Wednesday, March 25, 2020

CÔN ĐẢO VÀ BÀI TOÁN NƯỚC NGỌT CHO VÙNG MẶN ĐBSCL (Nguyễn Ngọc Trân)




NỘI DUNG :
Nguyễn Ngọc Trân
.
Trung Chánh
.
Bài và ảnh: DUY NHÂN
.
ĐÀO TRANG - MINH TÂM - CHÂU ANH
.
============================================
Nguyễn Ngọc Trân
Thứ Hai, 23/03/2020 07:27

(Diễn đàn trí thức) - Đề xuất của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân về phương án giải bài toán nước ngọt cho vùng mặn ĐBSCL.

CÔN ĐẢO VÀ BÀI TOÁN NƯỚC NGỌT CHO VÙNG MẶN ĐBSCL
Nguyễn Ngọc Trân (1)

Tóm tắt. Tình hình hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xảy ra với nhịp độ ngày càng nhanh, mức độ ngày càng gay gắt đòi hỏi có những giải pháp căn cơ. Côn Đảo cộng với công nghệ mới về năng lượng tái tạo và về lọc nước biển thành nước ngọt là ý tưởng cho một giải pháp mà bài viết đề xuất.

Một vòng xoáy khắc nghiệt cần cắt đứt

Chưa đến đỉnh điểm của mùa khô năm nay mà hàng vạn hộ dân ở vùng mặn của ĐBSCL đã vô cùng lao đao vất vả vì thiếu trầm trọng nước ngọt cho sinh hoạt.
Tính đến ngày 04.03.2020, có năm tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Long An và Tiền Giang đã công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn.
Cà Mau lại còn phải chịu thêm sạt lở bờ biển, sụp lún hàng trăm mét nhiều đoạn đường giao thông, đường phòng hộ ven biển, và đối diện với nguy cơ cháy rừng U Minh.

Sụp lún đường Co Xáng – Cơi 5 – Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, H. Trần văn Thời, đưa vào sử dụng được 10 năm.

Sụp lún đường phòng hộ ven biển Huyện Trần văn Thời

Sự quan tâm của Chính phủ (2) và của lãnh đạo các tỉnh, nghĩa đồng bào, tình quân dân, một lần nữa cho thấy sự gắn kết dân tộc.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), năm năm cuối cùng vừa qua là năm năm nóng nhất đến nay chưa bao giờ ghi nhận. (…). Năm 2019 có thể đã là một năm kỷ lục mới nếu không có vai trò của El Nino làm gia tăng sự nóng lên của năm 2016 (3). Nhiệt độ sẽ còn tiếp tục tăng chừng nào các quốc gia không thực hiện nghiêm chỉnh Thỏa thuận Paris COP 21 về giảm phát thải khí nhà kính.
Ở đồng bằng, vòng xoáy khai thác nước ngầm - sụt lún và sạt lở -  xâm nhập mặn đang mỗi ngày nhấn chìm và mở rộng thêm vùng mặn, đã được cảnh báo từ những năm đầu của thập niên 2010 (4), tiếp tục diễn ra nhanh hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ba vùng: sông chi phối (I); tranh chấp sông – biển (II); và biển chi phối (III). Đường ranh di động.

Đảo Côn Sơn và 15 hòn hợp thành Côn Đảo, DT 76 km2 (trên). CT 60-B phân định ĐBSCL thành ba vùng với ranh di động tùy theo tương quan giữa sông và biển (trên).

Tình hình hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long với nhịp độ ngày càng nhanh, mức độ ngày càng gay gắt đòi hỏi những giải pháp căn cơ. Một trong số đó là cắt đứt hoặc hãm tốc độ và cường độ của vòng xoáy này.

Bỏ xứ hay bám trụ? Điểm ngắt của vòng xoáy

Quy hoạch phát triển vùng mặn ĐBSCL như thế nào trong bối cảnh nguồn nước từ thượng nguồn về ngày càng ít đi, mặn vào ngày càng sâu, vùng mặn của đồng bằng ngày càng lún chìm và mở rộng vào nội địa? Đây là câu hỏi tác giả đã đặt cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cho Bộ Xây dựng tại cuộc họp tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18.06.2019 đánh giá hai năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Đã có những đề án nghiên cứu việc di dân đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng với biến đổi khí hậu, chỉ ra những yếu tố cần được cân nhắc trong quá trình thiết kế các chương trình tái định để đảm bảo thành công, và “khẳng định di cư rõ ràng đóng vai trò tích cực trong việc giúp các cộng đồng thích nghi với biến đổi của môi trường” (5) (6).
“Bỏ xứ” hay “bám trụ”? Nhìn lại lịch sử của đồng bằng, tác giả không nghĩ là người dân ở vùng mặn, đặc biệt ở Cà Mau lại dễ dàng bỏ xứ ra đi.
Nhưng để bám trụ, cần giải quyết vấn đề gì cốt tử nhất? Không có nước ngọt cho sản xuất lúa gạo, người dân sẽ biết “xoay sở” như họ đã từng. Họ đã chẳng tồn tại, sản xuất và có kế sinh nhai thích hợp trong môi trường nước lợ và mặn từ nhiều thế hệ là gì?
Vấn đề thiết yếu là nước ngọt cho sinh hoạt. Vì thế nước ngầm đã được sử dụng từ nhiều đời nay trong mùa khô để bổ sung cho nguồn nước ngọt từ sông Tiền và sông Hậu đổ về hoặc để thay khi nguồn nước này không đổ về tới.
Mật độ dân số ngày nay ở vùng mặn cao hơn trước nhiều. Cái giá phải trả để đáp ứng nhu cầu nước ngọt từ nước ngầm đó là mực nước ngầm tụt sâu và sụt lún đất (7).  Giải quyết nước ngọt cho sinh hoạt, hạn chế tối đa, tốt nhất là dừng khai thác nước ngầm có lẽ là điểm ngắt của vòng xoáy.

Ý tưởng cho một giải pháp

Năm 1985, Phó Chủ tich Hội đồng Bộ trưởng Võ văn Kiệt lúc bấy giờ nhắc tác giả rằng Côn Đảo tuy thuộc Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, nhưng khoảng cách đến đất liền Sóc Trăng ngắn nhất. Chương trình 60-02 (8) cần quan tâm đến đảo, gắn kết Côn Đảo với đồng bằng trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Hơn cả khoảng cách địa lý, là vị trí chiến lược của Côn Đảo ở Biển Đông! 35 năm đã trôi qua, tôi vẫn đinh ninh lời dặn này.
Không quá xa vùng mặn, nằm giữa trùng khơi, ngập tràn nắng, gió, bao quanh bởi dòng hải lưu, bốn bề là nước đại dương; với công nghệ mới về năng lượng tái tạo và về lọc nước biển thành nước ngọt; với nguồn nguyên liệu đầu vào cho điện năng và cho lọc nước không mất tiền và hầu như vô tận, Côn Đảo là địa bàn hết sức phù hợp để xây dựng những trung tâm năng lượng tái tạo, trước mắt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, phục vụ cho những nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, xây dựng gần bên cạnh, từng bước tùy theo nhu cầu và khả năng.
Tác giả cho rằng đây là ý tưởng có cơ sở cho một giải pháp chủ động mang nước ngọt đến vùng mặn của đồng bằng! 
Năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã bắt rễ và ngày càng mở rộng ở Việt Nam, nói riêng ở đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị về hợp tác phi tập trung giữa Việt Nam và Cộng Hòa Pháp, tác giả đã nêu lên nhu cầu về nước ngọt cho vùng mặn của đồng bằng sông Cửu Long (9) và giới thiệu việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt cung ứng cho sản xuất và đời sống tại một số nước ở vùng Địa Trung Hải và ở Israel.

3 nhà máy lọc nước biển Ashkelon, Ashdod và Hadera ở Israel.

Các nhà máy lọc nước biển dọc bờ biển Địa trung Hải và các công nghệ lọc được sử dụng

Nước ngọt lọc được tại Côn Đảo sẽ được chở về đất liền trước mắt bằng tàu suốt năm, nhất là về mùa khô. Nước ngọt và nước đá (sản xuất với điện năng tại chỗ) sẽ được cung cấp cho tàu đánh cá của ngư dân để tăng thêm thời gian đánh bắt trên Biển Đông và Vịnh Thái Lan.
Tuy hãy còn là ý tưởng cho một giải pháp, còn cần được cụ thể hóa bằng các bước nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, nhưng tác giả tin rằng giải pháp này nằm trong tầm tay của đất nước. 
Vì sự phát triển bền vững của vùng mặn đồng bằng sông Cửu Long, và của đồng bằng, tác giả mong rằng ý tưởng nêu trong bài viết này sẽ nhận được sự quan tâm của Chính phủ, của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, của các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. 

---------
Chú thích:

(1) Giáo sư TsKH, Chủ nhiệm Chương trình khoa học nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), đại biểu Quốc hội (1992-2007), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH (1997-2007)

(2) Gần đây, tại buổi làm việc với 5 tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ kinh phí cho mỗi tỉnh 70 tỷ đồng để ứng phó hạn mặn gồm có bơm nước, nạo vét đắp đập tạm, đào ao, kéo dài đường ống, thiết bị lọc nước và hỗ trợ người dân.

(3)WMO Statement on the State of the Global Climate in 2019, WMO, No 1248.

(4) Hội thảo khoa học Kết quả dự án nghiên cứu giai đoạn 1- Sự lún đất của bán đảo Cà mau, do Bộ NNvPTNT và Đại sứ quán Vương Quốc Na Uy tổ chức tại Cần Thơ ngày 17 tháng 6 năm 2013.

(5) UNDP Vietnam, Di cư, tái định cư và biến đổi khí hậu tại Việt Nam 2014,  undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/Migration%20and%20climate%20change_BW_VN.pdf

(6) Han Entzinger, Peter Scholten, Adapting to Climate Change through Migration: A Case Study of the Vietnamese Mekong River Delta, 2016, Publisher IOM, được Liên minh Châu Âu tài trợ và Trường Đại học Erasmus Rotterdam thực hiện, publications.iom.int/system/files/pdf/vietnam_survey_report_vn_0.pdf

(7) Norwegian Geotechnical Institute (NGI), Assessment of apparent land loss in the province of Ca Mau, Vietnam, Phase 1 Report 2012, 31 December 2012. Một con số mà báo cáo đã tập hợp từ Bộ NNvPTNT là đến năm 2012, tại tỉnh Cà Mau có khoảng 109.000 giếng nước đang hoạt động và khai thác tổng cộng là 373.000 m3/ngày.

(8) 60-02 và 60-B là mã số của Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990)

(9) Nguyễn Ngọc Trân, Ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông cửu long. Khả năng hợp tác Việt – Pháp, 2016, Tham luận tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần 10, Cần Thơ, 15.09.2016.

--------------------------------------
Trung Chánh
Chủ nhật, 22/3/2020, 17:08

(TBKTSG) - Trong bối cảnh xâm nhập mặn đe dọa nghiêm trọng đến nước sinh hoạt của người dân các địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một số ý kiến đề xuất nên xây dựng các hồ chứa nước ngọt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có những yếu tố cần được xem xét, cân nhắc.

Người dân tỉnh Bến Tre mua nước ngọt sinh hoạt từ các ghe nước. Ảnh: Trung Chánh

Địa phương muốn xây hồ chứa nước ngọt

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã có buổi làm việc với các địa phương công bố tình huống khẩn cấp về hạn mặn ở ĐBSCL, gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau. Tại buổi làm việc này, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết thời gian qua địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để người dân có nước ngọt sử dụng như mở các điểm cấp nước tập trung, kêu gọi hỗ trợ trang thiết bị trữ nước ngọt, vận chuyển nước từ nơi khác về để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Tuy nhiên, tình hình thiếu nước ngọt đối với người dân Bến Tre vẫn khá nghiêm trọng, có đến 20.000 hộ dân đang bị ảnh hưởng. “Về nguồn nước sinh hoạt của tỉnh hiện nay thì tất cả các nhà máy nước hầu như đều có độ mặn trên 5 gam/lít”, ông Trọng cho biết.
Trước thực tế như trên, vị đại diện UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị Thủ tướng cho nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước ngọt ở vùng Tứ giác Long Xuyên, giống như biển hồ Campuchia, nhằm tạo thêm một hồ điều hòa, hạn chế những đợt triều cường xâm nhập mặn cũng như bổ sung nguồn nước để “cứu” khát các tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL.
Mặt khác, nhằm đảm bảo trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân vùng ven biển, ông Trọng kiến nghị Chính phủ cho Bến Tre đầu tư thêm một hồ chứa nước ngọt với dung tích khoảng 1,5 triệu mét khối. “Nếu có được hồ này, cả ba huyện ven biển của Bến Tre sẽ chủ động được nguồn nước ngọt vào mùa hạn mặn”, ông Trọng nói.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kiến nghị Chính phủ cho địa phương xây dựng hồ chứa nước ngọt Cửa Cạn ở huyện đảo Phú Quốc. “Việc này chỉ cần Thủ tướng và các bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính ủng hộ cho Kiên Giang, còn chúng tôi sẽ làm việc với Ngân hàng Thế giới để thực hiện dự án”, ông Hồng cho biết.
Ngoài ra, Kiên Giang cũng kiến nghị cho địa phương xây dựng các hồ chứa nước ngọt vùng ven biển. “Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu thêm các hồ chứa. Hiện nay chúng tôi đang khó khăn phải chở nước từ nơi khác đến”, ông Hồng nói.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nói rằng ông đồng tình các kiến nghị nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước ngọt ở các quy mô khác nhau. “Tuy nhiên, về xây dựng các hồ chứa nước ngọt, ý kiến của các nhà khoa học còn khác nhau, có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến băn khoăn, cho nên, đây là vấn đề cần sớm nghiên cứu để có kết luận”, ông cho biết.

Những yếu tố cần cân nhắc

Trao đổi với TBKTSG liên quan đến những đề xuất trên, TS. Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên thuộc trường Đại học Cần Thơ, cho rằng việc đầu tư các hồ chứa nước ngọt theo ông là không khả thi.
Bởi lẽ, thứ nhất, xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngọt xảy ra ở những địa phương ven biển của ĐBSCL, trong khi cấu trúc đất ở khu vực này này là đất pha cát, thành ra không giữ được nước thấm ra ngoài lẫn nước biển thấm vô. “Chính yếu tố đó, nên muốn giữ được nước phải xử lý rất tốn kém”, ông Ni nhận định.
Bằng chứng dễ nhận thấy nhất là hồ trữ nước ngọt kênh Lấp - hồ trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL - ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, được đầu tư khoảng 85 tỉ đồng nhưng chỉ sau khoảng sáu tháng đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố bị nhiễm mặn.
Thứ hai, các nhà máy nhiệt điện than đã hình thành ở khu vực ven biển, cho nên cần phải đánh giá lại chất lượng không khí. Bởi, nếu làm hồ đã rất tốn kém nhưng bị ô nhiễm từ nước mưa rơi xuống thì càng tốn kém hơn vì phải xử lý. “Nói chung, bài toán kinh tế cần phải tính”, ông Ni nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập, nếu chọn phương án làm các công trình ao, hồ, hay kênh trữ ngọt cho sinh hoạt ở vùng ven biển, có một số vấn đề cần cân nhắc.
Đầu tiên, cần rạch ròi giữa nguồn nước cho sinh hoạt và nguồn nước cho sản xuất. Công trình trữ nước cho sản xuất khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt vì có thể bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất dẫn đến hiện tượng phú dưỡng hữu cơ hay tích tụ độc chất vô cơ. Nước trữ trong ao, hồ là nước tĩnh, do đó hàm lượng oxy trong nước là thấp và ít có khả năng tự làm sạch. Do đó, phải đảm bảo cắt mọi nguồn ô nhiễm có thể có vào nguồn nước này.
Thứ hai, cân nhắc giữa việc làm nhiều công trình nhỏ phân tán và một công trình lớn tập trung vì khi làm công trình lớn tập trung có thể tiện lợi cho việc quản lý, lắp đặt nhà máy xử lý nước, nhưng khoảng cách đến nhiều người dùng nước phân bố phân tán thì có thể xa và tốn kém, làm tăng giá thành của nước.
Thứ ba, các công trình ao, hồ, hay kênh trữ nước cần đặc biệt tính toán đến lượng thất thoát nước. Với lượng thất thoát lớn thì đòi hỏi ao, hồ, kênh mương đó phải đủ sâu vài mét, chứa được nhiều nước để bù bốc hơi, thấm. Nhưng, khi đào sâu thì lại phải xem xét có chạm đến tầng sinh phèn bên dưới hay không.
Thứ tư, do đặc điểm đất ven biển có thể có hàm lượng cát nhiều dễ thấm, khi làm ao hồ sâu để trữ nước thì có thể gặp phải thủy cấp mặn và có khả năng bị mặn thấm ngược vào trong, đặc biệt là khi mực nước ngọt trong ao, hồ thấp hơn mực thủy cấp mặn xung quanh. Do đó, các công trình ao, hồ, kênh này cần cân nhắc đến việc gia cố lòng kênh, mái kênh để chống thấm và chống mặn, phèn xâm nhập và có thể phủ bề mặt bằng thực vật để giúp xử lý nước và giảm bốc hơi mặt thoáng.

Lựa chọn nào cho bài toán nước ngọt?
TS. Dương Văn Ni cho rằng cần so sánh giữa các phương án trữ nước ngọt, bao gồm trữ ở quy mô từng hộ gia đình, quy mô nhóm cộng đồng 10-20 hộ và quy mô rộng lớn ở từng xã/huyện, để xem xét phương án nào có hiệu quả kinh tế hơn. “Theo truyền thống của người dân, họ đã chọn trữ ở quy mô hộ gia đình, tức mỗi gia đình biết chính xác nhu cầu sử dụng bao nhiêu, trong bao lâu”, ông nhận xét. Cũng theo ông Ni, việc tính toán phương án cho cho cả cộng đồng, như quy mô trữ bao nhiêu, trong bao lâu là rất khó, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Thiện, cần đa dạng hóa các phương pháp đáp ứng nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt của người dân ven biển. Công trình lớn để cấp nước sinh hoạt thì phù hợp hơn đối với các đô thị vì số người sử dụng nước nhiều, tập trung, có thu nhập cao. Thế nhưng, đối với vùng nông thôn thì công trình lớn sẽ gặp khó khăn về chi phí do số người sử dụng phân bố thưa thớt và thu nhập thấp.
Đối với vùng sát biển, người dân đã có kinh nghiệm trữ nước mưa và trữ nước mặt bằng các phương tiện tại gia đình như lu, khạp, bồn chứa, ao gia đình và điều này cần được hỗ trợ, khuyến khích. Tuy nhiên, do chất lượng không khí ngày nay đã bị ảnh hưởng từ các nguồn khói bụi và mưa a-xít, các cơ quan chức năng nên khảo sát chất lượng nước mưa để giúp người dân đảm bảo an toàn.
Ngoài các biện pháp theo kinh nghiệm truyền thống, có thể nghĩ tới các công nghệ mới ngày nay như màng lọc na-nô, thiết bị lọc nước biển và công nghệ RO (thẩm thấu ngược), hoặc dùng các túi chứa nước ngọt. Đối với các công trình áp dụng công nghệ cấp nước ở cấp cộng đồng, có thể nghĩ đến việc kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời để cấp điện cho các phương tiện này.
Ở ven biển vùng cửa sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh có rất nhiều giồng cát có chức năng lưu trữ nước ngọt tự nhiên ở tầng nông có độ sâu chỉ khoảng 10 mét hoặc có khi lộ thiên. Ông Thiện cho rằng khả năng trữ nước của các giồng cát này phụ thuộc vào độ lớn của giồng cát và thảm thực vật che phủ bên trên. Việc bảo tồn các giồng cát với chức năng trữ nước tự nhiên sẽ rẻ hơn nhiều so với các biện pháp khác. 

----------------------------------------
.
Bài và ảnh: DUY NHÂN
23-03-2020 - 07:02 AM

Dù chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm dịch bệnh Covid-19 nhưng "dư chấn" của nó đang làm vùng ĐBSCL thêm chồng chất khó khăn
Đường phố đã lên đèn mà bà Hạnh vẫn loay hoay ở chợ đêm Bạc Liêu, chưa về nhà lo bữa cơm chiều như lệ thường. Mấy người bạn bán hàng rong cũng vậy, họ cố nán lại để kiếm được đồng nào hay đồng đó.

Chật vật mưu sinh

Những mâm bánh nóng hổi mang ra chợ từ sáng sớm giờ đã lạnh tanh mà chưa vơi được 1/3. Cả cái chợ đêm sầm uất ngày nào giờ người bán nhiều hơn người mua, bàn ghế trống huơ trống hoác. Vài chủ hàng quán hiện rõ nét đăm chiêu, ngồi lặng thinh, chẳng màng nấu nướng, cũng chẳng thèm tranh mời khách như mọi hôm.
Thật ra thì cũng có ai đâu để mà chèo kéo. "Từ lúc dịch Covid-19 hoành hành, người ta ngại lui tới nơi đông đúc nên buôn bán ế ẩm quá. Tôi dọn ra bán theo thói quen chứ có bán được gì đâu, chỉ bán chút ít cho khách lỡ đường, còn dư thì mang về ăn thay cơm chiều. Có người bán lỗ vốn phải dẹp tiệm đi kiếm đường làm thuê để sống và trả nợ. Nhưng lúc này đâu đâu cũng khó khăn thì biết có ai thuê?" - bà Hạnh thở dài.
Ở các khu chợ nông sản và thực phẩm, dù trời đã tối nhưng nhiều tiểu thương vẫn chưa thu dọn về nghỉ ngơi vì hàng hóa vẫn còn đầy ắp. Nghĩa là nồi cơm của họ cũng sẽ vơi đi.
"Buôn bán ế ẩm nên buồn và tiếc mà ngồi vậy chứ tôi biết giờ này cũng có ai mua nữa đâu. Chỉ có mấy mươi ngày thôi mà mọi chuyện thay đổi nhanh quá. Nếu trước khi xảy ra dịch bệnh bán được 10 phần thì bây giờ còn 2-3 phần, càng ngày càng giảm. Giờ chưa nghĩ ra sẽ làm việc gì, chứ bán kiểu này lỗ vốn chắc cũng chết" - chị Hương (tiểu thương bán thịt ở chợ nông sản thực phẩm phường 2, TP Bạc Liêu) than thở.
Những người lao động tự do như ông Trần Vĩnh Phước ở TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) cũng không ngoại lệ. Ông cho biết trước đây, mỗi ngày bán được 200-300 tờ vé số, thu nhập vài trăm ngàn đồng. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ông cố gắng đi xa hơn, về muộn hơn nhưng cả ngày bán không hết 100 tờ. Thu nhập giảm sút nhưng tiền thuê nhà, điện, nước vẫn tăng đều nên cuộc sống gia đình dần bế tắc, bắt đầu phải vay nợ.
"Do sợ dịch bệnh nên nhiều người hạn chế ra đường làm cho các quán cà phê, quán ăn, quán nhậu... ngày càng vắng khách. Trong khi dân bán vé số dạo như tôi thì phải dựa vào mấy chỗ này kiếm sống. Ngoài ra, thu nhập chung của ai cũng bị ảnh hưởng nên mọi người chi tiêu tiết kiệm hơn và hạn chế mua vé số" - ông Phước phân trần.

Chợ đêm Bạc Liêu - nơi mưu sinh của nhiều người dân nghèo - giờ vắng vẻ bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Khó khăn chồng chất

Không ít người dân vùng sông nước miền Tây an ủi nhau rằng nhờ hạn hán gay gắt nên nơi đây không có đất sống cho virus corona chủng mới.
Dù sao đó cũng là một liều thuốc tinh thần giúp người ta lạc quan hơn, mạnh mẽ hơn để vượt qua những "cơn bão khô" đang càn quét qua vùng đất này. Còn ở góc độ kinh tế thì rõ ràng là ĐBSCL đang khó khăn chồng chất. Trong hoàn cảnh vừa phải căng mình chống thiên tai vừa dè chừng thiên dịch, nếu cả hai không sớm kết thúc thì e rằng "vựa lúa miền Tây" sẽ rất nguy nan. Mà đối tượng bị tổn thất nhiều nhất và trực tiếp nhất không ai khác là nông dân.
Cà Mau có lẽ là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực trong mùa hạn mặn lịch sử năm nay. Sản xuất thiệt hại, người dân nhiều nơi không có nước sinh hoạt, cùng hàng loạt tuyến đường giao thông sụt lún nghiêm trọng.
"Hồi đó tới giờ mới chứng kiến cảnh tượng này, vết nứt giờ ăn sâu vào trong nhà. Thiên nhiên giờ trở chứng bất thường không biết đâu mà lần" - ông Lê Văn Kết (lão nông ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) lo lắng ngôi nhà của mình có thể bị kéo xuống dòng kênh cạn nước bất cứ lúc nào.
Bà chủ bán hàng xén Nguyễn Thị Nhung ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, nhìn chiếc ghe nằm mắc cạn giữa lòng kênh trơ đáy mà hét lên như muốn khóc: "Giờ lấy gì mà kiếm ăn đây? Trời ơi!". Còn hàng trăm chiếc ghe hàng khác của hàng ngàn nhân khẩu sống kiếp thương hồ vẫn còn nằm rải rác đâu đó trên các con sông đã kiệt nước của khắp vùng sông nước cũng chịu chung số phận. Đó cũng là sinh kế duy nhất, đồng thời là nơi trú ngụ của hàng ngàn con người phiêu dạt.
Hàng triệu lao động làm thuê khắp nơi trong nước cùng hàng chục ngàn lao động xuất khẩu có xuất xứ miền Tây cũng đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành. Số lao động này nếu mất việc quay về sẽ là gánh nặng và áp lực rất lớn cho các gia đình ở nông thôn.
"Cơn bão khô" vẫn đang càn quét vùng đất Cửu Long và chưa thấy dấu hiệu dừng lại. 

*
Cây quéo đọt, ruộng khô cằn

ĐBSCL từng chịu nhiều tổn thất từ mấy năm nay, vì lũ về thất thường làm đảo lộn sinh kế của người dân vùng nước nổi và khiến đồng, đất mất sức sống khi không được bồi tụ thêm lớp phù sa mới. Nước ngọt không gột rửa được đồng bằng nên vào mùa hạn thì khô khốc, nước mặn xâm nhập sâu trong nội địa.
Những vườn cây ăn trái quéo đọt, ruộng đồng khô cằn, nứt nẻ; lúa mùa "chạy" không kịp hạn mặn, trân mình cháy gié; người dân một số nơi phải đi đổi từng can nước, xài chắt chiu mà vẫn khát... chính là những hình ảnh khái quát về bức tranh của nông thôn miền Tây lúc này.

Bài và ảnh: DUY NHÂN

------------------------------------
.
ĐÀO TRANG - MINH TÂM - CHÂU ANH
Thứ Hai, ngày 23/3/2020 – 06:30

(PL)- Người dân nhiều tỉnh ở ĐBSCL phải bấm bụng mua nước ngọt với giá đắt đỏ để sinh hoạt và cứu cây trồng do hạn mặn bủa vây.

Tại nhiều tỉnh ĐBSCL (như Long An, Bến Tre, Kiên GiangCà Mau), nước mặn đã xâm nhập nghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, người dân phải chấp nhận mua nước ngọt với giá cao để duy trì cuộc sống sinh hoạt và cứu cây trồng đang “chết khát”.

Bấm bụng mua nước tưới cây

Theo ghi nhận của PV, huyện Châu Thành và Cai Lậy (Tiền Giang) được coi là thủ phủ của cây sapôchê, sầu riêng và những vườn cây ăn trái này đang có nguy cơ bị chết vì thiếu nước ngọt.
Chỉ cần đặt chân tới hai địa phương này sẽ dễ dàng bắt gặp tình cảnh người người, nhà nhà đổ xô đi mua nước ngọt về tưới cây. Người có điều kiện thì chạy xe ba gác, xe tải nhỏ, người không có điều kiện thì chở các can nước nhỏ để cứu sống từng cây trồng trong vườn.
Ông Nguyễn Phi Long, ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, cho biết từ đầu mùa đến giờ gia đình phải mua từng khối nước để cứu lấy vườn cây ăn trái. Để có được 2 m3 nước tưới cây thì phải tốn hết 300.000 đồng. Dù nước ngọt đắt đỏ nhưng người dân cũng phải bấm bụng mua để cứu vườn cây đang thiếu nước. Xót tiền mua nước, ông Long cũng đành lấy nước còn trữ lại trong mương để tưới cây, không ngờ cây bị rụng lá và trái.
“Gia đình tôi không có thiết bị đo độ mặn, lại tiếc chỗ nước còn sót lại trong mương nên lấy đại tưới cây, không ngờ nó rụng lá và trái. Tôi đã nhảy xuống tắm thử thì thấy mặn chát, mặn đến con người còn không chịu nổi thì cây chết là đúng rồi. Sapôchê là cây nuôi sống của gia đình, giá nào tôi cũng phải cứu nó” - vừa nói ông Long vừa múc từng gáo nước đổ vào gốc cây.
Ông Ngô Văn Sơn, ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành cũng cho hay năm nay hạn mặn về sớm và lâu hơn so với năm 2016. Chính vì vậy, gia đình đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng để mua 120 mnước ngọt từ Đồng Tháp chở về để cứu vườn sầu riêng.
Những ngày qua, vườn sầu riêng lại bị khô hạn, ông Sơn phải chạy đôn chạy đáo đi thuê ghe đưa nước về nhưng không tìm được chiếc ghe nào. “Thời điểm hiếm nước như hiện nay thì để mua được nước đã khó nhưng để tìm được người chở nước còn khó hơn. Nhiều khi người dân phải bấm bụng trả tiền vận chuyển nước cao gấp ba lần giá nước” - ông Sơn buồn rầu nói.
Thế nhưng niềm vui đã đến với ông Sơn và bà con nơi đây vì được tỉnh cho nước ngọt đem về tưới cây mà không cần trả tiền. Năm công sầu riêng sẽ tương ứng với 28 m3 nước, chia đều trong bốn đợt, coi như cũng cầm cự được vườn sầu riêng qua mùa hạn mặn này.
Trong khi đó, hơn 4 ha sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Gù, ấp Phú Long, xã Phú Phong đã bị chết phân nửa. Theo ông Gù, vườn sầu riêng của gia đình nằm xa so với trục đường chính. Để mua được nước về thì phải trả tiền với giá rất cao, khoảng 300.000 đồng/2 m3 nước. Dù thế, người chở nước cũng chê vì nhà ông quá xa.
“Cả vườn sầu riêng rụng lá chỉ còn cái cây trơ trụi, trái đang tua tủa cũng bị rụng gần hết. Các mương chứa nước cũng cạn khô, cả vườn sầu riêng bị nứt toác, có lẽ tôi mất trắng vườn sầu riêng này rồi. Nay mua được chút nước, cũng chỉ ráng tưới sương trên bề mặt chứ có nhiều đâu mà tưới” - ông Gù than.
Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng, người dân cũng phải đối mặt với hạn mặn và có nguy cơ mất trắng lúa vụ ba.
Ông Thạch Hiền, huyện Long Phú, chua xót kể hai công lúa ông vừa gieo sạ được hơn một tháng thì cũng là lúc hạn mặn xâm nhập. Có nước mà không tưới được nên ông cầm chắc trắng tay vụ này.
“Không riêng gì tôi, nhiều hộ ở đây chỉ mong được vụ ba này nhưng năm nay hạn mặn đến sớm, kênh thì nước sát đáy không có nước bơm vô ruộng. Bây giờ thì thất bại không còn gì rồi, chi phí bỏ ra không lấy lại được” - ông Hiền buồn rầu nói.
Giải thích lý do “xé rào” xuống giống vụ ba, ông Nguyễn Tấn Tài, huyện Giồng Trôm, Bến Tre cho hay trước khi xuống giống, ngành chức năng đã khuyến cáo không nên. Thế nhưng do vụ đông xuân thường cho lợi nhuận rất cao nên ông quyết định đánh liều.
“Thấy lúa vụ ba năm ngoái làm trúng nên năm nay tôi tiếp tục gieo sạ, nào ngờ nước mặn lên nhanh và sâu nên toàn bộ không thể ra bông được” - ông Tài bày tỏ.
Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Phú, Sóc Trăng cho biết từ đầu năm đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản khuyến cáo bà con nông dân không sản xuất lúa vụ ba (đông xuân). Thế nhưng vẫn có nhiều hộ bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng “xé rào” xuống lúa và giờ bị thiệt hại.

Chiến sĩ hải quân giúp người dân Bến Tre chở nước ngọt về nhà. Ảnh: Đ.HÀ

Một hộ dân khơi thông mương để chuẩn bị dự trữ nước trong mùa mưa. Ảnh: MINH TÂM

Xếp hàng dài hứng nước ngọt

Ghi nhận của PV tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), các sông, kênh mương nội đồng đều trơ cạn đáy. Có những kênh mương tưởng chừng như đường đi bộ, nứt toác, khô cạn. Nhiều cánh đồng thu hoạch xong cũng phải ngưng sản xuất vì thiếu nước.
Tại nhiều xã của huyện Gò Công Đông đang bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nguyên nhân là nước máy không đủ cung cấp cho người dân, áp lực nước yếu. UBND huyện Gò Công Đông đã mở 53 vòi nước công cộng để người dân đến lấy. Tuy nhiên, do trụ nước ở xa, số lượng người dân đổ về rất lớn nên các xã chủ động đưa xe bồn tới từng ấp để thuận tiện cho dân.
Tại các điểm lấy nước miễn phí, bất kể sáng, trưa hay chiều tối, lúc nào cũng có người xếp hàng lấy nước. Có những lúc can nước xếp đến vài trăm mét để hứng từng giọt nước ngọt mang về.
Bà Phạm Thị Kim Anh, xã Gia Thuận, cho biết: “Chúng tôi phải chịu cảnh mất nước gần hai tháng rồi. Ban đầu cũng dùng nước mưa, nước tích trữ trong nhà, nào ngờ dùng hết mà vẫn chưa hết hạn mặn. Giờ đây lúc nào tôi cũng phải đi canh nước. Có khi nước về nửa đêm cũng phải chạy đi lấy để có nước nấu cơm và uống. Còn việc tắm giặt, rửa rau thì tất cả phải xài nước mặn, chỉ có trẻ em được ưu tiên tắm sơ sơ nước ngọt cho khỏi bị ngứa thôi.
Ngao ngán tình cảnh xếp hàng chờ nước, ông Nguyễn Văn Láng, xã Tân Phước, mang mấy can nước xuống lấy ở hồ nước ngọt tại xã Gia Thuận về dùng.
“Xếp hàng đợi nước lâu lắm, nhiều khi xếp cả buổi mà hết nước. Vì vậy, tôi mang luôn can xuống hồ mang về lắng cặn rồi dùng. Giữa thời điểm thiếu nước như hiện nay thì có nước xài đã mừng rồi. Tôi cũng lo lắng một ngày nước trong hồ cạn kiệt nhưng phải lo trước mắt cái đã” - ông Láng bày tỏ.
Tương tự, tại tỉnh Bến Tre, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Trong đó, nguồn nước sinh hoạt tại các nhà máy nước cấp cho các hộ dân đã nhiễm mặn trên 2‰, có chỗ là 5‰.

Nhiều giải pháp cấp bách

Bà Đoàn Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch xã Phú Phong, huyện Châu Thành, Tiền Giang, cho biết năm nay bị hạn mặn khốc liệt và kéo dài từ trước tết Nguyên đán tới nay. Khi nhận được thông tin có nước mặn về, UBND xã có kế hoạch và thông báo đến người dân, khuyến cáo người dân không nên tưới cây khi nước mặn xâm nhập ở mức độ cao.
Trong đợt hạn mặn này đã có 4 ha sầu riêng bị chết, số còn lại là rụng lá và bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Tiền Giang đã mua nước về để cấp cho bà con nông dân nhằm giải cứu cây sầu riêng. Cụ thể, từ ngày 13-3 đến nay, người dân đã đến điểm lấy nước của xã về để giải cứu cây sầu riêng. Trong đó, ngày đầu tiên 800 m3 nước đã kịp thời về với các vườn cây.

Hải quân chở nước ngọt xuyên đêm cho dân Bến Tre
Đến ngày 21-3, tàu 935, Lữ đoàn 125, Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 2 đã chở nước ngọt chuyến thứ tám (2.000 m3) từ TP Vũng Tàu đến cấp cho người vùng hạn mặn ở tỉnh Bến Tre.
Liên tục ngày đêm, cứ xong mỗi chuyến tàu là các chiến sĩ vội về ngay trong đêm để kịp quay trở lại cung cấp nước cho người dân.
Năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn ở Bến Tre rất trầm trọng, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tỉnh đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn nước ngọt, dụng cụ trữ nước cho bà con. Đặc biệt ưu tiên cho hộ nghèo, người dân sống sâu trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, trên các cù lao, cồn...
Trong những ngày qua, Bộ tư lệnh Hải quân đã điều các tàu chuyên dụng chở theo hàng ngàn mét khối nước ngọt đến với người dân tỉnh Bến Tre và việc này vẫn được tiếp tục trong những ngày tới.
Đ.HÀ 

Tương tự, ông Phạm Võ Minh Đăng, Phó Chủ tịch xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, thông tin tình hình hạn mặn gay gắt làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hạn hán kéo dài cùng với việc xâm nhập mặn đã làm cạn kiệt nguồn nước trên các kênh mương nội đồng. Một phần không nhỏ diện tích lúa đông xuân của xã đang thời kỳ làm đòng đã không còn nước tưới, năng suất giảm nghiêm trọng.
Các trạm cấp nước cho hai xã Tân Phước, Gia Thuận (huyện Gò Công, Tiền Giang) đã không đủ nước cung cấp cho nhân dân. Để giải quyết tình thế cấp bách, UBND hai xã đã phối hợp với xí nghiệp cấp nước mở các trạm cấp nước công cộng phục vụ nhân dân.
Điều đáng trân trọng là trong thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm… qua sự vận động của UBND xã đã dùng các phương tiện sẵn có để chuyên chở nước sạch đến tận các ấp phục vụ miễn phí cho bà con. 
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, cho biết đứng trước tình hình hạn mặn, UBND huyện đã mở 53 vòi nước công cộng. Tuy nhiên, tình hình hạn mặn có phần gay gắt hơn nên đã mở tất cả 57 vòi nước công cộng. Đồng thời, UBND huyện đã phối hợp với xí nghiệp cấp nước mở thêm 24 điểm cấp nước tập trung cho bà con trong mùa hạn mặn này. Tới thời điểm này, người dân cũng đỡ phần nào khó khăn bởi nhận được sự quan tâm của các mạnh thường quân.
Ông Bùi Trung Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre, cũng cho hay tình hình hạn mặn đã tác động trực tiếp đến nước sinh hoạt của người dân. Hạn mặn khiến người dân lao đao vì thiếu nước để sinh hoạt và nước tưới tiêu, tác động trực tiếp tới kinh tế người dân.
UBND xã Tiên Long đã vận động những hộ dân có điều kiện chuyên chở thì chở nước hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm cấp bách này. Hiện UBND xã đang tiến hành khảo sát máy lọc nước mặn để phục vụ người dân, dự kiến ít ngày nữa bà con sẽ thoát được cảnh khát nước ngọt.

“Nước quý hơn vàng”
Gần hai tháng nay, nước máy nhiễm mặn nên tắm bị ngứa rất khó chịu, việc nấu ăn thì dùng bình nước lọc rất tốn chi phí.
Mỗi ngày dù đã tiết kiệm tối đa nhưng gia đình tôi mất trên 100.000 đồng để mua nước ngọt. Mỗi tháng tốn trên 3 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với mức sống của gia đình tôi. Nay gia đình tôi phải xài thật tiết kiệm vì có tiền cũng chưa chắc mua được nước để dùng, nước thực sự quý hơn vàng.
Tại trung tâm TP Bến Tre, nơi cách xa những con sông bị nhiễm mặn cũng bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Cụ thể, tại khu vực Bến Lở (phường 1, TP Bến Tre), giá nước ngọt dao động 100.000-300.000 đồng/m3, tùy theo đoạn vận chuyển. Tại đây, nhiều chiếc sà lan vốn chở cát xây dựng nay cũng được tận dụng để chở nước bán cho người dân.
Tôi được biết tại các huyện vùng nông thôn cũng có dịch vụ cung ứng nước ngọt nhưng rất đắt. Nước được vận chuyển đến từng gia đình có giá 150.000-350.000 đồng/m3, tùy đoạn đường vận chuyển gần hay xa.
Ông ĐỖ PHÚC VĨNHphường Phú Tân, TP Bến Tre


Chủ động ứng phó hạn mặn
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm gần đây. Nước về ít ngay từ đầu mùa khô, mặn bất thường đã xảy ra sớm ngay từ đầu tháng 12 và có thể còn xảy ra những biến động bất thường. Vì vậy, cơ quan này khuyến cáo các địa phương cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng, chống hạn mặn với trường hợp ở năm hạn mặn lịch sử.
Về tình hình thiệt hại do hạn mặn năm nay, theo Bộ NN&PTNT, đến nay toàn vùng ĐBSCL có trên 1,5 triệu ha đất lúa đã xuống giống. Trong đó chỉ có gần 39.000 ha bị thiệt hại do hạn mặn, thấp hơn so với năm 2016 (thiệt hại hơn 405.000 ha). Thống kê số hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt năm nay chỉ hơn 95.000 hộ, trong khi năm 2016 là hơn 210.000 hộ. 

ĐÀO TRANG - MINH TÂM - CHÂU ANH

------------------------
TIN LIÊN QUAN






No comments:

Post a Comment