Monday, February 3, 2020

VIRUS CORONA : VIỆT NAM CÓ THÊM NGƯỜI NHIỄM BỆNH (RFI)




NỘI DUNG :
Thanh Phương  -  RFI
.
Thanh Phương  -  RFI
.
Thùy Dương  -  RFI
.
Thanh Hà  -  RFI
Thanh Phương  -  RFI
.
Thùy Dương  -  RFI
Đức Tâm  -  RFI
.
=======================================================
Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày: 03/02/2020 - 10:26

Theo báo chí trong nước ngày 03/02/2020, Việt Nam vừa có thêm một trường hợp nhiễm virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp tính, nâng tổng số người nhiễm virus này lên 8 trường hợp.

Theo thông báo của bộ Y Tế Việt Nam, ca nhiễm virus corona thứ 8 là một nữ công nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc và là một trong 8 người từ Vũ Hán trở về trên cùng một chuyến bay ngày 17/01, trong đó có 3 người được xác định là đã mắc bệnh viêm phổi cấp tính do virus corona và hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Khoa Nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.
Hiện bệnh nhân thứ 8 đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và trong tình trạng ổn định.
Như vậy đã 8 người bị nhiễm virus corona mới ở Việt Nam bao gồm hai cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi bệnh), 4 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán, 1 nhân viên lễ tân Việt Nam có tiếp xúc gần với hai cha con người Trung Quốc và 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán.
Thứ Bảy 01/02, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công bố dịch viêm phổi do virus corona mới gây ra ở Việt Nam. Thời điểm xảy ra dịch được xác định là ngày 23/01, tức là thời điểm phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam.
Trả lời RFI Việt ngữ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, giải thích về việc công bố dịch bệnh này :

Nghe toàn bộ phỏng vấn BS Trương Hữu Khanh

BS Trương Hữu Khanh : « Theo luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của của Việt Nam thì có từng mức độ khác nhau. Nếu chỉ có một tỉnh có dịch thì tỉnh đó công bố, còn nếu số ca xảy ra ở ba tỉnh thì thủ tướng phải công bố, để các nguồn lực của toàn dân cũng như của tất cả các ngành cùng nhau tiến hành. Với việc công bố như vậy, chúng ta sẽ có thể huy động nhiều ngành hơn, có những tiêu chuẩn để các ngành đó làm việc, theo dõi, chứ chưa có một cái gì mãn tính, trầm trọng cả.
Với chỉ có 8 ca ở Việt Nam thì chưa phải là nhiều và khi công bố như vậy thì luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định rất rõ ai làm gì, ai làm gì, để mình sử dụng tất cả các hướng dẫn cho đồng điệu để làm sao khống chế bệnh.
RFI : Vậy thì đến mức độ nào, Việt Nam mới phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh do virus corona mới gây ra ?
BS Trương Hữu Khanh : Tình trạng khẩn cấp có nghĩa là khả năng lây ngoài cộng đồng rất là cao. Xét về mặt lây ở cộng đồng thì tình hình ở Việt Nam chưa là gì cả. Ví dụ như người con của bệnh nhân người Trung Quốc ( cả hai đều đã khỏi bệnh), đúng ra là đã lây tại Việt Nam, nhưng từ đó đến nay, ở các khu vực Long An, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, không có một nguồn lây thêm ngoài cộng đồng nữa, chứng tỏ là người ta đã giám sát, khống chế rất tốt. Mình chỉ tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi nào trong nước đó dịch bệnh lây ngoài cộng đồng và lây hàng loạt, còn hiện nay chỉ là những ca lẻ tẻ và đã hơn 10 ngày rồi vẫn không thấy những ca mới ».

Vietnam Airlines sẽ tạm ngưng các chuyến bay đến Hồng Kông và Macao
Chính phủ Hà Nội hôm thứ bảy cũng thông báo ngưng toàn bộ các chuyến chuyến bay đến và từ Trung Quốc, cũng như đến và từ Hồng Kông, Macao, Đài Loan.
Chính phủ Hà Nội hôm đó cũng thông báo ngưng toàn bộ các chuyến chuyến bay đến và từ Trung Quốc, cũng như đến và từ Hồng Kông, Macao, Đài Loan.
Theo hãng tin Reuters, sau đó, chính phủ Việt Nam đã rút lại lệnh cấm bay đối với Hồng Kông, Macao và Đài Loan. Vietnam Airlines cũng như Jetstar Pacific đã mở lại các chuyến bay đến 3 vùng lãnh thổ này kể từ ngày 02/02.
Tuy nhiên, riêng các chuyến bay Hà Nội - Hồng Kông và Hà Nội - Macao của Vietnam Airlines sẽ lại bị tạm ngưng kể từ ngày 05/02. Sau ngày 05/02, chuyến bay Sài Gòn - Hồng Kông vẫn được duy trì, nhưng có thể bị điều chỉnh tùy theo lượng khách.
Theo Taiwan News hôm 03/02, sở dĩ Việt Nam và trước đó là nước Ý đã bao gồm Đài Loan trong lệnh cấm bay, đó là vì Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) khi ra báo cáo về tình hình virus corona Vũ Hán đã xem Đài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Hôm 02/02, ngoại trưởng Đài Loan đã chỉ trích nặng nề WHO về việc này, đồng thời trách cứ Việt Nam và Ý đã dựa trên « thông tin sai lạc » của WHO để ra quyết định cấm bay đến Đài Loan.


------------------------------------------------------
.
Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày: 03/02/2020 - 09:15

Dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Nếu Việt Nam buộc phải đi đến quyết định đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc, chắc chắn tác hại sẽ còn nặng nề hơn, bởi vì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế của nước láng giềng phía bắc. RFI Tiếng Việt phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan ở Hà Nội.

NGHE :  Chuyên gia Phạm Chi Lan, Hà Nội
RFI : Kính chào bà Phạm Chi Lan, theo bà, trước tình hình dịch bệnh đang lan nhanh như vậy, Việt Nam có nên đóng cửa biên giới với Trung Quốc, như một số nước đã làm hay không ?
Phạm Chi Lan : Tôi nghĩ điều này sẽ tùy thuộc vào việc Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh ở nước họ như thế nào và các biện pháp phòng ngừa của Việt Nam chặt chẽ đến đâu. Hiện nay, số nước đóng cửa biên giới với Trung Quốc cũng còn rất ít và người Trung Quốc thì đang đi du lịch khắp nơi, chứ không phải chỉ ở những nước lân cận như Việt Nam.
Khả năng lây nhiễm sang Việt Nam có thể cao hơn các nước khác, bởi vì nước ta ở quá gần, người Trung Quốc đi lại Việt Nam khá dễ dàng. Chính phủ đã có biện pháp khẩn cấp là thành lập một ủy ban để chống dịch bệnh này, cũng như trước đây đã giải quyết dịch SARS từ Hồng Kông.
Nếu tình hình quá cần thiết thì chính phủ cũng sẽ phải đóng cửa biên giới thôi, bởi vì tính mạng của người dân Việt Nam vẫn là quan trọng hàng đầu. Cần phải tránh việc lây lan, và qua Việt Nam dịch bệnh có thể tiếp tục đi sang các nước khác nữa, cho nên, việc nghiêm túc bằng mọi cách để tránh dịch đó là điều hết sức cần thiết và Việt Nam sẵn sàng trả giá, kể cả về kinh tế và thương mại, nếu như cần phải thực hiện biện pháp quan trọng nhất và cũng khó nhất là đóng cửa biên giới với Trung Quốc.
Hiện nay, đã có một số địa phương tuyên bố không tiếp nhận du khách Trung Quốc nữa, như tại Lào Cai, Đà Nẵng, nơi có nhiều khách Trung Quốc đến. Tôi nghĩ đó là những bước đầu cần thiết, chứ còn đóng cửa biên giới hoàn toàn sẽ là biện pháp cao hơn và khó hơn rất nhiều. Tôi cũng mong là chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện được các biện pháp hết sức tích cực trong thời gian tới, với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân Việt Nam, tránh cho dịch bệnh tràn sang Việt Nam.

RFI : Liệu Việt Nam có đủ khả năng để đóng của hoàn toàn biên giới với Trung Quốc ? Đối với các cửa khẩu sân bay thì có thể dễ, nhưng đối với các cửa khẩu trên bộ thì liệu có thể ngăn chận được 100% ?
Phạm Chi Lan : Tôi nghĩ là ngăn chận được, bởi vì hiện nay các cửa khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc đều có các cơ quan liên quan làm việc ở đấy, kiểm soát người qua lại biên giới. Tất nhiên vẫn có những tuyến đường buôn bán hàng lậu ở biên giới, có những người chui lủi qua các đường rừng, đường ven rừng, đường khe núi, để mang hàng hóa sang. Những đường đó có thể là khó kiểm soát.
Nhưng nếu tăng cường kiểm soát thì có thể làm được, bởi vì người dân và chính quyền địa phương biết rõ có những ngõ ngách nào mà các nhóm buôn lậu thường lợi dụng để đi qua đi lại. Nhưng kiểm soát 100% thì cũng khó, vì có những người đã sang đây từ trước khi dịch bệnh được công bố ở Trung Quốc. Không thể kiểm soát được nguồn nhiễm bệnh mà họ đã có từ trước, khi họ đã qua đây rồi hoặc họ đã sang đây rồi quay trở lại Trung Quốc. Nhưng tôi cho là muốn kiểm soát thì vẫn có thể kiểm soát được.

RFI : Nếu chính phủ Việt Nam buộc phải đi đến quyết định đóng cửa hoàn toàn biên giới, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào, trước hết là đến du lịch và giao thương giữa hai nước ?
Phạm Chi Lan : Bị trở ngại đầu tiên chắc chắc là ngành du lịch, bởi vì hiện nay lượng du khách sang Việt Nam hàng năm chiếm đến 30-40% tổng số khách du lịch từ nước ngoài. Khách du lịch Trung Quốc đã là một nguồn rất lớn cho việc phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian qua. Có nhiều tour du lịch đã được đặt sẵn từ trước, bây giờ không nhận nữa và hợp đồng phải thay đổi, thì sẽ gây tổn hại cho các công ty du lịch Việt Nam, những cơ sở đã nhận hợp đồng tiếp nhận khách Trung Quốc.
Tôi mong là trong việc này Trung Quốc cũng sẽ có biện pháp ngăn chận người Trung Quốc đi các nơi, với khả năng mang theo dịch bệnh rất lớn và như vậy gây tổn hại cho nước chủ nhà tiếp nhận, ảnh hưởng đến cả uy tín của Trung Quốc trong việc không có những biện pháp ngăn chận cần thiết mà để nó lây sang các nước khác.
Về thương mại, khi ngành du lịch bị tác hại như vậy, các giao thương khác chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian nhất định, cho đến khi nào phía Trung Quốc ngăn chận được hoàn toàn dịch bệnh này, không để cho nó lây lan sang nữa. Việt Nam đang có quan hệ kinh tế rất nhiều mặt với Trung Quốc, đặc biệt là về thương mại, về nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguồn lây nhiễm cũng có thể là qua quan hệ giao thương, về xuất nhập khẩu, đầu tư, vì có những người vì công việc phải đi lại với nhau, chứ không chỉ có du khách.
Nhưng cho dù thế nào, cái giá phải trả cho tính mạng người dân thì không gì có thể tính được. Cho nên điều quan trọng nhất là phải làm sao chặn không để dịch bệnh xảy ra ở Việt Nam, ảnh hưởng đến người dân, bởi vì khi dịch bệnh xảy ra, cái giá phải trả về kinh tế, thương mại và các mặt khác sẽ còn cao hơn rất nhiều so với cái giá của việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc.

RFI : Trong trường hợp đóng cửa biên giới, thì lượng hàng theo lẽ xuất sang Trung Quốc sẽ bị ứ đọng lại. Chính phủ phải có biện pháp gì để giải quyết tình trạng đó, để nông dân và thương gia không bị thiệt hại quá nặng?
Phạm Chi Lan : Hiện nay tôi chưa biết chính phủ chuẩn bị và tính đến các phương án nào, nhưng tôi tin là vào thời điểm như thế này thì bản thân các nhà kinh doanh hay những nhà sản xuất của Việt Nam cũng sẽ phải đủ tỉnh táo để thấy là tự họ phải chuẩn bị cho họ rồi.
Khi Việt Nam buộc phải đóng cửa biên giới thì việc làm ăn của họ chắc chắc bị ảnh hưởng, họ cũng phải sẵn sàng chịu và chuẩn bị cho các tình huống khác nhau, chứ không thể chỉ trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Với tính năng động vốn có của họ, các doanh nghiệp phải tự tìm kiếm các thị trường khác thôi.
Thật ra, trong những năm vừa qua, trong quan hệ Việt-Trung, đã từng xảy ra những tình huống cũng phức tạp, ví dụ như khi tàu bè Trung Quốc vào khu vực bãi Tư Chính, hoặc là khi quan hệ hai nước căng lên, các nhà kinh doanh phải tính các con đường để có thể xuất hàng của họ đi nơi khác, nếu Trung Quốc không mua, hoặc nhập khẩu từ các đường khác, nếu Trung Quốc không bán.

Tác hại đến du lịch
Như chuyên gia Phạm Chi Lan đã nói ở trên, ngành bị tác hại đầu tiên do dịch viêm phổi Vũ Hán dĩ nhiên là du lịch, vì Trung Quốc đã ra lệnh ngưng mọi chuyến du lịch theo đoàn cả ở trong nước cũng như đi đến các nước khác, trong đó có Việt Nam. Ngược lại, chính phủ Hà Nội cũng đã tạm ngừng các hoạt động đưa tour du lịch qua lại giữa hai bên.
Ngoài ra, ngày 30/01, Cục Hàng Không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không tạm ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch viêm phổi Vũ Hán đến Việt Nam. Bộ Giao Thông Vận Tải cũng đã ban hành chỉ thị tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch virus corona của Trung Quốc và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam. Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vừa cho biết sẽ tạm ngừng khai thác nhiều đường bay giữa Việt Nam và các điểm của Trung Quốc kể từ 04/02. Riêng hãng Vietjet ngày thông báo tạm dừng bay đến Trung Quốc từ ngày 01/02.
Trong khi đó chính quyền các tỉnh biên giới phía bắc đang siết chặt kiểm soát ở các cửa khẩu. Lạng Sơn tạm dừng thông quan hàng hóa tại nhiều cửa khẩu. Quảng Ninh đã cấm người qua lại và tạm thời đóng cửa tất cả các đường mòn, lối mở biên giới ở tỉnh này, đồng thời giám sát chặt chẽ người qua lại các cửa khẩu của tỉnh.

-----------------------------------------------
.
Thùy Dương  -  RFI
Đăng ngày: 03/02/2020 - 14:24

Tại nhiều nơi ở Trung Quốc, người dân thành phố Vũ Hán, tâm ổ dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, đang bị truy lùng như thể họ là tội phạm.
Để khuyến khích người dân cung cấp thông tin về người Vũ Hán, chính quyền nhiều địa phương ban hành biện pháp thưởng tiền, các cuộc tra hỏi nhắm vào người Vũ Hán được siết chặt.
Tuần trước, Ủy ban Vệ sinh - Y tế Trung Quốc kêu gọi các địa phương không lơ là việc xác minh người dân trong khu vực đã từng đi đến đâu. Khắp nơi, chính quyền địa phương phải chịu sức ép về việc trục xuất những người đến từ tỉnh Hồ Bắc.
Ở Bắc Kinh, một số quận đã tự rào chắn, buộc du khách hoặc những người quay lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán cung cấp thông tin về hành trình đi lại của họ thời gian qua.
Một nhân viên an ninh nói với AFP là những ai đến từ Hồ Bắc phải thông báo cho nhà chức trách khu vực, vì có thể những người này làm lây nhiễm bệnh. Những người được xác minh là người Hồ Bắc hoặc Vũ Hán sẽ bị theo dõi chặt chẽ, không thể tự ý ra, vào một khu phố, thậm chí còn không được đi mua thức ăn. Bí thứ đảng ủy một khu phố ở Bắc Kinh cho biết nếu cần, khu phố sẽ cử người đi mua thực phẩm giúp.
Nhà chức trách một khu vực ở Thạch Gia Trang, phía tây nam Bắc Kinh, treo thưởng 2.000 nhân dân tệ cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về những người đã ở Vũ Hán trong 2 tuần qua. Tại một số vùng, người dân trở về từ tỉnh Hồ Bắc, Vũ Hán bị dân làng tẩy chay. Cư dân từ Hồ Bắc cũng nhận được các cuộc gọi điện thoại hàng ngày và phải ghi lại nhiệt độ của họ trong khoảng hai tuần.

Hồng Kông : Nhân viên y tế đình công đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục

Ngày 03/02/2020, hàng ngàn nhân viên các bệnh viện công tại Hồng Kông đã đình công đòi chính quyền đóng toàn bộ biên giới với Hoa lục để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Phong trào đình công của nhân viên y tế đặc khu diễn ra trong bối cảnh chính phủ Hồng Kông, vốn trung thành với Bắc Kinh, không đồng ý đóng cửa toàn bộ biên giới với Hoa lục, trong khi Hồng Kông đã ghi nhận 11 ca nhiễm virus, đa phần tới từ Hoa lục.
Theo AFP, chính quyền đặc khu đánh giá biện pháp đóng cửa biên giới mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử, có hại cho kinh tế Hồng Kông và trái với khuyến cáo của tổ chức Y Tế Thế Giới - WHO. Chính quyền cho biết sau khi cho đóng một số cửa khẩu hồi tuần trước, số người đến từ Hoa lục đã giảm 50%.

--------------------------------------------------------
.
Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày: 03/02/2020 - 16:19

Virus corona đang hoành hành tại Trung Quốc khiến cả thế giới lo sợ. Sống với virus corona, Vũ Hán không khác gì "địa ngục". Le Figaro dành đến ba bài báo để nói về chủ đề này.
Trong bài thứ nhất tờ báo tóm lược tình hình : "Thế giới dựng thành lũy đối mặt với virus corona" dù chỉ có 1% các ca bệnh. Giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới tuần qua đã nhấn mạnh rằng tình hình không đến nỗi phải giới hạn mọi giao thương với Trung Quốc. Điều đó không cấm cản các nước từ Mỹ, Nhật Bản đến Anh, Pháp, Đức và cả Maroc hay Indonesia hối hả hồi hương kiều dân khỏi ổ dịch Vũ Hán, các hãng hàng không lớn bé trên thế giới ngừng phục vụ các chuyến bay sang Hoa lục. Đó là bằng chứng rõ rệt cho thấy Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã đánh mất uy tín.

Vũ Hán : Người bị đầy xuống địa ngục
Những người trong cuộc ở ngay ổ dịch Vũ Hán đang sống ra sao ? Bà Shi Muying, một phụ nữ 37 tuổi, sống tại Luân Đôn về nước thăm mẹ bị ung thư giai đoạn cuối kể lại với phóng viên báo Le Figaro : Bà về đến Vũ Hán 12 ngày trước khi thành phố bị phong tỏa và đã từng bước "rơi xuống địa ngục".
Chuyến về thăm quê lần này của bà vốn đã mang màu tang tóc nhưng với dịch viêm phổi virus corona, bà và gia đình còn khổ hơn. Từ khi đáp xuống phi trường, ngày ngày người phụ nữ Vũ Hán này cùng cha vào bệnh viện thăm người mẹ chỉ còn đợi ngày ra đi. Đó cũng là thời gian hai bố con bà Shi Muying bắt đầu bị sốt, rồi ho. Họ đạp xe đi khắp thành phố tìm một hiệu thuốc.
Cuối cùng, hôm 26/01 họ đành phải đi bệnh viện khám xem chỉ cảm cúm qua loa hay đã nhiễm virus corona. Vào gặp được bác sĩ, họ mới biết rằng, phải tự đi tìm lấy dụng cụ xét nghiệm, nhưng trong một thành phố đã bị phong tỏa, những ca bị ho, sốt bị "cách ly", hai cha con bà "bó tay". Nhân chứng này nói rõ : bị cách ly có nghĩa là họ bị trả về nhà và không được phép ra khỏi cửa. Ba ngày sau, phụ nữ này trở lại bệnh viện tái khám và đã phải đợi "từ bốn đến năm tiếng đồng hồ trong một gian phòng nhỏ, đông kín người".
Khám xong ra về, bà quá tuyệt vọng nên cất tiếng kêu cứu trên mạng xã hội Vi Bác. Nhờ vậy, đến hôm 30 tháng Giêng, hai bố con được nhập viện. Phụ nữ 37 tuổi này không nuôi ảo vọng và biết rằng dù ở bệnh viện hay không thì cũng chẳng được chăm sóc. Cùng phòng với Shi Muying có hai người phụ nữ khác, lớn tuổi hơn, họ ăn nói ồn ào. Thân phụ của bà được giữ ở một tầng khác trong cùng một nhà thương. Hai bố con nói chuyện với nhau bằng điện thoại.
Ngồi trên giường bệnh, nhìn ra dòng sông Dương Tử, người phụ nữ sống ở Luân Đôn trở về Vũ Hán này biết chắc, cách đấy vài cây số, mẹ bà đang trút những hơi thở cuối cùng, không một người thân bên cạnh. Điều khiến bà lo lắng là liệu có được xuất viện để nhận xác mẹ về mai táng hay không. Bà cũng không chắc là người cha già sẽ vượt qua được thử thách này.

Khủng hoảng y tế : Giải pháp nào cho thích hợp ?
Cách xa Vũ Hán ngàn trùng, tại Paris, ông Emmanuel Hirsh, giám đốc tổ chức của vùng Ile de France (Paris và vùng phụ cận) chuyên nghiên cứu về những khía cạnh đạo đức trong đời sống hàng ngày, nêu lên câu hỏi : Trước một cuộc khủng hoảng về y tế, làm thế nào để tránh bị chỉ trích hoặc là không phản ứng kịp thời để cho dịch bệnh lây lan, hoặc là đưa ra những biện pháp quá mạnh tay hành xử như một chế độ độc tài ?
Tác giả bài viết nêu lên trường hợp cụ thể của Trung Quốc : nhân danh chống dịch bệnh, chính quyền đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, bế quan tỏa cảng nhiều thành phố gây trở ngại cho quyền tự do đi lại. Các nền dân chủ làm sao có thể ban hành được những biện pháp này ? Đây là bài báo thứ ba Le Figaro dành để nói về virus corona.
La Croix đề cập đến một khía cạnh gần gũi và dễ hiểu hơn : "Ngành nghiên cứu của thế giới dốc lực chống virus corona". Một tháng đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc công bố những ca bệnh đầu tiên, chúng ta biết thêm được những gì về siêu vi corona ? Còn những gì cần tìm hiểu thêm về loài siêu vi mới lạ này ?
Viện Y Tế Quốc Gia và Nghiên Cứu Y Khoa của Pháp - INSERM cuối tuần trước cho biết đã xác định được thời hạn ủ bệnh là từ 5 đến 8 ngày. Tỷ lệ tử vong do virus corona trung bình là từ 2 đến 3%. (Thấp hơn so với 10% do virus gây viêm phổi cấp tính SARS gây nên. Còn virus MERS xuất phát từ vùng Trung Cận Đông có tỷ lệ tử vong là 25%). Ngoài ra, INSERM cũng xác định được rằng cứ 1 người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cho từ 1,4 đến 2,5 người chung quanh. Để so sánh, một người bị ban đỏ có thể lây cho từ 15 đến 20 người.
Bên cạnh đó, virus corona cũng còn nhiều ẩn số giới khoa học chưa giải mã được hết. Thí dụ tại sao một số trường hợp, bệnh tình đã nguy ngập hơn hẳn sau 7 ngày được phát hiện ? Tại sao trẻ nhỏ dưới 15 tuổi ít bị lây nhiễm ?

Trung Quốc bị tê liệt
Báo kinh tế Les Echos chú ý đến những thiệt hại khi mà không chỉ Vũ Hán, mà cả nước Trung Quốc bị thế giới xa lánh. "Bắc Kinh huy động 160 tỷ đô la cứu nguy kinh tế".
Tình trạng bị cô lập, có nguy cơ đẩy nền kinh tế thứ nhì của thế giới vào suy thoái. Sau 10 ngày nghỉ Tết, các thị trường tài chính Trung Quốc hoạt động trở lại. Biết trước chỉ số chứng khoán đồng loạt sụt giá, Ngân Hàng Trung Ương đã vội vã bơm thêm 1.200 tỷ nhân dân tệ vào cỗ xe kinh tế. Chính quyền thông báo sẽ "kề vai sát cánh" với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều cơ quan, nhà máy không thể khai trương đúng ngày như mong đợi.
Một thành phố năng động như Thượng Hải phải quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết thêm một tuần lễ. Thiệt hại về tài chính kèm theo đó không biết đâu mà lường. Thành phố Bắc Kinh khuyến khích các doanh nghiệp nghỉ thêm đến hết tuần này. Thậm chí, một số nhà máy còn thông báo chỉ hoạt động lại vào ngày 14/02/2020. Ba tuần lễ được nghỉ để ăn Tết, một hiện tượng chưa từng thấy tại Trung Quốc.
Tập đoàn mua bán địa ốc lớn thứ ba trên toàn quốc ngưng tiếp khách cho đến ngày 16/02, cho nhân viên tại hơn 1.200 công trường nghỉ ngơi đến ngày 20/02. "Toàn quốc bị một con virus làm tê liệt", trong lúc học sinh, sinh viên nước ngoài tìm đường "hồi hương".
Cũng Les Echos cho biết các trường đại học của Pháp và các trường lớn gửi sinh viên sang Trung Quốc đều trong tư thế sẵn sàng, cho dù bộ Giáo Dục chưa ra chỉ thị "hồi hương" tất cả các sinh viên Pháp khỏi Trung Quốc. Khoảng 200 sinh viên của trường thương mại Skema tại Tô Châu, cách ổ dịch Vũ Hán 750 cây số, từ Thứ Năm tuần trước đã rời thành phố từng được mệnh danh là kinh đô tơ lụa của Viễn Đông.
Ở mãi tận Paris, trường thương mại nổi tiếng HEC thông báo "ngưng các chương trình trao đổi sinh viên với Trung Quốc cho đến khi có lệnh mới".

--------------------------------------------
.
Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày: 03/02/2020 - 12:14

Trung Quốc đang cần « khẩn cấp » nhiều thiết bị bảo hộ y tế, đặc biệt là khẩu trang y tế, kính bảo hộ và quần áo bảo hộ để đối phó với dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới gây ra, hiện số ca tử vong đã lên tới 361 người, cao hơn con số của dịch SARS năm 2002-2003.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố như trên trong cuộc họp báo ngày 03/02/2020. Theo hãng tin AFP, việc Bắc Kinh nhìn nhận không đủ khả năng đối phó với một cuộc khủng hoảng trong nước là một điều bất thường. Cho tới nay, chỉ có một lần duy nhất mà Trung Quốc phải nhờ đến sự trợ giúp của quốc tế, đó là vào năm 2008, khi xảy ra trận động đất kinh khủng khiến hơn 80.000 người chết và mất tích.
Dịch bệnh do virus corona mới tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc, với số người chết lên tới 361, cao hơn con số tử vong của dịch viêm phổi cấp tính nặng SARS năm 2002-2003. Trước tình hình này, ngoài tỉnh Hồ Bắc, nhiều tỉnh và thành phố khác của Trung Quốc đã bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Tổng cộng hơn 300 triệu người buộc phải đeo khẩu trang ở Trung Quốc. Cho dù không bắt buộc, người dân Trung Quốc trong những ngày qua cũng đã đổ xô đi mua khẩu trang vì sợ lây bệnh, gây nên tình trạng khan hiếm.
Bình thường khi chạy hết công suất, các nhà máy của Trung Quốc sản xuất được 20 triệu khẩu trang mỗi ngày, nhưng theo một quan chức của bộ Công Nghiệp Trung Quốc, các nhà máy mới hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết, và hiện chỉ chạy khoảng từ 60 đến 70% công suất, nên không đáp ứng kịp nhu cầu.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, Anh Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gởi các thiết bị bảo hộ y tế cho Trung Quốc.

----------------------------------
.
Thùy Dương  -  RFI
Đăng ngày: 03/02/2020 - 15:06

Ngày 03/02/2020, chính quyền Nga thông báo sẽ trục xuất những người nước ngoài bị nhiễm virus corona mới và triển khai các biện pháp cách ly.
Trong một cuộc họp nội các được phát trên truyền hình, thủ tướng Nga Mikhail Michoustine nhấn mạnh virus corona đã được đưa vào danh sách các bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Hồi tuần trước, Matxcơva thông báo hàng loạt biện pháp phòng bệnh, trong đó có biện pháp đóng cửa 4.250 km biên giới với Trung Quốc và giảm các chuyến tầu nối hai nước, hạn chế các chuyến bay, khôi phục chế độ visa với khách du lịch Trung Quốc, tạm ngưng cấp visa nhập cảnh cho người lao động tới từ Trung Quốc.
Trong những ngày sắp tới, các máy bay quân sự của Nga sẽ được điều đến các tỉnh đang có dịch bệnh đang lây lan ở Trung Quốc để đưa dân Nga về nước. AFP cho biết thủ tướng Nga còn đề nghị lùi ngày tổ chức Diễn đàn Kinh tế Nga tại Sotchi dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 14/02.

Pháp : Chuyến bay hồi hương thứ hai đã hạ cánh
Tại Pháp, chuyến bay thứ hai từ Vũ Hán hồi hương người Pháp và kiều dân nhiều nước khác đã hạ cánh vào chiều 02/02. Trong tổng số 254 hành khách trên chuyến bay, 36 người có triệu chứng nhiễm virus, 16 người nước ngoài được chuyển ngay lập tức về nước họ, 20 người khác được xét nghiệm tại Pháp, nhưng các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Tất cả hành khách lưu lại Pháp được đưa về cách ly 14 ngày trong một trường sĩ quan cứu hỏa ở Aix-en-Provence và khu du lịch Carry-le-Rouet, miền nam nước Pháp.
Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền California ngày 02/02 thông báo có thêm 3 người nhiễm corona, nâng số người bị lây nhiễm siêu vi tại Mỹ lên thành 11 người.

Chứng khoán Hoa lục sụt giảm, G7, OPEC họp bàn
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn không ngừng lây lan, thị trường chứng khoán Hoa lục đã mở cửa phiên giao dịch đầu tiên hôm 03/02 sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Theo AFP, chỉ số chứng khoán Hoa lục vào phiên cuối ngày sụt giảm hơn 7%, mức sụt giảm trong ngày cao nhất tính từ năm 2005.
Trước bối cảnh dịch bệnh lan rộng tại Trung Quốc, sau một cuộc điện đàm hôm 02/02 với đồng nhiệm Mỹ, bộ trưởng Y Tế Đức Jens Spahn thông báo các bộ trưởng Y Tế của khối G7 sẽ tổ chức họp qua mạng viễn thông để tìm cách đối phó với dịch bệnh đang hoành hành tại Trung Quốc.
Còn tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, cũng trong ngày 02/02, đã thông báo tổ chức một cuộc họp trong hai ngày 04-05/02 tại Vienna, Áo để phân tích về tình trạng sụt giá dầu thô do tác động của virus corona.

----------------------------------------
.
Đức Tâm  -  RFI
Đăng ngày: 03/02/2020 - 12:11

Chỉ một tháng sau khi Trung Quốc báo động về virus corona mới (2019-nCoV), các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, cơ quan y tế của nhiều nước trên thế giới đã lao vào cuộc chạy đua với thời gian để bào chế vac-xin.
Ngày 31/01/2020, cơ quan nghiên cứu dịch tễ nổi tiếng thế giới, Viện Pasteur Pháp, thẩm định sẽ bào chế được vac-xin trong 20 tháng nữa, trong khi đó, Trung Quốc hay Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) cho biết sẽ có được vac-xin ứng viên để thử nghiệm trên người trong 3 tháng tới. Thậm chí, ngày 30/01, công ty dược phẩm Mỹ Inovio, hợp tác với tập đoàn Trung Quốc Beijing Advaccine Biotechnology, thông báo đã tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tuyên bố mang tính tuyên truyền, việc bào chế ra được một vac-xin hữu hiệu và sau đó tiến hành sản xuất hàng loạt, khá phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều tháng trời.

Sau đây là một vài câu hỏi mà website ici.radio-canada.ca đặt ra với giới chuyên gia :

1- Phải chăng đã có vac-xin hiện đang được sản xuất hàng loạt ?
Không. Nhưng các công việc đã được bắt đầu để đạt được mục tiêu này. Theo giải thích của bác sĩ Raymond Tellier, chuyên gia vi sinh thuộc Trung tâm Y Tế đại học McGill, Canada, thoạt tiên, khi tìm cách sản xuất một loại vac-xin kháng một loại virus cụ thể, người ta không nhất thiết phải biết trước cách thức hoặc phương pháp bào chế để có thể đạt được kết quả tốt. Hiện nay, các chuyên gia đang nghiên cứu nhiều hướng, đặc biệt là dựa vào những kinh nghiệm mà họ đã có được trong đợt dịch viêm phổi cấp tính SRAS năm 2003.

2- Ai sản xuất vac-xin ?
Chính phủ (thông qua các định chế công) tài trợ cho các phòng thí nghiệm công và tư tiến hành nghiên cứu. Các công ty dược phẩm cũng đầu tư vào việc bào chế vac-xin. Một phòng thí nghiệm của đại học Saskatchevawn (phía tây Canada), trước đây đã bào chế thành công các loại vac-xin kháng được các virus corona liên quan đến gia súc được chăn nuôi. Hiện nay, phòng thí nghiệm này đang cố bào chế một loại vac-xin mới và đã được phép của Cơ quan Y tế Công Canada để tiến hành các thử nghiệm.

3- Có sự phối hợp trên thế giới trong việc bào chế vac-xin hay không ?
Theo bác sĩ Tellier, không hề có một tổ chức quốc tế nào có thẩm quyền để phối hợp các hoạt động bào chế vac-xin của các nước, các tập đoàn dược phẩm…

4- Cần bao nhiều thời gian để bào chế được một vac-xin ?
Tối thiểu nhiều tháng, thậm chí một năm hoặc hơn. Sau khi tiến hành thử nghiệm trên súc vật và người, phải đợi có giấy phép và lúc đó mới có thể sản xuất hàng loạt. Bác sĩ Tellier nhấn mạnh : Đương nhiên, nếu phải đối mặt với đại dịch, người ta có thể rút ngắn các giai đoạn. Nhưng như vậy, thì nguy cơ hiệu ứng phụ của vac-xin sẽ cao.

5- Việc sản xuất vac-xin thường phải trải qua những giai đoạn nào ?
Chuyên gia Pierre Talbot, thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (INRS), giải thích : Trước tiên, người ta thử nghiệm vac-xin ứng viên trên súc vật. Sau đó là các thử nghiệm lâm sàng trên người. Nếu một vac-xin được đánh giá là an toàn, tạo ra khả năng miễn dịch và bảo vệ, theo đúng như tiêu chuẩn đã đề ra thì sản phẩm này sẽ được phép sản xuất hàng loạt để tiêm phòng chủng cho người dân. Cụ thể, giai đoạn 1 nhằm đánh giá mức độ độc hại. Giai đoạn hai đánh giá hiệu quả. Trong giai đoạn cuối, vac-xin được thử nghiệm trên diện rộng, có nghĩa là tiêm thử cho hàng trăm thậm chí hàng ngàn bệnh nhân.
Giai đoạn cuối này cho phép các chuyên gia hiểu được hơn hiệu quả và những lợi thế của thuốc, cũng như các phản ứng tiêu cực mà thuốc có thể gây ra.

6- Liệu virus corona có thể biến mất trước khi người ta làm ra được vac-xin ?
Chuyên gia Talbot khẳng định : Hoàn toàn có thể. Virus SRAS đã biến mất sau 8 tháng. Do virus corona mới rất giống virus SRAS, thậm chí còn kém tai ác hơn, tôi nghĩ là trong vài tuần hoặc lâu nhất là trong vài tháng nữa, dịch bệnh virus corona mới có thể được ngăn chặn do các biện pháp được triển khai tại Trung Quốc và tại các nước có người bị lây nhiễm.




No comments:

Post a Comment