Tuesday, January 28, 2020

ĐỒNG TÂM & CHÍNH TRỊ (Đỗ Xuân Cang)




28/01/20

Chúng ta, những người Việt có lương tâm, đã đang và vẫn còn rất đau đớn, phẫn uất trước sự kiện Đồng Tâm hôm 9/1/2020. Bốn cái chết vô lý không thể nào hiểu và lý giải được. Mọi thông tin đều bất nhất, xuyên suốt là sự giả dối và tàn nhẫn của nhà cầm quyền. Hung bạo, mờ ám khi "hành quyết" một cụ già 84 tuổi bị tàn tật đã là giới hạn cuối cùng chưa ? Điều gì đảm bảo là chuyện này không lặp lại ? Nhà cầm quyền sẽ bớt hung bạo trong tương lai? Hay chúng ta không còn gì để mất, để đau ? Đáng phẫn nộ là thậm chí đã chết nhưng gia đình cụ Kình vẫn bị mất luôn cả tiền phúng điếu.

Mổ xẻ nỗi đau khi cơn đau chưa dứt chắc sẽ đau thêm. Tôi mong mọi người thứ lỗi mà chịu đựng. Tôi thành thực mong mọi người vẫn còn biết đau hơn là hoàn toàn không biết đau nữa như trường hợp của thân nhân cụ Kình và ba người lính cảnh sát cơ động trong lực lượng đàn áp của nhà cầm quyền.

Cần khẳng định, quyền tự vệ chống lại sự xâm phạm tới thân thể tính mạng kể cả bằng bạo lực là chính đáng. Nhưng nhìn vấn đề trên phương diện đấu tranh cho thắng lợi thì quyết định : "Phải giữ đất, cho dù có hy sinh, đổ máu !" của cụ Kình là sai và tuyệt vọng. Sai bắt đầu từ việc đặt giá trị của đất cao hơn máu và con người. Sai này có nguồn gốc từ nền tảng tư tưởng chính trị. Cứu cánh của chính trị là con người chứ không phải biến con người thành phương tiện, vật hy sinh cho chính trị. Cộng sản chính là thủ phạm gieo rắc nhận thức độc ác này. Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố "…dù hy sinh tất cả, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…". Cụ Kình, thân nhân cụ và dân làng thôn Hoành đã phải trả giá quá đắt cho nhận thức chính trị này. Điều đáng lo hơn là ngay giới khoa bảng, các nhà đấu tranh phần đông vẫn chưa nhận thức ra được điều này.

Cũng có thể câu nói của cụ Kình không có tính hiện thực, vì trước đó cụ vẫn kiên định lập trường đấu tranh ôn hòa. Câu nói chỉ là đòn cân não để ngăn chặn sự leo thang của nhà cầm quyền, nhưng hệ quả của nó là những lời thách thức tiếp theo của những người trong nhóm đồng thuận.

Quan sát Đồng Tâm cả quá trình dài cho đến nay tôi vẫn nhìn nhận dân Đồng Tâm là những người nông dân hiền lành, chỉ mong muốn một cuộc sống bình yên. Tâm lý bạo lực leo thang trong họ chính là do nhà cầm quyền đã dồn họ vào con đường cùng.

Đấu tranh bạo động với nhà cầm quyền cộng sản có cơ may thành công không ? Tôi khẳng định là không. Trước hết bạo lực và khủng bố là sở trường của Đảng cộng sản. Ở Việt Nam chúng ta hiện nay không có bất kỳ lực lượng bạo lực nào khác ngoài cộng sản. Sự hình thành bạo lực tự phát như Đồng Tâm chỉ có giá trị cung cấp cho nhà cầm quyền một cơ hội để lấp liếm và bào chữa cho các hành động bạo lực của họ. Một điều chắc chắn là với phương pháp đấu tranh bạo động thì sự thiệt hại lớn nhất luôn là người dân dù họ đứng về phía nào. Kẻ chủ mưu hay nguồn gốc của cái ác không chịu sự thiệt hại trực tiếp của bạo động.

Ở bất cứ quốc gia văn minh nào thì Đồng Tâm là một tranh chấp dân sự, sẽ được giải quyết theo một quy trình chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch theo đúng qui định của pháp luật. Nhưng hiện tượng Đồng Tâm ở Việt Nam là một vấn đề chính trị. Cố gắng coi vấn đề Đồng Tâm chỉ là vấn đề tham nhũng của quan chức địa phương chứ không phải vấn đề của hệ thống giúp đảng luôn đúng. Tiếc thay việc dân sự hóa vấn đề chính trị, cũng không giúp gì được họ.

g bố trắng dưới thời cộng sản và độc quyền chính trị dẫn đến nhận thức chung của người dân rất sai về chính trị. Hệ quả của nó là người dân né tránh chính trị, né tránh cái gốc của vấn đề. Ngay cả những người có kiến thức khoa bảng mà không có nhận thức đúng về chính trị thì cũng cho rằng chính trị là thủ đoạn, là nhơ bẩn. Có những người tuyên bố đấu tranh vì quyền con người, chứ không tham gia đấu tranh chính trị như một sự thanh cao.

Đã đến lúc cần dứt khoát với nhận thức sai lầm này. Đặc biệt giới tranh đấu cần đoạn tuyệt với lý luận loanh quanh, né tránh đấu tranh chính trị. Phải khẳng định đấu tranh chính trị là quyền chính đáng của mọi người. Cần rũ bỏ áo khoác tổ chức xã hội dân sự cho mục đính chính trị. Cần khẳng khái khẳng định đấu tranh chính trị là nỗ lực cải tạo xã hội, là hành động cao thượng, chấp nhận đối đầu với gian nguy vì tương lai dân tộc.

Đồng Tâm, Văn Giang, Thủ Thiêm, Lộc Hưng… hay thảm kịch quốc gia với 39 cái chết thương tâm trong thùng lạnh khi vượt biên trái phép vào Anh…đều có nguyên nhân từ thể chế chính trị. Mọi cố gắng cá nhân hay giới hạn trong một tập thể nhỏ bé, chỉ đấu tranh cho quyền lợi trực tiếp đều khó có cơ hội thành công. Việc tuyên bố Đồng Tâm chỉ là việc riêng của người dân Đồng Tâm là hành động tự cô lập mình. Chúng ta hiểu và cảm thông tại sao người dân Đồng Tâm thông báo như vậy. Trong những video cuối cùng nhóm đồng thuận đã công khai kêu gọi sự hiệp thông không chỉ người dân trong và ngoài nước mà còn cả quốc tế, một chuyển biến lớn về nhận thức đấu tranh.

Căn bệnh né tránh, không liên quan, tự kiểm duyệt không chỉ có trong những người nông dân, những cá nhân như Hoàng Mỹ Uyên (một người tham gia biểu tình năm 2016) mà có cả trong giới đấu tranh. Có nhiều lý do cho lựa chọn đó nhưng cũng không thể loại trừ lý do thiếu nhận thức về chính trị. Họ đã không nhìn thấy tổng quan vấn đề, không có phương án khả thi. Họ chỉ hy vọng có nhiều Đồng Tâm để làm chế độ sụp đổ.

Thực tế Đồng Tâm không phải vấn đề mới, nó là vấn đề đã diễn ra trong suốt 75 năm ở Miền Bắc và 45 năm ở Miền Nam. Với Cải cách ruộng đất, đánh tư sản, "địch thì cho đi đày, nhà địch thì ta ở"… mọi phản kháng và sự đấu tranh mang tính cá nhân, nhỏ lẻ thiếu lãnh đạo với đường lối sai lầm đều dẫn đến bế tắc và thất bại.

Giải bài toán Đồng Tâm là giải bài toán quốc gia, đó chính là lộ trình đấu tranh có tổ chức, có dự án chính trị và một đội ngũ nhân sự chính trị thật sự có hiểu biết lẫn quyết tâm. Để những vụ việc đau lòng như Đồng Tâm không còn xảy ra trên đất nước Việt Nam thì trí thức và người dân phải ủng hộ cho một giải pháp mới, ngoài giải pháp hiện hành của đảng cộng sản Việt Nam.

Đỗ Xuân Cang
(28/1/2020)





No comments:

Post a Comment