Sunday, January 5, 2020

MẶT TRÁI CỦA THẦN TƯỢNG (Trung Bảo - Báo Sạch)




Trung Bảo -  Báo Sạch

Ông Nguyễn Bá Thanh sẽ còn là đề tài gây tranh cãi rất nhiều mỗi khi nhắc được nhắc đến. Đà Nẵng, là công trình của cuộc đời ông Thanh và ở đó người ta thấy rõ mặt trái – phải của nhân vật này lẫn của cả hệ thống chính trị.

Trước năm 2000, Đà Nẵng vẫn mang nguyên dáng dấp của một đô thị nhỏ của miền Nam. Khi ấy bãi biển còn hoang sơ với những cánh rừng phi lao tuyệt đẹp, biển lúc ấy chỉ của riêng người Đà Nẵng. Bên này bờ sông Hàn, con đường Bạch Đằng vẫn chỉ đủ 2 làn xe 1 chiều với những đoạn vỉa hè nham nhở và những bức tường che kín các đoạn cảng trong thành phố. Bên kia sông là một quận 3 nghèo nàn với dãy nhà chồ ra sông xập xệ của những người sống đời sông nước.

Kể ra vậy không nhằm “kể công” cho ông Thanh khi đối chiếu với Đà Nẵng của ngày hôm nay. Nhưng rõ ràng, bạn hay bất kỳ ai ghét ông Thanh cũng không thể phủ nhận sự thay đổi của Đà Nẵng gắn liền với cuộc đời ông Bá Thanh.

Rất tiếc, khi ông Thanh nắm quyền tôi làm báo ở Sài Gòn nên không có dịp tiếp xúc trực tiếp. Thế nhưng, như một sự sắp đặt của cuộc sống, tôi có lẽ là nhà báo duy nhất tận mắt nhìn thấy di thể của ông khi vừa được đưa về nhà. Một cái xác ốm xọp nằm dưới tấm vải trắng với bàn tay cùng các móng tay đen kịt chìa ra ngoài.

Đà Nẵng sẽ không thể bứt lên nhanh như vậy nếu không có những chính sách vượt phá, bước qua các quy định để làm cho được điều ông ta muốn. Đó dường như là một tính cách của người Quảng Nam, thích và sẵn sàng làm bằng được điều mình tin là đúng.

Thế nhưng, cái tính cách Quảng Nam hay cãi nó lại có một mặt khác của nó. Đó là khi người Quảng Nam chưa có quyền, họ muốn cãi để chứng minh điều mình nghĩ là đúng, nhưng khi có quyền người Quảng Nam lại… không thích và không cho người Quảng Nam khác cãi lại mình. Đó là ông Bá Thanh. Không cần quan sát gần gũi, hãy nhìn những phiên toà đang diễn ra, cấp dưới của ông ta không ai dám và không ai được cãi lại lệnh miệng từ “vua” Đà Nẵng.

“Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hoá tuyệt đối” (Lord Acton) chưa bao giờ sai. Ông Thanh có hết mọi thứ quyền hành và sức mạnh để đưa Đà Nẵng đi theo hướng ông nghĩ là đúng. Và, đủ sự tham lam để đưa những nhóm lợi ích, quyền lợi gia đình vào quỹ đạo phát triển chung ấy.

Không phải là ông Thanh hay ai khác, chính hệ thống thiếu sự giám sát độc lập đối với quyền lực tạo ra những người như vậy.

Bạn hãy nhìn Bà Nà, Sơn Chà, Công viên Á Châu, Hoà Xuân, Novotel… của Sun Group đang cưỡng chiếm các không gian công cộng. Hãy nhìn chủ nhân thật sự của Cung thể thao Tiên Sơn, khu giải trí Helio. Bạn sẽ thấy sự thu vén cho cá nhân và nhóm lợi ích của ông Bá Thanh đang để lại di hoạ gì cho những cựu thuộc cấp của ông ta.

Không thể nói rằng “ăn được làm được”. Đó là một thứ tư duy quái gở mang chút dấu hiệu của Hội chứng Stockholm mà nạn nhân lại yêu cầu thông cảm cho thủ phạm. Thậm chí đó giống như sự thông đồng với kẻ cắp miễn hồ lợi ích riêng không bị ảnh hưởng còn cái chung thì mặc kệ.

Truyện Kim Dung dựng nên những nhân vật không tà không chính như Hoàng Dược Sư. Có thể ví ông Thanh như nhân vật này không? Có thể, với điều kiện phải có chút giao tình với ông ấy. Còn Hoàng Dược Sư dù suốt đời thích gì làm nấy, thông minh tuyệt đỉnh nhưng mãi mãi không phải là kẻ tư lợi. Đem một nhân vật tiểu thuyết để so sánh cho một người như ông Bá Thanh thật khó.

Đà Nẵng được như bây giờ là nhờ ông Bá Thanh. Đà Nẵng bị như bây giờ là tại ông Bá Thanh. Bạn chọn vế nào? Tôi xin tham lam chọn cả hai.






No comments:

Post a Comment