Wednesday, January 29, 2020

Y HỌC TIẾN BỘ NHƯNG NHÂN LOẠI KHÔNG TRÁNH KHỎI ĐẠI DỊCH CÚM CHẾT CHÓC? (Rachel Nuwer - BBC)




Rachel Nuwer
BBC Future
27 tháng 12 2018

Hồi 100 năm về trước, mùa dịch cúm dường như đã bước vào giai đoạn cuối khi không có thêm trường hợp nào nữa.

Đa số những người ngã bệnh trong mùa xuân đã hồi phục nhanh chóng và tỷ lệ tử vong không còn cao hơn bình thường nữa.

Các dòng tít báo trên toàn cầu tập trung vào Đại chiến Thế giới chứ không phải dịch cúm.

Tuy nhiên, đến mùa thu, mọi thứ thay đổi. Virus không có gì đặc biệt đã tái xuất, nhưng lần này là với một chủng cực kỳ độc hại.

Nó xé nát các cộng đồng dân cư ở Bắc Mỹ và châu Âu và nạn nhân thường tử vong chỉ sau vài giờ hay vài ngày.

Chỉ trong vòng bốn tháng, Cúm Tây Ban Nha, như tên gọi chính thức của nó sau này, đã lan ra khắp thế giới và vươn đến thậm chí những nơi cách biệt nhất trên thế giới.

Cho đến mùa xuân năm sau khi dịch cúm hạ nhiệt, ước tính có từ 50 cho đến 100 triệu người - tức khoảng 5% dân số thế giới - đã tử vong.

Chắc chắn sẽ tái xuất?

Một thế kỷ sau, trận dịch năm 1918 dường như đã là một câu chuyện kinh hoàng đã xa, giống như bệnh đậu mùa, dịch hạnh và những căn bệnh chết người khác mà nhân loại đã thanh toán hoàn toàn hay phần lớn.

Tuy nhiên, dịch cúm không bao giờ hết - nó tiếp tục giết chết từ 250.000 cho đến 500.000 sinh mạng mỗi năm.

Mỗi năm lại có thêm một chủng cúm theo mùa hơi khác một chút, trong khi dịch có thể trỗi dậy với sự kết hợp của các loại virus cúm khác nhau trên cơ thể động vật chủ.

Sau năm 1918, nhân loại đã tiếp tục chứng kiến các trận dịch trong các năm 1957, 1968, 1977 và 2009.

Do xu hướng hay biến thể của virus cúm và sự hiện diện thường trực của chúng trong tự nhiên (nó xuất hiện tự nhiên ở những loài ngỗng nước hoang dã), các chuyên gia đồng ý rằng việc một chủng virus cúm mới cũng dễ lây lan và chết chóc như là Cúm Tây Ban Nha - hoặc có thể còn nguy hiểm hơn nữa - xuất hiện chỉ là vấn đề thời gian.

"Các trận dịch cúm cũng giống như động đất, bão tố và sóng thần: chúng xuất hiện và có những khi chúng có sức tàn phá nhiều hơn nhiều," ông Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói.
"Nếu cho rằng chúng ta sẽ không gặp một trận dịch như hồi năm 1918 nữa thì đó quả là một ý nghĩ ngớ ngẩn."

Nhưng khi nào nó xảy ra thì chúng ta lại không thể dự đoán được, ông nói tiếp. "Cho dù với tất cả những gì chúng ta biết, nó có thể xảy ra khi chúng ta đang nói chuyện đây."

Chúng ta cũng không thể dự đoán chính xác mọi việc sẽ diễn ra như thế nào khi một chủng virus giống như cúm Tây Ban Nha tái xuất - nhưng chúng ta có thể đưa ra những phỏng đoán có cơ sở.

Mức lây lan nhanh chóng hơn, chết chóc nhiều hơn

Để bắt đầu, tác động của virus sẽ tùy thuộc vào liệu chúng ta có phát hiện được nó đủ sớm để chế ngự nó hay không, ông Robert Webster thuộc Khoa Bệnh truyền nhiễm tại Viện Nhi St Jude, nói.

Chúng ta có sẵn những hệ thống để làm công việc này: bộ phận giám sát cúm của Tổ chức Y tế Thế giới liên tục giám sát sự phát triển của virus cúm tại sáu phòng thí nghiệm chủ chốt trên toàn thế giới, và một loạt phòng thí nghiệm bổ trợ với định hướng nông nghiệp để làm công việc tương tự trên mẫu của gia cầm và của lợn.

"Công việc giám sát của chúng tôi có lẽ là tốt nhất có thể, nhưng chúng tôi không thể nào xem xét hết từng con chim và từng con lợn trên thế giới - điều đó là không thể," Webster nói. "Chúng ta cần phải thật sự may mắn để chế ngự dịch."

Thực tế là, ông nói tiếp, loại virus đó chắc chắn sẽ xuất hiện. Một khi mà nó xảy ra, virus sẽ lan truyền khắp thế giới nhiều khả năng chỉ trong vòng vài tuần lễ do mức độ đi lại ngày nay.

"Cúm là một trong những loại virus mà, một khi nó đến được với cộng đồng dân cư dễ tổn thương, nó sẽ bùng nổ," ông Gerardo Chowell, giáo sư về dịch học và thống kê sinh học và Đại học Bang Georgia, cho biết.

"Mọi người đã lan truyền virus khoảng một ngày trước khi có triệu chứng."

Do dân số con người trên hành tinh đã tăng vọt hơn bốn lần trong vòng thế kỷ qua, điều này nhiều khả năng sẽ tương ứng với số ca nhiễm virus và tử vong nhiều hơn so với năm 1918.

Nếu vào năm 1918 có 50 triệu người chết thì ngày nay chúng ta có thể tính đến con số tử vong là 250 triệu người, ông Osterholm nói. "Tức là sẽ cần rất nhiều túi đựng tử thi - là thứ mà chúng ta sẽ dùng hết rất nhanh."

Như lịch sử đã chứng minh, tỷ lệ tử vong sẽ không san đều giữa các nước. Trong dịch cúm Tây Ban Nha, đã có sự khác biệt trong tỷ lệ tử vong lên đến 30 lần giữa các nước. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, virus cúm đã giết chết 8% dân số, trong khi ở Đan Mạch chưa tới 1% dân số chết.
Tương tự, trong trận dịch cúm H1N1 hồi năm 2009, số ca tử vong ở Mexico vượt gấp 10 lần con số ở Pháp.

Người nghèo khó chống chọi

Các chuyên gia tin rằng có một số nhân tố ảnh hưởng đến sự chênh lệnh này, trong đó có sự tiếp xúc trước đó của người dân một xứ với những chủng cúm tương tự và sự dễ tổn thương nói chung của một số nhóm sắc tộc nào đó (ví dụ như người bản địa Maori của New Zealand có khả năng tử vong cao gấp bảy lần so với mức trung bình toàn cầu sau khi bị nhiễm virus cúm 1918).

Những nhân tố liên quan đến đói nghèo như vệ sinh, y tế cơ sở và sự tiếp cận y tế, Chowell nói, cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến kết quả hoành hành của virus cúm.

"Hồi năm 2009 ở Mexico, rất nhiều người đến bệnh viện chỉ sau khi họ đã bệnh rất, rất nặng, và khi đó đã quá trễ," ông nói. Đối với nhiều người trong số các nạn nhân này, đó là một quyết định về kinh tế: đi khám bác sỹ có nghĩa là họ mất một ngày làm việc, do đó mất một ngày lương. "Tôi không nói là điều này đúng với tất cả mọi người Mexico, nhưng nó hoàn toàn đúng với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất," Chowell nói.

Nếu một trận dịch bùng nổ ở Mỹ hay những nơi khác vốn không có bảo hiểm y tế đại trà thì gần như chắc chắn hiện tượng kinh tế xã hội như ở Mexico cũng sẽ xảy ra đối với những người không có bảo hiểm.

Để tránh tiền viện phí quá cao, những người không có bảo hiểm nhiều khả năng sẽ đợi đến chừng muộn nhất có thể mới đi nhà thương - và khi đó thì đã quá trễ. Chúng ta đã chứng kiến điều này khi xảy ra các bệnh truyền nhiễm khác và khi người ta cần tiếp cận dịch vụ y tế," Chowell nói.

Cơ hội phòng bệnh bằng vaccine

Vaccine là phương cách tốt nhất để chặn một dịch bệnh, ông Lone Simonsen, một chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm tại Đại học Roskilde ở Đan Mạch và Đại học George Washington ở Mỹ, nói.

Tuy nhiên, trước hết chúng ta phải nhận diện được virus, từ đó mới tạo ra được loại vaccine thích hợp và sau đó phân phối trên toàn cầu - một công việc mà nói thì dễ hơn làm.

Các vaccine cúm - vốn thậm chí còn không hề có cho đến những năm 1940 - hiện giờ có thể sản xuất được nhanh hơn bao giờ hết, nhưng quá trình cũng phải mất vài tháng.
Chưa hết, ngay cả khi có thể tạo ra được một vaccine thì chúng ta cũng không thể sản xuất đủ liều cho tất cả mọi người, Osterholm nói.

"Trên toàn cầu, trong chín đến sáu tháng đầu tiên, chỉ có 1-2% dân số là tiếp cận được với vaccine," ông nói.

Một hạn chế nữa, ông nói thêm, là các loại vaccine chống cúm mùa hiện nay có mức hiệu quả tối đa chỉ là 60%.

Tương tự, mặc dù chúng ta có những loại thuốc như Tamiflu để trị cúm, nhưng chúng ta không tích trữ để đối phó với một trận dịch.

"Ngày nay chúng ta thậm chí còn không có đủ thuốc kháng virus ở nước giàu nhất thế giới như Mỹ," Chowell chỉ ra. "Do đó chúng ta có thể mong đợi được gì ở Ấn Độ, Trung Quốc hay Mexico?"

Trên tất cả những điều đó, những loại thuốc mà chúng ta có cũng có hiệu quả ít hơn so với những loại thuốc chữa những căn bệnh khác mà cơ bản là vì "thế giới xem cảm cúm theo mùa là một căn bệnh vặt," Webster giải thích. "Chỉ khi nào xảy ra trận dịch nghiêm trọng, chẳng hạn như HIV, thì cộng đồng khoa học mới chú ý đến nó nhiều hơn."

Do những thực tế này mà các bệnh viện sẽ nhanh chóng quá tải, Osterholm nói, và thuốc men và vaccine sẽ gần như ngay lập tức cạn hàng.

"Ngay ở nước Mỹ này mà hệ thống y tế đã quá tải với bệnh cúm mùa trong năm nay, và đây thậm chí còn chưa phải là một năm đặc biệt nghiêm trọng gì," ông nói. "Nhưng điều này cho thấy năng lực của chúng ta hữu hạn tới mức nào trong việc đối phó số ca mắc bệnh tăng ồ ạt."

Đảo lộn toàn xã hội

Cũng như đã từng xảy ra vào năm 1918, khi mà các ca nhiễm bệnh và số tử vong tăng lên, các thành phố trên khắp thế giới nhiều khả năng sẽ sụp đổ.

Các doanh nghiệp và trường học sẽ đóng cửa, giao thông công cộng không thể hoạt động, điện sẽ bị cúp và các thi thể sẽ bắt đầu chất đống trên đường phố.

Thực phẩm nhanh chóng sẽ bị thiếu hụt cũng như các loại thuốc cứu mạng người khác vốn hiện giúp cho hàng triệu người bị tiểu đường, bệnh tim mạch, bị suy giảm miễn dịch cũng như các chứng bệnh nguy hiểm đến tình mạng khác có thể duy trì sự sống.

"Nếu một trận dịch gây ra ngưng trệ trong việc sản xuất và vận chuyển các loại thuốc này thì chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người chết nhanh chóng," Osterholm nói. "Thiệt hại bên lề của một trận dịch giống như hồi năm 1918 sẽ là khủng khiếp."

Ngay cả sau khi virus tự thân nó yếu dần đi, tác động của nó vẫn sẽ kéo dài.

Theo lời ông Simonsen thì virus cúm hồi năm 1918 là 'khủng khiếp hơn nữa' vì rằng 95% số nạn nhân tử vong không phải là những em nhỏ hay cụ già như thường xảy ra đối với bệnh cúm mà là những người lớn khỏe mạnh đang ở thời kỳ làm việc sung mãn nhất.
Điều này trên thực tế đã làm mất đi một lực lượng lao động đáng kể và để lại tác động sâu sắc đối với các gia đình và khiến cho vô số trẻ em bị mồ côi.

Các nhà khoa học chỉ mới biết tại sao điều này lại xảy ra hồi năm 2005 khi các nhà nghiên cứu dựng lại virus cúm Tây Ban Nha bằng cách sử dụng những mẫu được tìm thấy ở Brevig Mission, một ngôi làng Alaska nơi có 72 trong tổng số 80 cư dân của làng đã chết vì dịch chỉ trong vòng chưa đầy một tuần.

Thi thể của một nữ nạn nhân đã được giữ gìn trong lớp băng vĩnh cửu vẫn còn trong tình trạng đủ tốt để cho phép một nhà vi sinh vật học khôi phục lại lá phổi của cô vốn vẫn còn bộ gien của virus trên đó.

'Bão cytokine' - nguyên nhân gây đau nhức khi bị cúm

Trong các thí nghiệm trên động vật sử dụng các virus được khôi phục lại, các nhà khoa học đã nhận ra rằng chủng virus cúm năm 1918 sinh sôi cực kỳ nhanh.

Điều này đã kích hoạt một phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch gọi là 'bão cytokine' mà khi đó cơ thể dồn sức để sản xuất ra các hóa chất dùng để ngăn chặn sự thâm nhập của virus.

Cytokine bản thân nó cũng có sự độc hại nào đó - chúng là nguyên nhân gây đau nhức mà bệnh nhân trải qua khi bị cúm - và khi có quá nhiều cytokine sẽ khiến cho các cơ quan trong cơ thể bị áp đảo và khiến cho toàn bộ cơ thể dừng hoạt động.

Do người lớn có hệ miễn dịch mạnh hơn trẻ em và người già, các nhà nghiên cứu tin rằng chính phản ứng quá mạnh của cơ thể họ trước bệnh cúm đã dẫn đến tử vong.

"Cuối cùng chúng tôi đã hiểu tại sao virus cúm đó lại gây bệnh khủng khiếp như vậy," Webster nói. "Chính cơ thể bệnh nhân đã giết chết họ."

Trong những thập niên sau trận dịch cúm Tây Ban Nha, các nhà nghiên cứu đã phát triển nhiều liệu pháp điều chỉnh hệ miễn dịch để giúp giảm nhẹ 'bão cytokine', nhưng những liệu pháp đó còn lâu mới hoàn hảo cũng như chúng không phổ biến rộng rãi.

"Ngày nay chúng ta đối phó bão cytokine cũng không khá gì hơn so với hồi năm 1918," ông Osterholm nói. "Có một số máy móc có thể giúp bệnh nhân thở và tuần hoàn máu, nhưng trên tổng thể thì kết quả rất, rất mờ nhạt."

Điều này có nghĩa là, cũng như hồi năm 1918, chúng ta có thể sẽ chứng kiến con số thương vong lớn ở thanh niên và người trung niên, và bởi vì tuổi thọ ngày nay cao hơn hàng chục năm so với một thế kỷ trước đây, cái chết của họ thậm chí sẽ còn tai hại nhiều hơn nữa đối với xã hội và nền kinh tế, Chowell nói.

Tuy nhiên, giữa tất cả những tin xấu đó, vẫn còn có một cơ hội để cứu vớt: vaccine cúm phổ quát.

Các nguồn lực lớn cuối cùng cũng được dành cho ước mơ xa vời lâu nay này và các nỗ lực tạo ra một loại vaccine đột phá như thế đang có được thời cơ.
Nhưng chúng ta chỉ có thể chờ xem liệu nó có xuất hiện kịp thời để ngăn chặn đợt dịch kế tiếp hay không.

-----------------------------
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.





No comments:

Post a Comment