Tuesday, December 31, 2019

CHÍNH TRỊ VIỆT NAM : MỘT THẬP KỶ NHÌN LẠI (Đoan Trang & Trịnh Hữu Long)




30/12/2019

Chúng ta đang tiến đến những khoảnh khắc cuối cùng của năm 2019, khép lại một năm đầy sự kiện và không chỉ thế, khép lại nguyên một thập kỷ. Luật Khoa nhìn lại và đánh giá những sự kiện, biến động và khuynh hướng lớn nhất của nền chính trị ở Việt Nam trong những năm từ 2010 đến hết 2019.

                                                ***

Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: VietNamNet, Reuters, RFA.

Mười năm trước, “xã hội dân sự” còn là một khái niệm hết sức xa lạ và nhạy cảm. Mười năm đủ để bình thường hóa và đưa khái niệm này vào cuộc sống hàng ngày. 

“Xã hội dân sự” xa lạ và nhạy cảm bởi hầu hết người Việt Nam đang sống ngày nay đều không có cơ hội được học và được trải nghiệm một xã hội bình thường với ba thành tố chính: chính quyền, thị trường và xã hội dân sự. Từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 trên cả nước, đảng Cộng sản Việt Nam thi hành chính sách kiểm soát xã hội một cách toàn diện và không cho phép thị trường lẫn xã hội dân sự tồn tại. Cuộc cải cách kinh tế mang tên “Đổi Mới”, bắt đầu từ năm 1986, đã bình thường hóa khái niệm “thị trường”, nhưng “xã hội dân sự” thì phải chờ đến cuối những năm 2000 mới bắt đầu được nói đến. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) dần đóng vai trò chính trị lớn hơn trong đời sống xã hội, tuy vậy, gần như chỉ mang tính chất phụ họa và tư vấn cho chính quyền nhiều hơn là gây được sức ép. 

Bước ngoặt đến vào năm 2011, sau sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của PetroVietnam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 26/5. Một làn sóng phẫn nộ lan khắp Internet, cả blog lẫn mạng xã hội Facebook. Nhật Ký Yêu Nước (một trang facebook thành lập ngày 12/4/2010, chính thức hoạt động ngày 16/4/2010) phát lời kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc.

Và ngày Chủ nhật, 5/6/2011, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra cả ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thu hút hàng nghìn người tham dự. Phong trào biểu tình này sau cùng kéo dài tới 11 tuần lễ, kết thúc vào ngày 21/8. Đây không phải là phong trào biểu tình đầu tiên ở Việt Nam kể từ sau năm 1975, nhưng nó là một bước ngoặt lịch sử: Lần đầu tiên có một phong trào xã hội chấp nhận những rủi ro cao nhất để công khai thách thức sự kiểm soát của chính quyền đối với các sinh hoạt chính trị của người dân, vốn trước đó bị coi là cấm kỵ. 

Phong trào biểu tình năm 2011 tạo đà cho sự ra đời của hàng loạt hội, nhóm độc lập, công khai đấu tranh đòi các quyền chính trị “nhạy cảm” như tự do ngôn luận, lập hội, tụ tập ôn hòa, bầu cử công bằng, v.v. Kể từ đây, các thiết chế phi chính phủ không còn thuần túy đóng vai phụ họa và tư vấn cho chính quyền nữa, mà trực tiếp huy động quần chúng gây sức ép buộc chính quyền phải thay đổi thái độ, hành vi và thể chế.

Không ai hiểu điều này hơn đảng Cộng sản, bởi họ đã thành công bằng chính phương pháp này trong suốt lịch sử đấu tranh của mình.

Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: kenhthoitiet.vn.

Thập niên qua đã xác lập một thực tế không thể phủ nhận: Môi trường không còn được coi là vấn đề thuần túy kỹ thuật nữa, nó đã biến thành (hoặc được thừa nhận là) một vấn đề chính trị hệ trọng. 

Khi “đại dự án” khai thác bauxite ở Tây Nguyên được thông qua năm 2009, đã có hàng nghìn người Việt trong và ngoài nước lên tiếng phản đối, chỉ ra các tác hại của dự án trên nhiều mặt: quốc phòng, môi trường, kinh tế, văn hóa bản địa… Ô nhiễm môi trường chỉ là một trong các nguyên nhân – dường như không mấy ai khi ấy hình dung được rằng chỉ nửa thập niên sau, đó sẽ là một trong các vấn đề đau đầu nhất ở Việt Nam đương đại.

Mùa xuân 2015, chính quyền Hà Nội tiến hành “cải tạo và thay thế cây xanh” bằng cách chặt hạ 2.000 cây gỗ, cây lâu năm trên toàn thành phố. Đó cũng là năm mà mùa hè nắng nóng kỷ lục làm ít nhất một người dân chết vì cảm nắng ngay giữa vườn hoa thủ đô, và tới tháng Sáu, mưa bão làm cây đổ, giết chết thêm vài người. Nhiều cây bị bật gốc, cho thấy bộ rễ còn nằm nguyên trong bọc ni-lông buộc dây nhựa.

Năm 2016, cá chết hàng loạt nổi lên ven bờ ở một loạt tỉnh miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng… Được ghi nhận từ ngày 3/4/2016, số cá chết phải lên đến hàng nghìn tấn, cả cá biển lẫn cá nuôi trong bè ở các nhà dân địa phương. Tháng Tư chính thức đánh dấu sự bắt đầu của một trong những thảm họa môi trường biển lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử Việt Nam. Không ai có thể biết chính xác tất cả các nguyên nhân dẫn tới thảm họa này, chỉ mơ hồ hiểu rằng nghi phạm chính là tập đoàn thép Formosa của Đài Loan, đối tượng bị cáo buộc xả chất thải độc hại vào thẳng đại dương.

Cách chính quyền đối phó với thảm họa và giải quyết hậu quả không hứa hẹn điều gì tốt đẹp, vì chỉ xoay quanh: (1) các cuộc họp kín và thông báo ra công luận sau đó rằng “biển đã tự làm sạch”, “đã an toàn”, ngư dân có thể yên tâm bám biển; (2) trấn áp các ý kiến chống đối, đặc biệt là đàn áp biểu tình và bỏ tù nhà hoạt động.

Bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, nguyên nhân cực kỳ quan trọng (và nghiêm trọng) dẫn tới suy thoái môi trường là những đại dự án, những chủ trương lớn của đảng và nhà nước, trải dài suốt từ bauxite Tây Nguyên (2009) đến thủy điện, nhiệt điện và điện hạt nhân, lấn biển xây khu đô thị… Theo các dự báo khác nhau, đồng bằng sông Cửu Long có thể biến mất do chìm dưới biển trong vòng 30-50 năm tới. Cũng theo một báo cáo quốc tế, riêng trong năm 2017, có hơn 71.300 người chết ở Việt Nam do các nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm môi trường; trong đó, số tử vong vì ô nhiễm không khí lên tới 50.232 người.

Năm 2019, hạn hán, cháy rừng xảy ra trên diện rộng. Bụi mịn trở thành nỗi ám ảnh của người dân ở các thành phố lớn. Chất lượng không khí ở Việt Nam đã lập kỷ lục thế giới về ô nhiễm, độc hại. Chính quyền vẫn vậy: vụng về trong ứng phó khẩn cấp, tùy tiện và luộm thuộm trong xử lý dài hạn, nhưng rất khẩn trương, mạnh mẽ, triệt để trong đàn áp tiếng nói phê phán, nhất là những trường hợp “có tổ chức”.

Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: RFA.

Đất đai luôn nằm ở trung tâm của mọi nghị trình chính trị và kinh tế Việt Nam. Xưa, sở hữu toàn dân về đất đai là viên ngọc đính trên chiếc vương miện ý thức hệ xã hội chủ nghĩa mà các nhà lãnh đạo của đảng đội vào. Nay, khi lý tưởng ý thức hệ đã sụp đổ, nó trở thành bổng lộc chính mà đảng phân phối cho các tín đồ của mình để đổi lấy lòng trung thành với chế độ. Chuyện cưỡng chế đất đai, do đó, không có gì mới. Cái mới của thập kỷ qua là bức tranh đất cát được phơi bày ở một quy mô lớn chưa từng thấy, nhờ một công cụ mới: mạng xã hội. 

Chỉ đến thời đại của Internet và đặc biệt là mạng xã hội, những vụ cướp đất đầy tai tiếng mới được phơi bày, luôn luôn đầy bạo lực, máu, nước mắt, và tù tội. Những cái tên đất, tên làng đã đi vào… lịch sử cướp đất: Tiên Lãng, Văn Giang, Đồng Tâm, Dương Nội, Thủ Thiêm, và nhiều nữa. Cùng với đó là nhiều tên người, là những nạn nhân của bạo lực, gồm cả giết chóc, đánh đập lẫn tù tội, từ chính quyền: Đặng Ngọc Viết (nổ súng bắn chết cán bộ rồi tự sát), Đặng Văn Hiến (tử tù), Cấn Thị Thêu (hai lần đi tù), Nguyễn Mai Trung Tuấn (trẻ vị thành niên, bản thân và cả nhà đi tù), Vũ Thị HảiTrần Ngọc Anh (bị bỏ tù và bị hành hung nhiều lần), Lê Thị Trâm (bị máy xúc đè, chấn thương sọ não nhưng thoát chết nhờ ruộng lún), v.v. 

Tai vạ cho dân bắt đầu từ khi các tập đoàn “đỏ” xuất hiện, bắt tay với nhà nước thâu tóm đất đai nhân danh các dự án “phát triển kinh tế”. Dân chỉ nhận được mức bồi thường rẻ mạt, nếu có. Trong khi đó, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của các quyền liên quan đến đất đai, theo luật quốc tế, là: đất đai chỉ được chuyển giao với sự đồng ý của người dân; sự đồng ý đó phải là đồng ý từ trước, tự nguyện, và trên cơ sở được thông tin đầy đủ. Nguyên tắc ấy đương nhiên bị vi phạm hoàn toàn trong thực tế ở Việt Nam.

Tất cả những điều này được các nhà lý luận của chế độ “tổng kết” đơn giản, đại loại thành: đất nước đang trên đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tạo áp lực lớn về sự phát triển, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân diễn biến phức tạp, có mặt còn diễn ra gay gắt. Cách đối phó là “làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở”, đồng thời “chủ động đấu tranh với các hoạt động lợi dụng khiếu nại, tố cáo để tuyên truyền, kích động, lôi kéo quần chúng tham gia tập trung đông người, gây rối an ninh, trật tự…”.

Không có dấu hiệu gì cho thấy vấn đề đất đai sẽ bớt nhức nhối ở Việt Nam trong thập niên tới, chừng nào một đảng chính trị vẫn có độc quyền lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quyết định giá đất, và có quyền dí súng vào đầu chủ đất bắt phải nhận tiền đền bù. 

Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: Reddit/Chưa rõ nguồn.

Ngày 20/8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên – sáng lập viên Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), tên thường gọi là “bầu Kiên” – bị bắt giam. Sự việc được báo trước trên một trang blog có tên “Quan Làm Báo”, kéo theo một chiến dịch thông tin rầm rộ tiếp sau đó trên blog này, mang đầy màu sắc “thuyết âm mưu”. Có lẽ rất ít người hiểu được vụ án bầu Kiên, vì nó liên quan đến nhiều khái niệm kinh tế-tài chính-ngân hàng còn quá mới và phức tạp đối với dân chúng Việt Nam, nhưng quan trọng hơn cả, là vì về bản chất, nó là “chuyện cung đình”, chuyện của một thế giới mà dân thường không được phép đặt chân vào và không thể hiểu. Thế giới ấy là của riêng các tập đoàn “tư bản đỏ” và nhà nước.

Tuy không hiểu về từng vụ án, nhưng dần dần, người dân Việt Nam, nếu tỉnh táo quan sát, cũng nhận ra rằng các tập đoàn, công ty lớn đang nổi lên, trở thành những thế lực hùng mạnh có đủ khả năng lũng đoạn cả nền kinh tế lẫn chính trị Việt Nam. Bề nổi của tảng băng khổng lồ này là vụ án tập đoàn AVG, mà cựu chủ tịch là doanh nhân Phạm Nhật Vũ, đẩy hai cựu bộ trưởng vào tù, một trong hai người đó đã khai phạm tội theo “tinh thần chỉ đạo” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Dường như những “ông lớn” này muốn gì, đảng và nhà nước phải chiều nấy, từ đất đai đến tín dụng, đến việc gần như thành lập các “khu tự trị” bất khả xâm phạm. Nhưng cái quan trọng hơn cả mà họ nhận từ đảng và nhà nước chính là… bộ máy thể chế. Nói cách khác, những nhà tư bản đỏ đã sử dụng chính guồng máy chính sách làm công cụ phục vụ cho mình. Họ thường được gọi bằng cái tên chung chung là “nhóm lợi ích”. 

Dĩ nhiên, họ cũng thao túng truyền thông – cả báo chí chính thống lẫn mạng xã hội – để bịt tất cả những thông tin bất lợi. Chẳng hạn, người dùng facebook Việt Nam lâu nay vẫn tự hiểu rằng: động đến chính quyền nhiều khi không sao, chứ động đến các tập đoàn lớn là có nguy cơ bị bịt miệng ngay lập tức, bởi đội ngũ “dư luận viên” của họ đông tới hàng ngàn, sẵn sàng “báo cáo vi phạm” (report abuse) tập thể để Facebook gỡ bài, hình ảnh, thậm chí đánh sập luôn trang facebook đăng tin hại đến uy tín của họ. Nặng hơn nữa, người đưa tin có thể bị công an bắt – đây là chuyện đã từng xảy ra không chỉ một lần.

Truyền thông chính thống dường như không có bất kỳ bản tin bất lợi nào cho các tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, hay FLC, mặc dù mạng xã hội luôn có nhiều tin đồn và nghi vấn về các vụ tai nạn, hỏa hoạn hay các vụ thâu tóm đất đai của các tập đoàn này. Ấn tượng của xã hội về các tập đoàn này như là những thành trì bất khả xâm phạm là rất rõ ràng, nhưng gần như không thể có bằng chứng chứng minh. Báo chí quốc doanh tê liệt, còn báo chí độc lập thì bất lực, không điều tra nổi. 

Nền chính trị Việt Nam đã chính thức bước vào chế độ tài phiệt (plutocracy). Đây là điều rất đáng lo ngại, bởi chống một nhà nước độc tài đã khó khăn, chống một nhà nước độc tài kết hợp chặt chẽ với tài phiệt còn khó khăn, nguy hiểm gấp bội.

Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: Thanh Niên.

Các cuộc cạnh tranh quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam không phải là hiện tượng mới. Cái mới của thập kỷ qua là cuộc cạnh tranh này đã mang một hình hài khác. Nếu như trước đây, nội bộ đảng chỉ dàn xếp về mặt chính trị với nhau, thì nay, xu hướng xử lý về mặt pháp lý ngày càng gia tăng. Trước đây, nội chiến giữa các quan chức có căng lắm cũng chỉ có kết quả là một phe bị cho thôi chức vụ, hạ cánh an toàn (dĩ nhiên, chúng tôi hiểu bạn còn đang nghĩ đến chuyện thủ tiêu). Nhưng trong 10 năm qua, án tù, thậm chí là án tử hình được mang ra để xử lý những bất đồng nội bộ ở cấp cao nhất: Bộ Chính trị. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân vật trung tâm của chính trị Việt Nam thập kỷ qua, đã phơi bày một phần cuộc đấu đá quyền lực trong đảng ra trước mặt báo và pháp đình, thông qua chiến dịch chống tham nhũng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đảng. Chiến dịch này đã làm thay đổi hẳn cách nhìn về quan chức nhà nước và cơ quan nhà nước trong công chúng nước ta. Trước đây, người ta coi làm quan, làm nhà nước là một công việc ổn định, vừa màu mỡ vừa an toàn, “đến hẹn lại lên”. Nay, ấn tượng đó đã sụp đổ cùng với những Đinh La ThăngNguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, v.v. 

Tuy vậy, bộ mặt mới của cuộc chiến nội bộ không làm bản chất của cuộc chiến thay đổi. Không có bất kỳ một cuộc cải cách thể chế nào được khởi xướng để chống tham nhũng một cách có hệ thống, chiến dịch chống tham nhũng sau cùng chỉ là bình mới của một thứ rượu cũ. Hai cái chết bí ẩn của Nguyễn Bá Thanh và Trần Đại Quang, cùng với vụ mất tích kỳ lạ của Đinh Thế Huynh, tiếp tục phủ bóng chính trường với nhiều màu sắc ma quái, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng về những phương pháp thanh trừng nội bộ cổ xưa. Pháp luật, suy cho cùng, vẫn chỉ là công cụ thanh trừng chứ không phải là nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước. Không có thứ công lý nào đạt được với một thứ pháp luật như vậy. 

Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: AFP.

Nếu 10 năm đầu tiên của thế kỷ 20 có thể coi là thập kỷ WTO, khi chính trị Việt Nam xoay vần theo các vòng đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rồi kể từ 2006 là ảnh hưởng của tổ chức này tới xã hội Việt Nam, thì thập kỷ tiếp theo mọi thứ lại xoay vần theo hai hiệp định thương mại đặc biệt quan trọng: TPP và EV-FTA. 

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguồn gốc từ một hiệp định thương mại giữa bốn nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore năm 2005. Đến cuối những năm 2000, Việt Nam chính thức tham gia các vòng đàm phán cùng với Mỹ, Nhật và nhiều nước khác ven bờ Thái Bình Dương. Khi chính quyền Barack Obama (Mỹ) quyết định xoay trục từ châu Âu và Trung Đông sang Đông Á thì TPP nằm ở trung tâm bàn cờ địa chính trị của Mỹ, mà một lý do lớn là cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. 

Suốt từ đó cho tới năm 2016, khi 12 nước chính thức ký kết hiệp định này, Việt Nam đã phải gật đầu với các yêu cầu thay đổi thể chế, mà đặc biệt nhất là công nhận quyền thành lập công đoàn độc lập của người lao động, cũng như phải đối mặt với các sức ép lớn về nhân quyền từ Mỹ và một số nước khác để đổi lấy những lợi ích về thương mại. Đến tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ mới lên nắm quyền là Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này, các nước còn lại thay đổi nội dung hiệp định và biến nó thành CPTPP, với những ràng buộc lỏng lẻo hơn về thể chế. 

Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EV-FTA) cũng chi phối chính trị Việt Nam gần như cả thập kỷ qua, bắt đầu từ năm 2012 và cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Mặc dù các cơ quan hành pháp của hai bên đã đàm phán và ký kết xong vào tháng 12/2015, tiến trình phê chuẩn hiệp định tại các cơ quan lập pháp lại diễn ra rất chậm chạp. 

EV-FTA một mặt dỡ bỏ 99% các hàng rào thuế quan hai chiều, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn của 28 nước Liên minh Châu Âu (EU), nhưng cũng ràng buộc Việt Nam vào hàng loạt vấn đề nhân quyền gai góc như công đoàn độc lập và bảo vệ môi trường. Kết quả là Việt Nam phải sửa đổi Bộ luật Lao động, ghi nhận quyền thành lập và gia nhập công đoàn của người lao động và cam kết sẽ phê chuẩn các hiệp định lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế. Các nhóm nhân quyền cũng tranh thủ cơ hội này để vận động EU gây sức ép lên Việt Nam trong hàng loạt các vấn đề nhân quyền như án tử hình, xét xử công bằng, tự do biểu đạt, tự do Internet, v.v. Dự kiến, Nghị viện EU sẽ bỏ phiếu quyết định số phận của hiệp định này vào tháng 2/2020. 

Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: TIME.

Là một nước không nhỏ về quy mô lãnh thổ và dân số, nhưng nhỏ về mọi thứ khác, số phận của Việt Nam không thể thoát ra khỏi cuộc chơi địa chính trị của các nước lớn. Trung Quốc và mối quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục phủ bóng nền chính trị Việt Nam. 

Suốt 10 năm qua, không một năm nào tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc không có chuyện. Ngày 25/8/2010, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng – khi đó là Chủ tịch Quốc hội – đã nói là chưa cần báo cáo về tình hình Biển Đông vì “không có gì mới” so với một năm trước đó. Câu “không có gì mới” sau này được nhiều người đem ra chế giễu, cho rằng nó hàm ý là vẫn căng thẳng như thế.

2011, tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu của PetroVietnam.

2012, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố mời thầu chín lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

2014, Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu khổng lồ Haiyang Shiyou 981 ra Biển Đông, vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

2017, Trung Quốc thua kiện Philippines ở tòa án quốc tế. 

Năm nào, người dân Việt Nam, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn, cũng biểu tình phản đối Trung Quốc hoặc các chính sách có liên quan đến Trung Quốc. Gần như cuộc biểu tình nào cũng bị đàn áp, chưa tính những sách nhiễu “hậu biểu tình” mà lực lượng an ninh tiến hành đối với những gương mặt phản kháng. 

Hậu quả là, sau nhiều lần bị đàn áp, dần dần dư luận Việt Nam có vẻ đã… quen với việc Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, xâm phạm vào chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Nếu đó là sự thật thì chứng tỏ chiến lược “tằm ăn dâu” (phương Tây gọi là “salami slicing”, nghĩa là “cắt từng lát salami”) của Trung Quốc trên Biển Đông đã thành công: gây ảnh hưởng, lấn át, xâm phạm đối phương bằng từng hành động nhỏ, không đủ để gây chiến tranh, nhưng từng bước lấn chiếm, cho đến khi đối phương giật mình tỉnh ra thì đã muộn, chủ quyền đã mất hoàn toàn về tay Trung Quốc. 

Hành xử của Bắc Kinh với Hà Nội thể hiện trong một loạt từ khóa: tằm ăn dâu, đàm phán song phương, gác tranh chấp cùng khai thác, giữ đại cục. Đáp lại, Hà Nội có “bốn không”: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. “Bốn không” này đã được nêu trong Sách trắng Quốc phòng 2019. Ngoài ra, còn một chiến thuật đã và vẫn đang được Hà Nội sử dụng vô cùng hiệu quả, nhưng không được nêu chính thức trong văn bản nào: đu dây. 

“Đu dây” cũng là một cách ngoại giao khéo léo để “không liên kết với nước này để chống nước kia”, không làm bên nào mất lòng. Điều đáng nói là Hà Nội không chỉ “đu dây” giữa hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ, mà còn đu dây với… chính nhân dân mình. Sự đu dây này thể hiện qua nhiều điểm:

·         Báo chí chính thống lúc thì đồng loạt đưa tin rầm rộ về việc Trung Quốc gây hấn, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam; lúc lại im lặng, nghìn tờ như một. 

·         Các trang mạng xã hội (của ngành tuyên giáo và công an) một mặt hô hào yêu nước, một mặt kêu gọi “theo sát chủ trương, đường lối của nhà nước”, một mặt nữa, công kích, lăng mạ những người biểu tình; 

·         Hàng loạt cuộc biểu tình bị đàn áp khốc liệt, nhưng lại cũng có vài cuộc diễn ra an toàn. (Thường thì lần biểu tình đầu có thể sẽ được “bật đèn xanh”, nhưng đến lần thứ hai thì cơ quan công quyền có thái độ khác hẳn, cứng rắn, thô bạo hơn). 

Trong ngắn hạn, cái sự đu dây này có thể mang lại hiệu quả. Nhưng một nhà nước chính danh thì phát ngôn và hành động phải minh bạch, nhất quán, không được “bóng gió”, “gửi tín hiệu” này nọ đến dân chúng và nhất là, tuyệt đối không được lừa dân, không được phép dùng bạo lực với dân.

Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: Getty Images.

Một số khuynh hướng, biến động chính trị-xã hội được nhắc tới ở trên, như vấn nạn cưỡng chế đất đai, tranh chấp chủ quyền biển đảo, và cuộc đấu đá nội bộ đảng Cộng sản, thật ra vốn là những gì vẫn liên tục xảy ra trong nền chính trị Việt Nam hơn nửa thế kỷ nay. Tuy nhiên, điều khác biệt là, trong quá khứ, tất cả những mâu thuẫn, xung đột, biến động và khuynh hướng đó diễn ra âm thầm như sóng ngầm, bởi vì thời ấy chưa có Internet và mạng xã hội. 

Hai sự kiện – Việt Nam nối mạng toàn cầu (Internet) vào cuối năm 1997, và mạng xã hội Yahoo! 360 ra đời vào giữa 2005 – đã thật sự tạo nên những bước ngoặt lịch sử. Dù vậy, xét về tính tương tác và khả năng kết nối, Yahoo! 360 không thể bằng Facebook. Và toàn bộ Việt Nam, trên mọi mặt kinh tế-văn hóa-xã hội-truyền thông, cả thể chế chính trị lẫn cuộc đấu tranh dân chủ để thay đổi thể chế ấy, đều đã biến đổi hoàn toàn từ khi Facebook lên ngôi vào đầu thập niên vừa qua. 

Kể từ khi có mạng xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử, người Việt có thể viết ra những suy nghĩ, cảm xúc, quan điểm của mình, và phổ biến cho nhiều người khác (đại chúng) đọc, mà không phải thông qua một tờ báo hay một nhà xuất bản nào, không bị ai kiểm duyệt. Lần đầu tiên, người Việt có thể tự chụp hình, tự làm phim, tự viết nhạc, tự biểu diễn, và phổ biến đến đại chúng, nhận tương tác, phản hồi ngay lập tức. Lần đầu tiên, người Việt có thể tự mình lập ra một trang báo, một nhà xuất bản, một kênh truyền hình/phát thanh. Lần đầu tiên, người Việt có thể mở diễn đàn, tổ chức thảo luận, tranh luận, thậm chí cãi vã nhau, mà không nhất thiết phải gặp mặt nhau. Lần đầu tiên, người Việt có thể kêu gọi tụ tập, tuần hành, biểu tình không xin phép nhà nước. 

Về phía nhà nước, lần đầu tiên, họ phải đối phó với tình trạng thông tin về các sai phạm, tiêu cực của quan chức, cán bộ bị phơi lên mạng. Dân trở nên bạo dạn hơn và khôn ngoan hơn, không dễ bắt nạt, hà hiếp họ như thời chưa có mạng xã hội. 

Hơn thế nữa, mạng xã hội lại còn có nhiều thông tin đa dạng hơn, nhanh chóng hơn và rất nhiều khi là thông tin “độc” hơn, tồn tại song song và cạnh tranh với các cơ quan báo đài chính thống. 

Những người dân yếu thế cảm thấy được bảo vệ hơn, nếu họ biết cách tận dụng mạng xã hội. Và lực lượng đối lập, những người bất đồng chính kiến, người hoạt động dân chủ-nhân quyền, không còn là các nạn nhân bị chính quyền đàn áp trong câm lặng nữa. Họ đã có một công cụ, một diễn đàn hiệu quả để thể hiện mình trước công luận, công khai thu hút quần chúng trong cuộc chiến không cân sức với đảng cầm quyền. 

Tóm lại, nhờ mạng xã hội, người dân Việt Nam lần đầu tiên được “mở miệng” và phần nào có được tiếng nói, ảnh hưởng trong tiến trình chính sách (dù vẫn còn vô cùng hạn chế). 

Mạng xã hội, nhất là Facebook, đã trở thành “mặt trận truyền thông”, là nơi đảng Cộng sản và các xu hướng chính trị đối lập cạnh tranh để gia tăng ảnh hưởng, thu hút quần chúng. Cuộc chiến chống độc tài đã được dịch chuyển lên không gian mạng, nơi ấy người ta sinh sống, làm việc, mua bán, hưởng thụ, học tập, yêu thương nâng đỡ nhau hay căm ghét tiêu diệt nhau. 

Không chỉ là mặt trận, mạng xã hội đã thực trở thành cuộc sống của người Việt Nam. 

Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: Reuters.

Bất chấp mọi báo cáo đẹp đẽ về sự phát triển của Việt Nam, dòng người đào thoát khỏi quê hương chưa bao giờ dừng lại, mà còn ngày một lớn hơn, ồ ạt hơn. 

Có hai thứ đo được phẩm chất của một quốc gia: số nước miễn visa cho công dân nước mình và số người rời bỏ nước đó ra đi. Số nước miễn visa cho thấy người Việt Nam được thế giới tôn trọng và chào đón cỡ nào, còn số người bỏ nước ra đi cho thấy Việt Nam đáng sống ra sao. 

Tiếc rằng, cho đến nay, trong thời đại toàn cầu hóa, công dân Việt Nam chỉ có thể tới thăm 51 trên tổng số hơn 200 nước mà không cần xin visa, trong đó hầu hết là các nước đang và kém phát triển. Còn số người rời Việt Nam ra đi nhiều đến mức người ta chỉ có thể cảm nhận, chứ không thể có con số, bởi không ai đếm được những người ra đi theo những con đường bất hợp pháp. 

Sự kiện chấn động 39 người Việt Nam chết trong một chiếc container khi đang tìm cách nhập cư lậu vào Anh năm 2019 chỉ là phần nổi của một dòng chảy lớn suốt thập kỷ qua. Những tưởng nạn thuyền nhân vượt biển ra đi đã chấm dứt hơn 20 năm trước, nhưng vẫn có những đoàn thuyền đưa người Việt Nam vượt biên tới Úctới Đài Loan và không ai biết còn tới những nơi nào khác nữa. 

Rời bỏ quê hương bằng đường máy bay đi xuất khẩu lao động, đi lấy chồng nước ngoài, đi đầu tư, đi du học vẫn là xu hướng ngày càng lớn. Các làng quê Việt Nam, đặc biệt là ở miền Trung và miền Tây Nam Bộ ngày càng vắng bóng người trẻ hơn. 

Khi những đứa con của một quốc gia lũ lượt rời bỏ nó, là lúc quốc gia đó phải bắt đầu suy nghĩ về sự tồn vong và tưởng tượng lại về tương lai của mình.


***
Bình minh vẫn sẽ đến trên mọi miền Việt Nam vào sáng ngày 1/1/2020, nhưng mặt trời thì không phải nơi nào cũng thấy.






No comments:

Post a Comment