Sunday, February 2, 2020

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM : CÓ QUYỀN LỰC, NHƯNG KHÔNG CÓ QUYỀN UY (Bùi Công Trực - Luật Khoa)




02/02/2020

Năng lực chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam hiện đại là một đối tượng hóc búa để nghiên cứu. Từ một quốc gia sống dựa vào viện trợ thực phẩm quốc tế hồi thập niên 1980, Việt Nam chuyển hóa trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển ấn tượng nhất khu vực châu Á cũng như thế giới, giúp tăng hàng chục lần thu nhập bình quân đầu người.

Việt Nam thường được nhắc đến như là một hình mẫu của một quốc gia vượt khó thành công. Cũng trong dòng đánh giá tích cực đó, nhiều học giả cho rằng nhà nước Việt Nam đã xây dựng được một chính thể tinh vi và lão luyện, với sự chính danh dựa trên năng lực (performance-based legitimacy). Trong bài viết này, tác giả trình bày những minh chứng cho một luận điểm ngược lại.

Nhà nước: Con thuỷ quái cần thiết

Mô hình nhà nước độc đảng và tập trung quyền lực như Việt Nam được một triết gia chính trị vĩ đại trong thế kỉ 17 ủng hộ. Đó là Thomas Hobbes.

Khác với triết gia cùng thời John Locke, người thúc đẩy một nhà nước phân quyền và thượng tôn pháp luật, Hobbes nghĩ rằng một chính thể nhà nước hiệu quả thì phải có quyền lực tuyệt đối. Ông so sánh một nhà nước như vậy với hình ảnh “Leviathan”, một loài thủy quái trong Kinh thánh của người Do Thái (the Book of Job). Nó được chính Chúa trời tạo ra, là một biểu tượng của năng lực sáng tạo của Chúa, với quyền lực chỉ có thể bị đánh bại bởi chính Chúa trời.

Một nhà nước Leviathan, theo Hobbes, cần phải có thẩm quyền chính danh (authority). Ảnh: Bìa sách Leviathan, Getty Images.

Tuy vậy, thường có nhiều hiểu nhầm về khái niệm có “quyền lực” (power) và có “thẩm quyền/quyền uy” (authority). Dù Hobbes sử dụng hình ảnh loài thủy quái do Chúa trời tạo ra để nói về nhà nước, thẩm quyền hay quyền uy của nhà nước này chỉ có được khi con người hiện đại đồng thuận rằng xã hội không có nhà nước sẽ dẫn đến loạn lạc.

Trong một “xã hội tự nhiên” (state of nature), nơi được mô tả là cuộc chiến sinh tồn giữa “tất cả chống lại tất cả”, con người buộc phải chấp nhận sự tồn tại của một thực thể có quyền năng vượt trội để đứng ra giải quyết các mâu thuẫn cũng như bảo vệ quyền tự do của các cá nhân trong xã hội. Nhà nước, vì thế, là một con quái vật, nhưng cần thiết (the necessary evil). Nền tảng của quyền lực nhà nước, theo đó, dựa trên làn đường hai chiều: chiều sức mạnh được biểu hiện ra thế giới khách quan của nhà nước, và chiều đồng thuận ngầm từ chính người dân. 

Liệu bộ máy Đảng và Nhà nước Việt Nam có phải là một con thuỷ quái cần thiết theo quan điểm của Hobbes không? Đáng tiếc là, ở cả hai chiều được nhắc đến ở trên, nhà nước Việt Nam đều thể hiện nhiều điểm yếu kém.

Sự bất lực của mô hình quản trị địa phương

Đảng Cộng sản Việt Nam không thể được xem là một nhân tố chính trị hiệu quả, nơi mà “việc phải làm sẽ được làm”. Kết cấu chính trị rệu rã và khả năng thực thi yếu kém tại cấp địa phương cho thấy điều này. Dưới đây là hai bằng chứng được nêu ra trong nghiên cứu của Giáo sư Adam Fforde, Đại học Victoria – Úc và cộng sự.

Đầu tiên là câu chuyện về một chương trình hợp tác phát triển giữa Thụy Điển và Việt Nam. Thay vì làm việc và cung ứng nguồn tài trợ phát triển thông qua chính quyền xã, chương trình này làm việc trực tiếp với nhóm dân cư của các làng, xã và lực lượng lãnh đạo tự quản của các nhóm này (ví dụ như trưởng làng, tổ trưởng tổ dân phố…). 

Khi nhóm cộng tác hỏi một vị chủ tịch xã rằng phương pháp này có khiến ông thấy mình đang bị mất quyền hay không, ông ấy cười và nói rằng “các anh Tây” lựa chọn như thế là rất “khôn”. Ông thừa nhận rằng dùng hệ thống chính quyền thì lúc đầu nhanh, nhưng càng về sau triển khai càng khó.

“Nhân viên cấp dưới thêm nhiều việc thì không muốn làm, mà làm thì cũng không xuể. Tôi lại phải xử lý nhiều vấn đề hơn. Trao quyền cho người dân địa phương tự làm, tự quyết vậy mà tôi lại có nhiều thời gian hơn, cảm thấy có nhiều quyền lực hơn ban đầu.”

Ông Nguyễn Bá Thanh từng được xem là một “huyền thoại” thực thi chính sách khi còn sống. Ảnh: Danangz.vn

Ví dụ thứ hai có liên quan đến vị chủ tịch Đà Nẵng lừng danh đã quá cố Nguyễn Bá Thanh. Được xem là một trong những gương mặt điển hình trong khả năng thi hành hiệu quả các chính sách quản lý đô thị – một điều hiếm có khó tìm ở Việt Nam – nhóm nghiên cứu phỏng vấn một số cá nhân nhằm tìm hiểu về phương pháp làm việc của ông Nguyễn Bá Thanh.

Họ nhận ra rằng, để thực thi hầu hết các dự án – chính sách của mình, ông này đều thực hiện ba bước quan trọng: (1) gặp gỡ với người dân để xác định và hình thành vấn đề; (2) sau đó, tự lập nên những nhóm làm việc đặc biệt để xử lý và đưa ra giải pháp cho các khúc mắt của người dân; (3) cuối cùng, Nguyễn Bá Thanh dùng uy tín cá nhân của mình ra để bảo đảm với người dân và các tổ chức cá nhân có liên quan về hiệu quả của nhóm làm việc đặc biệt, đề nghị họ tin tưởng và chấp hành quyết định của các nhóm này. 

Với cả hai tình huống nói trên, nghiên cứu chỉ ra rằng năng lực thực thi và khả năng gây ảnh hưởng của bản thân hệ thống chính trị chính thống Việt Nam lên người dân là rất yếu. Để thật sự bảo vệ quyền lợi của mình và giúp cho một chính sách vận hành hiệu quả, hoặc là người dân tự giác tham gia và thực hiện một chính sách nhất định (trong trường hợp của tình huống viện trợ đầu tiên), hoặc là họ đặt niềm tin vào uy tín của một vị “lãnh chúa” địa phương (trong trường hợp của Nguyễn Bá Thanh). Cả hai đều cho thấy hệ thống quản trị quốc gia – mà cụ thể nhất là ở cấp độ gần gũi với người dân nhất – vô cùng rời rạc, chứ không công phu và phức tạp như nhiều nhà bình luận Việt Nam tưởng tượng.

Giải quyết xung đột “Ý Đảng, Lòng Dân” bằng vũ lực

Là một nhà nước theo mô hình Leninist, Việt Nam thường giải quyết tranh chấp giữa chính quyền với các nhóm cộng đồng bằng các phong trào chính trị cơ sở (political campaign).

Mô hình này không tập trung vào việc xây dựng một trật tự chính trị quy chuẩn, lý tính và chuẩn mực (rational-legal political orders), thay vào đó dựa vào nền tảng của kiểu quyền lực xã hội truyền thống (traditional forms of public authority) như sức hút cá nhân, mối quan hệ nhân thân, mối quan hệ gia đình… Vì thế, các xung đột giữa định hướng của đảng cầm quyền (“ý Đảng”) và các nhóm dân cư (“lòng dân”) thường kết thúc bằng việc sử dụng bộ máy bạo lực nhà nước. Đặc biệt là khi họ không tìm được một cá nhân có đủ quyền lực xã hội truyền thống đối với người dân, như ông Nguyễn Bá Thanh chẳng hạn. 

Hải Phòng huy động quân đội và công an can thiệp trong vụ cưỡng chế đất tại huyện Tiên Lãng, năm 2012. Ảnh: Infonet.

Giả thuyết này được chứng minh rõ rệt nhất trong các tranh chấp về đất đai giữa chính quyền với người dân trên khắp Việt Nam. Hầu như chưa từng một lần nào, chính quyền và bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam có thể giải quyết một cách hòa bình và thể hiện được quyền lực chính thể một cách trọn vẹn.

Thay vào đó, các cuộc xung đột thường bị đẩy đến đỉnh điểm và có kết cục thương tâm, như vừa xảy ra ở xã Đồng Tâm, vụ nông dân Đặng Văn Hiến năm 2016, hay nông dân Đoàn Văn Vươn năm 2012. Nhẹ nhàng hơn, nhà nước có thể cưỡng chế trước, bỏ tù để làm gương rồi đối thoại sau như vụ của Vườn rau Lộc Hưng, hay trường hợp Nguyễn Mai Trung Tuấn ở Long An lãnh án tù vì phản đối chính quyền cưỡng chế đất khi chỉ mới 15 tuổi.

Với mô hình giải quyết tranh chấp dựa hẳn vào quyền lực truyền thống, dường như bộ máy chính trị hiện nay không có bất kỳ phương án nào khác ngoài vũ lực khi gặp phải phản kháng từ phía cộng đồng dân cư. 

Cách mà chính quyền thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vấn nạn về hàng rong và lấn chiếm lòng lề đường cũng có đặc trưng tương tự. Với hầu hết các công cụ về tổ chức trật tự giao thông, quy hoạch… chính quyền ở đây cũng vẫn chỉ có thể áp dụng vũ lực bắt bớ theo ngày, và mọi việc trở lại như cũ khi lực lượng quản lý trật tự đô thị không tiếp tục có mặt. Đấy là chúng ta vẫn chưa nói đến các vấn đề nghiêm trọng hơn và có tầm vóc quốc gia hơn như Biển Đông, môi trường và mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. 

Trong khi đó, các quốc gia phương Tây ưa chuộng một phương pháp khác dựa trên các định chế tư pháp và đối thoại dân sự để giải quyết những tranh chấp kiểu này. Nếu so sánh với công cụ Leninist nói trên, phương pháp này yêu cầu sự tham gia của cả chính quyền, người dân và một bên thứ ba được xem là độc lập, thường là cơ quan tư pháp, với sự giám sát bao quát của báo chí và công luận. 

Có quyền lực, nhưng không có quyền uy

Khó ai có thể phủ nhận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống vũ lực khá mạnh mẽ và hiệu quả. Song, như đã nhắc đến ở đầu bài, quyền lực (power) đối với ai đó không đồng nghĩa với quyền uy (authority) để có thể làm điều gì đó. Bộ máy vũ lực nhà nước Việt Nam có thể tống vào tù bất kỳ người dân nào dám phản đối họ, điều này không có nghĩa rằng người dân nào cũng sẽ ủng hộ và hậu thuẫn việc họ làm. 

Hiện tượng này không phải chỉ bắt đầu mới đây. Nghiên cứu về quá trình thực hiện xã hội hóa nông nghiệp tại Việt Nam của tác giả Dang Trung Dinh, ngay sau khi năm 1975 thống nhất “hừng hực khí thế”, cho thấy rằng số lượng lớn người dân, dù Bắc hay Nam, không có niềm tin gì về nền kinh tế tập thể mà Đảng Cộng sản Việt Nam dùng hết tâm huyết để quảng bá suốt ba thập kỷ. 

Sự tin tưởng của người dân vào nhà nước được xây dựng dựa trên uy tín cá nhân thay vì sự hiệu quả của thể chế. Ảnh cổ động/không rõ nguồn

Thay vì thi hành các chính sách được nhà nước chính danh đề ra, người dân trong giai đoạn này thường né tránh để “ăn gian” trước bộ máy chính quyền đã hoàn toàn bất lực. Thái độ tương tự như vậy cũng hình thành trong tiềm thức của người dân Việt Nam khi các chiến dịch “ngăn sông, cấm chợ” và hình sự hóa kinh tế tư nhân trước 1986 được trình làng. 

Các biểu hiện này cho chúng ta một hình dung về mối quan hệ quyền lực và trật tự chính trị được dựng nên ở Việt Nam thời đó: Người dân luôn nghi ngờ Đảng và Nhà nước, còn Đảng và Nhà nước thì luôn canh chừng người dân. 

Đó là chuyện quá khứ, vậy ngày nay người dân Việt Nam còn nghi ngờ nhà nước không? 
Kết quả có vẻ khả quan hơn rất nhiều nếu như chúng ta nhìn vào chỉ số niềm tin vào thể chế chính trị Việt Nam, được đo trong Asian Barometer giai đoạn 2010-2012. Cụ thể, niềm tin của người dân vào hệ thống tòa án được khảo sát cao đến 78%, tin vào hệ thống đảng phái chính trị lên đến 88%, tin vào chính phủ là 93%, tin vào quân đội lên đến 94%…

Chỉ số niềm tin của công dân vào thể chế chính trị tại một số nước châu Á. Nguồn: Asian Barometer 2010-12.

Tuy vậy, không thể bỏ qua một xu hướng khá “ngược đời” ở bảng xếp hạng này là niềm tin vào thể chế chính trị (institutional trust) ở các nước châu Á, Việt Nam và các quốc gia mang thiên hướng độc tài có một số điểm rất cao. Trong khi đó, tại các quốc gia dân chủ cấp tiến như Nhật Bản hay Hàn Quốc, niềm tin vào hệ thống đảng phái chính trị thấp đến mức 9%, và chính phủ đôi khi chỉ được 22% dân chúng tin tưởng.

Vậy liệu chúng ta có lập luận sai rồi không?  

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Zheng-Xu Wang (Đại học Nottingham) không nghĩ vậy. Ông giải thích rằng những con số này mang tính tạm thời và tương đối cao, khi mà quá trình hiện đại hóa tại các nước phi dân chủ vẫn đang mang lại nhiều tiện nghi mới cho người dân. Cho đến lúc yếu tố này bị bão hòa, nhu cầu chỉ trích, phản biện hay thậm chí chống lại chính quyền đương nhiệm sẽ được biểu hiện rõ ràng hơn. 

Trong khi đó, các con số thấp lè tè về mức độ tín nhiệm dành cho những quốc gia dân chủ cấp tiến lại thể hiện mong muốn cải thiện và tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động của chính quyền, chứ không phải từ chối và bất hợp tác. 

Chỉ cần thay đổi câu hỏi một chút, người dân Việt Nam cho thấy họ chưa từng xem Đảng Cộng sản Việt Nam hay các thể chế thuộc nhà nước là những tổ chức có uy quyền. Trong cùng nghiên cứu của GS Adam Fforde mà chúng ta nhắc đến ở trên, khi những người tham gia khảo sát được hỏi về những người có “uy quyền” và “thẩm quyền” tại Việt Nam, họ không nhắc đến các chính thể và chức danh nhà nước như thẩm phán, chủ tịch tỉnh, công an hay lãnh đạo đảng… Thay vào đó, người dân có vẻ có hứng thú hơn đối với các khái niệm như “uy tín” hay “đạo đức”, và đặc biệt xem trọng nhân vật Hồ Chí Minh, bởi đạo đức và uy tín của nhân vật này. 

Điều này phù hợp với giả thuyết ban đầu của nghiên cứu rằng hệ thống chính trị hiện tại ở Việt Nam không tạo ra được mối liên hệ thẩm quyền chính danh với người dân Việt Nam. Nghiên cứu nhận định rằng người dân Việt Nam không có niềm tin (hoặc không quan tâm gì) về hệ thống chính trị và hệ thống quyền lực đương nhiệm. Với họ, tái tạo và phổ biến lại các giá trị đạo đức chính trị mới là con đường để giải quyết các vấn đề chính trị tại Việt Nam hiện nay. Thẩm quyền theo người dân Việt Nam, do đó, đến từ phẩm chất cá nhân, chứ không phải quyền lực của hệ thống. 

Lời kết

Như đã phân tích, có nhiều lý do để cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và trật tự chính trị mà họ đang xây dựng không hề đạt đến trình độ phức tạp và có thẩm quyền/quyền uy theo mô hình Leviathan mà Hobbes nhắc đến. Các chỉ số đẹp về sự tin tưởng có thể cho thấy một sự chấp nhận tạm thời của người dân rằng chính quyền hiện nay đã để họ được nắm quyền tự do kinh tế nhất định. Nói cách khác, sự tin tưởng vào Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, nếu có, là nhờ cả hai thực thể này đang… không làm gì cả. 

Đến khi nền kinh tế thật sự cần sự can thiệp của nhà nước, đến khi các vấn đề xã hội cần sự điều chỉnh của hệ thống chính trị, người ta sẽ rất nhanh chóng nhận ra Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền mà họ đang xây dựng chẳng phải là thuỷ quái gì cả, mà chỉ mong manh như hổ giấy. Còn sự dè chừng và bất tuân của người dân Việt Nam dành cho các chính sách và mô hình hoạt động của chính quyền hiện đại thì vẫn âm ỉ ở đó, chỉ chờ cơ hội để bùng lên. 


 --------------------------------------



XEM THÊM

.










No comments:

Post a Comment