Monday, January 27, 2020

CÁC QUAN ĐIỂM ĐỊA CHÍNH TRỊ HIỆN ĐẠI TRUNG QUỐC (Lê Vĩnh Trương)





A- Mở đầu

Các chuyển dịch của các lực lượng địa chính trị xuyên qua các biên giới luôn có sự tham gia của những ý tưởng từ giới làm chính sách, giới học giả, giới kinh thương. Những quan sát và tham gia ấy đôi khi có tác động thậm chí dẫn đạo đến các nhà chính sách, tạo quyết định cho các thay đổi và dự án lớn như Marshall, tái thiết châu Âu, các quyết định tiến hành hay kết thúc chiến tranh. Những mưu sĩ, đế sư hay giáo viên dạy ở các trường luôn là các kho thông tin, bình luận quý báu. Nhằm hiểu biết rõ hơn về các thiết kế và sắp đặt địa chính trị từ đất nước lớn bên cạnh Việt Nam, chúng tôi giới thiệu các nhóm quan điểm địa chính trị Trung Quốc đến với bạn đọc.

B- Hai mươi tám chữ và diễn biến

Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch khao khát thống lãnh thế giới. Mao Trạch Đông mong muốn cầm đầu thế giới thứ ba. Qua trước tác và hành động, đã có nhiều trường phái địa chính trị Trung Quốc đáng quan tâm.

Đặng Tiểu Bình đề ra cho lãnh đạo Trung Quốc về sau hai mươi tám chữ có tính yếu lĩnh, các báo Trung Quốc gọi chung là “thao quang dưỡng hối”. Quan sát bình tĩnh- (lãnh tĩnh quan sát -冷静观察), trầm lặng, tự tin ứng phó (trầm trước ứng phó -沉着应付), ổn định vị trí (ổn trú trận cước - 稳住阵脚), giấu năng lực tránh phát sáng (thao quang dưỡng hối- 槽光养晦), dù thiện nghệ vẫn tự nhận yếu kém (thiện ư thủ chuyết-善于守拙), luôn không đứng đầu (tuyệt bất đương thủ-绝不当), phát tác chính cái mình đang có (hữu sở tác vi-有所作爲).

Chiến lược không thể vĩnh viễn, nhưng 28 chữ này ảnh hưởng lớn đến phương sách của Trung Nam Hải. Trang web Đảng Cộng sản Trung Quốc ghi rõ đây là chiến lược vĩ đại (bác đại) của ông Đặng và Trung Quốc phải thu mình, nhưng cần tham gia vào các hoạt động của thế giới với tư cách nước lớn.

Chiến lược từng giai đoạn của Trung Quốc đã có nhiều khác biệt với 28 chữ của Đặng. Thời kỳ Giang Trạch Dân thì đường hướng vừa kế thừa vừa chuyển sang một cách mới. Ông Giang đưa thuyết Ba đại diện xóa nhòa ranh giới vô sản tư sản vào Hiến pháp Trung Quốc. Hồ Cẩm Đào thanh trừng Tân Cương 2009 và nhiều lần bỏ phiếu trắng tại Hội Đồng Bảo An LHQ để bảo vệ các lợi ích của mình tại châu Phi vào 2004, 2005 và 2006 và 2009- và là tác giả chính thức của Xã hội hài hòa và Khoa học phát triển quan.

Những chiến lược đều có các dấu ấn của các nhà lãnh đạo trên cao trở xuống và của các trí thức về chính trị, kinh tế và xã hội. Có ý kiến cho rằng mưu sĩ quan trọng của cả ba triều đại Giang, Hồ, Tập là Vương Hỗ Ninh, nhà sách hoạch chính trị của Trung Quốc hiện đại.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara nhận định: “Mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là thống trị các nước Á, Phi, Mỹ Latin và phá hoại quá trình phát triển hòa bình và sự lựa chọn tự do của các nước phát triển”

C- Các triều đại Giang Hồ Tập với 28 chữ:

Le Figaro đánh giá Tập chống lại Bốn hiện đại hóa của ông Đặng, đó là duy trì quyền lực đảng nhưng với lãnh đạo tập thể (có phản biện) và nhiệm kỳ 10 năm cho TBT, cởi trói kinh tế và mở cửa ra quốc tế, nới lỏng kiểm soát ý thức hệ và vươn lên trong hòa bình. Ý kiến này gần như trùng lặp với ý kiến của Drew Thompson, rằng hai ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào bảo vệ di sản và cách làm của ông Đặng, còn ông Tập thì đã rời khỏi quỹ đạo này. Ông Tập đã lược bỏ “ thao quang dưỡng hối”,”thiện ư thủ chuyết” (thiện nghệ nhưng tự nhận mình kém) và trong khoảng 2016 đến 2017 ông thường có những phát biểu cứng rắn là sẽ tiến hành chiến tranh với Đài Loan.

Liệu có phải ông Tập phá vỡ 28 chữ của ông Đặng? Theo chúng tôi, thực chất là từ các thời ông Giang và ông Hồ, Trung Quốc đã có những biến chuyển xa rời dần 28 chữ của ông Đặng. Nhưng đến thời ông Tập thì sự thay đổi về chất đã khiến cho tình hình lên cao trào.

Trong triều đại ông Giang và ông Hồ, Trung Quốc đã thực hiện các công việc như đã nêu ở phần 2. Trong thời gian ông Giang tại vị đã diễn ra việc đánh giết ngư dân Việt Nam (2005) và trong thời gian ông Hồ tại vị, đã diễn ra các cuộc cắt cáp tàu Viking 2 (2011), Bình Minh 2 (2012). Ngoài ra, Giang Trạch Dân đã cảnh báo chống lại “tự do hóa tư sản” và sau chuyến Nam du của Đặng, “Thái thượng hoàng” đã chỉ trích là cải cách chưa đủ, Giang đã phải tuân lệnh Đặng. Triều đại ông Hồ đã diễn ra cuộc thanh trừng tại Tân Cương 2009, bỏ phiếu trắng nhiều lần tại Hội Đồng Bảo An LHQ để bảo vệ Zimbawe, chế độ Mugabe 2008, bỏ phiếu trắng 4 lần về xung đột Dafur vào 2004, 2005 và 2006, vào 2009 họ đã bỏ phiếu trắng cho cấm vận chống Etrirea, đối tác của Trung Quốc.

Thời Tập Cận Bình cho thấy mâu thuẫn thương mại, kinh tế, chính trị của Trung Quốc và Phương Tây đã bước sang một giai đoạn mới, đến độ đây được mô tả là chiến tranh lạnh kiểu mới. Vào tháng 6/2016, Bắc Kinh thậm chí còn khai khống một danh sách các nước ủng hộ mình trước khi PCA đưa ra phán quyết về đường chữ U. Việc kiên trì thực hiện chiến lược Vành đai và con đường của triều đại Tập Cận Bình không hoàn toàn tuân thủ thao quang dưỡng hối. Tác giả Denny Roy cho rằng chính Trung Quốc diều hâu nên Mỹ mới triển khai chiến lược Ấn-Thái Bình Dương.

Tác giả Hyun Jung Kim nhận xét có sự khác biệt giữa thao quang dưỡng hối và hữu sở tác vi (làm khác biệt những điều sẵn có), cũng trong cùng bài báo, ông nhận xét chính sách hiện tại của Trung Quốc là chủ động tác vi (主動作爲) chứ không còn là hữu sở tác vi nữa. Đại Kỷ Nguyên đã bác bỏ chính sách của Trung Quốc là thao quang dưỡng hối và trỗi dậy hòa bình. Tương tự báo mạng Đa duy Tân Văn cũng bác bỏ Trung Quốc còn giữ thao quang dưỡng hối.

Đặc biệt nhất đối với các chiến lược của ông Tập, các nước Mỹ Nhật Ấn Úc đã hình thành một liên kết ít tốn kém là Ấn Độ- Thái Bình Dương, trong đó có sự tán thành và có thể tham gia ngấm ngầm của Việt Nam và Hàn Quốc. Việt Nam cũng có một thế mới với các nước Ấn, Úc Nhật.

D- Các quan điểm và mưu sĩ - thân cận chính giới và tham chính:

Chúng tôi xin giới thiệu các quan điểm địa chính trị của các học giả Trung Quốc, bắt đầu bằng chủ nghĩa cục bộ và ở cực kia là chủ nghĩa toàn cầu, thông qua dãy phổ từ biệt lập nhất đến hòa nhập nhất..

1- Chủ nghĩa cục bộ (nativism)
Nằm ở vị trí đầu tiên của dãy, bao gồm chủ nghĩa dân tộc bài ngoại, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa Mác, gọi chung là chủ nghĩa cục bộ, với tác giả tiêu biểu là Phòng Ninh, Giám đốc Viện Khoa học Chính trị thuộc CASS. Phái này cho rằng cải cách trong nước đã dẫn đến sự khôi phục chủ nghĩa tư bản, và “diễn biến hòa bình” (heping yanbian) , xói mòn quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Luồng tư tưởng này xuất hiện trong những năm 1990 với trường phái “Trung Quốc Có thể Nói Không” (中國可以說不), với các tác giả Tống Cương(),Trương Tạng Tạng(张藏藏) hay Trương Tiểu Ba (张小波), Kiều Biên(乔边), Cổ Thanh Sinh(古清生). Sau này là việc ra đời các tác phẩm: Trung Quốc không thích (中国不高) do Tống Hiểu Quân chủ biên, Ai ở Trung Quốc không Hạnh phúc?(谁在中国不高兴), và Tại sao Trung Quốc không Hạnh phúc? (中国为什么不高兴?) do Hạ Hùng Phi(贺雄飞)chủ biên với các tác giả Thương Lang(苍狼)Mục Ca(牧歌)Tái Ni Á(赛妮亚)Điền Dã(田野)Á Bách Lạp (亚伯拉).

Phòng Ninh quan tâm đến quản trị nhà nước và xã hội Trung Quốc với hai có hai cấp độ, hiện đại hóa hệ thống quản lý nhà nước, xã hội và năng lực quản trị. Ông quan tâm đến khả năng nhà nước bị mất quyền kiểm soát đối nội và từ đó suy yếu đối ngoại. Ông Phòng đề cao các think tank của Trung Quốc hỗ trợ về tư tưởng và chiến lược cho phát triển quốc gia và quản lý xã hội hiện đại, cung cấp dịch vụ tư vấn chính sách và làm nền tảng cho nghiên cứu khoa học xã hội hiện đại. Phòng Ninh xác nhận dân chủ không phải là câu chuyện quan trọng nhất của Trung Quốc đương đại! Điều này cho thấy ông khác một cách đối lập với Môn Hồng Hoa ở phái toàn cầu hóa, khi ông Môn luôn tìm cách hướng ra bên ngoài và dành ưu ái học thuật cho các vấn đề dân chủ hóa.

Ông Phòng tán thành ý Đặng Tiểu Bình : dân chủ phải đặt dưới các điều khác: lợi ích cho sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa, lợi ích cho sức mạnh quốc gia xã hội chủ nghĩa và cải thiện mức sống của người dân. Thước đo cuối cùng của tất cả các hệ thống quản trị là liệu nó có thể thúc đẩy công nghiệp hóa của Trung Quốc hay không.
Phòng đề cao quản trị nhà nước, quản trị sự đa chiều thành một hợp lực chung cho Trung Quốc. Ông đề cao trẻ hóa trong công tác quản lý. Ông cảnh báo sự chồng chéo trong quản trị quốc gia. Phòng chuyên nội trị và bảo vệ các giềng mối sẵn có và chống lại Hiến chương 08 bằng nhiều bài viết có ký tên trên báo Trung Quốc. « Hiện tại, lợi ích đáng kể nhất của người dân Trung Quốc là vẫn đoàn kết, nắm bắt cơ hội và tiếp tục phát triển. Như vậy, sự phân kỳ và xung đột lợi ích phải được giữ ở mức tối thiểu để không ảnh hưởng đến tình hình chung. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta không thể có một hệ thống đa đảng kiểu phương Tây.” Phòng Ninh chống chủ nghĩa hình thức và bệnh quan liêu, hộ họp quá nhiều.
Tống Hồng Binh

Ông Tống hiện đang sống tại Mỹ và là nhà nghiên cứu tự do về tài chính thế giới và có một số các tác phẩm có tác động đến các lãnh đạo Trung Quốc. Cuốn Chiến tranh tiền tệ của ông Tống là một best seller cảnh báo chủ nghĩa Do thái về tiền tệ thống trị thế giới dưới một chính quyền toàn cầu. Các lãnh đạo Trung Quốc thời Mao lo âu về bá quyền chính trị của chủ nghĩa đế quốc, còn các lãnh đạo Trung Quốc ngày nay lo âu về quyền bá chủ tài chính thế giới dưới ngọn cờ tự do kinh tế của Mỹ. Có thể chủ ý ban đầu của tác giả không liên quan đến chủ nghĩa dân tộc, song kết quả về sau cho thấy nội dung cuốn sách là một cảnh báo có ảnh hưởng sâu rộng đến giới chính sách Trung Quốc.

Lưu Minh Phúc
Đại tá Lưu đã xuất bản cuốn “Trung Quốc Mộng,” (中国梦) từ năm 2011, trước khi Tập Cận Bình chính thức dùng khẩu hiệu này.Tập Cận Bình đã kết hợp ý tưởng Trung Quốc Mộng, lập học thuyết Tân Chính.
Lưu Minh Phúc bàn về bốn đại chiến lược của Trung Quốc: chiến lược sinh tồn, chiến lược phát triển, chiến lược trỗi dậy và chiến lược thủ lĩnh. Trong đó có các bước xây dựng Trung Quốc, xây dựng châu Á, xây dựng thế giới và xác định thế giới này rất quan trọng, không thể giao cho Mỹ hành xử.
Nhà cầm quyền Trung Quốc xoay chuyển những thế đứng chiến lược để xử lý các quan hệ địa chính trị, các nguy cơ va chạm văn minh lớn, mượn lực xoay trở với nhiều thành công, song song với việc giải trừ các quan hệ liên minh trước đó, nhằm làm sao tồn tại và phát triển được mà thôi. Có thể thấy nhãn quan này ở những lập luận của Lưu Minh Phúc.
Lưu Minh Phúc ngợi ca Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông ở khả năng chinh phạt, khả năng xoay chuyển thượng thống (thống nhất làm đầu), thượng võ, thượng cường và buộc xung quanh « vạn quốc lai triều », ân uy kết hợp. Một khuôn mẫu của sức mạnh bạo lực kết hợp ngoại giao thiên triều. Ông Lưu quan sát kỹ các biến chuyển tâm lý của quân đội Trung Quốc tại Hongkong và Macau và khuyến cáo lối sống tư bản tại đây sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của quân đồn trú ở các khu vực này. Có thể nói ông là một dạng chính ủy đặc biệt của quân đội Trung Quốc, với tư tưởng cứng rắn hơn học giả quân đội như Lưu Á Châu. Ông lên án nạn mua quan bán chức trong quân đội và cho rằng tham tướng gây hại cho Trung Quốc hơn tham quan.

Ông Lưu có khả năng hùng biện về tinh thần dân tộc Trung Quốc nhưng hạ thấp văn minh, văn hóa Mỹ. Đây là điều ông khác với tướng Lưu Á Châu. Có thể xếp ông vào phái Cường quốc chủ chốt với cách nghĩ Trung Mỹ giao thoa, song với tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao độ, ông nên được xếp vào trường phái biệt lập.

Hồ An Cương
Giáo sư Hồ là viện trưởng Viện nghiên cứu tình hình đất nước của Đại học Thanh Hoa. Ông đã đưa ra thuyết Trung Quốc vượt Mỹ trên 6 phương diện, trong đó có một số đã vượt Mỹ từ 2013. Nhưng, sau khi Mỹ Trung tiến hành chiến tranh thương mại, và Trung Quốc bộc lộ những yếu kém trong việc đương đầu với Mỹ về công nghệ, thương mại, tiến sĩ Hồ đã bị hơn 1000 cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa đề nghị bãi chức. Long Vĩnh Đồ và Lưu Á Đông cũng lên tiếng phản đối ông Hồ. Dư luận cũng đề nghị Đại học Thanh Hoa thành lập một Ủy ban độc lập xem xét sự việc nhằm trả lời công chúng về sự kiện của ông Hồ, và rằng ngoài chuyện của vị giáo sư này ra, uy tín Đại học Thanh Hoa bị ảnh hưởng, trong đó có việc bị chính trị hóa (Nguyên văn 被黨校化). Vả lại, Đảng ủy trường cũng đứng trước việc kiềm chế đám đông để tránh bùng phát thành một cuộc đấu tranh ý thức hệ. Còn Quách Tùng Dân biện hộ cho Hồ An Cương và chỉ trích các cựu sinh viên muốn sa thải ông Hồ là đổ nước lạnh vào niềm tự hào Trung Quốc
Hồ An Cương có viết "Báo cáo tình hình quốc gia" dành cho các nhà lãnh đạo cấp tỉnh và cấp bộ. Có 500 vấn đề ông Hồ đưa ra như hướng dẫn hành động cho đến nay. Các tài liệu này sẽ ra sao nếu tác giả của nó bị chỉ trích là nóng vội, thiếu khoa học và bị thất thế qua kiểm nghiệm thực tế thương chiến Trung Mỹ 2018-2019 gần đây?

Ông được biết đến như một con dê tế thần cho thất bại ban đầu của thương chiến Trung Mỹ 2018-2019, tuy nhiên « Báo cáo năng lực quốc gia Trung Quốc » mà ông và Vương Thiệu Quang là đồng tác giả đã nói đến một số các vấn đề mà nhà cầm quyền Trung Quốc dùng làm kim chỉ nam. Đó là cải cách hệ thống thuế để phát huy sức mạnh tài chính của quốc gia này. Tác giả Yokogawa nói Hồ trở thành mục tiêu dễ đả kích nhất khi không ai dám chỉ đích danh đảng Cộng sản Trung Quốc chính là kẻ dẫn dắt dư luận một cách lầm lạc. Nặng lời hơn, Chu Học Cần ở Đại học Thượng Hải đã đả kích Hồ An Cương là cặn bã (敗類) và sẽ sinh sôi ra những học giả lệch hướng như vậy trong tương lai. Ông Chu nhấn mạnh cải cách của Trung Quốc đã thất bại từ lâu ;đợt hai cải cách lần 30năm sau chỉ là ăn cắp danh nghĩa (中國的改革就結束了,此後30年是一個盜用改革名義的30) mà thôi .

Hồ An Cương vẫn bảo vệ cho quan điểm của ông dù bị chỉ trích tháng 5/2019. Đảng Cộng sản đã cố hạ nhiệt "sự cố Hồ An Cương ", vốn đang nóng bỏng, để tìm kiếm sự ổn định trong lĩnh vực dư luận. Tránh leo thang thành một cuộc truy kích các học giả tô hồng có thể dẫn đến một cuộc sụp đổ và hành xử ngược lại.

Chủ nghĩa biệt lập có những tuyên ngôn từng nơi từng lúc như : « Các nhà phân tích tin rằng sự ổn định của quan hệ Mỹ-Trung là rất quan trọng đối với sự thịnh vượng toàn cầu, nhưng khi nào thì mới có chính trị gia Mỹ cam kết cải thiện quan hệ với Trung Quốc và thành Tổng thống? Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn đang có một đường dây tương tự. Một mặt, họ cần hòa bình. Mặt khác, họ cần thể hiện sự cứng rắn và quyết tâm khi đối phó với các đối thủ chiến lược lớn »

2- Trường phái chủ nghĩa hiện thực:

Tiến sĩ Diêm Học Thông cho rằng Trung Quốc đã là một cường quốc kinh tế song văn hóa, chính trị và quân sự vẫn kém Mỹ. Diêm kêu gọi quan sát Mỹ, nước quan trọng trên bước đường tiến lên của Trung Quốc. Diêm gần với trường phái cường quốc chủ chốt hơn là hiện thực chủ nghĩa. Diêm rất quan tâm đến cụm từ "nước lớn là đầu tiên, nước ngoại vi là chìa khóa và các nước đang phát triển là nền tảng."( “大国是首要,周边是关键,发展中国家是基础”), với nội hàm chưa rõ. Nhật và Nga là nước ngoại vi hay nước lớn ? Những vấn đề này, theo nhóm Diêm, sẽ có thể giải quyết bằng chủ nghĩa thực dụng. Ông cho rằng chính Năm nguyên tắc sống chung hòa bình của Trung Quốc đã làm loãng khái niệm bạn thù của Trung Quốc với thế giới.

Ở giai đoạn thương chiến Mỹ Trung bắt đầu, Diêm chỉ ra quyết sách của Mỹ qua các phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo là nhịp nhàng. Diêm hiểu rằng nếu đã không kết liên minh thì láng giềng là quan trọng. Ông khẳng định Trung Quốc muốn lớn mạnh phải có sự ủng hộ của láng giềng. Tại đây Diêm mang nét chủ nghĩa đa phương có chọn lọc.
Diêm cho rằng sẽ có chiến tranh Trung Mỹ và ông ủng hộ Trung Quốc thực hiện vương đạo trong nhiều năm. Ông tin rằng chỉ bằng cách này mới có thể giành được "trái tim của thế giới". Diêm nói rằng theo các nhà triết học Trung Quốc cổ đại, Trung Quốc phải bắt đầu từ trong nước."

Thượng tướng Lưu Á Châu có chủ trương nhẹ nhàng về quan hệ Trung Mỹ, đề cao mô hình quản trị quốc gia của nước Mỹ, coi như một bài học mà Trung Quốc phải noi theo. Ông Lưu chỉ trích nặng nề các thói hư tật xấu chung nhất của người Trung Quốc, đặc biệt nông dân, thông qua phê bình các quan chức tham nhũng để khơi dậy tinh thần chính đạo của người Trung Quốc. Các quan chức tham nhũng như Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn đều được đưa ra làm tấm gương răn đe.
Lưu khẳng định Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới và từ 1871 Mỹ có truyền thống đè bẹp các quốc gia ở ngôi thứ hai, ngấp nghé ngôi thứ nhất. Ông Lưu khẳng định sẽ phải có chiến tranh Trung Mỹ ở một hình thức nào đó.
Lưu nhìn thế giới bằng nhãn quan hiện thực, truy tìm cách để người Trung Quốc tự định vị lại cho bớt trung tâm (China-centric) đi. Lưu thường nhắc lại những trận chiến mà Trung Quốc thất bại. Trận Giáp Ngọ 1895 được ông dùng để phản tỉnh tinh thần người Trung Quốc. Về điểm này Việt Nam cần học hỏi khi đưa vào giáo trình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc về Việt Nam như thế nào, và chẳng may bị đánh chiếm ra sao.

Theo Lưu, Trung Quốc chưa phải là đối thủ của quân đội Mỹ nếu xảy ra chiến tranh. Về mặt thông tin, tốc độ phối hợp, tốc độ ra, nhận và thực hiện mệnh lệnh, quân đội Mỹ đều vượt trội so với Trung Quốc. Những nhận xét này được Tập Cận Bình lưu ý. Tuy vậy giới hiếu chiến của Trung Quốc phản bác.
Những hoạt động thường ngày của tác giả này luôn mang tính biểu tượng dân tộc chủ nghĩa, như khi tham gia giải Maraton ở Đằng Xung, một địa danh kháng Nhật. Lưu Á Châu đánh giá Mỹ hơn Trung Quốc ở cơ chế bầu cử, tuyển chọn anh tài; ít mắc sai lầm và nếu có sai lầm thì sửa chữa thật sự và sửa chữa nhanh. Những điểm nổi bật dễ thấy song không dễ cho Bắc Kinh thực hiện.

Những tác giả Lý Lệnh Hoa, Nê Bá Long Căn, Ngô Kiến Dân đã có những phát biểu duy lý trong cái nhìn chập chùng của thiên hạ quan Trung Hoa. Lưu Á Châu dân tộc chủ nghĩa song nhận xét thẳng thắn về những thái quá của thiên hạ quan Trung Quốc.Nhưng Lưu Á Châu nhận xét cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 là cần thiết cho Trung Quốc.
Bởi cách nói thẳng khác người, ông Lưu được cho là đã bị thúc ép về hưu sớm hơn lệ thường, và cũng có nguồn tin cho rằng ông có dính vào một vụ tham nhũng.
Bất luận các ý kiến và cả mưu đồ nhắm vào ông Lưu như thế nào, các ý kiến và phát ngôn của ông cũng có ảnh hưởng đáng kể đến chính giới, học giới và các nhà quan sát trong và ngoài Trung Quốc. Độ thâm sâu tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của ông Lưu nằm ở chỗ ông sẵn sàng nhận chính ông và dân tộc Trung Quốc có những điểm không hoàn chỉnh, hủ tục, ươn nhác để vươn đến những giá trị cao hơn bên trong và ngoài Trung Quốc.

Trương Duệ Tráng thận trọng về quan hệ Trung Mỹ Nhật khi Trump vừa nhận chức. Ông nghiên cứu về Đội quân xanh của Mỹ gồm những chính trị gia, nhà nghiên cứu, viên chức tại nhiệm có chủ trương ngăn chận Trung Quốc. Nhà nghiên cứu này nhiều lần nói về việc Đội quân xanh đang giúp Đài Loan kháng chiến chống lại Trung Quốc chuyên chế.
Lý thuyết « xuất khẩu dân chủ » của Mỹ được ông Trương nhấn mạnh như một biểu hiện bá quyền và xâm phạm vào chủ quyền Trung Quốc. « Thúc đẩy sự nghiệp dân chủ có thể trở thành Chính sách đối ngoại hiệu quả nhất của Hoa Kỳ về mặt đạo đức, lợi ích, bởi "càng có nhiều nền dân chủ trên thế giới, thế lực trên trường quốc tế của Hoa Kỳ càng tốt hơn ..."
Tầm quan trọng của Trương Duệ Tráng khá cao, ông là một trong năm đặc sứ học thuật được quỹ Trương Phúc Vận mời sang Mỹ để nửa giao lưu nửa tìm hiểu về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ý kiến của lưỡng đảng về Đài Loan để làm tư liệu cho việc nghiên cứu chính sách Mỹ, phục vụ cho Trung Quốc.

Tương tự ông Trương, Tống Hồng Bình nghiên cứu và lập luận về nhóm tài phiệt Mỹ gốc Do Thái thao túng tài chính thế giới. Những phát biểu và bài viết của ông Trương là những chất liệu chính yếu hun đúc cho phe dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc.

Vương Hỗ Ninh chuyên sâu nghiên cứu các triết thuyết về chủ quyền, pháp quyền từ Thomas Hobbes, John Lock, Montesquieu đến Jean Binin, Jacques Maritain để lập nên học thuyết Tân uy quyền (Neo-authotatianism).
Học thuyết này biện minh cho việc gia hạn nhiệm kỳ Chủ tịch của Tập Cận Bình từ hai nhiệm kỳ lên vô hạn định và biện minh cho cuộc trỗi dậy cứng rắn của Trung Quốc trong thập kỷ 2010 gần đây. Học thuyết này cũng tập trung điều tiết giữa cải cách kinh tế và mở rộng quyền dân chủ của người dân ở góc độ mức nào là phù hợp.

Về khía cạnh bên ngoài của chủ quyền, Vương nhấn mạnh việc giải thể Đế chế La Mã thần thánh, khẳng định quyền tự trị của các thành phần của nó cũng như sự suy yếu của Giáo hoàng do Cải cách của Martin Luther và Jean Calvin, và những đóng góp về mặt lý thuyết của Hugo Grotius trong thời hiện đại. Ông đề cập Jeremy Bentham và Immanuel Kant trong việc tạo lập các tổ chức quốc tế. Hai hệ thống được áp dụng cho Hồng Kông, theo cách nói của Vương là dựa trên sự sắp xếp phù hợp, cân bằng giữa quyền chủ quyền và quyền cai trị, xuất phát từ sự không thể tách rời của chủ quyền đối với một chủ quyền thống nhất của Trung Quốc. Vương lý giải A.V. Dicey về các giảng nghĩa về luật hiến pháp, về chính phủ thế giới của Bertrand Russell, và lập luận của Stanley Hoffmann, về việc kiềm chế chủ quyền. Ông coi đây là biện pháp đối phó của các tác giả phương Tây về sự mất kiểm soát của đế quốc.Vương kết luận bằng cách thảo luận về Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, trích dẫn Marx, Engels và Lenin về tầm quan trọng của bình đẳng quốc gia và quyền tự quyết.

Sự thăng tiến của Vương khiến phái tả cảm thấy nguy hiểm và họ cảnh giác liệu ông có phải là một Yakolev (Thư ký của Ủy ban Trung Ương ĐCS Liên Xô một thời), người được cho là phá hoại tư tưởng đảng Cộng sản Liên Xô và làm quốc gia này sụp đổ. Ông bị chỉ trích vì ủng hộ phi chính trị hóa quân đội, quân đội từ biểu tượng đạo đức và biểu tượng quyền lực chuyển thành biểu tượng chuyên nghiệp. Thậm chí thuyết Ba Đại Diện cho phép các nhà tư bản gia nhập Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng là một điểm nghi vấn kiến Vương bị chỉ trích nặng nề.
Vương được cho rằng đã có một thời gian bị thất sủng và suýt bị Tập Cận Bình thay thế ở vai trò quốc sư vào 2013. Lý do ly hôn bí ẩn với người vợ thứ hai Tiêu Giai Linh, vốn được cho rằng đã được tình báo Nhật kết nối, cũng là một điều uẩn khúc trong hành tung của học giả- chính trị gia Vương Hỗ Ninh.

Sau cuộc thương chiến Trung Mỹ khởi từ tháng 8/2019, có rất nhiều học giả Hoa lục và thế giới đã lên tiếng chỉ trích các trí thức hàng đầu Trung Quốc như Hồ An Cương, Vương Hỗ Ninh và cả Chủ tịch Tập Cận Bình vì đã đánh giá sai sức mạnh của Trung Quốc và khơi mào cho cuộc chiến tranh thương mại 2018-2019. Thậm chí có tin Vương đã bị thất sủng từ tháng 8/2018, còn Hồ bị trí thức và sinh viên Đại Học Thanh Hoa phản ứng quyết liệt, đòi tước học hàm học vị. Cá nhân Vương được cho là nói quá đáng sức mạnh Trung Quốc khiến cho Mỹ quyết tâm hơn trong cuộc thương chiến Trung Mỹ.

Sự việc Vương thỉnh thoảng biến mất khá lâu được cho là để giải quyết các vấn đề học thuật, lý luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ; để rồi sau đó xuất hiện tại các cuộc gặp quan trọng với Kim Jong Un nhằm khẳng định lại vai trò của một chính trị gia hơn là một học giả chính trị.
Cũng có những người bảo vệ quyền bày tỏ ý kiến của Hồ, Vương và viện dẫn sự việc nói quá đáng đó là do cung cầu từ phía lãnh đạo. Từ cuối năm 2018, làn sóng đánh giá lại các lý thuyết quá thổi phồng sức mạnh Trung Quốc đã lan khắp các giới từ học thuật đến chính trị.

3- Học thuyết cường quốc chủ chốt

Đề cao vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nga và EU. Vương Tập Tư (Wang Jisi-缉思) (Đại học Bắc Kinh), Kim Sán Vinh , Wu Xinbo (Đại học Phúc Đán), Thôi Lập Như Cui Liru (崔立如) (Viện Trung Quốc về Quan hệ Quốc tế Đương đại). Nhóm này đã áp đảo trong suốt nhiệm kỳ Giang Trạch Dân làm Chủ tịch nước, khi mà Giang thực hiện chính sách “Hoa Kỳ trước hết”, nhưng lại không còn ảnh hưởng như vậy nữa dưới thời Hồ Cẩm Đào, người đã thực hiện một chính sách ngoại giao đa dạng hơn. Thượng tướng Lưu Á Châu (Liu Yazhou, 亚洲) viết khơi gợi tinh thần dân tộc Trung Quốc, nhưng đề cao mô hình quản trị quốc gia của nước Mỹ, coi như một bài học mà Trung Quốc phải noi theo. Ông có cái nhìn thẳng vào sự việc và không ngại nêu ra những bất cập mà văn hóa Trung Quốc gây cản trở những phát triển về kinh tế, chính trị của Trung Quốc.
Vương Tập Tư nhấn mạnh vai trò quốc gia trung tâm của Trung Quốc và xem việc Tây tiến của Trung Quốc vào Trung Á và Châu Âu là phần quan trọng nhất của chiến lược tổng thể. Ông so sánh các triều Yên, Minh, Thanh của Trung Quốc đều hướng qua phía Tây. Các định vị này trùng hợp với lý thuyết Á Âu (Heartland) của Mc Kinder, và với ý của Lâm Dục Quân, Lưu Á Châu, rằng Trung Quốc thực chất tiến về phía Tây để tranh hùng với Nga, Mỹ tại Trung Á.

Vương luôn cho rằng Hoa Kỳ đưa ra các chính sách thực tiễn và ưu tiên cho các giá trị chiến lược hơn là các giá trị dân chủ khi tiếp cận các xung đột, thay đổi chính thể các nước trên thế giới ví dụ như tại Iran và Syria.
Vương Tập Tư đã có đánh giá chính xác khi trả lời phỏng vấn Finance People rằng hai vấn đề quan trọng của Trung Mỹ là Đài Loan và thâm hụt thương mại. Quả vậy chính thâm hụt thương mại đã gây nên cuộc thương chiến Trung Mỹ 2018-2019. Tạp chí Guancha đánh giá Vương «… rất giỏi trong việc suy nghĩ về các mối quan tâm khác của góc nhìn từ quan điểm của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, và phù hợp với các ý kiến khác nhau. Ông cũng dám nghi ngờ nhận thức ban đầu và tìm kiếm sự thật từ thực tế. Mặc dù vẫn còn một mối nghi ngờ chiến lược lẫn nhau lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Vương am tường trò chơi của các cường quốc và tin vào quan hệ Trung-Mỹ » Ông Vương được đánh giá là think tank xuất sắc bậc nhất Trung Quốc và nằm trong ban xử lý vấn đề Đông Bắc Á của ông Tập.
Ông Vương cảnh báo rằng chủ nghĩa dân túy và dân tộc đang lên cao của Mỹ có thể sẽ dẫn đến bẫy Thucydides cho hai nước Mỹ Trung. Với ông Vương Nga không đáng sợ đối với Mỹ vì sức mạnh quân sự thiếu sức mạnh kinh tế của Nga không làm Mỹ e ngại, còn Trung Quốc có các loại sức mạnh khác biệt. Mỹ phải kiêng dè Trung Quốc hơn cả. Tương tự Lâm Dục Quân, ông Vương xác nhận Trung Quốc phải Tây tiến và đang Tây tiến để gây ảnh hưởng ở Trung Á chứ không phải chỉ có hướng ra biển.

Kim Sán Vinh vào ngày 25/10/2018 đã đánh giá vào giữa năm 2019, cuộc thương chiến Trung Mỹ sẽ kết thúc nhưng quan hệ Trung Mỹ sẽ có 10 năm giằng co và các điểm nóng sẽ thêm căng thẳng tại Biển Đông, Đông Bắc Á, Vành đai Con đường và cả Ấn Độ. Bởi quan tâm đến các cường quốc chủ chốt, Kim đánh giá chuyến đi của Trump từ Nhật –Hàn sang Trung Quốc rồi Việt Nam, Philippines rằng Tổng thống Mỹ quan tâm đến các liên minh Đông Bắc Á, đến quan hệ Trung Mỹ và APEC- hoàn toàn không nhắc đến tên Việt Nam.

Ông Kim coi Mỹ Nhật Hàn và có một phần nào Úc là xương sống của chiến lược Nato phương Đông của Mỹ, và xem nhẹ Philippines khi bàn về chuyến đi tháng 11/2018 của Tổng Thống Trump. Ông đánh giá Trump còn lúng túng ở cả ba điểm quan trọng về đối ngoại-địa chính trị. « Hoa Kỳ có ba ưu tiên chiến lược ở Á-Âu: Châu Âu, Trung Đông và Đông Á. Làm thế nào ba ưu tiên này được sắp xếp, Trump chưa tìm ra bây giờ. ? » Ông Kim tự tin vào sự đáp trả của Trung Quốc trong thương chiến Trung Mỹ 2018-2019.Ông cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc đã thu xếp được với con gái Trump, Ivanka, và Bắc Kinh không phải lo lắng. Sau khi Trump khai mào các vấn đề thương mại, Kim nói rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ thắng.

Ba vũ khí quan trọng là: thứ nhất, ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, bỏ đói các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ. Thứ hai, bán 2 nghìn tỷ nhân dân tệ do Trung Quốc nắm giữ sẽ phá vỡ thị trường tài chính Hoa Kỳ. Thứ ba là đàn áp các công ty Mỹ tại Trung Quốc (华美企 -Tại Hoa Mỹ Xí). Ý kiến này của ông Kim bị tiến sĩ Cường Vĩnh Xương bác bỏ là không hiệu quả. Tiến sĩ Tạ Điền cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không nên làm, không thể làm và không dám thực hiện ba chiêu thức này. Tuy nhiên, như chúng ta quan sát thấy, trong cuộc thương chiến Trung Mỹ, Tập và Lưu Hạc đã cùng đến Giang Tô để thăm các nhà máy đất hiếm như một sự dương uy với Mỹ và sử dụng sáng kiến của Kim.

Ông Kim nằm trong danh sách các học giả nghiên cứu Mỹ của Trung Quốc bị cắt visa vào Mỹ để trả đũa cho việc các học giả Mỹ bị cấm vào Trung Quốc vì các phát ngôn chống Trung.
Nằm trong trường phái cường quốc chủ chốt là những học giả hiểu Mỹ và có lúc chống Mỹ kịch liệt hơn cả những học giả ở trường phái biệt lập hoặc hiện thực chủ nghĩa. Đó là trường hợp Kim Sán Vinh.

Ngô Tâm Bách
Ông Ngô đánh giá quan hệ Trung –Mỹ là quan trọng nhưng đánh giá rất thấp Tổng thống Trump.» Trên thực tế, Trump tập trung vào lợi ích ngắn hạn, thiếu tầm nhìn dài hạn và một bức tranh lớn, và thích logic tư duy độc đáo và hành vi cực đoan » Ông dự báo đúng hướng tiến công của Mỹ đối với cuộc thương chiến 2018-2019 ở chỗ Mỹ sẽ tập trung vào khoa kỹ, không chỉ là thương mại. Ngoài ra, Ngô thể hiện quan điểm cứng rắn trong đàm phán với Hoa Kỳ trong thương chiến 2018-2019. Dù rằng ông vẫn tin cấu trúc an ninh chính của thế giới phải có sự góp mặt của Mỹ và Trung Quốc. Ông Ngô là tác giả trầm lắng nhất trong các học giả của trường phái Cường quốc chủ chốt. Các phát biểu và hoạt động ít có tác động trên không gian mạng hay trên chính giới.

Thôi Lập Như cho rằng Trung Quốc đã ở vị trí thứ hai của thế giới và không nhất thiết phải nói « thao quang dưỡng hối » nữa. Và rằng Mỹ đã xuống dốc thì giữ nếu cố vị trí thống trị thì đó là vấn đề. (但如果美國一直抓著主導地位不放,就是一個問題) Ông Thôi đánh giá sự cân bằng ban đầu đã bị phá vỡ vì sức mạnh đã thay đổi vào tháng 9/2018 (khi thương chiến Trung Mỹ đã nổ ra), một hàm ý cho sự xuống dốc của Hoa Kỳ.
Thôi đặt niềm tin vào quan hệ các cường quốc sẽ vận hành thế giới, đặc biệt, nhưng không phải chỉ có, quan hệ Trung Mỹ. Tuy nhiên ông tỏ ra nghi hoặc trước sự hai mặt của chính sách Mỹ và tính khó lường của Tổng Thống Trump. Có thể nói Thôi là học giả quen với các loại hành lang.

Tháng 2/2018, Thôi xác nhận với Jane Perlez sẽ có chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai. Trước đó Perlez có nhắc đến cuộc chiến ấy là chiến tranh lạnh. Ông Thôi gián tiếp nêu nguyên nhân cuộc chiến tương lai ấy là do lưỡng đảng Hoa Kỳ thất vọng với việc Trung Quốc sửa Hiến pháp cho Tập nắm giữ vai trò Chủ tịch vĩnh viễn.
Ông Thôi được cho là một chuyên gia đồng thời là một quan chức tình báo. David Shambaugh, một chuyên gia Trung Quốc tại Đại học George Washington, nói rằng lãnh đạo của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc từ lâu đã bí mật tham gia vào công việc tình báo.

Phan Duy
Ông Phan nêu ra sự hủ bại của hệ thống nhưng tin rằng sẽ trị được sự hủ bại này. Mười lăm phần trăm các ủy viên trung ương của Đại hội toàn quốc lần thứ 18 đã bị phát hiện phạm tội và nhiều đại diện của Đại hội Đảng 19 đã không vượt qua kỳ thi kiểm tra trình độ cuối cùng.
Phan Duy bàn luận nhiều về hệ thống chính trị hiện tại của Trung Quốc để xây dựng "nền kinh tế lớn thứ hai thế giới" và tin rằng việc thực hiện cải cách dân chủ phương Tây sẽ gây ra hậu quả tàn khốc. Ông Phan tán thành chế độ chính trị chuyên chính của Trung Quốc hiện đại và cho rằng đó là kế thừa 2000 năm chính trị Trung Quốc. Ông chống thay đổi thể chế, kêu gọi đảng Cộng sản Trung Quốc đi sát vào nhân dân. Ông Phan đã bị phê phán vì cách nói kế thừa từ phong kiến Trung Quốc. Với ông, nội trị chính yếu của Trung Quốc là chống tham những. Chống tham nhũng là nền tảng để đảng và quốc gia phát triển.
Ngoài ra ông Phan xác nhận niềm tin vào đảng Cộng sản Trung Quốc là một niềm tin tín ngưỡng, một đức tin.

4- Học phái Châu Á trước tiên (Asia First)

Thể hiện qua câu kêu gọi của Tập Cận Bình « Châu Á hãy đoàn kết lại » vào ngày 15/5/2019, khi cục diện thương chiến và kỹ chiến Trung Mỹ đã đến cận đỉnh điểm, có Tần Á Thanh đánh giá cao hợp tác Trung-ASEAN trong triển khai BRI Nhưng ông này khá chủ quan « Tất cả các quốc gia đã nhận thức rõ ràng rằng vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc là quốc gia lớn nhất trong khu vực không thể bị bỏ qua. Do đó, đối với Trung Quốc và ASEAN, chỉ có hợp tác là lối thoát thực sự để duy trì hòa bình và ổn định khu vực. ». Trương Ôn Linh khá ôn hòa và nghĩ rằng BRI sẽ diễn ra đến 100 năm nữa. Một câu đánh giá khá là khó kiểm chứng về độ dài song rất cẩn trọng về đánh giá của trí thức.

- Trường phái hướng Nam (Global South)

Trường phái này đặt trọng tâm về các nước phía Nam, như trước đây đã có các tác giả phản ánh tư duy Đặng Tiểu Bình là phân thế giới thành hai vùng Nam, Bắc, trong đó phía Nam gồm đa số những nước đang phát triển.

6- Trường phái đa phương có chọn lọc (Selective multilateralism)

Diệp Tự Thành là tác giả tiêu biểu của học phái đa phương có chọn lọc. Diệp cho rằng ở Khổng giáo truyền thống,công minh và lợi ích phải cân bằng. Theo ông Trung Quốc không bỏ qua lợi ích cốt lõi song vẫn cần đến uy tín và lợi ích bên ngoài . Trung Quốc có nhiệm vụ giúp các nước nghèo yếu hơn. Ý kiến của ông Diệp có một sắc thái thiên hạ vi công.. Trung Quốc có khả năng tự làm mới mình và tự vươn lên sau khi ngã xuống, và khả năng này thật hiếm hoi trong số 20 nền văn minh lớn trên thế giới.
Ông cũng cho rằng Trung Quốc tuy cần con đường SLOCs nhưng tập trung vào xây dựng Hải quân là một sai lầm cho quốc lực. Tán thành chủ nghĩa đa phương, Diệp cho rằng Trung Quốc gia nhập nhóm G20 là một thành công về mặt đa phương quan trọng bậc nhất.

7- Trường phái toàn cầu (Globalism):

Theo David Shambaugh, trường phái này đã yếu thế và hầu như mất tiếng nói từ 2008 mà đại diện là Môn Hồng Hoa . Môn cho rằng bốn khái niệm mà Trung Quốc có thể học từ Khổng tử và Mạnh tử là hòa (harmony); đức (morality); lễ (ritual); và nhân (benevolence). Ông thấy cần thiết phải hội nhập Trung Quốc vào trào lưu của thế giới. Một đại kế hoạch không thể chỉ trên cơ sở an ninh và chiến lược mà còn dựa trên sự tham gia tích cực và chia sẻ lợi ích. Tuy thuộc trường phái toàn cầu nhưng ông Môn có nhận xét sau 1949 các nỗ lực quốc tế hóa của Trung Quốc không đạt như mong đợi.Ông thấy được sự tự hào quá đáng và theo đuổi ý thức hệ của lãnh đạo Trung Quốc đã dẫn đến kém hội nhập vào trào lưu quốc tế chung. «Hiện nay, đây là thời đại mà Trung Quốc kết nối chặt chẽ với thế giới. Đó là thời đại phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ và sự mở cửa liên tục của xã hội. Đây là thời đại của sự phát triển vượt bậc của quốc gia Trung Quốc và sự thay đổi mạnh mẽ của thế giới. Cả Trung Quốc và thế giới đang ở trong một kỷ nguyên phát triển và biến đổi mới. »

Ông Môn lạc quan trước xu hướng dân chủ tại Trung Quốc, đó là xu thế của thế giới và Đại lục chưa bao giờ từ bỏ lý tưởng dân chủ . Dĩ nhiên nội hàm dân chủ của đảng cộng sản Trung Quốc và ông Môn có thể khác với nội hàm dân chủ khác.
Các yếu lĩnh của ông Môn là mở, khai phóng, kết nối Trung Quốc với thế giới, gia tăng hợp tác, nhân văn và tích cực.

Trên đây là các phổ của các học phái chính yếu. Chúng tôi coi việc dùng truyền thông quan sát họ như một loại lăng kính bổ sung để cho người đọc hình dung sát nhất về diễn biến và diễn giải tư tưởng của họ, hầu biết rõ hơn về học giới địa chính trị Trung Quốc.

E- Kết luận:

Ông Đặng với 28 chữ dẫn đạo và với vai trò duy trì sự cân bằng ở triều đại Giang đến 2007; ông Giang là người theo sát phong cách Đặng, dù vẫn đưa vào tư tưởng Ba đại diện của mình vào trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hiến pháp Trung Quốc. Hồ Cẩm Đào với “Xã hội hài hòa”, “Khoa học phát triển quan” đưa vào hiến pháp, bàn tay sắt tại Tân Cương 2009 và những cứng rắn ở Biển Đông và các tranh chấp lãnh thổ. Ông Hồ chính là người nói rõ tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc tại eo Malacca (Malacca Dilemna). Họ có một điểm chung là “thao quang dưỡng hối” theo cách của từng giai đoạn, không bác bỏ hoàn toàn nhưng cũng không phải tuân thủ tuyệt đối.
Triều đại Tập Cận Bình tỏ ra tự tin hơn hết: loại bỏ các đối thủ chính trị, tập trung quyền lực, nhấn mạnh Phục hưng Trung Quốc, Giấc Mộng Trung Quốc, dựng chế độ Chủ tịch suốt đời. Dư luận trong và ngoài Trung Quốc còn đánh giá ông là một Mao Trạch Đông thứ hai, thực hiện các đường hướng chính trị của Mao. .

Mỗi cá nhân các lãnh đạo Trung Quốc đều muốn dhi tên vào lịch sử; thực chất họ cũng đã hành xử và diễn giải 28 chữ ấy theo hướng có lợi cho triều đại mình và không hẳn đã theo từng lời từng chữ.

Không thể “tuyệt bất đương thủ” với chiến lược Vành Đai và Con Đường mà họ phải chủ động về vốn, về sự tác động chính quyền các nước. Không thể “thiện ư thủ chuyết” trước cuộc thương chiến 2018-2019. Ông Tập không phải là người duy nhất phá vỡ lời khuyên của ông Đặng

Những tư tưởng nêu trên không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc mà nó còn có thể tác động đến Việt Nam. Ngoài ra, các phương sách mà Trung Quốc tuyên bố tại các hội nghị ngoại giao, hiệp định chỉ là bề nổi với các chiều sâu, vùng mờ của ngôn từ và có thể dẫn đến các đối sách thiếu chính xác của các đối tác của Trung Quốc.

Các tác giả có thể thay đổi tư tưởng và kể cả phát biểu theo thời gian và theo hoàn cảnh khác nhau, và sự xếp loại này dựa trên các hiểu biết trên các trước tác gần đây nhất của họ. Đặc điểm của các tác giả này là họ có các tác phẩm vừa tạo khung triết lý vừa biện giải cho các lý thuyết chính trị của các nhà chính trị Trung Quốc. Từ Đặng với tư tưởng thực dụng và lý luận 28 chữ, các đời Tổng bí thư từ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đến Tập Cận Bình tất phải tham khảo hoặc vấn kế các tác giả của các trường phái khác nhau trong xây dựng triết lý chính trị cho mình, lần lượt là thuyết « Ba đại diện », «Khoa học phát triển quan » và « Giấc mơ Trung Quốc ». Trường hợp đặc biệt có thể kể đó là Vương thậm chí còn được xem là đã có ý kiến lớn trong lý luận thu hồi Hongkong : nhất quốc lưỡng chế.

Như đã nói trên, các tác giả có thể chuyển biến tư tưởng theo thời gian và hoàn cảnh. Chúng tôi xem việc dùng truyền thông xem xét lại họ như một cách nhìn bổ sung để cho người đọc có thể hình dung về tư tưởng, diễn biến tư tưởng và diễn giải tư tưởng của học giới địa chính trị Trung Quốc.


F - Tài liệu tham khảo


2.    Uông Hoằng Luân, 理解當代中國民族主義, 2016

3.    Lưu Minh Phúc, Giấc mơ Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế Trung Quốc trong kỷ nguyên Hậu- Hoa Kỳ, Công ty Xuất bản Hữu Nghị Trung Quốc Bắc Kinh, do TTXVN biên soạn, Chủ Biên: Nguyễn Văn Lập, 2010

4.    Lưu Á Châu, http://tuanvietnam.net/2010-08-15-niem-tin-va-dao-duc, đọc 2/10/2014






No comments:

Post a Comment