ Mười, Thích Quảng Độ viết năm 1994.

[30] In the News Summer 2001, Tricycle.






No comments:

Post a Comment