Thursday, February 20, 2020

MẤY SUY NGẪM TỪ VỤ ÁN CỐNG RỘC ĐẾN ĐẠI ÁN THÔN HOÀNH (Hàn Vĩnh Diệp)




Hàn Vĩnh Diệp
20/02/2020

Tám năm trước, ngày 5/1/2012, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã mạo danh cưỡng chế, đem hơn 100 binh lính và công an tấn công các gia đình anh em ông Đoàn Văn Vươn, hòng chiếm đoạt đầm nuôi thủy hải sản của họ.

Việc làm ngang ngược ấy đã bị các nạn nhân chống trả quyết liệt bằng võ khí thô sơ (cây súng hoa cải dùng để bắn chim bằng đạn ria và mấy bình ga). Hậu quả là sáu công an và binh sỹ bị thương nhẹ, những người chống đối rút lui an toàn, lực lượng cưỡng chế phá hủy ngôi nhà hai tầng của ông Vươn và em trai ông.

Vụ Cống Rộc ở Tiên Lãng – Hải Phòng đã gây chấn động dư luận cả nước thời bấy giờ. Chính phủ đã có chỉ thị kịp thời, rõ ràng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định vụ việc cưỡng chế giải tỏa thu hồi đầm nuôi trồng thủy hải sản ở Cống Rộc là sai, và yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân trong vụ việc trên.

Nhưng Hải Phòng đã xử lý “nghiêm khắc” như thế nào? Họ đổ hết tội cho cán bộ chủ chốt đảng – chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vĩnh Quang. Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND huyện bị đưa ra tòa và được lãnh mươi tháng án treo (?) Trong khi đó, bốn anh em ông Vươn bị truy tố về tội cố ý giết người, lãnh trọng án 5 năm tù giam (!). Vợ ông Vươn, Quý cũng bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ (?)

Sự thật rành rành, nếu không có sự lãnh đạo chỉ đạo kiên quyết của Thành ủy – UBND thành phố Hải Phòng (cụ thể là Bí thư Thành ủy và Chủ tịch) thì liệu huyện Tiên Lãng, xã Vĩnh Quang có dám đường đột làm cái chuyện “động trời” ấy không? Nếu chỉ huy Trưởng quân đội thành phố và Giám đốc sở công an không phối hợp, vạch kế hoạch tác chiến, điều động quân và ra lệnh tấn công, thì liệu ông Phó chủ tịch huyện là cán bộ dân sự chấp hành mệnh lệnh của Bí thư, Chủ tịch (cũng là cán bộ dân sự) có thể chỉ huy một đạo quân không nhỏ hành sự không?

Sau cuộc chiến, ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Sở Công an thành phố đã hết lời ca ngợi “trận đánh đẹp” này bằng những lời có cánh: “Phải nói rằng việc hợp đồng tác chiến cực kỳ hay … sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp … có thể viết thành sách …”.

Qua phát biểu của ông Ca, có thể thấy chính ông là một trong những người điều khiển, chỉ huy trận đánh vào gia đình anh em ông Vươn để cướp đoạt thành quả lao động cực kỳ gian khổ và đầy sáng tạo, thông minh của họ. Rõ ràng đây không phải là chủ trương của Huyện ủy – UBND huyện Tiên Lãng, mà họ chỉ là kẻ thừa hành.

Kết quả của việc “thực hiện nghiêm túc” chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là những kẻ chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo gây ra vụ án Cống Rộc thì không hề bị xử lý, kỷ luật, lại còn được thăng cấp, thăng chức. Những người thừa hành bị xử phạt kiểu dân gian nói “đánh phủi bụi”.

Còn nạn nhân bị truy diệt đến cùng đường, phải tự bảo vệ tính mạng thì bị trọng án, tù tội; nhà cửa, tài sản mất sạch. Cái kết của vụ án cho thấy sự can thiệp của chính phủ chỉ là giải pháp tình thế, nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người dân. Đảng – Nhà nước không thực tâm giải quyết căn cơ sai trái của Thành ủy, chính quyền Hải Phòng, Tiên Lãng; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

***

Đầu năm 2020 lại xảy ra đại án ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, ngay trên đất Hà Nội.

Đêm 9/1, hơn 3000 quân trang bị hiện đại bất thần tấn công vào ngôi làng Hoành bé nhỏ; khống chế tất cả nhà dân; bắt sống 27 người nòng cốt của dân làng trong cuộc đấu tranh hòa bình giữ đất Đồng Sênh; tra tấn, sát hại dã man một ông lão hơn 80 tuổi đời, gần 60 tuổi đảng mà họ vu cáo là người cầm đầu cuộc đấu tranh.

Các phương tiện thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước nói, dân làng đã chống trả quyết liệt “quân lính thi hành công vụ”; nhưng không có binh lính nào bị thương tích, chỉ có ba sỹ quan “hy sinh anh dũng oanh liệt” một cách kỳ bí!

Nhiều tư liệu đã miêu tả, phân tích diễn biến của trận đánh ấy khá xác thực; ở đây, chỉ xin đề cập đến một khía cạnh khác. Sau cuộc chiến ấy, cách xử lý của Trung ương đảng – Chính phủ khiến nhiều người quan tâm có suy nghĩ, nghi vấn.

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước – Thủ tướng chính phủ đã bỏ qua các nguyên tắc – thủ tục về khen thưởng, cấp tập truy tặng huân chương chiến công hạng nhất; bằng Tổ quốc ghi công, truy phong phẩm hàm (trong ba người, có hai người được phong vượt cấp) cho ba sỹ quan công an được cho là đã hoàn thành “nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc”. Tổ chức tang lễ trọng thể hơn cả tang lễ cấp tướng (*); Bộ công an đã phát động toàn quân học tập tấm gương hy sinh anh dũng để bảo vệ Đảng của ba sỹ quan (tất nhiên ai cũng biết Bộ Công an làm việc này là theo lệnh của ai!).

Những việc trên cho thấy, đây là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Bộ Chính trị – Chính phủ, từ những vụ Cống Rộc, Văn Giang, Dương Nội, Cồn Dầu, Thủ Thiêm, Lộc Hưng và bao nhiêu vụ oan sai khác trong cả quá trình …

Sau những việc làm có tính công khai – minh bạch trên, vào dịp gần tết Nguyên Đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, ủy lạo đơn vị cảnh sát cơ động thủ đô, khen ngợi các chiến sỹ – sỹ quan CSCĐ trong những năm qua, đã lập được nhiều thành tích xuất sắc bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ …

Qua đó, ông Phúc hiệu triệu lực lượng vũ trang cả nước nắm chắc tay súng, kiên quyết đập tan mọi âm mưu chống đảng, chống chế độ của các thế lực thù địch; của những kẻ âm mưu chống đảng, chống chế độ; những bọn phá rối trật tự an ninh xã hội … Lời hiệu triệu đanh thép của thủ tướng nghe như có hơi hướng giông giống lời của Thủ tướng Lý Bằng (Trung Quốc) trong diễn văn bế mạc hội nghị Trung – Việt ở Thành đô (1990) (**)
Có thể sắp tới người ta sẽ truy tố 27 người đã bị bắt trong vụ càn quét ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, đưa họ ra tòa về tội danh giết người, chống đảng, chống chế độ, chống người thực thi công vụ, với những vật chứng mà họ đã trưng bày.

Vật chứng ấy là thật hay giả, những ai có chút suy nghĩ đều rõ. Rất nhiều vụ án chính trị những năm qua, cơ quan chấp pháp đã đưa ra những vật chứng ngụy tạo như mấy bao cao su qua sử dụng, tấm biểu chương hoặc lời thú tội của nạn nhân sau khi bị hành hình dã man để tòa kết tội.

Thiển nghĩ, đã là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt thì những vụ việc đau buồn như Cống Rộc, làng Hoành v.v… chắc còn tiếp diễn.

____

(*) Đám tang ba sỹ quan công an, Tổng bí thư – Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội gởi vòng hoa viếng. Thủ tướng dẫn đầu đoàn quan chức chính phủ đến dự lễ tang … Đầu tháng 01/2020 lễ tang thiếu tướng (hàm được phong trong kháng chiến chống Pháp) Nguyễn Trọng Vĩnh – người có nhiều công lao to lớn trong cuộc chiến bảo vệ đất nước và là nhà ngoại giao xuất sắc trong cuộc đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc, nhưng không có quan chức nào của đảng, Nhà nước đến viếng.

(**) Theo Wikileaks. Trong bài diễn văn bế mạc hội nghị Thành đô ở Trung Quốc tháng 9/1990 của Thủ tướng Lý Bằng, CHND Trung Hoa, có đoạn: “Với bọn phản động chuyên gây rối cứ thẳng tay trấn áp, bịt cái miệng chó của chúng lại … nhân nhượng là chết đấy. Phải quét cho bằng sạch, không thương xót bọn dân chủ. Không cho chúng được đàng chân lân đàng đầu. Vùi chúng xuống đất đen, không cho chúng ngóc đầu dậy (…) Nếu ở Trung Quốc có một Thiên An Môn, tại sao Việt Nam lại không có một cái tương tự như vậy …”

Thực chất vụ đại án làng Hoành (Đồng Tâm) về quy mô chưa bằng nhưng tính chất thì tương tự vụ án Thiên An Môn.






No comments:

Post a Comment