Monday, February 3, 2020

HẬU BREXIT : CUỘC ĐỌ SỨC GIỮA ANH & LIÊN HIỆP CHÂU ÂU CHỈ MỚI BẮT ĐẦU (Minh Anh)




Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày: 03/02/2020 - 14:27

Ngày 31/01/2020, nước Anh chính thức rời Liên Hiệp Châu Âu sau 47 năm quan hệ thăng trầm, và ba năm rưỡi « dùng dằng » đi ra. Nhưng đó mới chỉ là mặt hình thức bởi vì con đường đi đến cuộc chia tay « thật sự » được dự báo còn lắm chông gai.

Ngày 31/01/2020 được đánh giá là « lịch sử » đối với Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, nhưng thực ra, chỉ là thời điểm « nghỉ cho lại sức » ngắn ngủi giữa hai hiệp đấu. Hiệp thứ nhất, đôi bên mất hết ba năm rưỡi để cố đạt đồng thuận về khuôn khổ cuộc chia tay. Trong hiệp hai tới đây, hai bên chỉ có 11 tháng để xác định mối quan hệ tương lai.

Và hiệp hai này mới chính là phần khó nhất, liên quan đến nhiều vấn đề : Số phận của kiều dân Liên Hiệp đang sinh sống và làm việc tại Anh Quốc, Kinh tế, Giáo dục, An ninh… Ước tính có khoảng 600 thỏa thuận sẽ phải được ký kết, trong số này, hồ sơ gai góc nhất chính là quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên. Cuộc thương lượng chỉ có thể chính thức khai màn vào đầu tháng Ba năm 2020 nhưng đôi bên bắt đầu có những lời lẽ cứng rắn, răn đe, bảo vệ bằng mọi giá các lợi ích của mình.

Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn kết thúc nhanh chóng các cuộc thương lượng và cho rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tham vọng từ đây đến cuối năm 2020. Ông cảnh cáo không có chuyện kéo dài giai đoạn chuyển tiếp và mong muốn thỏa thuận tự do mậu dịch Luân Đôn - Bruxelles phải giống như văn bản được ký kết giữa Liên Hiệp với Canada.

Nghĩa là, thỏa thuận mới không kèm theo các quy định của Liên Hiệp Châu Âu về cạnh trạnh, tài trợ, bảo vệ người lao động, môi trường… và trong thỏa thuận này, Vương Quốc Anh vẫn sẽ duy trì việc kiểm soát các vùng ngư trường và hệ thống kiểm soát di dân.
Theo nhận định của thông tín viên đài RFI, Muriel Delcroix tại Anh, thách thức cho phía Luân Đôn là khá lớn. Với 440 triệu dân, châu Âu vẫn là một đối tác thương mại hàng đầu. 47% hàng hóa xuất khẩu của Anh là vào Liên Hiệp Châu Âu. Nhiều lĩnh vực chủ chốt như thực phẩm, xe ô tô hay dược phẩm phụ thuộc nhiều các trao đổi thương mại với 27 nước thành viên.

Về phía Liên Hiệp Châu Âu, trưởng đoàn đàm phán Michel Barnier đưa ra hai điều kiện chính để đúc kết một hiệp định thương mại : « Một thỏa thuận dựa theo các luật chơi chung » sao cho Luân Đôn không là một đối thủ cạnh tranh gian lận ; và một quy định cho hồ sơ đánh bắt cá.

Điều kiện thứ hai này là một vấn đề cực kỳ nhậy cảm, có liên quan đến nhiều nước thành viên. Những nước như Pháp, Đan Mạch có nhu cầu tiếp tục được đánh bắt thủy sản tại các vùng lãnh hải của Anh được cho là dồi dào hải sản. Ngược lại, Anh Quốc xuất khẩu 80% thủy hải sản vào Liên Hiệp Châu Âu.

Do vậy, theo phân tích của AFP, thủ tướng Boris Johnson có thể sử dụng hồ sơ đánh bắt cá như là một công cụ mặc cả trong các cuộc thương thuyết chẳng hạn như cho phép các dịch vụ tài chính Anh, tiếp cận thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Một hồ sơ mà Paris cho biết là « sẽ theo dõi sát sao ».

Trước triển vọng này, chiếc bóng « Brexit không thỏa thuận » vẫn còn lởn vởn. Ngày 31/01/2020 chỉ tạm thời được đẩy lùi nguy cơ một Brexit thật sự « no deal ». Mười một tháng sắp tới là quãng thời gian chuyển tiếp. Nước Anh vẫn tiếp tục được hưởng những quy định hiện có dành cho một nước thành viên. Thay đổi duy nhất hiện nay là Luân Đôn sẽ không còn được tham dự vào việc đưa ra các quyết sách cho khối.

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.





No comments:

Post a Comment