Thursday, January 30, 2020

GIÁN ĐIỆP TRUNG QUỐC TẠI HARVARD (Hiếu Chân - Saigon Nhỏ)




Hiếu Chân  (theo Wall Street Journal, Reuters)
January 29, 2020

Hoạt động của Trung Quốc xâm nhập các trường đại học Mỹ, mua chuộc các tài năng trong giới khoa học, đánh cắp tài sản trí tuệ, thành quả nghiên cứu để từ đó đẩy Trung Quốc lên vị trí hàng đầu về khoa học và công nghệ của thế giới đang làm dấy lên nhiều mối lo ngại. Các trường hợp mới bị vạch trần mới đây cho thấy Hoa Kỳ đang gia tăng nỗ lực để chống lại âm mưu này của Bắc Kinh.

Trường hợp nổi bật nhất là Charles Lieber, trưởng khoa hóa học của Đại học Harvard, bị bắt sáng nay thứ Ba 28-01-2020 với cáo buộc đã nói dối việc nhận hàng triệu đô la tài trợ từ Trung Quốc.

Charles Lieber, trưởng khoa hóa học và hóa sinh Đại học Harvard bị bắt sáng nay 28-01-2020. Ảnh AFP

Đại diện các cơ quan công quyền FBI, Viện Công tố và Hải quan Mỹ công bố bản cáo buộc tội làm gián điệp, do thám cho Trung Quốc của ba giáo sư, nghiên cứu viên các đại học Harvard và Boston sáng 28-01-2020. Ảnh Reuters

Một cáo buộc hình sự cấp liên bang tố cáo ông Lieber, một người đi tiên phong trong công nghệ nano, đã man khai với Bộ Quốc phòng và Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health, NIH) về sự tham gia của ông ta vào Kế hoạch Một Ngàn Tài Năng của Trung Quốc trong khi nhóm nghiên cứu của ông ta ở Hoa Kỳ vẫn nhận hơn 15 triệu USD tài trợ nghiên cứu từ các cơ quan của Mỹ.

Theo cáo buộc, trường Đại học Công nghệ Vũ Hán (Wuhan Technology University, WUT) đã cấp cho ông Lieber hơn 1,5 triệu USD để thiết lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Trung Quốc như là một phần của Kế hoạch Một Ngàn Tài Năng. Trường WUT cũng trả cho ông khoản lương tháng lên tới 50.000 USD, và khoản “trợ cấp sinh hoạt” 150.000 USD mỗi năm “trong một thời gian dài” từ năm 2012 đến năm 2017.

Đổi lại, ông Lieber phải làm việc cho WUT ít nhất chín tháng mỗi năm bằng việc “công bố các dự án hợp tác quốc tế, ươm tạo các nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh tiến sĩ, tổ chức các hội nghị quốc tế, đăng ký các phát minh sáng chế và xuất bản các bài báo nghiên cứu dưới tên của trường đại học Trung Quốc,” bản cáo buộc cho biết. Theo một bản hợp đồng được dẫn chiếu trong cáo buộc, ông Lieber có nhiệm vụ “dẫn dắt các dự án (chủ chốt) quan trọng của quốc gia… đáp ứng những yêu cầu phát triển chiến lược quốc gia của Trung Quốc, hoặc đứng ở vị trí hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc tế.”

Tuy tiếp nhận tài trợ của nước ngoài không phải là việc làm phi pháp ở Mỹ nhưng chính quyền Hoa Kỳ yêu cầu tất cả các khoản tài trợ đó phải được báo cáo nếu người nhận là nhà nghiên cứu đã hoặc đang sử dụng ngân sách của chính phủ Mỹ.

Chính quyền Hoa Kỳ từ lâu đã báo động về các chương trình, kế hoạch này của Trung Quốc và cho rằng, các chương trình đó tạo ra xung đột lợi ích và khuyến khích chuyển giao bất hợp pháp tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn tiền thuế của người dân Mỹ.

“Che giấu, không báo cáo việc tiếp nhận các khoản tài trợ, tham gia vào một số kiểu chương trình nào đó, và cùng lúc làm việc cho hai nơi đang bóp méo các quyết định về cách sử dụng thích hợp nguồn ngân sách của người đóng thuế và dẫn tới việc chuyển giao lén lút các thông tin, bí quyết và thời gian,” ông Kelvin Droegemeier, Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Tòa Bạch ốc, nói về trường hợp phạm tội của ông Lieber. Văn phòng này đang cùng với các cơ quan công quyền liên bang, khu vực tư nhân, giới học thuật, các hội nghề nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận để thực thi một nỗ lực xử lý mối lo ngại này.

Tuy trực tiếp tham gia làm việc cho Bắc Kinh và nhận lương của Trung Quốc, nhưng khi trả lời các điều tra viên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ năm 2018 về hoạt động hợp tác nghiên cứu với nước ngoài, ông Lieber nói rằng ông không bao giờ được yêu cầu tham gia Chương trình Một Ngàn Tài Năng, bản cáo buộc cho biết. Hai ngày sau đó, ông Lieber yêu cầu một đồng nghiệp gửi cho ông đường dẫn (link) tới một trang web, trên đó liệt kê ông là người điều hành phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. “Tôi sẽ rất cẩn thận về những điều thảo luận với Đại học Harvard và không chia sẻ những điều này với các điều tra viên của chính phủ vào lúc này,” ông nói, theo cáo trạng.

Cùng năm này, Viện Sức khỏe quốc gia (National Institute of Health, NIH) cũng hỏi Đại học Harvard về sự hợp tác của ông Lieber với Vũ Hán nhưng ông giáo sư đã buộc Đại học Harvard khai man với NIH vào tháng 1-2019 rằng ông Lieber không có sự hợp tác chính thức với Vũ Hán kể từ năm 2012.

Thế nhưng, bản cáo buộc trưng dẫn các thư điện tử từ năm 2012 đến năm 2017, trong đó ông Lieber và đầu mối liên lạc của ông ở Vũ Hán thảo luận cách thức trả tiền cho ông, một số khoản tiền được chuyển vào trương mục của ông tại một ngân hàng Trung Quốc, một số khoản được trả bằng tiền mặt. “Trường đại học chúng tôi đã đưa tiền lương của ông vào thẻ ngân hàng… của ông và chúng tôi sẽ giúp ông đổi tiền khi ông đến Vũ Hán,” người liên lạc viết cho ông Lieber trong một thư điện tử tháng 1-2017.

Phát ngôn viên của Harvard nói trường đang hợp tác với chính quyền liên bang và đã khởi sự cuộc điều tra riêng của mình về những lời cáo buộc. Joseph Bonavolonta, phụ trách Văn phòng FBI khu vực Boston cho biết FBI vẫn đang điều tra xem, ngoài tiền bạc, ông Lieber còn có động cơ nào khác khi làm việc cho chính quyền Trung Quốc.

                                                       **
Ông Lieber là một trong ba trường hợp mà chính quyền liên bang ở Massachusetts đưa ra sáng nay thứ Ba – mỗi trường hợp đều nhấn mạnh mối quan tâm của Hoa Kỳ rằng chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thu thập những kết quả nghiên cứu đột phá của Hoa Kỳ bằng cách khai thác các trường đại học, các giáo sư và nhà nghiên cứu làm việc ở hệ thống đại học Mỹ.

Cơ quan công tố Hoa Kỳ đã đưa ra hàng loạt trường hợp, cáo buộc những người Mỹ gốc Hoa, hoặc người Hoa làm việc tại Mỹ, làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng khoa học rằng chính quyền đã thanh lọc các nhà nghiên cứu theo sắc tộc. Tuy nhiên, ông Lieber nằm trong số những nhà khoa học không phải gốc Hoa, và cũng là gương mặt nổi bật nhất, bị cáo buộc.

Trong một trường hợp khác, cũng được công bố sáng nay thứ Ba, một nhà nghiên cứu của Đại học Boston bị tố cáo hoạt động với tư cách một điệp viên của Trung Quốc và không khai báo rằng bà ta là một trung úy trong quân đội Trung Quốc khi nộp đơn xin visa nhập cảnh Mỹ.

Nữ nghiên cứu viên này, tên là Diệp Diên Khánh (Yanqing Ye), bị tố cáo đã chuyển các thông tin nghiên cứu ở Đại học Boston cho chính phủ Trung Quốc. Cáo buộc cho biết, theo hướng dẫn của các đồng nghiệp trong quân đội Trung Quốc (PLA) từ năm 2017 đến 2019, bà Diệp nghiên cứu các trang web của quân đội Hoa Kỳ, nghiên cứu hai nhà khoa học Mỹ có chuyên môn sâu về người máy (robotics) và khoa học máy tính.

Theo cáo buộc, trong một thư điện tử hồi tháng 4-2019, một đồng mưu nặc danh và một sĩ quan PLA gửi cho bà Diệp một thông điệp yêu cầu: “Xem xét tìm các dự án về phân tích rủi ro và chính sách được quân đội Hoa Kỳ tài trợ, bằng cách trực tiếp tìm kiếm rủi ro + quân đội Mỹ hay không.” Trong một tin nhắn trên mạng WeChat hồi tháng 4-2019, bà Diệp gửi cho một kẻ đồng mưu nặc danh một tập tin PDF lấy từ một trang web của Hải quân Mỹ, sử dụng tên miền “mil” [tên miền dùng cho quân đội trên Internet]. Kẻ đồng mưu này đáp lại rằng: “Hiện nay từ Trung Quốc chúng ta không thể truy cập vào các liên kết có tên miền ‘mil’ cấp cao nhất… Có lẽ người Mỹ đã cẩn thận đề phòng chúng ta.”

Bà Diệp hiện đã trở về Trung Quốc. Một phát ngôn nhân của Đại học Boston cho biết bà này rời trường đại học hồi tháng 4-2019, và nhà trường sẽ hợp tác với cơ quan điều tra.

Các công tố viên hôm nay cũng thảo luận lời cáo buộc đưa ra tuần trước với một nhà nghiên cứu được Đại học Harvard tài trợ, bị buộc tội đã đánh cắp và mang lậu kết quả nghiên cứu về Trung Quốc.

Trung tâm Y tế của Đại học Harvard, nơi 21 lọ sinh phẩm bị đánh cắp để mang về Trung Quốc. Ảnh the dailybeast.com

Ông Trịnh Tảo Tùng (Zaosong Zheng), một nhà nghiên cứu bệnh ung thư, được Đại học Harvard bảo trợ visa vào Mỹ, bị kết tội tuần trước về tội đánh cắp và chuyển lậu các lọ đựng kết quả nghiên cứu sinh học. Hồi tháng 12-2019, ngay trước khi ông Zheng lên phi cơ bay về Bắc Kinh, các nhân viên hải quan tại phi trường quốc tế Logan phát hiện 21 lọ thủy tinh đựng mẫu sinh học “được gói bằng bao nhựa và giấu trong một chiếc tất”, bản cáo buộc viết.

Khi các nhân viên hỏi ông Trịnh ông có bất kỳ vật liệu nghiên cứu nào trong hành lý hay không, ông ta trả lời là “không”. Sau này ông ta thừa nhận các lọ thủy tinh đó và thú nhận mình có kế hoạch đưa chúng về Trung Quốc rồi xuất bản kết quả nghiên cứu dưới tên mình. Ông ta có thể sẽ bị kết án vào cuối tuần này.

                                                           **
“Hóa học, công nghệ nano, nghiên cứu chất tổng hợp polymer, robotics, khoa học máy tính, nghiên cứu y sinh học – đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên,” ông Andrew Lelling, Công tố liên bang ở Boston, nói khi đề cập tới các ngành khoa học đang trở thành mục tiêu do thám của Trung Quốc. “Đây chỉ là một mẩu nhỏ của một chiến dịch mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm biển thủ công nghệ và bí quyết của Hoa Kỳ để làm lợi cho Trung Quốc.”

Các quan chức Hoa Kỳ nhiều lần mô tả những trường hợp mà họ chứng kiến là một sự chuyển dịch trong các ưu tiên về tình báo của Trung Quốc, chuyển từ thu thập hàng loạt kiến thức chuyên môn ở nước ngoài sang tập trung tìm kiếm những lĩnh vực công nghệ cụ thể để lấp vào các khoảng trống trong nghiên cứu khoa học của các trường đại học Trung Quốc hoặc những lĩnh vực được Bắc Kinh coi là ưu tiên.

Những trường hợp bị phát hiện gần đây nhấn mạnh tính chất khác thường của các nỗ lực của Trung Quốc. “Trong khi chúng ta vẫn đang đương đầu với các điệp viên kiểu truyền thống… Tôi có thể nói rằng Trung Quốc cũng sử dụng cái mà chúng ta gọi là những điệp viên phi truyền thống như các giáo sư đại học, nhà nghiên cứu, tin tặc (hacker) và các công ty bình phong (front company),” ông Joseph Bonavolonta, trưởng văn phòng Cục Điều tra liên bang (FBI), tại Boston nhận xét. Những người bị tố cáo hôm nay thứ Ba “là minh chứng rõ nét cho mối đe dọa của Trung Quốc,” ông Bonavolonta nói thêm.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay Bộ đã buộc tội ít nhất bốn chục trường hợp liên quan tới hoạt động do thám, gián điệp về kinh tế, khoa học và công nghệ do Trung Quốc điều hành.

Bắc Kinh luôn phủ nhận nước này có một nỗ lực có hệ thống để đánh cắp kết quả nghiên cứu của Hoa Kỳ, và truyền thông do nhà nước kiểm soát ở Trung Quốc luôn gọi những lời tố cáo của Hoa Kỳ về ăn cắp tài sản trí tuệ là một “công cụ chính trị”.

(theo Wall Street Journal, Reuters)

------------------------------

XEM THÊM


Sáng Thứ Ba, ngày 28-1-2020, khi báo Bloomberg đăng tin này đầu tiên, thì hầu như tất cả các GS ngành Hóa ở Mỹ và các nhà nghiên cứu về hóa học trên thế giới đều biết tin này. Là người trong cộng đồng hóa học ở Mỹ, cá nhân tôi biết Charles. Đây là một tin chấn động trong cộng đồng khoa học vì Charles Lieber là một nhà hóa học nổi tiếng trên thế giới.

Giáo sư Charles Lieber, chủ nhiệm Khoa Hóa sinh và Hóa học tại Đại học Harvard, Mỹ. Ảnh: CNN

Nhiều đồng nghiệp đặt vấn đề ‘Tại sao phải làm vậy?’, ‘Bộ ông ta cần tiền đến thế sao?’…

Để cho người đọc hiểu rỏ một tí xíu về vấn đề, tôi xin chia sẻ thêm một tí thông tin.

GS Đại học nghiên cứu Mỹ thường là hợp đồng lao động 9 tháng/năm (9 tháng dạy, 3 tháng hè không dạy nên không nhận lương). Nếu GS có tiền từ các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) thì có thể rút từ đó ra 3 tháng lương nữa. Cho nên cho dù GS có một đề tài vài trăm ngàn USD hay vài chục triệu USD từ nhiều đề tài, GS ấy chỉ có thể rút ra 3 tháng lương từ mức lương của mình mà thôi và không thể hơn. Yêu cầu của quỹ NCKH là GS ấy phải có mặt ở Mỹ trong mùa hè (ngoại trừ các chuyến đi hội nghị Quốc tế) để thực hiện nghĩa vụ quản lý NCKH đó.

Nếu có hợp tác với các phòng Lab ở nước ngoài trên hướng nghiên cứu của đề tài cũng phải nêu. Hai mục cuối là điều mà Charles bị nghi phạm tội chứ không phải từ việc nhận lương $50,000/tháng và hơn $150,000/năm tiền chi phí ăn ở từ ĐHCN Vũ Hán. Tuy nhiên với số tiền lớn như thế thì lòng tham của con người thật sự không có giới hạn. Tôi từng nghe từ vài người bạn ‘Ở VN cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được nó bằng rất nhiều tiền!’ Có thể câu nói đó đúng ở đây.

Năm 2009 tôi cũng có một cựu postdoc từ Bắc kinh qua Utah thăm và có nêu vấn đề về việc xây dựng phòng Lab ở TQ nhưng tôi từ chối.

Năm 2007 tôi về VN giúp thành phố HCM xây dựng Viện Khoa Học và Công Nghệ Tính Toán. Thành phố không trả lương cho tôi mà chỉ trả chi phí đi lại và ăn ở, vì lúc bấy giờ thật sự Thành phố không có một cơ chế về lương nào cho Việt kiều và nếu có thì không thể nào ở mức lương ở Mỹ. Nếu như thế thì không đáng để ‘bị lĩnh đủ’ như ông Lieber. Hahaha, còn nếu TP chấp nhận trả $50,000/tháng thì không chừng lòng tham của tôi cũng nổi dậy à!

Nhưng để tránh vị phạm cơ chế sử dụng kinh phí NCKH tôi đã không trích một phần nào trong quỹ NCKH để trả 3 tháng lương. Nói cách khác, về hợp tác với VN tôi chấp nhận mất 3 tháng lương/năm! Và dần dần tôi cũng đóng dần các đề tài NCKH ở trường và dần mất đi vị thế trong cộng đồng khoa học thế giới –> Đây là cái giá mà cá nhân tôi phải trả từ năm 2007 đến cuối 2017 khi quyết định về hợp tác với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo TP HCM không biết sự hy sinh này. Không phải tôi muốn kể công ở đây, nhưng nói ra để các bạn hiểu rằng, để một GS Việt kiều Mỹ giúp một tổ chức NCKH ở nước ngoài nào có tính dài hạn, thì có rất nhiều hạn chế và chỉ có người đó biết những hạn chế đó và cái giá phải trả.

Tôi chấp nhận trả cái giá bằng việc mất rất nhiều thu nhập cho cá nhân hàng năm và chấp nhận mất nhiều uy tín khoa học trên diễn đàn thế giới để không để mình bị rơi vào những nguy cơ như ông Lieber bị ngày nay. Chắc chắn ông Lieber sẽ phải đi tù và cũng sẽ mất vài triệu tiền luật sư biện hộ. Nhưng cái ông thật sự mất mà là vô giá – đó là danh dự và lòng tự trọng. Thật đáng tiếc cho một tài năng!



_____

29-1-2020

Giáo sư tại Đại học Harvard là một trong ba người bị liên bang Mỹ truy tố với cáo buộc nói dối khi phủ nhận mối quan hệ của mình với chính phủ Trung Quốc.

Chính quyền liên bang ngày 28/1 cho biết, vụ việc của GS. Charles Lieber tại Đại học Harvard đã cho thấy “mối đe dọa đang diễn ra” bằng cách sử dụng các chương trình “câu kéo” học giả và nhà nghiên cứu của Trung Quốc nhằm đánh cắp công nghệ và công trình nghiên cứu của Mỹ.

Luật sư Andrew Lelling cho biết, GS. Charles Lieber, 60 tuổi, chủ nhiệm khoa Hóa học và Hóa sinh học của Đại học Harvard, bị cáo buộc về tội nói dối mối quan hệ hợp tác với một số tổ chức Trung Quốc, nơi ông đã nhận được hàng trăm nghìn USD tiền tài trợ.

Theo hồ sơ của tòa án ở Massachusetts, nhóm nghiên cứu của GS. Lieber tại Harvard đã nhận được hơn 15 triệu USD tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông được yêu cầu phải tiết lộ những xung đột lợi ích liên quan đến nguồn tài chính từ nước ngoài.

Tuy nhiên, cáo trạng cho biết, GS. Lieber đã nói dối về mối quan hệ của mình với Đại học Công nghệ Vũ Hán tại Trung Quốc và một hợp đồng mà ông đã ký theo chương trình chiêu mộ nhân tài của Trung Quốc nhằm thu hút các nhà khoa học cấp cao đến nước này.

Ông đã được trường đại học của Trung Quốc trả 50.000 USD mỗi tháng và được nhận thêm 1,5 triệu USD để thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ nano tại Đại học Công nghệ Vũ Hán.

Đại học Harvard cho biết, các cáo buộc trên là “vô cùng nghiêm trọng”.

“Harvard đang hợp tác cùng các cơ quan liên bang, bao gồm cả Viện Y tế Quốc gia và đang tiến hành đánh giá riêng về các hành vi sai trái bị cáo buộc. Hiện GS. Lieber đã bị đình chỉ vô thời hạn”, tuyên bố của Đại học Harvard ghi.

Ngoài GS. Lieber, 2 người khác cũng bị liên bang Mỹ truy tố. Đây đều là công dân Trung Quốc bị buộc tội nói dối. Trong đó có Yanqing Ye, 29 tuổi, bị buộc tội gian lận visa, khai báo sai sự thật và có âm mưu làm đặc vụ nước ngoài không đăng ký.

Theo bản cáo trạng, Yanqing đã tự nhận mình là sinh viên trong đơn xin visa và không khai báo trung thực về nghĩa vụ quân sự của mình. Cô được tuyển dụng vào nghiên cứu khoa học tại Đại học Boston.

Yanqing thừa nhận mình giữ cấp bậc trung úy trong quân đội Trung Quốc. Cô đã bị truy tố tội truy cập trái phép trang web quân sự Mỹ và gửi tài liệu, thông tin về cho Trung Quốc.

Tuần trước, nhà nghiên cứu ung thư Zaosong Zheng cũng đã bị buộc tội vì buôn lậu 21 lọ vật liệu sinh học từ Mỹ về Trung Quốc và giấu các lọ thuốc vào tất để đem lên máy bay.

“Đây không phải là một tai nạn hay sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nó là một phần trong chiến dịch đánh cắp công nghệ Mỹ để thu lợi từ Trung Quốc”, công tố viên Lelling nói.

Zaosong đã bị bắt giam từ ngày 30/12 và bị truy tố tháng trước.

Trường Giang (Theo CNN)








No comments:

Post a Comment