Saturday, December 7, 2019

HOA KỲ GIỮ CHỨC CHỦ TỊCH LUÂN PHIÊN HỘI ĐỒNG BẢO AN LHQ (RFI)




NỘI DUNG :

Minh Anh – RFI
.
Thanh Hà – RFI

====================================

Minh Anh – RFI
Đăng ngày 07-12-2019

Kể từ 06/12/2019, Hoa Kỳ chính thức nắm chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong vòng một tháng. Bà Kelly Craft, cựu đại sứ Mỹ Canada, được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc cách nay ba tháng, thay thế bà Nikki Haley, sẽ phải bảo vệ lợi ích của Washington trong các hồ sơ « nóng » tại định chế quốc tế này.

Tổng thống Donald Trump và đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Kelly Craft tại Nhà Trắng ngày 05/12/2019.Reuters

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :

« Không có chuyện giữ khoảng cách với định chế mà tổng thống Mỹ không mấy gì ưa thích, bà Kelly Craft dường như đã thực hiện vai trò của mình một cách nghiêm túc. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên về việc ủng hộ Israel vô điều kiện hay như chuyện gây áp lực tối đa mà bà mong muốn duy trì với Iran.

Về vấn đề tài chính, một cách công khai, bà đi theo đường hướng của Washington, vốn dĩ đang tìm cách giảm chi phí bằng mọi giá – thế nhưng, bà lại được giới công chức tại Liên Hiệp Quốc xem như là một đại diện tích cực, người đã thuyết phục được Hoa Kỳ trả phần đóng góp của mình vào lúc ngân quỹ của Liên Hiệp Quốc đang ở mức thấp nhất.

Dù vậy, Kelly Craft cũng khó đi sâu vào các hồ sơ và chỉ đưa ra những tuyên bố đơn giản cho thấy thiếu sự tinh tế địa chính trị. Là một tân binh, có thể cảm thấy bực bội trước những hồ sơ chất chồng từ năm này qua năm khác, bà cố gắng đánh động các đồng nhiệm tại Hội Đồng Bảo An.

Kelly Craft nhắc nhở rằng họ phải để ý đến cả những nơi khác trên thế giới và bà sẽ phải tận dụng một tháng làm chủ tịch luân phiên để có thể đưa ra một bảng tổng kết và để biết được Hội Đồng có hiệu quả hay không. Bà nói : ʺUy tín của Liên Hiệp Quốc phụ thuộc vào điều đó !ʺ

Một điều chắc chắn là nếu bà không phải là một chính khách như Nikki Haley, thì Kelly Craft sẽ thổi bùng một cách có hệ thống các vấn đề nhân quyền. Bà đã kể lại chuyến đi đến Nam Sudan đầu tiên mà nước mắt lưng tròng – một lối kể chuyện gần giống với các nhà hảo tâm nổi tiếng của tổ chức quốc tế, hơn là với các biệt ngữ thông thường của giới chức Liên Hiệp Quốc ».

-------------------------------------------
Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 07-12-2019

Thêm một mối căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ -Trung : Một ngày sau khi Ngân Hàng Thế Giới đồng ý cho Trung Quốc vay với lãi suất thấp, tổng thống Donald Trump phản đối quyết định của định chế tài chính đa quốc gia này.

Ngày 05/12/2019, Ngân Hàng Thế Giới thông báo: trong giai đoạn từ 2020 đến 2025, Trung Quốc sẽ được vay với lãi suất thấp từ 1 tỉ đến 1,5 tỉ đô la mỗi năm. Năm 2017, Trung Quốc đã được Ngân Hàng Thế Giới cấp 2,4 tỉ đô la với lãi suất ưu đãi.

Trên mạng Twitter ngày 06/12/2016, nguyên thủ quốc gia Mỹ nêu lên câu hỏi : "Tại sao Ngân Hàng Thế Giới lại cho Trung Quốc vay tiền ? Làm sao chuyện này có thể xảy ra ? Trung Quốc có nhiều tiền và khi không có thì Bắc Kinh tự in ra tiền. STOP !"

Đây cũng là quan điểm của đương kim chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới David Malpass khi ông đặc trách đối ngoại tại bộ Tài Chính Hoa Kỳ, trước khi lên điều hành định chế đa quốc gia này. Thông điệp của tổng thống Trump phản ánh quan điểm của bộ trưởng Tài Chính Mỹ. Theo ông Steven Mnuchin, Trung Quốc là nền kinh tế thứ nhì thế giới và Bắc Kinh đủ sức để tài trợ các chương trình phát triển đất nước. Trong khi đó, nhiệm vụ của Ngân Hàng Thế Giới là cấp tín dụng giúp các nước nghèo phát triển.

Rất nhiều tiếng nói tán đồng quan điểm của Nhà Trắng. Có điều tổng thống Trump đưa ra tuyên bố như trên vào lúc Washington và Bắc Kinh đang đàm phán về "Giai đoạn 1" tạm dừng xung đột về thương mại.





No comments:

Post a Comment