Thursday, February 27, 2020

TÔI BỊ KHUYÊN KHÔNG VIẾT FACEBOOK NỮA (Ngô Huy Cương)





(Đây là bài viết của PGS. Ts luật Ngô Huy Cương- giảng viên cao cấp Khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội)

“Mặc mẹ chúng nó, viết làm gì cho mệt người ra, đi chơi cho sướng!” – một vài người bạn khuyên tôi. “Thôi không viết nữa! Viết thế người ta ghét cho à!” – người nhà tôi khuyên.

Thú thực, tôi đúng là một người bị ảnh hưởng quá sâu sắc bởi nền giáo dục xã hội chủ nghĩa trước kia, xa lắm rồi. Trong mái trường xã hội chủ nghĩa, người ta dạy tôi phải yêu nước, thương nòi: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; người ta dạy tôi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xả thân vì sự nghiệp cách mạng; người ta dạy tôi sống là phải đấu tranh: “Đấu tranh là lẽ sống” hay “sống là dấu tranh”; người ta dạy tôi phải biết thương yêu, quí trọng những người lao khổ; người ta dạy tôi mỹ học với những phạm trù “cái đẹp”, “cái cao thượng”; người ta dạy tôi thật thà, dũng cảm…

Tôi vốn không thích facebook từ trước, nhưng nay tôi ý thức được nó là một phương tiện quan trọng giúp cho người dân nói lên được tiếng nói của mình, đấu tranh với những thói hư tận xấu trong xã hội, kể cả thói hư tận xấu của chính mình.

Thử hỏi nếu không có facebook, mạng xã hội khác, thì người dân thực hiện “quyền làm chủ tập thể”, “quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, quyền giám sát đối với bộ máy nhà nước và cán bộ công chức như thế nào?

Tôi đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc mời tham gia phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015; Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)… Tôi viết bài và phát biểu rất hăng hái không vụ lợi. Thế nhưng những ý kiến của tôi đi đến đâu, có phản hồi lại không, được tiếp thu hay không và tiếp thu như thế nào không ai được biết. Kỳ lạ thay, phản biện tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc là phản biện xã hội chính thức nhưng Ban soạn thảo, cũng như Quốc hội thường cử những người chẳng có vai trò gì đáng kể tới tham dự, thiếu tranh luận.

Trong nhiều hội thảo do các cơ quan của Quốc hội tổ chức, tôi có ý kiến rất rõ ràng, nghe có vẻ được tiếp thu. Song đâu vẫn vào đấy. Tôi viết rất nhiều trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp góp ý về hoạt lập pháp nói chung, cũng như về các dự luật, đạo luật nói riêng. Tôi hoàn toàn tin tưởng các ý kiến của tôi rất đáng tham khảo (mời mọi người xem), song chẳng đi đến đâu. Trong khi đó luật lệ làm ra ngày càng sai nghiêm trọng ngay cả những vấn đề cơ bản nhất.

Tôi xin gặp các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm (Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội) để trình bày cực nhiều ý kiến đóng góp, nhưng họ không cho gặp và cũng chẳng hồi âm. Tôi nghĩ tôi là người đã từng làm việc cho Văn phòng Quốc hội và rất nhiều người ở đó biết tôi mà tôi còn khó gặp họ như vậy thì không biết liệu người dân chân lấm tay bùn có gặp được không? Tôi luôn luôn tâm niệm đó là những người đại biểu của dân chứ không phải là “quan Quốc hội”.

Vậy tôi phải dùng phương thức nào để đóng góp cho đất nước, để thực hiện những gì mình đã được dạy dưới mái trường xã hội chủ nghĩa?

Có người nói rất lý thuyết rằng mỗi người cứ làm tốt công việc của mình là đóng góp cho đất nước rồi. Tôi luôn luôn giảng dạy pháp luật tốt. Nhưng tôi không thể dạy khoa học pháp lý một đằng trong khi các đạo luật lại làm sai một nẻo. Nếu cứ dạy như vậy thì học viên sẽ nghĩ gì về pháp luật, về đất nước hay về giáo dục?

Tôi mong chờ được gặp những vị Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm để góp ý. Nếu được tôi sẽ dùng facebook để ca ngợi sự thành tâm đối với đất nước, đối với nhân dân của các vị!






No comments:

Post a Comment