Friday, December 27, 2019

TRUNG QUỐC - MÔI TRƯỜNG : LIÊN ÂU PHẢN CÔNG (Trọng Thành - RFI)




Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày: 27/12/2019 - 16:40

Báo Pháp số ra ngày thứ Sáu cuối cùng của năm 2019 có nhiều bài tổng kết, đồng thời mở ra những viễn cảnh của Năm Mới. Nhật báo kinh tế Les Echos có chùm bài đáng chú ý về Trung Quốc và môi trường, hai mặt trận chính của Liên Hiệp Châu Âu trong năm tới.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu phát biểu tại Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, ngày 18/12/2019. REUTERS/Vincent Kessler

Bài ''Trung Quốc lo ngại về chính sách thương mại của châu Âu, đang trở nên cứng rắn hơn'', của Les Echos dẫn lời đại sứ Trung Quốc tại Bruxelles, cảnh báo chính sách của Liên Âu hiện nay khiến các nhà đầu tư muốn rời bỏ châu Âu. Lý do là vì, từ nhiều tháng nay, trước tham vọng của nhiều tập đoàn lớn Trung Quốc thôn tính các doanh nghiệp chiến lược của Liên Âu, giới lãnh đạo châu Âu bắt đầu xây dựng một chiến lược thống nhất hơn để đối phó với Bắc Kinh, được coi là ''đối thủ chiến lược'' của Liên Âu.

Hiện tại, nhiều biện pháp đang được các nước châu Âu thảo luận, trong đó có đề xuất của Hà Lan nhằm hạn chế các hoạt động tại châu Âu của các doanh nghiệp được một quốc gia tài trợ (ngầm chỉ Trung Quốc), cũng như gia tăng kiểm soát các đầu tư nước ngoài tại châu Âu.

Vấn đề hệ trọng nhất là quyết định của các quốc gia thành viên châu Âu, sắp phải đưa ra, trong việc chọn hay không các thiết bị của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei), cho các mạng điện thoại 5G. Đầu năm nay, Ủy Ban Châu Âu sẽ đề xuất một số biện pháp nhằm giới hạn các nguy cơ do việc sử dụng các thiết bị của tập đoàn Trung Quốc, vốn đã có chỗ đứng vững chắc tại châu Âu, do lo ngại Hoa Vi bị chính quyền Bắc Kinh chi phối. Hoa Vi đã bị Mỹ gạt ra khỏi thị trường, tổng thống Donald Trump nói thẳng đến ''đe dọa'' với an ninh quốc gia.

Một điểm lo ngại khác của Bắc Kinh, qua lời của đại sứ Trung Quốc tại Bruxelles, là thuế các-bon đối với các hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào châu Âu, mà châu Âu dự định áp dụng. Biện pháp này bị coi là có thể đi ngược lại các quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ và làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại.

''Châu Âu phải dẫn đầu cuộc đua''
Về chủ đề này, Les Echos đặt câu hỏi với tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Trong bài phỏng vấn mang tựa đề ''Châu Âu phải dẫn đầu cuộc đua'', nữ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu giải thích rõ. Chiến lược của Liên Âu trong thời gian tới là đẩy nhanh tiến trình chuyển sang Kinh tế Xanh, với trụ cột là các cách tân công nghệ.

Theo tân chủ tịch Ursula von der Leyen, Liên Âu sở hữu ''nhiều công nghệ phù hợp với nền Kinh tế Xanh nhất''. Một ví dụ bà đưa ra là Thụy Điển trong những năm tới có thể đưa ra thị trường các sản phẩm thép, mà trong quá trình sản xuất không tạo ra khí thải. Sản phẩm này có thể đắt hơn giá cả trung bình trên thị trường. Châu Âu phải có nghĩa vụ bảo vệ các sản phẩm với công nghệ Xanh như vậy, hàng rào thuế các-bon là cần thiết để ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu vừa gây ô nhiễm, vừa được chính quyền trợ giá.

Lãnh đạo Liên Âu nhấn mạnh là, trong vấn đề này, Liên Âu không nhất thiết phải đối đầu với Trung Quốc, mà tốt hơn là hợp tác với Bắc Kinh trong việc thiết lập một sắc thuế như vậy, với mục tiêu chung là bảo vệ môi trường, hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bởi Trung Quốc cũng đang phát triển ''thị trường tín chỉ các-bon'' trong nước. Lãnh đạo Liên Âu tin tưởng là sáng kiến trên của Liên Âu sẽ kích thích nỗ lực cạnh tranh lành mạnh, vì sinh thái, tại Trung Quốc.

Tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhậm chức đúng vào thời điểm cuộc chiến hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang trong giai đoạn cam go. Trong lúc đa số các quốc gia trên thế giới không tỏ ra có thêm nỗ lực nhằm thực thi mục tiêu đã đề ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, Liên Âu đứng ở vị trí buộc phải trở thành đầu tầu của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến Khí hậu. Trong bài trả lời phỏng vấn Les Echos, lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh đến tính khẩn cấp của việc đặt lợi ích chung của nhân loại vào trọng tâm trong dự án hành động của Liên Hiệp, nguyên tắc kinh tế ''xoay vòng'', hạn chế tối đa việc sử dụng các nguồn nguyên liệu không tái tạo được trong thiên nhiên phải trở thành thế mạnh của Liên Âu.

Để huy động vốn cho các dự án chuyển đổi sang kinh tế Xanh, bên cạnh khoản đầu tư hàng năm 100 tỉ euro; hàng loạt nguồn vốn khác, trong đó có thị trường các-bon, thuế các-bon biên giới, hay thuế đánh vào các sản phẩm nhựa dùng một lần… đang được xem xét.

Châu Âu đứng trước nhiều thách thức vô cùng lớn, nhưng tân lãnh đạo Ủy Ban tin tưởng là Liên Âu sẽ khẳng định được con đường của mình. Bởi những gì đã diễn ra, đặc biệt với tiến trình ly dị với nước Anh, cho thấy trong hơn ba năm đàm phán căng thẳng, kéo dài, các thành viên châu Âu đã tỏ ra hết sức bình tĩnh, tìm được quyết định chung cuối cùng, khẳng định một Liên Âu ''đoàn kết, mạnh mẽ và chính xác trong các lựa chọn của mình''.

Cái giá kinh hoàng của Biến đổi Khí hậu
Hành động quyết liệt cho một nền kinh tế Xanh đã trở thành lựa chọn của giới lãnh đạo châu Âu, của đông đảo người châu Âu, bởi các thiệt hại, nếu không kịp thay đổi mô hình kinh tế, sẽ là khủng khiếp. Vẫn trên Les Echos hôm nay có bài điểm lại 15 hiện tượng thời tiết cực đoan, trong năm 2019 đang đi qua, gây thiệt hại vật chất tổng cộng 140 tỉ đô la. Từ những trận cháy rừng khổng lồ tại Úc (tháng Giêng), tại California (tháng 12), lũ lớn tại Trung Quốc (từ tháng 6 đến tháng 8), siêu bão tại Midwest và miền nam nước Mỹ (từ tháng 3 đến tháng 6)…

Con số do tổ chức phi chính phủ Christian Aid cung cấp hôm nay, được chính các tác giả đánh giá là chỉ phản ánh một phần các thiệt hại. Và cũng không phải là toàn bộ các thiệt hại trên thế giới. Đặc biệt các tổn thất với các quốc gia nghèo là rất khó tính, do ngành bảo hiểm ít phát triển. Tổ chức Christian Aid cũng nhấn mạnh là tuyệt đại đa số thiệt hại nhân mạng do các hiện tượng thời tiết cực đoan là tại các quốc gia đang phát triển.

Nỗi lo biến đổi khí hậu ám ảnh. Cháy rừng tại Sydney là hình ảnh trang nhất của Le Monde. Nhật báo Pháp có hồ sơ : ''Cháy rừng, khô hạn kỷ lục : Mùa hè địa ngục tại nước Úc''.

Môi trường: Vận tải biển thế giới buộc phải loại bỏ dầu gây ô nhiễm
Thượng đỉnh Khí hậu COP 25 tại Madrid, đầu tháng 12/2019, bị coi là một thất bại thảm hại, bởi các quốc gia tỏ ra trơ lì trước áp lực của giới bảo vệ môi trường, gần như không nâng cao mức cam kết cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, đã bắt đầu có các chuyển động mạnh trong từng lĩnh vực. Theo Les Echos, từ ngày mùng một tháng Giêng năm 2020, toàn bộ ngành vận tải đường biển sẽ buộc phải chuyển sang sử dụng các loại dầu mới, với mức lưu huỳnh thấp hơn hiện nay đến 7 lần.

Theo Les Echos, các chuẩn mực mới về môi trường của cơ quan hàng hải quốc tế sẽ làm đảo lộn thị trường xăng dầu toàn cầu. Trước mắt, ngành vận tải đường biển sẽ phải trả thêm khoảng gấp rưỡi số tiền mua dầu máy hiện có để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt nói trên.

Afghanistan lo bị Trump bỏ rơi vào tay Taliban
Về thời sự quốc tế, Le Figaro đặc biệt chú ý đến nguy cơ Afghanistan bị chính quyền Mỹ bỏ rơi vào tay Taliban. Trong bài ''Hoa Kỳ đối mặt với bóng ma thất bại tại Afghanistan'', nhân 40 năm quân đội Liên Xô can thiệp vào quốc gia Nam Á này, Le Figaro cảnh báo: Tổng thống Mỹ muốn kết thúc cuộc chiến mà ông cho là vô lý này tuy nhiên, việc rút quân Mỹ có nguy cơ khiến thủ đô Kabul rơi vào tay phiến quân. Le Figaro dự báo từ nay đến cuối năm 2020, nếu một phần lực lượng của chính quyền Afghanistan sụp đổ, ông Trump rất có thể sẽ buộc phải ra quyết định lui quân.

''Một Việt Nam khác'' là tựa đề bài xã luận Le Figaro. Tờ báo đánh giá là chiến lược thương lượng của Trump với Taliban hiện nay rất nguy hiểm, bởi không gì bảo đảm là các lực lượng thánh chiến sẽ không sử dụng vùng đất do Taliban kiểm soát để tấn công quân đội Mỹ.

Sự phân cực cao độ trong xã hội Mỹ khiến các định chế không thể vận hành bình thường. Đó là phân tích của Le Monde, trong bối cảnh tổng thống Mỹ sắp bị đưa ra luận tội trước Thượng Viện vào đầu tháng tới, và phía đảng Dân Chủ đối lập đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu tranh cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống vào đầu tháng Hai tới.

Pháp : Việc làm khởi sắc
Về nước Pháp, Le Monde và Les Echos đồng loạt loan báo tin vui, tỉ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ 10 năm nay. Theo Le Monde, với hơn 260.000 chỗ làm mới được tạo ra trong năm nay, so với chỉ 180.000 năm 2018, tình hình lao động tại Pháp đang có xu hướng trở nên sáng sủa hơn. Những người được hưởng lợi nhiều nhất là giới trẻ dưới 24 tuổi.

Bãi công chống cải cách hưu trí
Về phong trào chổng cải cách hưu trí tại Pháp, La Croix cho biết bãi công đã đến ngày thứ 23, dài hơn cuộc bãi công chống cải cách thời thủ tướng Alain Juppé năm 1995.La Croix có bài phóng sự mô tả tình cảnh của những người bãi công. Bị thiệt hại về tài chính, do không có lương, người bãi công hy vọng được sự hỗ trợ của công chúng, thông qua các quỹ ''đoàn kết tài chính''. Nhật báo Công Giáo dự báo với đà này, cuộc bãi công sẽ còn kéo dài.

Trên Les Echos, học giả Jacques Attali có bài phân tích đáng chú ý, ''Hưu trí, cuộc cải cách có nguy cơ bị bác bỏ''. Bài viết nhấn mạnh đến tính chất vô cùng nan giải của cuộc cải cách, được ông ví với ''một cơ quan nhân tạo'', với rất nhiều điểm ưu việt, đang được chính phủ nỗ lực ''dùng mọi biện pháp dân chủ'' để ghép vào ''cơ thể sống xã hội''. Cuộc cấy ghép có thể thành công, nhưng cũng có rất nhiều nguy cơ bị cơ thể đào thải.






No comments:

Post a Comment