Thursday, December 26, 2019

TRƯỜNG TA TRƯỜNG TÂY & TẾT (Nguyễn Tường Tâm)




26/12/2019

Tết tây rồi tết ta cũng sắp tới, tại Việt Nam, cả nước đang ồn ào vấn đề thưởng tết cho cô thầy giáo.

Vấn đề thứ nhất là tiền thưởng tết của nhà trường dành cho các cô thầy giáo. Tôi thông cảm lương bổng của các cô thầy rất thấp, nhất là các cô thầy dậy tiểu học và mầm non chỉ trên dưới 3 triệu / tháng. Tuy nhiên việc phải dùng tiền thưởng tết để giúp tăng thu nhập của giáo viên (kể cả mọi giới công nhân viên khác) cho thấy chính quyền kém khả năng quản trị ngân sách. Sự yếu kém này không thấy ở miền Nam trước 1975 hay ở bất cứ quốc gia nào. Việc thưởng tiền tết hay lương tháng 13 chỉ có thể xảy ra đối với các công ty tư.

Ngoài ra việc thưởng tiền tết cho các giáo viên hiện nay để lộ sự bất công. Có những địa phương tiền thưởng tết cao tới hơn 30 triệu cho một giáo viên như tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM: Giáo viên được nhận hơn 30 triệu đồng tiền “thưởng…), nhưng lại có những địa phương tiền thưởng tết quá thấp khiến giáo viên chạnh lòng như báo Lao Động tường thuật)

Vấn đề thứ hai là đại nạn phụ huynh học sinh bị o-ép tặng quà tết thầy cô, dưới hình thức gọi là khuyến khích. Từ sau 1975, văn hóa biếu quà tết cô thầy nở rộ. Dưới sự hướng dẫn của nhà cầm quyền, toàn bộ hệ thống giáo dục và báo đài viện dẫn văn hóa “Tôn sư trọng đạo” một cách sai lầm để ép buộc tinh thần các phụ huynh phải mua quà tết cô thầy. Một tờ báo viết, “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay. Do đó, vào những ngày đặc biệt như ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày phụ nữ Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ và nhất là ngày tết dương lịch học sinh gửi tặng thầy cô những món quà kỷ niệm là điều vô cùng đáng quý.”

Việc phụ huynh mang phẩm vật biếu các thầy đồ trong làng là phong tục thời văn hóa nông nghiệp rất xa xưa mà từ khi tôi đi học ở thời Tây đã không còn nữa. Tới thời tôi dậy trung học ở miền Nam từ giữa thập niên 1960s chẳng bao giờ tôi thấy phụ huynh học trò biếu quà tết. Văn hóa thúc dục phụ huynh biếu quà tết cô thầy là khởi đầu của văn hóa đưa hối lộ và nhận hối lộ trong toàn xã hội mà hiện nay đã phát triển tới đỉnh điểm.
Ngày tết, ngoài việc phụ huynh học sinh phải mua quà biếu cô thầy, còn một đại nạn nữa là cô thầy biếu quà tết hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng biếu quà tết các giới chức trong ty giáo dục.

Mặc dù Ban Bí thư ra Chỉ thị cấm biếu, tặng quà Tết 2020 dưới mọi hình thức nhưng chính sự hiện diện của văn bản này cho thấy tệ nạn biếu quà sếp vẫn còn phổ biến.
Ngay cả báo điện tử Luật Việt Nam ngày 22/1/2019 cũng viết, “Quà Tết – đôi khi là thể hiện tấm lòng, tình cảm, sự tri ân của cấp dưới đối với cấp trên.”

Một báo điện tử khác cũng viết tương tự, “Quà tết biếu sếp thể hiện sự quan tâm của bạn đối với sếp của mình sau 1 năm làm việc. Hay đơn giản đây như một lời cảm ơn vì đã nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn bạn trong công việc suốt một năm qua.”

Rõ ràng lập luận của hai báo này là ngụy biện. Sự thành công của một tổ chức, cơ quan mặc dù là do tài lãnh đạo khéo léo của cấp lãnh đạo nhưng cấp lãnh đạo giỏi không bao giờ quên rằng sự thành công đó sở dĩ có là do đóng góp của toàn thể nhân viên dưới quyền. Và vì thế thông thường là lãnh đạo phải cám ơn cấp dưới, đó là điều phải làm của toàn thể lãnh đạo các cấp ở miền Nam trước 1975 hay ở nước Mỹ như nơi tôi đang sinh sống và làm việc trong trường học Mỹ. Không bao giờ có chuyện ngược ngạo là cấp dưới phải cám ơn cấp trên trong công tác.

Một tệ nạn khác nữa là không ít trường học hay ty giáo dục lợi dụng dịp tết dùng tiền công quĩ hay quĩ nhà trường để tổ chức tiệc tùng, du ngoạn, giải trí… Bằng cớ là trong cùng chỉ thị nêu trên của Ban Bí thư nêu rõ: “Thực hiện nghiêm chủ trương… cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết”.

Ở trường học Hoa Kỳ, mọi việc chuẩn bị đón tết hoàn toàn khác hẳn: Thứ nhất là đơn giản hơn, thứ hai là không có tệ nạn chúc tết, biếu quà từ dưới lên trên mà là từ trên xuống dưới. Trưởng ty gửi thiệp hoặc email chúc tết các trường và toàn thể cô thầy cùng công nhân viên, rồi hiệu trưởng gửi thiệp, có năm còn kèm theo quà nhỏ trị giá không quá 5 đô la chúc tết tất cả các cô thầy và nhân viên; và sau cùng là cô thầy chúc tết và tặng quà cho các học sinh của mình.

Các hiệu trưởng không bị tệ nạn mang quà tới sở hay tới nhà biếu trưởng ty.

Các cô thầy không bị tệ nạn mang quà tới trường hay tới nhà biếu hiệu trưởng. Chúng tôi chưa bao giờ biết nhà hiệu trưởng ở đâu, hình thù ra sao, to hay nhỏ thế nào.

Các cô thầy không có tệ nạn kéo nhau ra nhà hàng ăn nhậu dù bằng tiền tự đóng góp hay tiền quĩ của trường.

Từ hai tuần trước, không khí Giáng Sinh đã tràn ngập không gian. Mỗi cá nhân, cô thầy và trò, mỗi lớp đều có những chuẩn bị riêng cho ngày Giáng Sinh. Chúng tôi không gửi quà cho từng cá nhân đồng nghiệp và hiệu trưởng mà thực hiện cuộc trao đổi quà giữa toàn thể nhân viên nhà trường. Hai tuần trước Giáng sinh, nhà trường gửi thông báo một cuộc trao đổi Cookie (Cookie Exchange Contest). Mỗi người được yêu cầu mang 2 chục cookie do mình tự làm hoặc mua ở tiệm tới để gọi là dự thi và cùng nhau thưởng thức. Trị giá mỗi món quà này không quá 10 đô la.

Sở dĩ tôi dùng nguyên văn tiếng Anh cookie là vì có một chuyện vui đối với cá nhân tôi như sau. Cách nay vài năm, tôi nghĩ cookie là kẹo bánh cho nên tôi mang tới kẹo chocolate (súc cù la). Sau đó không thấy kẹo của tôi trên bàn, tôi hỏi thì cô thư ký văn phòng cười bảo rằng kẹo (candy) không phải cookie. Nhưng rồi cô ấy nói tôi không có cookie cũng không sao. Từ đó, năm nào tới dịp này cô thư ký cũng nhìn tôi cười nhắc, không mang kẹo nghe! Đó là câu chuyện nhỏ về tiếng Anh của một người đã ở Mỹ trên 20 năm, học đại học Mỹ và làm công tác giáo dục trong trường trung tiểu học Mỹ.

Cookie có thể mua ở tiệm hay làm ở nhà. Vì vậy mới có cuộc thi (contest). Nhưng gọi là thi cho vui thôi, chứ đó chỉ là góp ý nhỏ món nào nhất, món nào nhì. Tới ngày đó các giáo viên tới sớm trước giờ học sinh tới để cùng nhau uống cafe, thưởng thức bánh ngọt. Mọi thứ dĩ nhiên không ăn hết trong buổi sáng thì cứ để đó, cho tới cuối giờ học, vào những phút giải lao mọi người có thể tới lấy ăn tiếp hay cũng có thể mang vào lớp vừa giảng dậy vừa ăn lai rai. Như vậy vừa tiết kiệm cho mọi người, vừa vui họp mặt, mà vừa không chiếm dụng giờ của học trò.

Cạnh đó trường cũng thông báo sẽ mở tiệc ăn sáng cho toàn thể nhân viên vào một tuần trước Giáng Sinh. Mỗi người được yêu cầu mang thức ăn tới gọi là tiệc potluck. Thức ăn có thể mua hay có thể nấu ở nhà mang tới. Riêng tôi thì luôn luôn mang 15 cái chả giò. Ngoài món này ra tôi không biết Việt Nam có đặc sản gì để đãi bạn quốc tế. Dĩ nhiên hôm đó có thức ăn truyền thống của nhiều sắc tộc.

Thông báo mỗi người mang thức ăn tới để cùng nhau mở tiệc

Tiệc điểm tâm (breakfast) bắt đầu lúc 7:30 tới 11:00 giờ sáng. Tuy nhiên vào 8:45 khi học trò tới thì cô thầy bắt đầu tới lớp để dạy. Nhưng thức ăn còn lại vẫn để đó để vào những phút giải lao giữa giờ mọi người vẫn có thể tới lấy ăn, hoặc có thể mang về lớp vừa giảng bài vừa ăn.

Vào tuần cuối, cô thầy chuẩn bị cho học trò mua quà trao đổi giữa học sinh với nhau. Mỗi học sinh viết một danh sách các thứ mình thích (wish list) trị giá không quá 3 đô la, và ghi tên trên tờ giấy đó. Sau đó mỗi học sinh sẽ rút tên của người bạn mà mình sẽ mua quà, rồi sẽ được cô thầy trao cho tờ giấy wish list của học sinh tương ứng nhưng cô thầy đã cắt bỏ tên học sinh để người mua không biết mình sẽ tặng quà cho ai. Vào ngày cuối, thứ Sáu 20/12 tuần trước, cô thầy tổ chức tiệc Giáng Sinh và trao đổi quà cho học sinh từng lớp. Nhạc Giáng Sinh vang lừng, mỗi em được cho biết tên của người bạn mà em mua quà để mang món quà đó tới tặng bạn. Sau đó là party. Bánh kẹo, nước uống bầy ra bàn, các em tự do thưởng thức. Điều hoàn toàn khác trường Việt Nam là ở đây tiền mua bánh kẹo hoàn toàn do cô thầy dùng tiền túi để mua.

Các cô thầy giáo không được thưởng một cắc nào. Và vui chơi không được làm mất thì giờ học tập của học sinh, đó là nguyên tắc. Ngày hôm đó các học sinh được về sớm vào 1:00 giờ. Đáng lẽ cô thầy và nhân viên vẫn phải ở lại trường cho tới giờ thường lệ là 3:30, nhưng hôm đó mọi người kháo nhau là “nghe nói” được về nhà vào lúc 1:30. Tuy nhiên hỏi ai cũng nói không biết, kể cả thư ký văn phòng, gần gũi với hiệu trưởng; và cũng không có thông báo chính thức từ hiệu trưởng. Nhưng trong trao đổi mọi người đều “nghĩ hay cảm thấy” rằng mọi người, trừ thư ký văn phòng, đều được tự động ra về sớm mà không có thông báo chính thức của hiệu trưởng. Hiệu trưởng không dám ra một thông báo trái qui định như vậy. Có lẽ trong cả năm học, đó là dịp duy nhất ở trường tôi cô thầy “ăn cắp” giờ nhà nước 2 tiếng đồng hồ.

Nguyễn Tường Tâm






No comments:

Post a Comment