Saturday, November 2, 2019

TỔNG THỐNG TRUMP ĐANG LẬP LẠI SAI LẦM CỦA CỰU TỔNG THỐNG OBAMA (Thanh Hảo - Người Đô Thị)





NỘI DUNG TRANG NÀY GỒM CÓ :
.
.

.
======================================================


Thanh Hảo  -  Người Đô Thị
Thứ sáu, 01/11/2019

Nguy cơ cao quyết định của Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi Syria sẽ dẫn đến hỗn loạn, cũng như khi người tiền nhiệm của ông đưa lính Mỹ khỏi Iraq năm 2010.

Hôm 27.10, Tổng thống Trump thông báo thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch táo bạo của lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở tây bắc Syria. Ông cám ơn chính phủ các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq cùng người Kurd Syria đã hỗ trợ cho phía Mỹ.

Cái chết của al-Baghdadi, diễn ra chỉ 2 tuần sau khi ông Trump ra lệnh rút lính Mỹ khỏi Syria, có thể được xem như điểm kết cho chiến dịch chống IS 5 năm qua của Mỹ. Tuy nhiên, xem xét bối cảnh Mỹ rời khỏi Trung Đông thì nhiều người e ngại đây chưa phải là dấu chấm hết cho IS.

Thực tế, ông Trump có thể đang lặp lại sai lầm mà người tiền nhiệm, Tổng thống Barack Obama, phạm phải năm 2010.

Chính sách Obama

Mặc dù ông Trump quy trách nhiệm cho ông Obama về mọi yếu kém và rủi ro của các chính sách Mỹ ở Trung Đông nhưng bản thân ông cũng đang bước trên con đường tương tự. Năm 2009, Obama lên cầm quyền với cam kết đưa binh sĩ về nước và bù đắp cho những sai lầm quân sự của Mỹ ở thế giới Hồi giáo. Vào cuối năm 2011, ông đã ra lệnh cho lính Mỹ rút khỏi Iraq, tuyên bố mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã bị đánh bại và chính phủ Iraq đủ năng lực nắm quyền kiểm soát.

Cái chết của Osama bin Laden hồi tháng 5.11 càng giúp cho Obama tránh được chỉ trích, đặc biệt tại Lầu Năm Góc vốn muốn một khung thời gian lâu hơn cho việc rút quân.
Năm 2013, al-Qaeda tái xuất với một hóa thân thậm chí tàn bạo hơn dưới lá cờ IS. Tháng 6.2014, tổ chức này khiến cả khu vực rúng động khi đánh bại quân đội Iraq do Mỹ đào tạo và chiếm giữ Mosul, thành phố lớn thứ 2 ở Iraq. Vài ngày sau đó, từ thánh đường al-Nuri nổi tiếng của Mosul, Baghdadi tuyên bố thành lập cái gọi là một "vương quốc Hồi giáo".

Sự thất thủ của Mosul, thất bại của quân đội Iraq cùng với việc các trang thiết bị của Mỹ rơi vào tay IS là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Obama, vốn thấy buộc phải điều quân trở lại Iraq.

Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại IS được thành lập vào tháng 9.2014. Năm năm sau, Tổng thống Trump tuyên bố IS đã đại bại "100%" ở Syria và ông sẵn sàng rút lính Mỹ về. Cũng như Obama, chủ nhân hiện nay của Nhà Trắng chủ yếu quan tâm đến cam kết khi tranh cử.

Để tránh tạo ra một khoảng trống và khiến những người chỉ trích hết phản đối, ông Trump chấp nhận đề nghị được đưa ra trong một cuộc điện đàm ngày 6.10.2019, với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ tiếp quản cuộc chiến chống IS ở Syria. Nhưng thỏa thuận với Ankara lại tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết được.

Ông Trump bị các thành viên cả Dân chủ lẫn Cộng hòa công kích là "bán đứng" đồng minh người Kurd, những người đã chiến đấu và hy sinh cùng các lực lượng Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Thỏa thuận

Để đánh tan bão dư luận, ông Trump cử người phó Mike Pence tới Ankara để thương thuyết kết thúc chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Ngày 17.10, Washington và Ankara đạt được một thỏa thuận mà theo thông cáo của Nhà Trắng, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí "dừng chiến dịch trong 120 giờ để cho phép quân Mỹ tạo điều kiện cho các lực lượng YPG rút khỏi vùng an toàn do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát". Điều 5 của thỏa thuận cũng nhấn mạnh "Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cam kết chiến đấu chống các hoạt động của IS ở đông bắc Syria".

Thông tin khiến cả thế giới chú ý là al-Baghdadi đã bị khoanh vùng và bị tiêu diệt ở tây bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, 10 ngày sau cuộc gặp giữa ông Pence và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ở Ankara. Nó cũng diễn ra chưa đầy một tuần tại cuộc gặp giữa ông Erdogan với Tổng thống Nga Putin ở Sochi, nơi hai nhà lãnh đạo đồng ý đẩy các chiến binh Kurd ra khỏi "vùng an toàn" dọc biên giới Thổ - Syria và khẳng định "quyết tâm chống khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện".

Theo hãng thông tấn Al Jazeera, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể đóng một vai trò then chốt trong việc định vị al-Baghdadi và chia sẻ thông tin tình báo cho phía Mỹ để giúp Tổng thống Trump tăng thêm sức mạnh cho quyết định rút quân. Vì các lý do khác nhau, cả hai nước đều đã góp phần đưa lính Mỹ ra khỏi Syria.

IS đã chết hẳn?

IS đã mất tất cả các lãnh địa mà tổ chức này chiếm giữ được ở Syria và Iraq. Hàng nghìn phiến quân đã bị trừ khử. Cái chết của al-Baghdadi cũng được xem là đòn giáng lớn. Tuy nhiên, cũng như trước kia, những tổn thất đó khó khiến IS giải thể vì hoàn cảnh khiến tổ chức khủng bố này trỗi dậy vẫn còn nguyên.

Thứ nhất, vùng Cận Đông tiếp tục là chiến trường của các nhóm kình địch trong khu vực, gây bất ổn và tạo khoảng không cho IS trỗi dậy. Ngay lúc này, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran – các chủ thể chính trong cuộc xung đột Syria – đều muốn Mỹ rút quân nhưng sự đồng thuận này có thể kéo dài không lâu sau quyết định của ông Trump. Iran có thể cảm thấy bị gạt ra rìa những hiểu biết giữa một bên là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và một bên là Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Thực tế, Iran đang lo lắng về các sắp đặt mới ở miền bắc Syria – nơi Ankara và Moscow đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống sau khi người Mỹ rời đi. Ankara và Moscow có thể sẽ hợp tác ngăn Iran lập ra một "lưỡi liềm Shiite" qua miền đông Syria, điều sẽ khiến Mỹ cùng đồng minh Israel ái ngại.

Càng khiến tình hình phức tạp hơn, Lầu Năm Góc quyết định giữ các giếng dầu của Syria trong tầm kiểm soát của Mỹ. Thu nhập từ dầu lửa, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, sẽ giúp cung cấp tài chính cho các lực lượng Kurd, trong đó có các nhóm đang canh giữ các nhà tù giam thánh chiến binh IS. Trong khi đó, chính phủ Syria sẽ không thể trụ vững trong một môi trường hậu xung đột nếu không giành lại được các mỏ dầu.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ coi động thái của Mỹ là một bước đi hướng tới lập ra nền kinh tế ở địa phương cho một thực thể Kurd độc lập có thể ở miền đông Syria. Nga cũng không chấp nhận điều này, và tất cả có nghĩa là hỗn loạn ở đông bắc Syria có thể trở lại.

Thứ 2, các tệ nạn phủ bóng các quốc gia Ảrập mà IS lợi dụng để tuyển quân và mở rộng hiện nay vẫn còn đó. Chính trị giáo phái ở Trung Đông vẫn đang tung hoành, gây tổn hại cho nhiều cộng đồng khác nhau, trong khi các vấn đề kinh tế như đói nghèo, tham nhũng, bất công… vẫn hiển hiện.

Nếu tất cả những điều này không được giải quyết thì chắc chắn IS sẽ hồi sinh, chẳng khác nào mạng lưới khủng bố al-Qaeda một thời.

Thanh Hảo

--------------------------------------

(Magazine.vov.vn)
 01/11/2019

Những bất ổn ở Syria đang được kìm lại bằng thỏa thuận hòa bình mong manh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không ai biết liệu cục diện này sẽ kéo dài bao lâu?

Các lực lượng đang hiện diện ở Syria hiện nay. Nguồn: OilPrice

Cuộc chơi nhiều rủi ro của Nga ở Syria

Sau cuộc gặp kéo dài nhiều giờ đồng hồ ở Sochi (Nga), Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tiết lộ một kế hoạch 10 điểm về quá trình rút quân khỏi đông bắc Syria của Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) được chia thành 2 giai đoạn.

Đầu tiên, quân cảnh Nga và lực lượng biên giới Syria có 150 tiếng kể từ nửa đêm ngày 23/10 để tạo điều kiện cho việc rút quân và các loại vũ khí của YPG vào sâu 30km kể từ biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung tại một khu vực mở rộng vào trong lãnh thổ Syria 10 km tính từ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Moscow đã khẳng định rằng điện Kremlin hy vọng người Kurd sẽ tuân theo các điều khoản của thỏa thuận giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan, đồng thời tuyên bố sẽ không bảo vệ các lực lượng người Kurd nếu họ không thực hiện theo thỏa thuận trên. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã phát biểu với báo giới ngày 23/10 rằng nếu bất kỳ đơn vị nào của người Kurd không thực hiện việc rút quân trước thời hạn 150 tiếng thì Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài đứng sang một bên và để họ bị "nghiền nát bởi cỗ máy quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) bắt tay với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại thành phố Sochi bên bờ Biển Đen của Nga ngày 22/10. Nguồn: Sputnik.

Dù vậy, trước những diễn biến trên, nhiều nhà quan sát bày tỏ thái độ thận trọng trước nhận định rằng tình hình ở Syria hiện nay là một chiến thắng cho Nga.

"Bạn chỉ có thể nói về chiến thắng khi cuộc chiến đã kết thúc nhưng trong trường hợp này những vấn đề quan trọng nhất vẫn còn chưa được giải quyết", Alexei Malashenko - giám đốc think-tank Dialoge of Civilizations nhận định.

"Những rủi ro vẫn tồn tại và tất cả những gì Nga nhận được từ thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ không đủ để "bù đắp" những rủi ro trên. Một sự cân bằng chiến lược hiện vẫn đang tồn tại nhưng điều đó khá mong manh", Kirill Semenov - một chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga nhận định.

Nhà phân tích Semenov cũng cảnh báo rằng Nga không nên đặt niềm tin hoàn toàn vào người Kurd bởi lực lượng này có thể thay đổi suy nghĩ về việc rút quân cũng như buộc Moscow phải thỏa thuận lại với Ankara.

"Hôm nay, người Kurd có thể đồng ý rời đi nhưng nếu như, chẳng hạn Mỹ hứa hẹn sẽ cho họ điều gì đó để họ ở lại, liệu chúng ta có thể tin tưởng họ? Trên thực tế, trong tình hình đó, cả 2 bên đều sẽ phải thay đổi luật chơi", chuyên gia Semenov cho biết.

Theo nhà quan sát Zev Chafets nhận định trên trang Bloomberg: Sớm muộn gì thì al-Qaeda, IS và những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ trỗi dậy ở Syria. Khi điều đó xảy ra, Nga sẽ mắc kẹt trong vũng lầy này. Các cơ sở hải quân trên Địa Trung Hải của Nga sẽ cần tăng cường lực lượng nhiều hơn. Chưa dừng lại ở đó, những kẻ cực đoan có thể sẽ kích động dân số Hồi giáo vốn chiếm số lượng lớn ở Nga khiến Moscow tự biến mình thành mục tiêu của những kẻ khủng bố.

Nếu "vùng an toàn" mà Tổng thống Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ, một cuộc chiến tranh biên giới có thể nổ ra và Nga sẽ mắc kẹt giữa Tổng thống Assad và Tổng thống Erdogan. Dù có bất kỳ động thái nào thì Moscow cũng ở trong tình thế khó xử và nhạy cảm khi là "bạn của kẻ thù ai đó".

Khói đen bốc lên từ thị trấn Ras al Ain của Syria ngày 16/10. Nguồn: Reuters.

Là một đồng minh với Tổng thống Assad, Nga cũng sẽ cần giúp Syria tái thiết sau chiến tranh và khoản tiền này dự tính là 400 - 500 tỷ USD. Moscow rõ ràng không đủ sức "vung tiền" cho một dự án lớn như vậy. Có thể Tổng thống Putin sẽ kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước châu Âu với quân bài "làn sóng nhập cư" song thực tế thì đối mặt với nguy cơ làn sóng tị nạn từ Syria, châu Âu sẽ tìm cách tăng cường an ninh biên giới ở phía nam và phía đông hơn là đầu tư khôi phục những cơ sở hạ tầng đổ nát ở Aleppo hay Homs.

Hơn nữa, Syria không chỉ cần tái thiết cơ sở hạ tầng. Điều quốc gia Trung Đông này cần sau gần 1 thập kỷ chiến tranh là vực dậy cả một nền kinh tế.

Dù vậy, Tổng biên tập Viktor Murakhovsky của tạp chí quốc phòng Nga Arsenal of the Fatherland nhận định: Khi Nga tăng cường hiện diện quân sự ở đông bắc Syria, Moscow chắc chắn đã chuẩn bị cho khả năng các lực lượng của nước này sẽ bị "dính đạn" tình cờ hoặc có chủ ý từ các nhân tố trong khu vực.

"Các nhóm vũ trang người Kurd đang xung đột quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dễ nhượng bộ. Ngoài ra còn có các phần tử Hồi giáo cực đoan sẵn sàng giao tranh với Nga và chính phủ Tổng thống Assad. Những rủi ro như vậy luôn tồn tại trong khu vực này giữa bối cảnh xung đột giữa các bên vẫn vô cùng sâu sắc”.

"Nỗi bất an" của Tổng thống Assad

Mặc dù Tổng thống Syria Bashar al-Assad công khai ủng hộ thỏa thuận giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan song một số nhà quan sát ở Moscow lại nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy "khách hàng" lâu năm của Nga này không mấy hài lòng.

"Hãy thử đặt mình vào vị trí của ông Assad khi Tổng thống Putin, người bạn thân thiết nhất của Tổng thống Syria và ông Erdogan, kẻ thù lớn nhất của ông đang quyết định vận mệnh của Syria mà không có sự xuất hiện của nhà lãnh đạo nước này", chuyên gia Malashenko cho biết, đồng thời nhận định thêm: "Điều đó khá xúc phạm và Tổng thổng Assad muốn thể hiện rằng ông ấy là Tổng thống Syria và ông ấy vẫn đang đảm nhiệm vị trí này".

Tổng thống Syria Bashar al Assad thăm quân đội Syria ở khu vực tây bắc chiến tuyến Idlib ngày 22/10. Nguồn: SANA.

Trong khi đó, chuyên gia Semenov thì cho rằng nếu nhìn vào thỏa thuận Putin-Erdogan, Tổng thống Assad có nhiều lý do để cảm thấy ông chính là kẻ thua cuộc cuối cùng. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã dừng Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình nhưng vẫn tiếp tục duy trì hiện diện quân sự ở Syria dưới hình thức tuần tra chung với Nga. Chưa dừng lại ở đó, động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Trump khi kiểm soát một số mỏ dầu ở phía đông Syria cũng làm suy giảm đáng kể vị thế đàm phán của ông Assad với người Kurd,
"Thực tế là việc Mỹ không hoàn toàn rút quân là một cú đánh vào kế hoạch của Tổng thống Assad bởi nhà lãnh đạo Syria hy vọng rằng Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào ông", nhà phân tích Semenov nhận định.
Ông Malashenko cũng chỉ rõ một vấn đề nữa mà Damascus phải đối mặt là kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tái định cư cho 1 triệu người tị nạn Syria tại "vùng an toàn" ở đông bắc quốc gia Trung Đông này.

"Vấn đề người tị nạn vẫn chưa được giải quyết. Đó không chỉ là câu hỏi liệu chính phủ Tổng thống Assad sẽ sắp xếp những người này ở đâu mà còn là nhà lãnh đạo Syria sẽ giải quyết như thế nào với một thực tế là hầu hết những người này đều chống đối ông", chuyên gia Malashenko cho biết thêm.

Giữa bối cảnh Tổng thống Assad phải đối mặt với không ít thách thức, các nhà phân tích đang xem xét những điều sẽ xảy ra tiếp theo ở Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy đang phụ thuộc lớn vào sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng phải ngẫu nhiên trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan, Tổng thống Assad đã tới thăm lực lượng quân chính phủ Syria ở chiến tuyến Idlib và tuyên bố Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là "một tên trộm", đồng thời khẳng định sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ Syria. Chuyến thăm này của Tổng thống Syria có thể là một dấu hiệu cho thấy ông đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào Idlib, bất kể động thái này có nhận được sự ủng hộ của Nga hay không.

"Hiện nay, Tổng thống Assad đã không nhận được điều ông ấy muốn. Do đó, chuyến thăm chiến tuyến Idlib có thể coi như một dấu hiệu cho thấy ông ấy đã sẵn sàng cho những chiến dịch mới bất kể những điều Nga muốn là gì. Tôi không loại trừ khả năng nhà lãnh đạo Syria có thể sẽ kéo Moscow vào một chiến dịch mới ở Idlib như một sự "đền đáp" cho những tổn thất của ông ấy ở đông bắc Syria", nhà quan sát Semenov nhận định.

Tuy nhiên, tướng Nga đã nghỉ hưu Evgeny Buzhinsky thì cho rằng sẽ không có khả năng Tổng thống Assad hành động một mình. Idlib là một vấn đề nhạy cảm và chắc chắn Tổng thống Putin cùng với người đồng cấp Erdogan đã thảo luận về vấn đề này trong cuộc gặp của họ cũng như đã đạt được một số sự nhất trí chung, thậm chí cả khi không có thỏa thuận chính thức nào được thông báo công khai.

Toan tính sâu xa của Mỹ

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quân khỏi Syria, Nghị viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết chỉ trích quyết định này sẽ "đem lại lợi ích cho Syria, Iran và Nga". 6 ngày sau, lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Thượng viện Mitch McConnell cũng đưa ra một nghị quyết tương tự khẳng định "việc rút quân khỏi Syria sẽ khiến khu vực này rơi vào hỗn loạn, nuôi dưỡng khủng bố và tạo khoảng trống quyền lực để các nhân tố khác lấp đầy".

Hiếm khi lưỡng đảng Mỹ nhận được sự nhất trí như vậy song dường như nhiều người đang đánh giá thấp tầm nhìn của ông Trump đối với các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông.
Tổng thống Trump đã gọi Syria là một "thùng cát đẫm máu" và không muốn vướng vào một nơi phức tạp với nhiều lực lượng khác biệt đấu đá nhau như vậy.

Một chiếc xe quân sự của Mỹ rút khỏi phía bắc Syria được trông thấy ở Erbil, Iraq ngày 21/10. Nguồn: Reuters.

Việc ông Trump rút quân khỏi Syria, vốn bị nhiều người cho là tạo khoảng trống để Nga lấp đầy, trên thực tế không hẳn là một sai lầm. Theo nhà quan sát Zev Chafets nhận định trên trang Bloomberg, Mỹ sở hữu lực lượng hải quân có tầm ảnh hưởng, chiếm ưu thế trên không, có những loại vũ khí tình báo chiến lược hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, kể cả Nga. Đó là chưa kể Washington có những đồng minh giàu có nhất với vị thế chiến lược nhất và nhiều tiềm năng quân sự nhất ở Trung Đông. Tổng thống Trump hiểu rằng sẽ không có quốc gia nào trong số này sẵn sàng đánh đổi quan hệ thương mại với Washington để liên minh với Moscow.

Ngoài ra, Mỹ đã bắt đầu triển khai các lực lượng ở đông bắc Syria khi Lầu Năm Góc khẳng định rằng Washington cam kết sẽ đảm bảo an ninh ở khu vực giàu dầu mỏ này. Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích mạnh mẽ quyết định trên của Mỹ, đồng thời gọi động thái này là "ăn cướp". Trang The Guardian cho biết Mỹ đã đưa một số phương tiện tới phía nam của thành phố Qamishli ở đông bắc Syria và tiến về phía khu vực Deir el-Zour giàu tài nguyên dầu mỏ. Trên thực tế Mỹ không hề rời Syria. Họ chỉ rời xa chiến tranh và tiến gần hơn đến các giếng dầu. Cho tới gần đây, quân đội Mỹ vẫn đang kiểm soát mỏ dầu lớn nhất của Syria là al-Omar ở phía đông bắc quốc gia Trung Đông này.

Bản đồ cho thấy vị trí của các căn cứ Mỹ tại Syria vào đầu tháng 10/2019. Nguồn: Energy Consulting Group.

Nga có thể có nhiều cơ hội hơn để thể hiện vai trò và ảnh hưởng ở Trung Đông nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ bị thay thế.

Cục diện Syria tưởng như đã yên ổn sau thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đó chỉ là một thỏa thuận hòa bình mong manh bởi những xung đột sâu xa nhất giữa các nước và các lực lượng tại quốc gia Trung Đông này vốn dĩ chưa hề được giải quyết. Chúng ta cũng có thể nhìn nhận kẻ thắng người thua trong cuộc chiến này từ những góc nhìn khác nhau song có một điều chắc chắn là nếu chiến tranh lại một lần nữa bùng nổ ở Syria thì chiến thắng sẽ không thuộc về bất cứ ai bởi suy cho cùng lực lượng nào cũng đều phải chịu tổn thất.

(Magazine.vov.vn)

-----------------------------------








No comments:

Post a Comment