Thursday, February 20, 2020

CHUYÊN GIA : 'BẤT CÔNG' KHI MỸ BỎ VIỆT NAM KHỎI DANH SÁCH 'ĐANG PHÁT TRIỂN' (VOA Việt Ngữ)




18/02/2020

Việc Washington mới đây đưa Việt Nam khỏi danh sách của Mỹ về các nước đang phát triển là một quyết định không công bằng và gây bất lợi, giáo sư-tiến sĩ kinh tế Khương Hữu Lộc ở Mỹ, bình luận với VOA.

Như VOA đã đưa tin, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hôm 10/2 đã cắt ngắn danh sách riêng của Mỹ về các nước đang phát triển và kém phát triển nhất.

USTR là cơ quan chuyên trách về soạn thảo và điều phối chính sách về kinh tế đối ngoại và đầu tư trực tiếp của Mỹ.

Với động thái kể trên, Mỹ hạ thấp mức chuẩn để kích hoạt điều tra về việc các quốc gia có làm hại các ngành công nghiệp Mỹ bằng cách xuất khẩu hàng được trợ giá bất công hay không.

Một loạt các nền kinh tế tự nhận là “đang phát triển” sẽ bị ảnh hưởng từ quyết định của Washington, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và 15 nước khác ở châu Âu, Trung Á, Trung và Nam Mỹ, và châu Phi.

Xét theo tiêu chí Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) trên đầu người để đo mức độ thịnh vượng, phát triển của các quốc gia, Việt Nam vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với đa số các nền kinh tế trong danh sách của USTR.

GDP đầu người năm 2017 theo cách tự tính toán của Việt Nam là 2.985 đô la. Trong khi đó, con số của Trung Quốc là hơn 8.800 đô la, Hàn Quốc 29.700 đô la, Singapore 57.700 đô la.

Giáo sư Khương Hữu Lộc, người giảng dạy hệ thạc sĩ về quản trị kinh doanh (MBA) tại trường dành cho nghiên cứu sinh ngành quản trị Keller Graduate School of Management, đưa ra nhận xét với VOA:

“Rõ ràng là có một cái bất công. Việt Nam là xứ đang bành trướng, không có thể nào so sánh với những quốc gia như Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc. Liệt Việt Nam vào cùng một danh sách với Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, đó là điều bất lợi”.

Dù đã tăng trưởng nhiều sau 30 năm, hiện nay thu nhập đầu người của Việt Nam vẫn thấp.

Ông Lộc, người cũng đã và đang giữ chức giám đốc hành chính tại nhiều công ty lớn ở Mỹ, cho biết rằng các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước đang phát triển có thời gian trì hoãn áp dụng những quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, quyền của người lao động, nhân quyền, và chỉ bị điều tra chống bán phá giá nếu họ trợ giá cho hàng hóa trên 2%.

Nhưng với quyết định vừa rồi của USTR, Mỹ đơn phương ngừng đi theo các quy định của WTO, như vậy Washington sẽ có thuận lợi hơn để gây sức ép về các điều kiện môi trường, lao động, nhân quyền, cũng như dễ điều tra hơn đối với hàng chục nước, kể cả Việt Nam, ngay cả khi họ trợ giá dưới 2%, giáo sư Lộc giải thích.

Theo giáo sư, mục tiêu chính của Mỹ là Trung Quốc vì nền kinh tế khổng lồ này đang hưởng những ưu đãi to lớn theo quy định của WTO, dẫn đến những bất lợi cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Mỹ:

“Chính phủ ông Trump luôn luôn tuyên bố rằng WTO có những điều luật không công bằng với Hoa Kỳ. Một trong những điều ông nói là danh sách [của WTO] về những quốc gia được liệt kê là các quốc gia đang phát triển, tiêu biểu nhất là Trung Quốc”.

Trên bình diện rộng hơn, Washington cũng nhắm đến các nền kinh tế mà nay đã đạt độ phát triển cao song vẫn lợi dụng các quy định mà Nhà Trắng xem là đã “lỗi thời” để có lợi thế khi buôn bán với Mỹ.

Như vậy, Việt Nam trở thành một nạn nhân bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nói riêng, và nỗ lực của Washington nhằm xóa bỏ những bất công trong giao thương với nhiều nước nói chung, giáo sư Lộc nhận định.

Để phần nào giảm bớt những bất lợi do động thái mới của Washington, giáo sư Lộc đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam:

“Thứ nhất, Việt Nam cần phải ráo riết thu hẹp lại sự mất cân bằng thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Việt Nam tuyệt đối không thể nào vi phạm những điều Việt Nam đã vi phạm trong quá khứ và đã bị Hoa Kỳ phạt. Đó là xuất cảng về thép và nhôm. Đó là những điều thiết thực Việt Nam cần làm để tránh lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc, để thuyết phục Hoa Kỳ không đưa vào danh sách các nước phát triển cùng một lượt với Trung Quốc, Hàn Quốc hay là Singapore”.

Hiện Việt Nam đang hưởng thặng dư thương mại lớn trong buôn bán với Mỹ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tới hết tháng 11/2019 đạt 68,6 tỷ đô la, trong đó, Việt Nam xuất sang Mỹ trên 55 tỷ đô la, và nhập từ Mỹ hơn 13 tỷ đô la.

Chuyên gia kinh tế Khương Hữu Lộc lưu ý đến 2 việc lớn Việt Nam cần làm, bao gồm kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa, tránh việc Trung Quốc và một số nước lợi dụng nhãn mác “Made in Vietnam” (Sản xuất tại Việt Nam); và bảo đảm rằng hệ thống tiền tệ “công minh”, trong đó, tỷ giá hối đoái thả nổi theo thế giới.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nên chứng minh cho Tổng thống Trump thấy Việt Nam cần thêm thời gian và ưu đãi để trở thành một trung tâm chế tạo, có thể đóng vai trò trợ giúp cho Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, theo giáo sư Lộc.

Lý giải về lập luận này, vị chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng một nguyên nhân quan trọng làm Trung Quốc nhân nhượng Mỹ rất nhiều để 2 nước đi đến Thỏa thuận giai đoạn 1 về thương mại là Bắc Kinh biết rằng Washington lấy Việt Nam làm nơi để kêu gọi các công ty Mỹ rời Trung Quốc sang Việt Nam, bên cạnh việc khuyến khích họ trở về Mỹ.

Ông Lộc nói với VOA:
“Đó là một điểm son Việt Nam có thể dùng để nói rằng ‘nếu chúng tôi bị liệt vào danh sách như vậy, thì khả năng chế tạo, sản xuất, hay xuất cảng với giá cao hơn thì không thể nào cạnh tranh được với Trung Quốc’. Việt Nam phải chứng minh rằng ‘chúng tôi cần một bàn đạp để sát cánh với Hoa Kỳ để cạnh tranh hữu hiệu với lại Trung Quốc, đó là một đối thủ kinh tế rất mạnh của Hoa Kỳ’. Tôi nghĩ rằng nếu làm những điều đó thì có thể làm thay đổi quan điểm của văn phòng USTR”.

Cho đến thời điểm bài viết này được đăng, theo quan sát của VOA, chính phủ Việt Nam chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào về quyết định của chính quyền của Tổng thống Trump.
Việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển ở thời điểm hiện nay có lẽ gây bất ngờ cho chính giới lãnh đạo ở Hà Nội.

Theo tìm hiểu của VOA, một nghị quyết hồi tháng 3/2018 của Bộ Chính trị có nhiều quyền lực nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra mục tiêu rằng đến năm 2030 Việt Nam “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, và đến năm 2045, Việt Nam “trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại”.

CẬP NHẬT: Ngày 20/2, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, ông Đoàn Khắc Việt, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết: “Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của vụ việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia đang phát triển đồng thời duy trì đối thoại, phối hợp với các biện pháp về phía Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương theo hướng hài hòa, bền vững, đem lại lợi ích cho cả 2 nước”.






No comments:

Post a Comment