Monday, December 30, 2019

NÓI KHÔNG VỚI TIÊU CỰC TRONG THI CỬ (Chu Mộng Long)





Khẩu hiệu “Nói không với tiêu cực trong thi cử” là kiệt tác của ông Nguyễn Thiện Nhân ngay khi mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nguồn cảm hứng làm nên kiệt tác này do nhà giáo Đỗ Việt Khoa mang lại cho ông sau khi công khai cái chợ thi ở Vân Tảo. Chưa bao giờ lịch sử giáo dục Việt Nam sôi động như là thời điểm này. Ông Nhân được tung hô vạn tuế và giáo dục Việt Nam tưởng chừng như đã vượt cạn để sinh ra một nền giáo dục mới lành mạnh và đầy lạc quan. Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu “Nói không…” đỏ chót.

Kết quả là, ngay trong năm đó, báo chí đăng tin tiêu cực diễn ra ngay trong kì thi chuyên viên của Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Rồi năm sau, tiêu cực như dịch bệnh phát tán từ Vân Tảo sang Đồi Ngô, nếu cho lộ hết thì là tiêu cực toàn quốc. Tiêu cực đến mức Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Đào Ngọc Dung khi đi thi cũng lật tài liệu. Và kết cục, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng bỏ của chạy lấy người khi mới nửa nhiệm kỳ.

Tại thời điểm sôi động nhất của phong trào “nói không”, trong một hội nghị, tôi nói: “Tiêu cực mà nói không thì ai cũng nói được. Nhưng ở đất nước này sẽ luôn có chuyện nói một đằng làm một nẻo. Cho nên hễ “nói không ” cái gì thì người ta “làm có” cái nấy!” Một người hỏi tôi: “Vậy theo đồng chí thì nên có giải pháp nào hiệu quả?” Tôi nói luôn: “Muốn chống người đi thi lật tài liệu thì hãy cho phép lật tài liệu!” Nhiều người cười ồ. Có người mắng: “Nói ngu vậy thì nói làm gì?”

Cái thời điểm đó, cách đây cũng đã vài mươi năm, toàn hệ thống giáo dục Việt Nam gần như chưa biết dạy học phát triển năng lực là gì hoặc biết một cách lơ mơ. Tôi kiên nhẫn giải thích, rằng khi người đi thi thuộc hay chép đúng như tài liệu mà được điểm cao thì hãy xem lại cách dạy, ra đề và chấm thi. Nói gọn đó là cách giáo dục nhồi sọ mà người dạy và người học đều là những con vẹt. Trong cách giáo dục đó, người đi thi muốn đạt điểm cao chỉ có thể, hoặc cố mà học thuộc bài hoặc phải lật tài liệu và chép. Tôi khẳng định, trong hai trường hợp này, đứa lật tài liệu thông minh hơn, vì sau khi trả bài là xong, não của nó không bị nhồi những thứ mà cuộc sống tương lai của nó không cần. Còn những đứa để trong não bao nhiêu thứ bị nhồi từ nhỏ đến lớn thì chỉ có thể từ ngu đến điên. Và đối với người dạy, tôi nói thẳng, nếu chấm bài học sinh trả lại giống hệt như điều mình đã dạy mà vẫn cho điểm cao thì chẳng khác nào nhổ ra rồi liếm lại, rất mất vệ sinh!

Nói đến đó, gần như mọi người cũng không hiểu gì, thậm chí còn chỉ trích tôi nhục mạ nhà giáo. Không ai làm nhục mình bằng chính mình tự làm nhục. Tôi giải thích tiếp, bằng kinh nghiệm của tôi. Tôi không bao giờ dạy theo giáo trình người ta soạn sẵn. Tôi dạy bằng chính trị thức của tôi. Và không có tri thức nào áp đặt một chiều. Người học học tư duy phản biện và hiển nhiên đề thi luôn là đề có vấn đề để người học phản biện. Phản biện mới khai phóng tri thức và đi đến sáng tạo. Đề thi của tôi luôn ghi câu: “Thí sinh được phép sử dụng tài liệu khi làm bài”. Cứ chép tài liệu xem được mấy điểm? Và với cách ấy, giám thị không phải giương mắt cú vọ soi vào tận chỗ kín của người thi một cách đê tiện!

Có vậy mà 20 năm qua trôi qua, nhiều nhà giáo vẫn không hiểu gì rồi kêu ca về tiêu cực trong thi cử. Mà kêu ca cái nỗi gì khi chính nhà giáo đi thi là chúa lật tài liệu. Trong đợt học trung cấp chính trị, khi giảng viên trường đảng hỏi lớp: “Các thầy cô muốn ra đề mở hay đề đóng?” Tôi đứng dậy nói ngay: “Đề mở!” Bất ngờ cả lớp ầm ầm phản ứng. Đại diện lớp đứng lên năn nỉ: “Thầy làm ơn ra đề cho chúng em chép tài liệu ạ!”. Tôi mắng thẳng thừng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân, thầy cô đi thi đòi lật tài liệu thì sao khi coi thi lại nhăm nhe bắt tài liệu học sinh?”

Gần chục năm nay, tôi không tham gia coi thi. Nhưng có lần tới mùa thi, tôi đi vào sân trường thấy các em sinh viên ngồi dưới ánh đèn bảo vệ lảm nhảm đọc bài như thầy chùa tụng kinh, tôi hỏi: “Sao phải học khổ sở như trong tu viện vậy các em?” Một sinh viên cho biết, cái môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê, thầy bắt học thuộc lòng cả ba chương, học mãi không thuộc thầy ạ!”

Tôi lại chợt nhớ năm tôi đi thi giảng viên chính, lúc đứng bên ngoài chờ thi vấn đáp, nhìn nhiều thầy cô thi xong bước ra vã mồ hôi, vì giám khảo đặt đáp án trước mặt và dò từng từ, thiếu từ nào trừ điểm từ nấy. Vậy thì chết tôi rồi, vì tôi chẳng bao giờ thuộc lòng cái gì, trừ phi những thứ dùng nhiều lần thì nhớ. Đến lượt tôi bước vào, bóc đề xong, chuẩn bị khoảng 5 phút là bị gọi lên. Tôi nhìn giám khảo đặt đáp án trước mặt với cây bút chuẩn bị dò theo tôi trả lời là phát ớn rồi. Không hiểu sao lúc đó tôi to gan đến mức yêu cầu thầy úp đáp án lại. Ông trố mắt hỏi vì sao? Tôi nói, thầy làm giám khảo thì chắc chắn đã thuộc bài. Thầy nghe tôi trả lời mà phát hiện ra tôi sai chỗ nào thì cứ trừ điểm vô tư!

Bất đắc dĩ ông ta phải úp đáp án và nghe tôi thao thao bất tuyệt. Xong tôi hỏi: “Thầy có biết sai chỗ nào không?” He he, biết chết liền! Ông bảo: “Anh xong rồi, ký tên và ra ngoài cho người khác vào”. Tôi không chịu ký, vì cảnh giác ông cho điểm kém nên tiếp tục yêu cầu: “Thầy cho điểm xong tôi mới ra. Điểm vấn đáp theo quy chế là phải công khai!” Lại bất đắc dĩ ông phải cho điểm. Tôi nhìn rõ ông ghi số 9. Lẽ ra phải cãi, rằng tôi không sai chỗ nào mà sao lại bị trừ một điểm. Nhưng điểm 9 là cao chót vót so với mọi người rồi nên chấp nhận và ký tên vào bảng điểm vậy!

Vụ sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn vừa tung lên mạng về tình trạng lật tài liệu phổ biến trong phòng thi, có lẽ làm cho Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Mỹ nhức đầu và lo chấn chỉnh. Nhưng theo tôi, đối tượng cần chấn chỉnh không phải học trò mà các thầy cô. Cái gốc là phương pháp dạy học và cách đánh giá chất lượng. Không có lý do gì ở phổ thông đã cải cách dạy học theo hướng phát triển năng lực mà giảng đường đại học hiện nay vẫn là một tu viện thời trung cổ!

Kết thúc bài này, mượn lời A.Einstein, tôi khuyên các bạn sinh viên, khi đi thi nếu gặp loại đề bắt phải thuộc lòng thì không nên bỏ cuộc mà nên… bỏ thi. Khi đó, ông Đỗ Ngọc Mỹ chịu trách nhiệm.








No comments:

Post a Comment