Sunday, December 1, 2019

DÂN HỒNG KÔNG ĐÁNG HÃNH DIỆN (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
November 29, 2019
Giới lãnh đạo Bắc Kinh mới nhận hai cú “tát tai.” Tuần trước, Quốc Hội Mỹ biểu quyết hai dự luật dọa trừng phạt Trung Cộng nếu đụng tới dân Hồng Kông. Ngày Chủ Nhật, các nhà chính trị được Bắc Kinh ủng hộ đều bị dân Hồng Kông tẩy chay trong cuộc bầu cử cấp thị xã.

Trước khi ký đạo luật “Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông” (Hong Kong Human Rights and Democracy Act) Tổng Thống Donald Trump tỏ ra biết lo cho thị trường chứng khoán. Ông ký đạo luật này vào chiều Thứ Tư, sau khi thị trường New York đóng cửa qua cả ngày hôm sau, khi dân Mỹ sẽ nghỉ lễ Tạ Ơn, Thanksgiving.

Ông Trump cẩn thận tính rằng nếu giới đầu tư có phản ứng gì với đạo luật thì họ sẽ đợi qua ngày Thứ Sáu mới biểu lộ, trên giá cổ phiếu trên thị trường.

Tại sao phải lo giới đầu tư sẽ phản ứng? Vì lo cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung sẽ không xuống thang mà có thể căng thẳng hơn. Bắc Kinh sẽ tức giận. Họ có thể trả đũa. Cứ như thế, không biết đến bao giờ cuộc chiến mới nguôi, kinh tế cả thế giới sẽ trì trệ.
Ngày Thứ Sáu, các chỉ số thị trường New York không thay đổi đáng kể và số người mua, bán rất thưa thớt. Giới đầu tư trong thị trường chứng khoán đã đoán trước các tình huống và đã phản ứng ngay trước khi ông Trump đặt bút ký.

Dân mua bán cổ phiếu đang lo chuyện khác. Họ chờ coi người tiêu thụ “sắm Tết” thế nào trong ngày “Thứ Sáu Đen!” Họ căn cứ vào đó để tiên đoán hàng bán lẻ từ nay cho đến cuối năm còn vững không. Giới tiêu thụ ở Mỹ sẽ quyết định thị trường lên xuống, chớ không phải đạo luật Hồng Kông.

Dù sao, Tổng Thống Trump cũng biết trước Bắc Kinh sẽ phản đối mạnh mẽ, nên ông rất gượng nhẹ khi ông đặt bút ký. Ông bày tỏ “lòng kính trọng” đối với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và với dân Hồng Kông. Ông còn trách cả hai đảng trong quốc hội đã “chen chân” vào công việc ngoại giao, đáng lẽ để cho ông tổng thống một mình lo cũng được. Tức là Quốc Hội đã can thiệp vào quyền hành của tổng thống!

Những lời ông Trump nói hẳn làm Tập Cận Bình mát ruột. Trump cho Tập thấy rõ mình cũng bị bó tay. Nếu ông Trump không chịu ký thì hai viện Quốc Hội cũng đủ số phiếu để hoàn thành đạo luật.

Mặt khác, ông Trump cũng bắn tin cho ông Tập hiểu rằng Quốc Hội làm luật gì thì làm, ông ký cứ ký, nhưng việc áp dụng đạo luật nằm trong tay ông. Ông tổng thống có thể nặng tay hay nhẹ tay, tích cực thi hành, hay khoan dung hòa hưỡn, đó là quyền của ông!
Nghĩa là, nếu ông Tập “biết điều” bảo dân Tàu mua nhiều đậu nành và thịt heo của Mỹ hơn để ăn Tết thì việc thi hành đạo luật Hồng Kông cũng sẽ nhẩn nha, thơ thới!

Thực ra đạo Luật “Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông” cũng không cần thiết lắm. Quốc Hội Mỹ biểu quyết đạo luật này để bày tỏ một thái độ chính trị hơn là ban hành một chính sách ngoại giao.

Bởi vì nước Mỹ hiện đã có sẵn những đạo luật có thể áp dụng nếu cần để trừng phạt các quan chức Trung Cộng và Hồng Kông nếu họ vi phạm quyền làm người và các quyền tự do dân chủ của dân Hồng Kông.

Đạo luật mới cũng không cần gấp đến thế. Vì cho tới nay chính quyền Hương Cảng vẫn tôn trọng những quyền tự do ghi trong đạo Luật Căn Bản, hiến pháp thu nhỏ của Hồng Kông.

Trung Cộng cũng không tỏ ra muốn vi phạm các quyền mà dân Hồng Kông đã được hưởng từ thời còn là thuộc địa Anh.

Những người biểu tình trước đây đã tấn công mặt tiền những ngôi nhà trụ sở của chính quyền trung ương Bắc Kinh. Dân bày tỏ thái độ phản đối không chào cờ Trung Cộng. Các lãnh tụ sinh viên đã qua Quốc Hội Mỹ công khai đả kích chính quyền Trung Cộng. Đặc biệt, họ phất cờ Mỹ và mang hình “Võ sĩ Quyền Anh Donald Trump” để hoan hô một đạo luật rõ ràng nhằm chống chính quyền Trung Cộng và Hồng Kông.

Dân Hồng Kông mới được trao Giải John McCain về Lãnh Đạo và Phục Vụ (John McCain Prize for Leadership in Public Service). Một nghị viên thành phố và một nhà tranh đấu sẽ đại diện cho cả thành phố, qua Mỹ lãnh giải.

Dân chúng sống trong lục địa Trung Quốc không thể nào hành động tự do như vậy. Dân Hồng Kông dám làm, không sợ hãi. Quyền tự do của họ vẫn còn.

Bắc Kinh không dám cướp đoạt những quyền tự do kinh tế, tự do cư trú, tự do ngôn luận, tự do hội họp, vân vân, mà người Anh đã cho dân Hồng Kông hưởng. Bởi vì Trung Cộng biết rằng không thể nào cướp các quyền đó mà không gây các phản ứng dữ dội, của dân chúng Hồng Kông cũng như của cả thế giới. Các phản ứng đó sẽ làm cho kinh tế Hồng Kông suy sụp. Kinh tế Trung Quốc cũng không thoát nạn. Và nó trái ngược với chủ trương của Bắc Kinh đang muốn ve vãn các nước Á Đông với bộ mặt hiền lành, nhất là để dụ dỗ dân Đài Loan.

Như vậy thì việc ban hành Đạo Luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông chỉ có ảnh hưởng tượng trưng nhiều hơn là thực tế.

Việc Bắc Kinh lên tiếng cực lực đả kích đạo luật này cũng vậy. Tập Cận Bình bắt buộc phải phản đối và tuyên bố trả đũa nhưng không thể không làm gì cả sau khi bị cú “tát tai” của Quốc Hội Mỹ.

Hành động duy nhất mà Trung Cộng có thể làm là hoãn cuộc thương thuyết ngưng chiến một thời gian, chắc không lâu quá ba tháng. Tập Cận Bình cũng cần một cuộc ngưng chiến mậu dịch, không khác Donald Trump.

Nhưng với cú tát tai vừa rồi, Bắc Kinh không thể ký kết ngay cái gì với Mỹ. Thay vì ký một thỏa hiệp vào cuối Tháng Mười Một, 2019, thì họ sẽ hoãn tới đầu năm 2020. Khi đó, mọi người đang mải ăn Tết và không mấy ai còn nhớ đạo luật Hồng Kông nữa! Một đạo luật mà không ai thấy đem ra thi hành, vì chẳng có duyên cớ nào để thi hành, thì rất dễ chìm vào quên lãng.

Nhưng những thắng lợi bầu cử ngày Chúa Nhựt vừa qua của dân Hồng Kông thì sẽ còn ghi mãi trong trí nhớ người dân cũng như chính quyền Trung Cộng. Dân Hồng Kông đáng hãnh diện về kết quả cuộc bỏ phiếu này.

Cuộc bầu cử cấp thị xã xưa nay chỉ có vài ba chục phần trăm cử tri đi bỏ phiếu; nhưng lần này dân chúng đã nô nức đi để bày tỏ thái độ, nâng tỷ số lên 70%. Những ứng cử viên tham gia phong trào chống chính quyền, tức là chống Trung Cộng, đã chiếm được 17 trong số 18 hội đồng thị xã. Phe thân Bắc Kinh đại bại.

Đây mới thật là một cái tát mạnh vào mặt chính quyền Hồng Kông và những người đứng sau lưng họ ở Bắc Kinh. Tháng Chín sang năm, cuộc bầu cử Hội Đồng Lập Pháp (Legco) đặc khu Hồng Kông chắc cũng sẽ đưa đến kết quả tương tự.

Đây là lúc bà Carrie Lam Cheng Yuet-ngor (Lâm Quách Nguyệt Nga), có thể tuyên bố từ chức. Chính bà đã công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua phản ảnh đúng lòng dân. Những người chống lại bà vừa mới được toàn thể dân Hồng Kông nhiệt liệt ủng hộ; bà có lý do chính đáng để rút lui, dần dần sẽ qua nước Anh sống quãng đời về hưu an nhàn! (Ngô Nhân Dụng)

------------------------------------------

Người Việt Online
November 30, 2019

HỒNG KÔNG (AP) – Hàng trăm người tranh đấu Hồng Kông, tóc đã bạc màu, hôm Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Một, cùng xuống đường tuần hành cùng với giới trẻ để đòi tự do dân chủ, khẳng định nỗ lực có từ mấy tháng nay của họ sẽ còn tiếp tục, cho tới khi nào có được kết quả tại vùng lãnh thổ Trung Quốc này.

Người dân Hồng Kông, ở mọi lớp tuổi, cùng nhau tham gia tranh đấu đòi dân chủ. (Hình: AP Photo/Ng Han Guan)

Cuộc tụ tập tại một công viên ở trung tâm thành phố là một trong mấy cuộc tập hợp ôn hòa của người tranh đấu trong tuần này nhằm duy trì áp lực lên chính quyền, giữa khi mức độ bạo động giảm sút tiếp theo chiến thắng của những người dân chủ trong một cuộc bầu cử địa phương ở Hồng Kông, đồng thời có được sự hậu thuẫn của Mỹ cho cuộc tranh đấu của họ.
Cờ Mỹ bay phất phới tại một buổi tập hợp của người dân Hồng Kông tranh đấu. (Hình: AP Photo/Ng Han Guan)

Các diễn giả trong buổi tập hợp này nhắc nhở đám đông rằng đây chưa phải lúc để nghỉ ngơi và cuộc tranh đấu để có quyền tự trị thật sự phải tiếp tục được duy trì.

Người phản kháng cho hay họ giận dữ trước việc Trung Quốc ngày càng xen lấn vào nội bộ Hồng Kông, lấy đi các quyền tự do mà họ được hứa hẹn khi Anh trao trả nơi này lại cho Bắc Kinh năm 1997.

“Chính quyền muốn chúng ta bỏ rơi người tranh đấu trên tuyến đầu và những người trẻ tuổi này, nhưng chúng ta sẽ đứng cùng với họ,” theo lời người tổ chức cuộc tập hợp, ông Tam Kwok-sun, 64 tuổi, nói trong tiếng reo hò của đám đông.

“Đôi khi, hành động của người tranh đấu trở nên bạo động và hung hãn, nhưng chúng ta lại còn bất mãn hơn nữa với hành động của phía chính quyền,” cũng theo ông Tam.
“Chính quyền này vẫn còn ngoan cố lắm. Mọi người chúng tôi, dù già hay trẻ, phải góp phần theo phương cách của mình. Cuộc tranh đấu này không thể bị ngưng lại,” theo lời một phụ nữ, 63 tuổi, cho biết tên là Tam, khi đi phát kẹo cho những người tranh đấu trẻ tuổi ở công viên.

Người tranh đấu cũng kêu gọi Anh và các quốc gia theo gương Mỹ để đưa ra các đạo luật nhằm ủng hộ người dân Hồng Kông. (V.Giang)

-------------------------

November 29, 2019










No comments:

Post a Comment