Monday, November 4, 2019

BẢN TIN NGÀY 14/11/2019 (Báo Tiếng Dân)




04/11/2019

Phản ứng sau khi Anh xác nhận 39 nạn nhân chết ở Anh đều là người Việt

Hôm 2/11, khi cảnh sát Anh loan tin, 39 nạn nhân chết trong container là người Việt, mặc dù tin này không làm mọi người bất ngờ lắm, nhưng đa số người Việt đều cảm thấy bàng hoàng, xót xa. Có người đặt câu hỏi, có hàng trăm sắc dân trên thế giới, nhưng tại sao tất cả các nạn nhân kia lại toàn là người Việt? Một không khí tang thương bao trùm trên cộng đồng mạng người Việt sử dụng Facebook.

Người Việt tại Anh tưởng niệm 39 nạn nhân thiệt mạng trong container, trang Người Lao Động đưa tin. BBC có bài: Vụ 39 người Việt chết: Người Việt hải ngoại nói ‘trách nhiệm hoàn toàn ở chính quyền’. Bà Nancy Bùi, cư dân Texas, đại diện “Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa”, nói:

Chẳng có gì sai khi một người muốn mưu cầu một đời sống tốt đẹp hơn cho họ và cho gia đình bằng chính sức lực của họ. Nhưng các em bỏ đi còn vì mất niềm tin vào cái xã hội bất công, khi mà mọi cơ hội đều dành cho các con ông, cháu cha, những đảng viên đang nắm quyền. Người dân thường muốn ngoi lên hầu như không còn cách nào hơn là phải liều thân”.

Trong khi đó, truyền thông trong nước lại đổ lỗi cho nước Anh. Báo Nhân Dân có bài biện hộ cho nhà nước: “Đừng cứ lúc nào cũng gán ghép trách nhiệm cho Nhà nước Việt Nam”! Còn báo Tuổi Trẻ có bài đổ lỗi cho nước Anh: Thảm kịch 39 người chết ở Anh: Trách nhiệm tối thượng. Bài viết có đoạn:

Khi một thảm kịch 39 người chết như ở Essex (Anh) xảy ra, lẽ tự nhiên là tất cả mọi người đều muốn truy tìm trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm đầu tiên của tấn thảm kịch có lẽ không phải là của (những) chính phủ mà từ đó công dân di cư lậu xuất phát, cũng không phải những nạn nhân đó và gia đình họ và thậm chí không phải của bọn buôn người. Vấn đề chính là một chính sách nhập cư đã trục trặc từ rất lâu ở các nước giàu”.

GS Phạm Quang Tuấn bình luận: “Đã tới lúc không thể chối cãi nạn nhân là người VN được nữa, báo đảng bèn xoay ra đổ lỗi cho… nước Anh. Khổ một nỗi là có nhiều người không phải DLV nhưng cũng nhắc lại những luận điệu tương tự để tỏ ra… ‘thấy xa hiểu rộng’.”

***
Sau khi loan báo tin buồn hôm 1/11, cảnh sát và các công chức ở Essex đã dành thời gian tưởng niệm 39 nạn nhân. Đây là hình ảnh phút tưởng niệm:

Cảnh sát Essex, Anh, treo cờ rủ, tưởng niệm 39 nạn nhân

Ông Gareth Ward, Đại sứ Anh ở Việt Nam, có lời phát biểu bằng tiếng Việt, chia buồn tới gia đình và người thân của các nạn nhân trong thảm kịch này. Ông Ward nói: “Là một người cha, người anh, người chồng và người con, tôi không thể tưởng tượng được cảm giác khi phải mất đi những người thân yêu của mình theo cách này và ở một nơi thật xa quê hương như vậy”. Clip phát biểu của ông Ward: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/11/%C4%90%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-Anh-ph%C3%A1t-bi%E1%BB%83u.mp4?_=1

Dù toàn bộ nạn nhân là người Việt, nhưng phía Việt Nam vẫn chưa có người nào trong số “tam trụ” lên tiếng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng, đây là “thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng“. Bà Hằng nói: “Đây là một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng. Chúng tôi hết sức đau lòng và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và mong họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này“.

Hôm 2/11, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tweet bằng tiếng Anh lời chia buồn với gian đình nạn nhân. Bị cộng đồng mạng phản ứng, hơn 7 tiếng sau, Bộ trưởng Minh tweet thêm tiếng Việt: “Trước thông tin có nạn nhân người Việt trong số 39 người mất ở Essex,với lòng tiếc thương sâu sắc, tôi muốn gửi lời chia buồn chân thành, sự cảm thông sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Anh trong vụ việc này”.

Facebooker Dương Quốc Chính bình luận: “Sáng nay đọc dòng trạng thái của anh Phạm Bình Minh, thấy anh làm NG mà nội giao quá tệ. Anh chia buồn với thân nhân 39 người tử nạn bằng tiếng Anh, chắc để bọn Anh đọc, đúng chất ngoại giao. Trong khi đó, đại sứ Anh ở VN đọc lời chia buồn bằng tiếng Việt lơ lớ, mà cũng là ngoại giao. Lẽ ra anh Minh nên có dòng trạng thái song ngữ, tiếng Việt bên trên”.

Nhà báo Nguyễn Thông viết: “Lâu nay, tôi vẫn nghĩ ông Phạm Bình Minh con trai cụ Nguyễn Cơ Thạch là người ‘được’ nhất trong đám quan chức xứ này. Nhưng quả thật ông vừa làm tôi thất vọng. Vụ 39 người chết, cho tới hôm nay cảnh sát Anh đã thông báo tất cả là người Việt Nam, vậy mà ông lại chia buồn bằng tiếng Anh, ông không làm cái văn bản chia buồn đàng hoàng mà lại viết tweet, thật không thể hiểu nổi. Cứ như người bị chết là người nước nào khác trên thế giới, và chia buồn cũng chỉ là cử chỉ phải phép, cho có thôi chứ chẳng xuất phát tự đáy lòng với người cùng chủng tộc“.

***
Zing dẫn lời một người có thân nhân qua đời trong vụ 39 thi thể ở Anh: ‘1% hy vọng không cứu nổi con tôi’. Ông Nguyễn Đình Gia, ở xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh kể về cuộc gọi tối 2/11: “Họ hỏi tôi có phải bố Lượng, rồi hỏi chứng minh, sổ hộ khẩu và giấy tờ liên quan. Họ còn hỏi về chiều cao, cân nặng và hình xăm hay đặc điểm nhận dạng… Tôi biết điều tôi lo sợ nhất đã đến”.

Sau khi ông Nguyễn Đình Gia xác nhận các đặc điểm nhận dạng, bao gồm hình xăm “chiếc thánh giá và 2 bàn tay úp lại ở vai phải”, cảnh sát và phiên dịch ở bên kia đầu dây đã chính thức thông báo có nạn nhân Nguyễn Đình Lượng, con trai ông Gia, trong số 39 thi thể. 

Ông Nguyễn Đình Gia ngồi cạnh bàn thờ có di ảnh của con trai là Nguyễn Đình Lượng. Ảnh: P.T/Zing

Trường hợp cô Phạm Trà My, một trong các nạn nhân đầu tiên bị nghi qua đời trong vụ này và đã nhắn tin cho gia đình: “Con chết vì không thở được… con xin lỗi mẹ”, cảnh sát Anh cũng đã chính thức thông báo về cái chết của cô My. Ông Phạm Văn Thìn, cha cô My cho biết đã nhận được cuộc gọi thông báo từ cảnh sát Anh: “Giờ tin con gái tôi chết ở Anh là sự thật rồi. Vợ chồng tôi biết làm sao đưa con gái về đây”.

Ông Phạm Văn Thìn, cha cô Phạm Trà My mong sớm đưa thi thể con gái về quê nhà mai táng. Ảnh: P.T/Zing

Vụ 39 thi thể trong container: bọn tội phạm dọa giết người trình báo, theo báo Thanh Niên. Một nguồn tin từ phía Ireland cho biết: “Sự đe dọa bắt đầu kể từ khi vụ việc xảy ra và gia tăng nhanh kể từ khi một số người bị bắt giữ. Cơ quan chức năng nhận định đó là những lời dọa giết thật sự”.

Nguồn tin trên cho biết thêm: “Những băng nhóm này càng ẩn náu thì tên của chúng được nhắc đến càng nhiều. Trong khi chúng đang dùng vũ lực đe dọa những gia đình nhập cư lậu phải im lặng, cảnh sát ngày càng hình dung rõ về hoạt động của chúng”.

Tối 3/11/2019, Chính phủ họp về vụ 39 thi thể trong xe container, VnExpress đưa tin. Phó thủ tướng Trương Hoà Bình và Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp tại Anh, với sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Tài chính, Y tế, Thông tin Truyền thông, Ban Nội chính Trung ương… Đoàn Bộ Ngoại giao do một Thứ trưởng dẫn đầu đã sang Anh để phối hợp, làm việc với nhà chức trách nước này xác minh danh tính các nạn nhân. 




Việt Nam: điểm tập kết của hàng Tàu?

Lực lượng hải quan TP HCM vừa phát hiện hơn 7 tấn chăn, đệm Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt Nam, VTC đưa tin. Tổng cục Hải quan xác nhận, ngày 2/11, tại cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã cùng Đội Kiểm soát Hải quan – Cục Hải quan TP HCM, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP HCM và Biên phòng TP HCM kiểm tra, phát hiện một container hàng nhập khẩu từ TQ giả mạo xuất xứ VN với giá trị tính thuế hơn 590 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng chăn, gối, nệm… xuất xứ Trung Quốc nhưng gắn mác Made in Việt Nam.  Nguồn: VTC

Lô hàng trên do Công ty TNHH Cao su Talalay VN đứng tên trên tờ khai hải quan, nhập khẩu ngày 25/10, cập cảng Cát Lái chiều 1/11. Doanh nghiệp khai nhận hàng hóa gồm 317 kiện là chăn, nệm, gối các loại, xuất xứ TQ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện “317 kiện hàng chủ yếu nệm, chăn, gối cao su… đều có nhãn mác bằng chữ tiếng Việt, ghi đầy đủ thông tin tên doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên, mã vạch Việt Nam”.

                  https://www.youtube.com/watch?v=7FbHIfTC9JU


Tin giáo dục

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khởi tố 6 cán bộ trong đường dây cấp 2.000 bằng tốt nghiệp không đúng quy định, báo Tổ Quốc đưa tin. Nhóm 6 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Long Điền bị bắt và khởi tố để điều tra tội “Giả mạo trong công tác”. 

Theo thông tin điều tra ban đầu, từ năm 2015 đến 2018, mặc dù không có học viên nhưng 6 cán bộ gồm: Phạm Ngọc Thảo, cựu Giám đốc trung tâm nói trên, Lê Thanh Hải, cựu PGĐ,  Nguyễn Đình Khôi, Nguyễn Huỳnh Quang, Nguyễn Hồng Tài và Ngô Minh Khuê, đều là GV, viên chức vẫn làm các hồ sơ, học bạ, bảng điểm cho khoảng 2.000 người và đề nghị Phòng GD&ĐT huyện Long Điền cấp bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa THCS.


Tin môi trường

Vụ quan chức CSVN phản bác kết quả nghiên cứu cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể bị nhấn chìm vào năm 2050, đến lượt Climate Central phản bác ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Zing đưa tin. TS Benjamin Strauss, GĐ điều hành Climate Central và là đồng tác giả của nghiên cứu nói trên cho biết:

“Kịch bản chính mà chúng tôi đã phân tích và nhấn mạnh việc nước biển dâng dưới 1 m vào năm 2100 như hướng dẫn của Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) (không phải kịch bản nước biển dâng 2 m như Bộ TNMT phản bác)”. Nghĩa là kịch bản của Climate Central không phải là kịch bản bi quan nhất.

Bình luận dưới bài báo của một độc giả đáng chú ý và nhận được nhiều lượt thích nhất (tính đến sáng ngày 4/11): “Cách đây vài chục năm, tôi cũng đã thấy một quan chức về môi trường phản bác một dự báo là năm 2020, một phần nội đô thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngập sâu 1 mét đỉnh triều. Nay thì mới năm 2019, điều đó đã thành hiện thực, như vậy thực tế đến sớm hơn 1 năm so với dự báo. Tôi tin vào công bố của Climate Central hơn nhiều so với mấy cái công bố của Bộ Tài nguyên Môi trương”.

Tình hình Đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung đối phó với hạn, mặn, theo báo Đại Đoàn Kết. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thừa nhận, năm 2019 lũ nhỏ, mùa mưa kết thúc sớm, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ sớm đe dọa vùng ĐBSCL. Dự báo vào tháng 12/2019, ranh mặn 4g/ lít lấn sâu vào nội đồng từ 20 đến 30 km, đến tháng 1 và tháng 2/2020, ranh mặn 4g/ lít sẽ tiếp tục ăn sâu vào từ 40 đến 67 km, cao hơn 10 đến 15 km so với trung bình nhiều năm. 

Ranh mặn xâm nhập đến đâu, đồng nghĩa với việc nước biển xâm nhập đến đó và nền đất những nơi ranh mặn cao trở nên suy yếu, sớm bị sạt lở chỉ là vấn đề thời gian. Ít ra còn có cơ quan môi trường miền Nam thừa nhận nguy cơ và tìm cách ứng phó, nhưng giờ đã trễ rồi, tình hình nền đất suy yếu và sạt lở đã lan ra hầu hết các tỉnh miền Tây giáp biển.


Còn ở thủ đô CSVN, người Hà Nội ‘mộng du’ trong ô nhiễm, báo Tiền Phong đưa tin. Bài báo bàn về video “Ha Noi no amour” (Hà Nội không tình yêu) của nghệ sĩ Ý Irene Dorigotti. “Hình ảnh chính chiếm giữ màn hình cũng như thị giác người xem là đám đông người xe mòn mỏi đợi đèn đỏ ngã tư và những xe chở rác làm việc ngày đêm”. Có nhân vật đeo mặt nạ phòng độc và trần tình rằng mình sẽ không sống quá 40 tuổi. 

Khi được hỏi tại sao lại lấy tên “Hà Nội không tình yêu?”, tác giả cho biết “đây là khái niệm mở, có thể trong môi trường quá ô nhiễm bạn không còn tâm trạng nào cho tình yêu. Hoặc ai đó tuyệt tình với Hà Nội vì nó độc hại chết người”.

Ở Phú Thọ: Người dân vây trại gà Hòa Phát vì ô nhiễm môi trường, theo Petro Times. Sự việc diễn ra ngày 2/11, tại trại gà của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ. Một lãnh đạo xã Đồng Lương cho biết, đầu tiên chỉ có vài người xuất hiện khi thấy chiếc xe của VTV đến công ty này làm việc, rồi “người dân đã gọi nhau kéo đến trước cổng để bày tỏ bức xúc vì ô nhiễm và chặn xe vào công ty”.

Trại gà của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ gây ô nhiễm khiến người dân bất bình. Nguồn: PT

Trại gà này đã “hoạt động được gần 2 năm nhưng cũng từ đó, đời sống của người dân bị đảo lộn vì ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Đến giữa tháng 10/2019, trại gà tiếp tục xả thải khiến hồ Ngả 2 và nhiều ao hồ của người dân bị ô nhiễm nặng, cá chết hàng loạt”.

                      https://www.youtube.com/watch?v=l5_2L2-8_kI



***
Chính trường Mỹ: 

***

Bình Luận từ Facebook






No comments:

Post a Comment