Sunday, February 2, 2020

8 NGÀY TRONG TÂM DỊCH VŨ HÁN CỦA 3 PHÓNG VIÊN AFP (Zing.vn)




Sơn Trần  -  Zing.vn
05:30 03/02/2020

Trong vòng 8 ngày, một đội các phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP đã làm việc và đưa tin từ khu vực số 0 - tức tâm dịch ở Vũ Hán - trước khi được đưa lên máy bay trở về Pháp.

Leo Ramirez, Hector Retamal và Sebastien Ricci đã quay phim, chụp ảnh và viết về những gì diễn ra tại thành phố Vũ Hán - tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh hô hấp do virus corona - khi đô thị 11 triệu dân này bị phong tỏa với phần còn lại của thế giới.
Giờ đây họ kể lại câu chuyện của mình từ một khu nghỉ dưỡng ở phía nam nước Pháp, nơi họ đang bị cách ly, chờ kết quả xét nghiệm xem có bị nhiễm virus không, sau khi được chính phủ đưa về từ tâm dịch.

Ba phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP: Sebastien Ricci, Hector Retamal và Leo Ramirez là những phóng viên duy nhất của một hãng thông tấn quốc tế làm việc ở Vũ Hán trong thời điểm thành phố bị phong tỏa. Ảnh: AFP.


Leo Ramirez, quay phim

Có phải cổ họng tôi đang đau? Có phải tôi đang cảm thấy nóng? Liệu tôi có nhiễm virus không? - Đó là những câu hỏi luôn luẩn quẩn trong tâm trí tôi trong vòng 8 ngày ở thành phố Vũ Hán.

Trước khi được đưa tới cách ly ở miền nam nước Pháp vào hôm 31/1, chúng tôi là đội phóng viên duy nhất từ một hãng thông tấn quốc tế có mặt ở thành phố Vũ Hán - tâm điểm của đợt bùng phát tới nay đã giết chết hơn 300 người và khiến hơn 14.000 người bị nhiễm bệnh. Cả thế giới cũng trở nên hoảng loạn khi các bệnh nhân lần lượt xuất hiện ở nhiều nước ngoài Trung Quốc.

Các đoạn băng mà tôi ghi lại trong thời gian đó là một trong những nội dung có tác động mạnh nhất mà tôi tạo nên trong vòng 10 năm làm việc với AFP. Tôi nhìn thấy cả những khuôn mặt đau buồn nhất và những khuôn mặt dũng cảm nhất trong đợt bùng phát lần này, với hàng trăm tình nguyện viên mạo hiểm mạng sống của họ, và những nhân viên y tế làm việc không nghỉ.

Hình ảnh từ máy bay không người lái cho thấy Vũ Hán trở thành một thành phố ma, đường phố vắng vẻ, giao thông công cộng bị đình chỉ, cuộc sống gần như dừng lại ở tâm dịch bệnh.

Có hai thách thức ở đây - kể lại câu chuyện quan trọng này, và đảm bảo bạn không trở thành một phần của câu chuyện - bằng cách bị nhiễm virus.

Không có cách nào để bạn có thể hoàn toàn bảo vệ mình trước kẻ thù vô hình, nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ bị nhiễm virus, bao gồm đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, đeo găng tay và kính bảo hộ, rửa tay như thể bạn bị ám ảnh bởi việc giữ vệ sinh, ăn đúng bữa và uống các loại vitamin.

Trước khi vào khách sạn của chúng tôi, bạn phải trải qua một bước kiểm tra bắt buộc, bạn được đo thân nhiệt và chỉ được vào khách sạn nếu nhiệt kế chỉ thấp hơn 37 độ C. Sau 3 ngày ở Vũ Hán, tôi bắt đầu thấy hồi hộp với bài kiểm tra này. Sau một ngày làm việc ở nhiều khu vực nhạy cảm, điều tệ nhất là đi về khách sạn và phải bước qua chiếc máy đo thân nhiệt.

Đến một ngày, nỗi sợ hãi của tôi trở thành hiện thực. Chiếc nhiệt kế xác định thân nhiệt của tôi là 37,6 độ. Không có gì phải hốt hoảng, đôi khi nhiệt kế có thể sai. Vì vậy họ đo nhiệt độ cho tôi một lần nữa.

Kết quả vẫn là 37,6 độ.

Thêm một lần nữa, và kết quả vẫn vậy.

Đến lúc này, tôi và mọi người xung quanh đều bắt đầu có cảm giác rằng đôi chân của chúng tôi đang nặng đi. Họ quyết định đo thân nhiệt cho tôi một lần nữa, lần này là với một thiết bị khác.

Chiếc máy mới cho kết quả là 36,6, và mọi người cảm thấy dễ thở hơn hẳn.

Nhân viên khách sạn sẽ đo thân nhiệt cho mọi người ngoài cửa, nếu nhiệt kế chỉ hơn 37 độ, họ sẽ không cho vào. Ảnh: AFP

Khi chúng tôi làm việc, tôi ý thức rất rõ về những gì diễn ra với cơ thể mình. Nếu tôi cảm thấy muốn ho, tôi cố gắng kìm cơn ho lại, để tôi không bị mọi người nhìn. Bạn tự nói với mình cả ngày rằng "không được ho, không được hắt xì" và hy vọng rằng găng tay của bạn không bị rách. Nếu có ai đó hắt hơi vào áo bạn, bạn cảm nhận rất rõ điều đó.

Mọi ngày, chúng tôi đều rời khỏi khách sạn tay trắng, và trở lại với đầy thông tin. Tôi thật sự cảm thấy tệ khi rời đi, và không hề thoải mái khi phải làm vậy. Tôi cảm thấy tôi nên ở đó, nên ghi lại những gì xảy ra.


Sebastien Ricci, phóng viên

Khi chúng tôi có mặt ở Vũ Hán, nó đã giống như một thành phố ma. Chiếc máy bay đưa chúng tôi đến đó có rất nhiều ghế trống. Chỉ có khoảng 30 người trên máy bay, hầu hết là người Trung Quốc về quê thăm gia đình và họ nhìn chúng tôi với sự khó hiểu. Cứ như là bay đến Bình Nhưỡng vậy.

Khi chúng tôi hạ cánh, sân bay không có ai, đường cao tốc vắng tanh và chẳng có người nào trên đường.

Sự vắng vẻ này càng đáng nói hơn khi nó diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán - kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất năm ở Trung Quốc, khi đường phố thường chật kín người đi sắm sửa và vui chơi.

Một điều khác cũng gây ấn tượng mạnh với tôi - người đã làm việc ở Trung Quốc gần 10 năm, và cũng góp phần khẳng định rằng đúng là đang có điều gì đó không ổn ở thành phố này.

Cảnh sát gần như mặc kệ chúng tôi và để cho chúng tôi làm việc thoải mái. Thường thì họ sẽ theo dõi kỹ càng các phóng viên phương Tây, và đặt ra những hạn chế nhất định đối với việc đưa tin. Tôi cho rằng có thể là vì họ quá bận rộn.

Bản chất của tôi là luôn muốn đi tới những nơi nguy hiểm, tôi đã tới AfghanistanIran, Kurdistan. Ở những nơi khó khăn, bạn sẽ được thấy sự ấm áp của con người, và là nơi bạn có những cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất. Vũ Hán cũng không phải là ngoại lệ.

Một ngày nọ, chúng tôi liên lạc với một gia đình ở địa phương. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là họ mời chúng tôi đến nơi ở của họ. Khi chúng tôi đến nơi, bàn ăn đã được dọn sẵn. Họ đang chờ con trai về ăn Tết, nhưng cậu ấy không thể về được vì thành phố đã bị phong tỏa, vì vậy họ rất muốn chia sẻ khoảnh khắc năm mới với ai đó.

Một cặp vợ chồng ở Vũ Hán đã rất nhiệt tình mời các phóng viên ở lại dùng bữa cơm năm mới, vì con trai của họ không thể về ăn Tết do thành phố bị phong tỏa. Ảnh: AFP.

Họ mời chúng tôi uống trà. Ban đầu chúng tôi từ chối vì vừa ở bên ngoài và không muốn lây nhiễm cho họ. Nhưng họ cứ khăng khăng mời mọc, và cuối cùng chúng tôi đầu hàng, cởi bỏ khẩu trang để uống trà với họ.

Đó là một giây phút rất cảm động với tôi, vào lúc mà mọi người có tất cả lý do để không tin người khác, cặp vợ chồng này đã đối xử với chúng tôi hết sức nồng ấm.

Chúng tôi chỉ nhìn thấy người chết một lần duy nhất. Tôi đang ở khách sạn để viết nốt câu chuyện thì nhận được cuộc điện thoại của Leo. "Hãy đến địa chỉ này ngày bây giờ, bằng xe đạp", anh ấy nói trước khi gác máy.

Hy vọng là không có gì xảy ra với anh ấy, tôi đi ra ngoài khách sạn. Đến lúc đó thì tôi lại nhận được một cuộc điện thoại khác từ sếp của chúng tôi ở Bắc Kinh. "Đến cùng Leo ngay lập tức", ông ấy nói và tôi biết là có chuyện nghiêm trọng.

Khi tới nơi, tôi nhìn thấy thi thể của một người đàn ông trên vỉa hè, cách không xa bệnh viện. Ông ấy vẫn còn chiếc khẩu trang trắng trên mặt. Cảnh sát với đồ bảo hộ đứng xung quanh và không ai dám đến gần ông ấy.

Thi thể người đàn ông đeo khẩu trang trên đường phố ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Chúng tôi sẽ không bao giờ có thể xác nhận rằng ông ấy chết vì virus. Nhưng ở một đất nước như Trung Quốc, việc thi thể của một người đàn ông bị bỏ trên đường trong vòng 2 tiếng đồng hồ, khi chỉ cách bệnh viện 50 mét, thật sự nói lên rất nhiều điều.

Chuyến bay từ Vũ Hán tới Pháp là khá siêu thực. Sân bay giống như là chỉ dành riêng cho chúng tôi. Không có bảng báo hiệu các chuyến bay, chúng tôi được cấp vé nhưng không ghi điểm đến. Một số hành khách nói đùa rằng chúng tôi đang được đi cắm trại mùa hè, vì chúng tôi sẽ phải cách ly trong 2 tuần. Những người khác thì không có tâm trạng để nói chuyện, nhiều người trong số họ phải bỏ lại các thành viên gia đình.

Tôi thực sự không có thời gian để suy ngẫm khi ở Vũ Hán, vì tôi đang làm việc. Nhưng bây giờ tôi có và một trong những điều khắc sâu trong tâm trí tôi là tinh thần chiến đấu của người dân Vũ Hán. Đối mặt với thử thách khó khăn này, nhiều người trong số họ quyết định tiếp tục sống cuộc sống của mình.


Hector Retamal, phóng viên ảnh

Tôi đã từng đưa tin về rất nhiều sự kiện dạng này trước đây. Vào năm 2010, tôi đang ở Haiti khi một trận dịch tả đã giết chết hơn 9.000 người. Ở Chile, tôi đã sống ba tháng trong một căn lều trên sa mạc khi đưa tin về 33 người thợ mỏ bị mắc kẹt dưới lòng đất.

Một trong những điều khiến tôi ấn tượng nhất là người dân địa phương luôn rất háo hức để kể câu chuyện của họ. Họ sẽ chủ động tìm gặp bạn và bắt đầu chia sẻ. Điều này dường như không thường xảy ra ở Trung Quốc. Có lần họ đã đưa chúng tôi vào bệnh viện để cho chúng tôi thấy các bệnh nhân phải chờ đợi như thế nào để được kiểm tra. Có nhiều người đã rất sợ hãi.

Trên chuyến bay đưa các công dân Pháp từ Vũ Hán trở về nước. Ảnh: AFP.

Với tư cách là một đội, các bạn có thể nói rằng chúng tôi vừa được đổi nhà tù. Ở Vũ Hán, chúng tôi sống trong một thành phố khép kín, nơi chúng tôi không thể rời đi và phải kiểm tra thân nhiệt thường xuyên.

Giờ đây, chúng tôi ở tại một khu nghỉ dưỡng ở bờ biển Địa Trung Hải, được canh giữ bởi cảnh sát. Chúng tôi vẫn không thể rời khỏi đây, và vẫn phải kiểm tra thân nhiệt hàng ngày. May mắn là tới nay vẫn ổn.

Khi bạn đưa tin về những sự kiện như thế này, bạn sẽ không bao giờ quên được. Tất cả những thứ này đều gây sốc, theo một cách nào đó. Nhưng tôi cần phải khỏe mạnh để tiếp tục công việc.

VIDEO :

----------------------

BÀI LIÊN QUAN
.
Vì các quy định của Trung Quốc, Kim không thể đưa người vợ Trung Quốc của mình sơ tán khỏi Vũ Hán. Do đó, ông đã quyết định ở lại cùng vợ con.
.
Do lo lắng trước virus corona đang lây lan nhanh, người dân nhiều nước kêu gọi cấm nhập cảnh công dân Trung Quốc và thậm chí có hành động phân biệt đối xử.

(theo AFP)





No comments:

Post a Comment