Wednesday, November 27, 2019

VIỆT NAM : ÂM NHẠC "THỨC TỈNH" CỦA PHÓ AN MY CÓ GÂY LO SỢ? (Trọng Thành - RFI)




Trọng Thành  -  RFI
Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2019

Nghệ sĩ Phó An My, nổi tiếng với biệt danh ''tiếng dương cầm bão tố'', một lần nữa gây chấn động. Lần này có lẽ ít do buổi độc tấu piano của bà tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, mà nhiều hơn là do can thiệp thô bạo của an ninh (1). Nhiều người cho rằng đêm nhạc mang tên gọi ''Tỉnh'' khiến chính quyền lo sợ. Tuy nhiên, câu chuyện có thể có những ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.

Nghệ sĩ dương cầm Phó An My. ảnh chụp màn hình: Anninhthudo

Một nhà bình luận âm nhạc Việt Nam ghi nhận, ''trước “Bóng,” “Lửa,” “Gió”… khán giả rất khó hình dung sự đồng điệu của cây đàn piano với các làn điệu chèo, tuồng, hát văn… trong cùng một tiết mục trên sân khấu. Thế nhưng, Phó An My đã dẫn dắt công chúng từ những nghi ngại ban đầu đến trạng thái bất ngờ, thậm chí là cảm giác “sửng sốt’’''.

Lần này Phó An My cùng ê kíp, nhà soạn nhạc Đặng Tuệ Nguyên và đạo diễn Đặng Xuân Trường, đã chọn một con đường khác. Độc hành với cây đàn piano, Phó An My chuyển đến công chúng cảm xúc choáng ngợp của bà trước Thiên nhiên vĩ đại, qua hơi thở của ca trù, thứ âm nhạc bác học tinh túy của Việt Nam.

NGHE : Mời nghe Tạp chí Xã hội  27/11/2019

Vài tuần trước cuộc biểu diễn, người nghệ sĩ dương cầm này đã phải đối mặt với các áp lực chưa từng có trong đời, từ phía an ninh, cũng như trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đêm diễn ngày 24/11 rốt cuộc đã diễn ra.

***
Trước hết, mời quý vị nghe nhận xét của họa sĩ Lê Quảng Hà về đêm diễn ''Tỉnh'' :

''Có thể nhận xét là chưa một lần nào tôi xem một buổi biểu diễn hoàn thiện từ góc độ ánh sáng, cho đến sân khấu mang tính nghệ thuật đến thế. Tôi chẳng hiểu tại sao một buổi biểu diễn như thế mà công an lại phải làm phiền như thế. Tôi nghĩ có lẽ chỉ có mỗi chữ Tỉnh là họ sợ. Họ sợ Dân tỉnh. Nhưng mà câu chuyện giải quyết xong, việc này cũng khá êm đẹp rồi''.

Hạnh phúc trong đau đớn

Nghệ sĩ Phó An My chắc chắn đã hạnh phúc, bởi giấc mơ 15 năm về trước của bà đã thành hiện thực. Cuộc trình diễn đã hoàn tất, tuy nhiên, trong tâm hồn của người nghệ sĩ, hạnh phúc xen lẫn nỗi đau, niềm thất vọng mênh mang. Sau đây là một tâm sự của bà Phó An My với RFI Tiếng Việt, hôm sau đêm diễn :

''Có một khoảng khắc không bao giờ tôi quên, khi có một người tặng hoa tôi. Tôi vẫn ôm bó hoa đó kịp thời, trong lúc an ninh cản trở việc ấy. Tôi không hiểu tại sao ? Và người tặng hoa tôi cũng không hiểu tại sao lại thế ? Không thể đối xử với nhau như thế này ! Đông an ninh như một sự kiện gì đấy phản quốc ! Tại sao ? Tại sao chúng ta đối xử với nhau như thế này ? Cũng có một người nhiếp ảnh hôm nay, tôi phải gọi điện (xin lỗi), người ấy tưởng tôi bầy trò ra để an ninh đến và không cho ông ấy chụp ảnh. Ông ấy dỗi, ông ấy bỏ về… Tôi không biết tôi còn phải xin lỗi bao nhiêu người nữa ! ''.

Đồng hành của Green Trees

Một trong các lý do khiến buổi biểu diễn của Phó An My bị chính quyền chú ý là do mối quan hệ giữa nghệ sĩ với những thành viên tổ chức bảo vệ môi trường Green Trees, đặc biệt với ông Đặng Vũ Lượng, nhạc sĩ và cũng là người bạn đồng hành của bà.

''Họ lo ngại là Green Trees sẽ có thể làm một điều gì đấy, họ phải ngăn chặn từ trước. Trước đó, họ đã luôn luôn cảnh báo ê kíp của đêm diễn rằng sẽ bị theo dõi an ninh chặt chẽ, bởi vì sẽ có các thế lực phản động đứng đằng sau. Chuyện này thì rất đáng ngạc nhiên, vì Greeen Trees từ trước cũng chỉ hoạt động về môi trường, chưa làm điều gì sai trái với pháp luật của Việt Nam'' (2).

Nhà hoạt động xã hội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, rất quan tâm đến buổi diễn, cho dù ông không tham dự. Theo ông, chính quyền có lý do để lo ngại đêm diễn ''Tỉnh'', không chỉ vì tổ chức môi trường Green Trees.

''Họ sợ ! Mà họ sợ là đúng thôi. Bởi vì nghệ thuật, nhạc, phim ảnh. Những cái ấy nó thấm vào những cảm xúc rất là sâu thẳm của con người. Và họ chỉ muốn tất cả mọi người đều nghe bài hát Đêm nay có Bác Hồ gì đó, hay về Đảng ta vinh quang gì đó. Một chế độ mà quen tẩy não con người rồi thì nó dị ứng với những tác phẩm có tính mới lạ, và có thể gây tác động sâu đậm đến suy tư của con người''.

Khao khát nghệ thuật đỉnh cao

Trên thực tế, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước buổi diễn, báo chính thức tại Việt Nam đã đăng tải hàng loạt bài viết ca ngợi ''Tỉnh'' - như một cơ hội đánh thức ý thức môi trường trong xã hội Việt Nam. Nghệ thuật làm thức tỉnh lòng người trong lĩnh vực môi trường dường như không còn là điều cấm kỵ. Bên cạnh đó, xã hội Việt Nam cũng đang ngày càng khao khát những tác phẩm âm nhạc vượt khỏi những lối mòn. Sau đây là nhận định của nhà văn Đặng Thân.

''Tôi thực sự cảm động khi xem câu chuyện được dẫn dắt qua tiếng đàn rất là kinh điển như thế này ! Tôi chỉ có một mong muốn là những cái sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao này cần được đến với công chúng nhiều hơn. Bởi vì, cho đến giờ phút này, chúng ta thấy ở môi trường như ở Việt Nam, thì nghệ thuật rất nghèo nàn và luẩn quẩn. Tôi thấy là công chúng đến với đêm nhạc rất đông, không còn một chỗ trống. Có nghĩa là sự khao khát được thưởng thức những chương trình như thế này của người dân, đặc biệt như ở vùng Hà Nội đây là có, chỉ có điều là nguồn cung cực kỳ yếu và thiếu ! ''.

''Tôi đánh thức chính mình''

Tại sao Phó An My lại chọn ''Tỉnh'' làm tiêu đề cho tác phẩm ? Sau đây là chia sẻ của nghệ sĩ :

''Cái câu chuyện môi trường cả thế giới phải quan tâm đến. Khi môi trường nó xấu đi, thì người giầu, người nghèo cũng như nhau. Chúng ta hưởng một không khí như nhau. Nhưng đó chỉ là một góc ! Cái góc (riêng) của tôi là gì ? Thiên nhiên là thứ tuyệt vời nhất của cuộc đời này. Chúng ta làm gì ? Chúng ta chỉ là những con người nhỏ nhoi, chúng ta đang nỗ lực để mô tả lại thiên nhiên. Thiên nhiên là thứ vĩ đại nhất ! Trong một khoảnh khắc tôi chọn tên là ''TỈNH''. Tỉnh có gì là khốc liệt đâu ?!

Tỉnh là gì ? Một ngày đẹp giời tôi tỉnh dậy, tôi cần phải tỉnh dậy ! Tôi phải đánh thức chính tôi, để tôi không ngủ quên, quên là hàng ngày tôi đang làm gì ! Tôi chỉ là một hạt cát của vũ trụ này. Tôi chỉ nghĩ là, một ngày đẹp trời, giống như Vivandi, làm ''Bốn Mùa''… Tôi là người Việt Nam, tôi tự hào về những câu chuyện của ông bà tôi để lại, tôi muốn đưa được ngôn ngữ dân gian của Việt Nam đưa ra với thế giới. Để khi họ nghe thấy một giai điệu đấy, họ bảo là : À đây là Việt Nam ! Đây là đất nước tôi !''.

Cái đẹp… Thiên nhiên… sự lương thiện…

Nghệ sĩ Phó An My tâm sự thêm về những gửi gắm của bà qua tác phẩm :

''Thiên nhiên là thứ vĩ đại nhất rồi ! Màu sắc thiên nhiên, khoảnh khắc thiên nhiên, âm thanh của thiên nhiên ! Âm thanh là gì ? Có thể là, mình nghe thấy tiếng chim hót, mình rất là rung động, mình nghe thấy tiếng xào xạc của lá, mình nghe thấy tiếng gió, mình nghe thấy tất cả mọi thứ…. Mình mường tượng ra, mình tạo ra một thứ âm thanh truyền tải cho con người. Đó là giai điệu của âm nhạc ! Để nó (Thiên nhiên) đến gần với con người. Cái đêm diễn này tôi hướng đến một sự đẹp đẽ. Khi tôi đưa ra một thông điệp đẹp đẽ, tự nhiên con người sẽ lương thiện hơn. Chỉ có sự lương thiện mới thay đổi được cuộc đời này. Cái đẹp của Thiên nhiên, cái đẹp của mọi thứ đã cho mình, của vũ trụ để cho mình. Hãy tôn trọng nó ! ''.

Tác phẩm ''Tỉnh'' không dính dáng đến bất cứ tuyên truyền chính trị nào là điều mà nghệ sĩ dương cầm Phó An My nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện của bà với RFI. Với nhà văn Đặng Thân, thì giá trị của tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao này ''lớn hơn nhiều'' so với các tuyên truyền về ý nghĩa với môi trường trong tác phẩm Phó An My, thường được báo chí, truyền thông tại Việt Nam ca ngợi. Không chỉ là môi trường, theo nhà văn Đặng Thân, điều mà ông cảm nhận qua tác phẩm này là chính "đời sống của con người đang thực sự bị đe dọa".

Thức tỉnh: chuyện muôn thuở, mà cấp thiết

Những tác phẩm cách tân, sâu sắc và tinh tế bao giờ cũng để lại những cảm nhận đa chiều. Sau đây là một chia sẻ khác của tiến sĩ Nguyễn Quang A về đêm diễn Tỉnh.

''Nhạc của Phó An My có một cái nét rất là riêng của Phó An My. Tôi không nghĩ là nó chỉ gắn với môi trường đâu. Cái Tỉnh ở đây rộng lắm. Không chỉ có ý nghĩa về việc môi trường bị hủy hoại. Tỉnh ở đây nó sâu lắm ! Và người ta sợ ở cái sâu ấy ! Thực sự là cái chuyện thức tỉnh là chuyện muôn thuở. Và buổi buổi diễn nó khơi gợi lại, nó đòi hỏi người Việt Nam phải tỉnh. Thì cái thức tỉnh ấy rất nhiều ý nghĩa. Rất nhiều vấn đề khác của xã hội, mà chúng ta phải tỉnh ra ! ''.

Đêm độc tấu dương cầm ''Tỉnh'' của nghệ sĩ Phó An My, ngày 24/11/2019, để lại nhiều dấu hỏi về thái độ hành xử của chính quyền Việt Nam. Bên cạnh việc an ninh ngăn chặn những thành viên của tổ chức dân sự Green Trees tham dự đêm diễn, nhiều nhà quan sát đặc biệt chú ý đến việc các nhân viên công lực cản trở công chúng tiếp xúc với các nghệ sĩ ngay tại một trung tâm văn hóa lớn của thủ đô Hà Nội, một hành vi bị lên án là ''vô văn hóa'', thậm chí phạm pháp.

Trong chính quyền, nhiều người cũng trên đường tỉnh thức

Phản ứng thô bạo và quá khích của phía các nhân viên công lực vượt quá xa khỏi những gì cần thiết để bảo vệ an ninh xã hội, gây bất bình. Ngay giới các blogger - thường được gọi là ''các dư luận viên'', có quan điểm bài xích những người hoạt động dân sự độc lập - cũng phân hóa. Bên cạnh, những người dùng những lời lẽ tồi tệ để miệt thị nghệ sĩ Phó An My, cũng có người cho rằng không có lý do gì để hủy đêm nhạc Tỉnh.

Một bộ phận chính quyền Việt Nam dường như cũng đang thức tỉnh. Mâu thuẫn chủ đạo trong xã hội Việt Nam giờ đây không hẳn chỉ là giữa chính quyền độc tài, toàn trị với những người khát khao tìm lối thoát cho xã hội Việt Nam, mà là mâu thuẫn ngay trong chính nội bộ chính quyền, giữa một bên là thế lực ưa dùng bạo lực để duy trì nỗi sợ hãi, sự phục tùng, mù quáng trong dân chúng, với những người đang trên con đường tỉnh thức.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhạc sĩ Phó An My, họa sĩ Lê Quảng Hà, nhà văn Đặng Thân, tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhạc sĩ Đặng Vũ Lượng đã dành thời gian cho chương trình.

---------------------
Ghi chú

1 - Theo thông tin của nhóm Green Trees, ngoài việc các thành viên của nhóm bị ngăn chặn đến dự biểu diễn, trong đêm nhạc Tỉnh tại Nhà Hát Lớn, các bức tranh nghệ thuật về thiên nhiên bị cấm trưng bày, an ninh không cho phép khán giả chụp ảnh, live stream, không một đài truyền hình nào được phép vào quay đêm diễn, không khán giả nào được phép tặng hoa…. Sau buổi diễn gần như không có bất kỳ tin bài nào giới thiệu về đêm nhạc Tỉnh, ngoài bài ''Phó An My: Bán cá lãi hơn, nhưng tôi vẫn thuộc về âm nhạc'', đăng tải ngày 25/11/2019 trên trang Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đây là cuộc phỏng vấn nghệ sĩ dương cầm trước thềm cuộc trình diễn.

2. Nhóm Green Trees ra đời từ phong trào chống chặt hơn 6.000 cây cổ thụ ở Hà Nội, gần đây khiến công luận chú ý với bộ phim ''Đừng sợ'' về Thảm họa biển Formosa, thuật lại phong trào chống ô nhiễm biển miền Trung chưa từng có năm 2016, cũng như hoạt động của nhiều phong trào dân sự mới trỗi dậy tại Việt Nam từ 2006. Một số thành viên của Green Trees bị nhân viên công an gây khó khăn do bộ phim này (RFI 28/03/2019). Theo ông Đặng Vũ Lượng, từ một năm trở lại đây, nhiều thành viên không còn ở nơi cư trú thường lệ, "để tránh sự quấy rối từ phía an ninh".





No comments:

Post a Comment