Tuesday, January 28, 2020

TẾT XA XỨ CỦA NGƯỜI VIỆT Ở ĐÀI LOAN : KHÔNG QUÊN TRUYỀN THỐNG QUÊ NHÀ (Cao Nguyên)




Cao Nguyên
27/01/2020

Theo truyền thống từ xưa của người Việt, Tết Nguyên Đán là dịp đoàn viên, sum vầy đầm ấm bên gia đình, người thân. Thế nhưng không phải ai cũng may mắn được đón Tết ở quê nhà. Tại Đài Loan, có rất nhiều công nhân, cô dâu Việt và du học sinh vì nhiều lí do riêng mà họ buộc phải ăn Tết xa xứ.

Có người không đủ tiền về quê ăn Tết, người thì vướng bận chuyện con cái nhà chồng mà lỡ hẹn với cái Tết ở quê nhà.

Dù cũng ăn Tết âm lịch giống như Việt Nam, nhưng truyền thống văn hoá và cách đón Tết ở xứ Đài có nhiều khác biệt so với Việt Nam. Cái Tết ở Đài Loan không làm nguôi ngoai nỗi nhớ nhà của nhiều người Việt xa xứ

Hình minh họa. Người Việt tại Đài Loan tổ chức lễ mừng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 hôm 26/1/2020.  Photo: RFA

Anh Duy Biên ở Nghệ An, một công nhân đang làm việc tại Đài Loan và đã bốn năm không được ăn Tết ở Việt Nam chia sẻ:

“Mỗi lần về Tết là một khó khăn vì những người sang bên này làm công nhân lao động với một mức lương không được cao cho lắm, khi về nhà cũng cần có quà cáp nên tôi đã không về quê và mà chỉ gửi một ít quà cho bố mẹ.
Ai cũng vậy, dịp Tết không được về quê thì rất buồn, cảm thấy túng thiếu bữa cơm gia đình, gặp gỡ bạn bè anh em.”

Chị Ngọc, một cô dâu Việt suốt 23 năm từ ngày lấy chồng Đài chưa một lần về Việt Nam ăn tết nói về nỗi nhớ cái Tết quê hương:

“Mình đã sang Đài Loan được 23 năm rồi và mỗi năm đều phải ở Đài Loan để ăn Tết, không có cơ hội về ăn Tết với gia đình. Vì các con đều ở đây hết cho nên mình nghĩ là ở đây để cho các con về quê nội. Rất nhớ nhà, nhớ quê hương…”

Người Việt tại Đài Loan gói bánh chưng cho Tết Photo: RFA

Dù Tết năm nay không có được niềm vui được trọn vẹn, ở nơi đất khách quê người, họ đã tụ họp lại với nhau, cùng nấu bánh chưng vào chiều 30 Tết, cùng tổ chức chương trình văn nghệ mừng xuân Canh Tý mang đậm màu sắc truyền thống văn hoá Việt Nam với đầy đủ bánh chưng, bánh tét, cành đào, tràng pháo, áo dài và cả bàn thờ kính nhớ Tổ tiên Việt Nam…

Chiều mùng Hai Tết Canh Tý, gần 200 người tập trung tại khuôn viên nhà thờ Đào Viên (Đào Viên, Đài Loan tưng bừng tổ chức buổi văn nghệ mừng xuân với chủ đề “Xuân tin yêu và hi vọng”.

Đại diện ban tổ chức, anh Thiệu Văn Lợi đã làm việc tại Đài Loan năm năm nói về nguyên do tổ chức chương trình này:

“Đối với tôi, xa quê không được về với gia đình cũng là một nỗi buồn. Thế nhưng, đổi lại tôi được ở lại cùng anh chị em lao động tại Đài Loan, để chung vui với anh em, chia sẻ với anh em trong nỗi buồn khi xa quê này.
Tôi là người đại diện cho Ban tổ chức, khi đưa ra chương trình này đó là truyền thống của cộng đoàn Đào Viên từ trước đến giờ. Với mục đích là tạo cho anh chị em môi trường sống lành mạnh và đặc biệt để gắn tinh thần đoàn kết giữa các cộng đoàn, cũng như anh chị em lao động tại cộng đoàn Đào Viên.”

Sân khấu mừng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của người Việt tại Đài Loan hôm 26/1/2020 Photo: RFA

Chị Ngọc chia sẻ dù không được về Việt Nam dịp Tết này nhưng được tham gia sinh hoạt cùng với cộng đồng người Việt ở đây cũng làm chị vui hơn nhiều:

“Tôi thấy rất là vui, tình cảm ấm áp của cộng đồng dành cho những người Việt Nam như chúng mình ở bên này. Không có cơ hội để về cùng ăn Tết quê nhà với bố mẹ nên là có những buổi văn nghệ như thế này rất là vui và ấm áp.”

Còn anh Duy Biên cảm thấy được an ủi phần nào nỗi niềm của người không được ở gần gia đình ngày đầu năm mới:

“Tôi không thể nào vui hơn khi được cùng mọi người, anh chị em quen thuộc của tôi đón Tết. Dù xa bố mẹ, xa gia đình nhưng lại được một cái Tết khá là đầy đủ. Dù thiếu bữa cơm gia đình nhưng tôi lại được gặp gỡ anh em, có bữa cơm đầm ấm cùng với bạn bè cũng như anh chị em lao động.”

Buổi văn nghệ này còn có chương trình bốc thăm trúng thưởng, phát lộc đầu năm cho mọi người đến chung vui.

Dù không được hưởng không khí xuân trên quê hương nhưng những lần cộng đồng người Việt quây quần, đoàn viên như thế này cũng là dịp để mọi người nhìn lại một năm đã qua và cầu chúc cho một năm mới với nhiều may mắn, an lành.





No comments:

Post a Comment