Monday, January 27, 2020

THĂM ĐẠI HỌC BERKELEY, HỎI CHUYỆN CỰU SINH VIÊN GỐC VIỆT (Trực Đoàn)




Trực Đoàn
25/01/2020

Dù đã hơn 5 năm, nhưng Hiển Nguyễn, quê gốc Trảng Bom, Đồng Nai, qua Mỹ năm 2010, vẫn nhớ như in cảm giác vui mừng khi được nhận vào đại học Berkeley.

"Mẹ ơi, trường Berkeley nhận con rồi," anh Hiển ôm chầm lấy mẹ, chia xẻ tin vui.

Được nhận vô Berkeley, đại học công lập hàng đầu của Hoa Kỳ ở Bắc California, là điều rất khó bởi sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều vạn thí sinh từ khắp thế giới, và trường chỉ nhận vài ngàn sinh viên mỗi niên khóa.

"Tôi phải viết luận văn nhập học cho tương đồng với giá trị truyền thống của trường." Derek Phan, cựu sinh viên Khoa Kinh Tế khóa 2009-2013, chia xẻ kinh nghiệm. Vào năm 2009, Derek ở Sài Gòn, biết được tin tức về Berkeley qua một người quen ở Mỹ.

"Trong luận văn xin nhập học, tôi phải chứng tỏ mình là người đam mê học hỏi, đam mê nghiên cứu." Đạt Trần, cựu sinh viên Khoa Điện Tử, kể lại. Ông Đạt được nhận vào trường năm 1992 theo dạng chuyển lên từ đại học cộng đồng.

Trường danh tiếng, giáo sư hàng đầu thế giới, sinh viên giỏi, nên chương trình học khó là điều tất yếu.

"Trình độ chuyên môn của giáo sư và sinh viên rất cao. Điều này làm tăng độ khó của lớp, nhưng đồng thời cũng giúp mình thử thách và hoàn thiện bản thân," Derek nhận định về chương trình học tại Berkeley.

"Ông giáo sư từ tốn viết lên bảng một chuỗi dài hỗn hợp tích phân, vi phân, logarit phức tạp... rồi bảo chỉ là bài số học đơn giản," ông Đạt kể về lớp Điện Bán Dẫn tại Berkeley. "Tôi phải thức thâu đêm ôn lại các sách toán mới hiểu được."

Chính vì chương trình học khó, nên nhiều sinh viên Berkeley cảm thấy mất phương hướng hay "bơi luôn" trong trường, ngay những ngày đầu tiên.

Derek Phan

"Ngoài kiến thức chuyên môn, Berkeley còn dạy mình cách suy nghĩ đa chiều và cách làm việc trong môi trường cạnh tranh gay gắt," Derek Phan.

"Kết quả học kỳ đầu vô cùng thất vọng," anh Hiển nhớ lại cảm giác bồi hồi, lo lắng khi lần đầu tiên xa nhà, cứ ru rú ở lì trong ký túc xá, chẳng buồn đến lớp hay hội quán sinh viên.

"Nhưng cuộc đời tôi thay đổi kể từ khi tham gia Hội VISION," Hiển kể về Hội VISION, một hội sinh viên chuyên giúp các sinh viên từ trung học hội nhập với môi trường đại học. "Tôi học được các kỹ năng học hành, giao tiếp, truyền đạt, lãnh đạo..." Anh Hiển sau đó được bầu làm Chủ Tịch Hội Sinh Viên Việt Nam tại Berkeley.

"Sinh viên có nhiều câu lạc bộ để tham gia theo sở thích và ngành nghề của mình," Derek kể về các hội cũng như việc khuyến khích thành lập hội sinh viên của đại học Berkeley. "Bạn có thể dễ dàng tìm các sinh viên có cùng chí hướng để tự lập ra hội của mình".

"Tôi tranh đấu cho những thay đổi theo ý nguyện của giới sinh viên, những người bầu cho tôi," cô Như Như Nguyễn, Khoa Lịch Sử Đông Nam Á khóa 2006-2010, một đại biểu (Senator) được bầu vào Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Berkeley (ASUC), kể về kinh nghiệm hoạt động thời sinh viên. "Tôi ứng cử đại biểu là để đại diện cho sinh viên người Việt và các sắc tộc thiểu số."

"Tôi đã cắt giảm chi phí hoạt động của ASUC và phân bố ngân quỹ công bằng hơn cho các hội đoàn," Như tâm sự về kết quả nhiệm kỳ làm đại biểu của mình. Qua hoạt động trong hội ASUC, Như hiểu được tâm thức quần chúng và sự vận hành của bộ máy chính trị trong xã hội. Cô Như nhận định những hoạt động của đại biểu ASUC cũng giống như các chính trị gia làm tại Thủ Đô Washington.

Như Như Nguyễn, Khoa Lịch Sử Đông Nam Á khóa 2006-2010, Berkeley, trong một hoạt động tại San Diego, California. (Hình: Trang Facebook của Như Như Nguyễn)

"Hội ASUC, với ngân sách khoảng 5 đến 7 triệu dollar, hoạt động độc lập chuyên về các hoạt động sinh viên và phân bố ngân quỹ đến các hội đoàn trong trường," ông Bùi Văn Phú, một trong những sáng lập viên Hội Sinh Viên Việt Nam tại đại học này vào năm 1979 kể thêm về ASUC.

Phương châm của Đại Học Berkely là "Fiat Lux" (tiếng La tinh), tức là "Hãy Thắp Sáng Lên", xuất phát từ Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo, với ý nghĩa tìm kiếm kiến thức mới cho đời.

Muốn tìm kiếm kiến thức mới, con người phải được tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Một người, nếu tự nhốt mình trong bốn bức tường, sẽ không thấy được vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Cũng vậy, nếu trói mình theo một chủ nghĩa, hay một hệ tư tưởng, sẽ thui chột khả năng nhận biết về xã hội, vũ trụ vốn biến đổi không cùng!

"Ngoài kiến thức chuyên môn, Berkeley còn dạy mình cách suy nghĩ đa chiều và cách làm việc trong môi trường cạnh tranh gay gắt," Derek nhận định. "Trong lớp cũng như các sinh hoạt trong trường luôn có rất nhiều quan điểm phản biện".

"Trường mời nhà văn Nhã Ca, tác giả cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế, đến Berkeley thuyết trình, thì họ cũng mời ông Đặng Nhật Minh, đạo diễn phim Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, đến nói chuyện," ông Bùi Văn Phú muốn chứng minh mục tiêu của trường là cho sinh viên tìm hiểu đa diện về chiến tranh Việt Nam.

"Từ Berkeley, tôi học được thói quen lắng nghe các quan điểm khác, và điều này giúp đưa ra những lập luận đối ứng," ông Phú nói về kinh nghiệm của mình.

Phong Trào Tranh Đấu Tự Do Ngôn Luận (Free Speech Movement) tại Hoa Kỳ bắt đầu từ Berkeley vào thập niên 1960. Dưới áp lực tranh đấu của giới trẻ, Berkeley chấp nhận cho giáo sư và sinh viên thể hiện chính kiến của mình trong trường. Kể từ đó, nhiều buổi sinh hoạt chính trị như diễn thuyết, biểu tình... diễn ra trong khuôn viên trường.

Gần đây nhất, vào tháng 11, 2019, Hội Sinh Viên Berkeley Cộng Hòa (Berkeley College Republicans) mời Học giả Ann Coulter, người được coi là "kiến trúc sư của chính sách di dân của Tổng Thống Trump", đến diễn thuyết. Có khoảng 350 người trong Hội Trường Wheeler lắng nghe bà Coulter, thì ngoài sân trường, hơn một ngàn người biểu tình phản đối chính sách di dân của chính phủ Trump (1).

"Berkeley cho phép sinh viên biểu tình bất bạo động," ông Phú kể. "Thủ tục đơn giản, chỉ cần điền một tờ đơn báo ngày giờ xin phép biểu tình là xong". Ông đã tổ chức biểu tình tại Berkeley hai lần: một lần biểu tình ủng hộ thuyền nhân Việt Nam năm 1979, và một lần biểu tình phản đối ông Hà Văn Lâu, Đại Sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đến thăm đại học này năm 1981.

Đứng dưới chân Tháp Đồng Hồ Campanille, giữa hàng cây xanh rì, du khách có thể ngắm biển xanh óng ánh nắng. Đại Học Berkeley nằm trên đồi cao, hướng ra Vịnh San Francisco. Phải chăng phong thủy đắc địa giúp trường thành công?

"Theo phương diện khoa học, gió biển và cây xanh trong sân trường là nguồn cung cấp oxygen kích thích hoạt động não bộ," ông Phú nhận định. Với không khí ôn đới mát mẻ như Đà Lạt, môi trường sạch tạo điều kiện tối ưu cho hoạt động của não.

Ông Đạt Trần (phải), một thuyền nhân, đã vượt khó để trở thành chuyên gia hàng đầu về bộ nhớ điện tử, hiện là Giám Đốc Công Ty SanDish.

Từ khi thành lập năm 1868, Berkeley, tên một nhà triết học người Ái Nhĩ Lan, đã gặt hái được nhiều thành công trong các lãnh vực kể cả thể thao. Giới khoa bảng Berkeley đã tìm ra 16 nguyên tố hóa học trong Bảng Tuần Hoàn Nguyên Tố, 25 giải Nobel, 207 huy chương các loại trong các kỳ thi thể thao Olympic thế giới... Ông Robert McNamara, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ thập niên 1960, cũng xuất thân từ Berkeley.

Đồng hành với các sắc tộc khác, nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam tại Berkeley cũng gặt hái nhiều thành công.

Du học trước năm 1975, ông Nguyễn Xuân Dũng tốt nghiệp Tiến sĩ Toán tại đây.

Ông Ngô Như Phú Việt lãnh bằng Tiến sĩ Toán vào thập niên 1980.

Anh Nguyễn Đức Giang, quê Bắc Ninh, bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp Tiến sĩ Vật Lý năm 2015. Nhiều tiến sĩ gốc Việt khác trong nhiều ngành nghề cũng từ Đại Học Berkeley như Đinh Hùng, Nguyễn Dụng Tài, Trang Hùng Phong, Trương Thái, Isabelle Thuy Pelaud v.v…

Cựu sinh viên Berkeley có giáo sư USC và cũng là nhà văn Nguyễn Thanh Việt đoạt giải Pulitzer Văn Chương 2016 với tác phẩm The Sympathizer. Có Ninh Ngọc Bảo Kim là đại diện Asia Foundation tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.

"Tôi tự hào là người Việt," ông Đạt Trần, một thuyền nhân, đã vượt khó để trở thành chuyên gia hàng đầu về bộ nhớ điện tử, hiện là Giám Đốc Công Ty SanDish, đúc kết. "Chính văn hóa Việt, những trãi nghiệm cuộc sống khi còn ở Việt Nam là động lực thúc đẩy tôi".

Ông Đạt tỏ lòng nhớ ơn cô giáo Nguyễn Thị Thu Phong trường Kiểng Phước, Gò Công, đã khuyến khích ông say mê học Toán năm xưa, bước tiền đề dẫn vào khoa học.

Khi xưa, thời sinh viên, làm con chip điện tử đơn giản từ phòng lab của trường, nay Kỹ sư Đạt sáng chế được bộ nhớ điện tử cực nhanh (flash memory) được dùng trong các máy điện toán, iPhone, máy chụp hình...

"Bàn về sự thành công của trường Berkeley, phải kể đến những bậc sáng lập có viễn kiến, đã đặt những nền tảng vững chắc, với những viên đá đầu tiên lót đường và mục tiêu rõ rệt như là khai phá những kiến thức mới của nhân loại với lộ trình đoản kỳ, trường kỳ. Sau đó là sự đóng góp hỗ tương từ hàng ngũ giáo sư và sinh viên ưu tú...", ông Đạt lý giải.

Theo truyền thống, Đại Học Berkeley là cái nôi nuôi dưỡng tư tưởng độc lập, tự do, và sáng tạo.

"Berkeley đã giúp tôi hiểu được chính mình và mở cửa thế giới cho tôi" cô Như Như nhận xét sau chín năm tốt nghiệp trường này.

Năm 2018, Đại học Berkeley kỷ niệm 150 thành lập và cũng lập kế hoạch phát triển cho 150 năm tới. Sự thay đổi của trường luôn dựa trên quan niệm tạo môi trường tự do tư tưởng, ngôn luận, và học thuật cho sinh viên.

Ngược lại, Đại Học Berkeley đòi hỏi sinh viên vượt khó, không ngừng học hỏi, nghiên cứu.

"Học Berkeley là một thách thức, tôi đã thất bại nhiều lần... Nhiều lúc, tôi cảm thấy thua cuộc và mất hết động lực. Nhưng tôi đã hoàn tất chương trình học Khoa Lịch Sử" anh Hiển kể lại cảm xúc lúc tốt nghiệp Đại Học Berkeley.

"Hơn 25 năm qua, kể từ lúc ra trường, hằng ngày tôi vẫn học hỏi tìm tòi kiến thức mới để bổ sung vào tri thức hạn hẹp của mình. Học kinh nghiệm của bậc đàn anh, học từ nhóm kỹ sư trẻ những kỹ thuật mới, và học từ internet, google, một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại cuối thế kỷ 20." ông Đạt chia sẻ về tính kiên trì học hỏi.

*
(1) Coulter Comes To Campus. Amanda Bradford, Marc Escobar, Julie Madsen, etc. The Daily California, November 21st, 2019.





No comments:

Post a Comment