Sunday, February 23, 2020

NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI : NHỮNG CÁNH TAY LUÔN CHÌA SẴN CHO NGƯỜI KHÁC (Y Chan - Luật Khoa)





Y Chan  -  Luật Khoa
22/02/2020

Khi nhận được hồ sơ của John, Caroline – một nhân viên công tác xã hội ở tiểu bang Missouri (Mỹ) – đã dành thời gian đọc kỹ. Cô biết các vấn đề cậu gặp phải: bị bỏ rơi từ nhỏ, có khuynh hướng xa lánh người khác, chống đối giao tiếp với người xung quanh, và sức khỏe cũng không ổn.

Nhưng lần đầu tiên gặp cậu bé 11 tuổi, Caroline vẫn bị sốc. John (không phải tên thật) không phản ứng với bất kỳ ai, ngồi thu lu cuộn một góc. “Xin chào, chị là Caroline, chị rất vui được gặp em”. John không trả lời, cũng không ngước mắt lên nhìn, thu mình vào một chỗ trong căn phòng của nhà trẻ mồ côi.

“Bất kỳ lúc nào có chuyện gì cần, em gọi chị nhé. Chị sẽ đến thăm em thường xuyên.” Caroline để lại lời nhắn và ra về.

Là một nhân viên công tác xã hội, Caroline Bailey được giao phụ trách khoảng 30 hồ sơ những đứa trẻ như John. Phải rất vất vả cô mới có thể sắp xếp được thời gian để theo dõi hết các hồ sơ này. Nhưng sau lần đầu gặp John, Caroline thấy tim mình như bị bóp chặt. Cô biết mình sẽ phải dành nhiều tâm trí công sức hơn để giúp cậu bé.

Sáu tháng tiếp theo đó, cứ một hai tuần Caroline lại đến thăm và dẫn John đi ra ngoài chơi. Cô cùng John đi tô tượng, trượt băng, dạo trong công viên, đi ngắm các khu trung tâm mua sắm. Nhận thấy John rất có khiếu nghệ thuật, Caroline tìm những hoạt động có thể khuyến khích cậu bé sáng tạo.

Trong nửa năm ấy, dù có vẻ thích thú được đi chơi, John vẫn không mấy khi mở miệng nói chuyện. Cậu thường ngồi yên trên xe của Caroline, nhìn bâng quơ ra bên ngoài.

Tháng thứ bảy kể từ lần gặp đầu tiên, Caroline chở John về sau một buổi đi dạo. Cô chào cậu bé “Gặp em sau nhé. Chúc em ngủ ngon!”. John, như thường lệ, ngậm tăm không nói gì, mở cửa và chạy về phía nhà.

Khi cô nhìn cậu bé bước đến cửa, chuẩn bị đi về, thì bỗng nhiên John quay phắt lại, vẫy tay về hướng cô.

“Caroline! Caroline! Cám ơn chị hôm nay đã dẫn em đi chơi!”

Đó là khoảnh khắc Caroline trông đợi suốt bảy tháng qua: lần đầu tiên nghe John gọi tên mình.

Hỏi bất kỳ một nhân viên công tác xã hội nào, cho dù là mới vào nghề, chắc chắn bạn sẽ được nghe ít nhiều những trải nghiệm tương tự.

Nếu không phải là một đứa trẻ mồ côi cần được quan tâm thì sẽ là một người lớn tuổi cô đơn cần chăm sóc, không phải là một người phụ nữ gặp bạo hành cần bảo vệ thì sẽ là một cặp đôi có vấn đề về hôn nhân cần tư vấn, không phải là một gia đình thất nghiệp cần hỗ trợ thì sẽ là những bệnh nhân nghèo khó không ai nương tựa, không phải là các cựu binh chiến tranh cần điều trị tâm lý lẫn bệnh lý thì sẽ là những cộng đồng thiểu số bị hắt hủi áp bức phải bỏ xứ ra đi…

Những người làm công tác xã hội xuất hiện ở những nơi, vào những lúc và với những người cần sự giúp đỡ nhất.

Đó là định nghĩa giản dị nhất của công việc này: nghề giúp đỡ những người không thể tự giúp mình (help the helpless).

***
Người ta thường nhầm lẫn giữa “công tác xã hội” và “làm từ thiện”.

Sự nhập nhằng này là dễ hiểu, vì khởi nguyên của công tác xã hội chính là các hoạt động từ thiện.

Chỉ đến giữa thế kỷ 18, từ sau Cách mạng Công nghiệp, các hoạt động từ thiện (charity) mới dần chuyển biến thành công tác xã hội (social work).

Cuộc cách mạng này tạo ra số lượng hàng hóa của cải nhiều nhất trong lịch sử, nhưng chế độ phân chia bất bình đẳng, tình trạng thất nghiệp của nông dân mất đất, cộng với các hậu quả môi trường cũng khiến vấn đề đói nghèo trở nên trầm trọng.

Người ta dần nhận ra đây là một vấn đề xã hội (social issue), không thể chỉ giải quyết bằng cách làm từ thiện đơn giản xưa nay là “cho con cá”, mà phải làm sao “trao được cần câu” cho người cần giúp đỡ.

Để làm được điều đó, hoạt động từ thiện phải trở nên chuyên nghiệp, từ ngẫu hứng phải biến thành bài bản, từ manh mún phải làm thành có tổ chức, từ một hoạt động tự nguyện đơn thuần phải trở thành một công việc chuyên nghiệp với yêu cầu cụ thể về trách nhiệm, năng lực, và kết quả.

Nó còn phải tác động đến cả chính sách của nhà nước, đảm bảo giải quyết căn cơ các vấn đề xã hội.

Nghề công tác xã hội (social worker) ra đời từ đó.

Từ cuối thế kỷ 19, đặc biệt là đầu thế kỷ 20, các tổ chức công tác xã hội ở Mỹ và phương Tây phát triển mạnh và hoàn thiện dần từ cơ cấu tổ chức, vận hành đến các cơ sở, nội dung huấn luyện đào tạo đáp ứng với yêu cầu của nghề.

Trải qua nhiều biến động như Đại khủng hoảng thập niên 1930, hai cuộc Thế chiến I và II, toàn cầu hóa… các vấn đề xã hội cần giải quyết cũng nhiều hơn: đói nghèo, thất nghiệp, nạn nhân chiến tranh, dân nhập cư chạy nạn, trẻ em bị bỏ rơi, bất bình đẳng giới, phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính, môi trường bị tàn phá…

Công tác xã hội vì vậy từ một lý tưởng (cause) giờ đây trở thành một bộ phận (function) không thể thiếu trong guồng máy hoạt động của xã hội.

Ở Việt Nam, nghề công tác xã hội vẫn còn là một khái niệm tương đối xa lạ, chỉ mới được phổ biến trong hơn mười năm trở lại đây. Luật về Công tác xã hội cũng chỉ mới là dự thảo, chưa được ban hành chính thức. Nhưng các hoạt động đào tạo ngành nghề này thì đã diễn ra sôi nổi.

Khi các vấn đề xã hội xuất hiện ngày một nhiều, người ta sẽ càng cần đến những người làm công tác xã hội hơn.

***
Giống như những ngành nghề khác, người làm công tác xã hội cũng phải đạt các yêu cầu riêng về kỹ năng và kiến thức.

Nhưng khác với nhiều nghề, công tác xã hội đòi hỏi những giá trị riêng biệt.

Một trong những giá trị cốt lõi là ý thức về “công bằng xã hội” (social justice). Người làm công tác xã hội không thể nhắm mắt khi thấy bất công, cho dù đối tượng chịu bất công đó là ai.

Họ mang trong mình thứ mà các nhà thần kinh học gọi là “tế bào phản chiếu” (mirror neuron): các tế bào có phản ứng y hệt, “cháy lên” khi bạn quan sát người khác thực hiện một hành vi, hệt như bạn là người đang thực hiện nó.

Nhờ tế bào phản chiếu, người ta có thể trải nghiệm được cảm giác của đối tượng mà không cần chính mình thực hiện hay trải qua.

Hay như trong tiếng Việt, chúng ta vẫn thường gọi nó là “lòng trắc ẩn”.

“Trắc” () và “ẩn” () là hai từ Hán – Việt, trong trường hợp này đều có nghĩa là “đau”.
Lòng trắc ẩn vì vậy là khả năng đau cái đau của người khác.

Hầu hết chúng ta đều có lòng trắc ẩn, hay các tế bào phản chiếu ở trong mình.

Với những nhà hoạt động, nhất là những người làm công tác xã hội, các tế bào phản chiếu này cháy gần như liên tục.

Áp lực đối với họ cũng liên tục được dồn nén.

Caroline Bailey, nhân viên công tác xã hội trong câu chuyện lúc đầu, sau một thời gian đã quyết định chuyển sang công tác tư vấn điều phối, thay vì trực tiếp phụ trách chăm sóc các đứa trẻ mồ côi.

Trước đó, cô đã tìm được cho John một gia đình nhận nuôi cậu. Dù rất quan tâm gắn bó những đứa trẻ như John, nhưng Caroline thấy mình gần như kiệt sức. Cô mất ngủ thường xuyên, lúc nhắm mắt thì mơ về những đứa bé mình cần chăm sóc, còn khi tỉnh lại không ngừng lo lắng cho tương lai của chúng. Cô cần điều chỉnh để lấy lại thăng bằng.

Caroline đến gặp từng đứa trẻ để tạm biệt. John là người sau cùng. Khi nghe cô thông báo, rằng sẽ có nhân viên công tác xã hội mới đến chăm sóc cậu, cậu bé không nói gì từ đầu đến cuối. Im lặng như ngày đầu tiên gặp.

Caroline thì không thể ở lâu trong đó. Cô từ biệt cậu và đi như chạy. Khi đã một mình ở trong ô tô, cô mới òa khóc.

Một năm sau, Caroline nhận thông tin về phiên tòa xác nhận thủ tục chính thức nhận nuôi John từ gia đình mới. Cô đến dự phiên tòa. Nhìn thấy cô bước vào, John nhoẻn miệng cười.

Câu đầu tiên John nói với cô: “Khi chị đi, em đã khóc.”

***
Những người làm nghề công tác xã hội có lẽ không bao giờ đút tay vào túi quần. Cánh tay của họ luôn chìa ra để những người tuyệt vọng có thể nắm lấy.

Nhưng khi chính mình cần giúp đỡ, nhiều lúc họ lại không tìm thấy bao nhiêu cánh tay giơ ra.

Một phần vì đa số họ đều không nổi đình nổi đám, không có hàng ngàn fan hâm mộ như các thần tượng siêu sao. Phần khác vì họ không mấy khi nói về những vấn đề của riêng mình.

Vào tháng 9/2019, Luật Khoa đã đăng một phóng sự dài về số phận những người Thượng ở Tây Nguyên, bị chính quyền cộng sản áp bức phải bỏ trốn khỏi quê hương mình. Hàng trăm người Thượng trong nhiều năm qua phải tị nạn tạm bợ ở Thái Lan.

Trong cuộc sống tha hương vất vưởng đó, sự giúp đỡ duy nhất họ có được đến từ các cá nhân và tổ chức công tác xã hội. Trong số các nhân viên công tác xã hội gắn bó lâu dài với họ nhất, có cô Grace Bui, một nhân viên trợ giúp pháp lý Mỹ đã nghỉ hưu.

Trong hơn 5 năm qua, cô Grace đã trở nên thân thiết đối với cộng đồng tị nạn ở đây. Cô giúp người Thượng nhận gạo, nhu yếu phẩm do người Việt hải ngoại ủng hộ, vận động các tổ chức phi chính phủ, Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) trong những trường hợp cần thiết, như có người bị cảnh sát bắt giữ.

Trước khi đến Thái Lan, Grace đã là nhà hoạt động xã hội. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm nhân viên xã hội và là đại diện pháp lý trong nhiều vụ việc tại các tòa án dành cho trẻ vị thành niên ở Mỹ trong nhiều năm.

Không có nhiều người biết rằng Grace chủ yếu dùng tiền tiết kiệm của riêng mình để trang trải các chi phí hoạt động xã hội ở Thái Lan. Chỉ đến tháng 7/2019, với vai trò vận động quốc tế cho dự án The 88 Project, một dự án nâng cao nhận thức của thế giới về vấn đề tù nhân lương tâm tại Việt Nam, cô mới bắt đầu có lương.

Lại càng ít người biết rằng Grace có sẵn bệnh ung thư trong người, lần đầu vào năm 2009, và gần đây đã tái phát với khối u ở phổi.

Chi phí nằm viện đã ngốn hết mọi khoản tiết kiệm của cô, và theo các bác sĩ cô vẫn cần ít nhất một vòng điều trị nữa mới có hy vọng chiến thắng bệnh tật.

Các đồng nghiệp của cô hiện đang đăng lời kêu gọi gây quỹ từ cộng đồng tại GoFundMe để hỗ trợ Grace Bui có đủ chi phí chữa trị.

Grace Bui là một nhân viên công tác xã hội gần như hoàn toàn vô danh. Ngay cả khi lời kêu gọi giúp đỡ từ các đồng nghiệp của cô được đưa ra, cũng không có bao nhiêu người biết được câu chuyện của cô.

Đó có lẽ là cái nghiệp chung của đa số những người làm nghề chuyên vác tù và hàng tổng này.

Khi người khác ngã xuống, họ là những người đầu tiên chìa cánh tay ra để giúp đỡ.

Khi họ ngã xuống, ai sẽ giúp đỡ họ, nếu không phải là chúng ta?





No comments:

Post a Comment