Sunday, November 3, 2019

TẤM THIỆP TỪ . . . QUÊ HƯƠNG (Lê Phan)




Lê Phan
November 3, 2019

Hồi tôi còn đi học báo chí, bài học quan trọng nhất của nhà báo là tin phải là tin, tin không là bình luận. Dĩ nhiên không ai có thể gạt bỏ được hết mọi thiên kiến của mình, nhưng cũng cố gắng để cho bản tin của mình khách quan và chính xác.

Vì truyền thống các bài tường thuật phải có tính khách quan đó, nhà báo không đưa được những cảm nhận hay xúc động của mình, báo chí Anh đã có một cách để gửi đến độc giả hay khán thính giả qua điều được gọi là “postcard, tấm thiệp” hay “letter, lá thư.” Có lẽ đối với truyền thông nhất là truyền thông xã hội ngày nay, truyền thống này không cần thiết nữa. Nhưng báo chí vẫn tiếp tục giữ truyền thống cũ.

Hôm 28 Tháng Mười vừa qua, Reuters đã gửi đến cho độc giả môt bài mang cái tên “Những tấm thiệp từ vùng bờ biển bị đầu độc: trung tâm của vùng đất buôn người.” Cái mà “tấm thiệp” đó gọi là vùng bờ biển bị đầu độc là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh là quê nội và Nghệ An là quê ngoại của tôi. Lần cuối tôi về Nghệ An và Hà Tĩnh là thời thập niên 1990 khi tôi đi làm phóng sự cho đài BBC.

Trước khi về Nghệ Tĩnh, dì dượng tôi, nay sống ở Sài Gòn, nghe tôi nói sắp đi làm phóng sự ở Nghệ Tĩnh, bảo với tôi “Người ta thường bảo đất Nghệ Tĩnh sản xuất ra những kẻ làm loạn, những kẻ đi làm cách mạng, nhưng muốn có người làm cách mạng thì cũng còn phải có những gia đình khá giả đủ để cho con ăn học. Nghệ Tĩnh bây giờ nghèo đến nỗi mà không còn ai khá giả đủ để cho con ăn học nữa rồi cháu ạ.”

Mà đất Nghệ Tĩnh nghèo thật. Ngoài thành phố Vinh, bị phá hủy trong chiến tranh và được xây dựng lại theo kiểu kiến trúc duy vật chủ nghĩa kiểu Liên Xô cục mịch, xấu xí, hầu như không có một đô thị nào khác cả. Cuộc sống dân chúng ở thời mới đổi mới đó có lẽ không khác gì mấy chục năm trước. Truyền hình chưa có, văn minh nhất là “cái đài,” cái radio.

Theo đúng thủ tục của chế độ, chúng tôi, phóng viên truyền thông ngoại quốc đi đâu cũng phải có người mà đài BBC thường gọi một cách lịch sự là “minder” đi theo. Điều mỉa mai là mình phải trả $100 một ngày cho họ đi theo dõi mình. Có điều lúc đó bộ thông tin còn được cho phép cung cấp “minder” nên chúng tôi thường chọn họ, bởi tuy làm công việc của công an, nhưng cũng vẫn là những nhà báo nên họ thông cảm nhu cầu của nhà báo.

Một buổi tối lai rai tôi nhận xét là Nghệ Tĩnh nghèo thật, anh bạn minder cười bảo “Chị ơi, dân thì nghèo chứ quan không nghèo đâu.” Tôi ngạc nhiên hỏi thì anh ta nói “Mai em đưa chị đi xem.”

Sáng hôm sau chúng tôi đi thật sớm. Khi tôi hỏi đi đâu thì anh ta bảo đi Vũng Áng. Vũng Áng, cũng xin thưa ngay, lúc đó chưa phải là một hải cảng lớn, quang cảnh còn rất đẹp. Nhưng đến gần thì đường xá phát triển và xe cộ nườm nượp. Thì ra, Vũng Áng đã trở thành cảng buôn lậu, thực ra phải nói buôn lậu công khai của tỉnh Hà Tĩnh. Những con tàu biển chở đủ thứ từ vỏ ruột xe hơi đến xe gắn máy và xe hơi cũ. Ra khỏi cảng, hai đoàn xe một chở ra Hà Nội, một xuôi về Sài Gòn. Chả trách mà quan không nghèo!

Trên đường về chúng tôi đi dọc theo bờ biển. Vùng biển miền Trung thật đẹp, những bãi cát, những vịnh nhỏ rải rác khắp nơi, trông như là cảnh của những nơi mà ở phương Tây họ coi là thiên đường địa giới. Chúng tôi ngừng lại ở một quán nước ở đầu một làng chài, đang uống mấy trái dừa thì một ông ngư dân ghé vào uống ly trà tươi. Tôi mời ông uống và bắt chuyện. Ông than bảo từ khi người ta dùng Cảng Vũng Áng để chở hàng đến nay ông phải đi xa hơn để đánh cá. Ông lắc đầu “Mấy cái tàu biển đó làm cá sợ bỏ đi hết.”

Hai thập niên sau, Nghệ Tĩnh vẫn nghèo. Theo thống kê của nhà cầm quyền lợi tức đầu người thấp hơn trung bình toàn quốc là $2,540 một năm. Lợi tức đầu người ở Nghệ An chỉ có 1,636 đô la còn của Hà Tĩnh cũng chỉ có $2,217.

Hơn thế như postcard của Reuter viết: “Cơ hội công ăn việc làm ở địa phương đã bị thiệt hại nặng vì thảm họa môi trường. Nằm chen vào những bãi cát mỏng và bầy trâu ngâm mình trong bùn, cột khói của Nhà Máy Thép Formosa chế ngự góc nhỏ bé này của tỉnh Hà Tĩnh.”

Góc nhỏ bé đó của Hà Tĩnh chính là Vũng Áng.

Xí nghiệp thép đó, chủ nhân là công ty Formosa Plastics của Đài Loan, đã đổ chất thải độc hại thẳng xuống biển tạo nên một trong những thảm họa môi trường lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, đầu độc vùng biển suốt bốn tỉnh miền trung, mà tệ hại nhất là ở Hà Tĩnh và Nghệ An, tạo nên phản đối rộng rãi và gây thiệt hại khôn lường cho cuộc sống của người dân. Và vì thế ngày nay dân Nghệ Tĩnh ngày càng bỏ đi tha phương cầu thực.

Tờ báo của tỉnh Hà Tĩnh loan tin hồi Tháng Chín là có trên 40,000 người rời khỏi tỉnh mỗi năm để đi tìm công việc ở nơi khác, kể cả ở ngoại quốc.

Bà Anna Nguyễn, người chồng đã rời Việt Nam để đi chui qua ngả Ukraine, Pháp và rồi đến Anh để làm nghề nail, đang lo sợ chồng mình là trong số nạn nhân, buồn rầu bảo với Reuters: “Chúng tôi quyết định để anh ấy đi làm ở ngoại quốc năm 2016 khi vụ Formosa xảy ra. Chúng tôi sợ ô nhiễm làm hại sức khỏe của chúng tôi và vì tương lai chúng tôi đã liều. Nhưng nay nếu chồng tôi có hề hấn gì thì cuộc sống của chúng tôi thật vô cùng khó khăn.”

Cũng như bà Anna, nhiều người trong số có thể là nạn nhân mang tên có tên thánh. Miền bắc Trung phần rải rác những cộng đồng Công giáo nhỏ. Theo truyền thông nhà nước Nghệ An có 280,000 giáo dân trong khi Hà Tĩnh có 149,000 giáo dân.

Ở một thánh lễ đặc biệt ở ngôi nhà thờ quét vôi trắng của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, tối hôm Thứ Bảy tuần rồi, Linh Mục Antoine Đặng Hữu Nam nói khó khăn xã hội, thiên tai như lũ lụt hạn hán, là những lý do mới nhất cho đợt di dân. Bài giảng mạnh dạn của Cha Nam và những thái độ chỉ trích đối với nhà nước đã khiến cả Cha Nam lẫn nhà thờ bị công an chú ý, một lý do nữa khiến người ta bỏ xứ ra đi tìm một cuộc sống khác.

Trong bài giảng, Cha Nam được Reuters dẫn lời nói “Tại sao có quá nhiều người Việt phải trả rất nhiều tiền để được chết? Tại sao mà, ngay cả khi Việt Nam không còn chiến tranh nữa, có quá nhiều người bị buộc phải rời khỏi nơi này đi đến một vùng đất khác?”

Từ vùng đất xa xôi, tôi ngồi xuống viết một “tấm thiệp” cho quê cũ, cho Vũng Áng và biết bao nhiêu người dân Nghệ Tĩnh vẫn còn phải bỏ xứ ra đi và có khi phải bỏ mạng ở quê người. Không biết bao giờ quê tôi mới hết nghèo. (Lê Phan)





No comments:

Post a Comment