Tuesday, November 26, 2019

MỘT NGÀY, 2 NGƯỜI DÙNG FACEBOOK PHÁT BIỂU 'TRÁI CHIỀU' BỊ TÙ (Người Việt Online)




Người Việt Online
November 26, 2019

BẠC LIÊU, Việt Nam (NV) – Dùng mạng xã hội phát biểu chính kiến ngược với đường lối độc tài độc đảng của chế độ, hai người ở tỉnh Bạc Liêu và Thanh Hóa bị kết án tù hôm Thứ Ba, 26 Tháng Mười Một, 2019.

Ông Nguyễn Chí Vững, 38 tuổi, bị tòa Bạc Liêu kết án với tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá” chế độ độc tài đảng trị CSVN qua những tin tức, hình ảnh, lời bình luận phát trực tiếp trên Facebook.

Ông Nguyễn Chí Vững bị kết án 6 năm tù tại Bạc Liêu ngày 26 Tháng Mười Một, 2019. (Hình: Dân Trí)

Ông Vững bị bắt giam từ Tháng Tư vừa qua. Ông quê quán ở Cà Mau nhưng sống với nghề mua bán, sửa chữa điện thoại ở Bạc Liêu, bị cáo buộc “lập nhiều tài khoản Facebook như Nguyễn Chí Vững, Viên Gạch Nhỏ hoạt động phát trực tiếp (livestream); đồng thời, còn tham gia các nhóm kín sử dụng, bịa đặt thông tin nhằm xuyên tạc, đả kích, thổi phồng khuyết điểm, chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước…”

Một số báo trong nước tường thuật phiên tòa kể lại cáo trạng: “Trong khoảng thời gian từ ngày 4 Tháng Năm, 2018, đến 31 Tháng Tám, 2018, tại nơi cư trú của mình, Nguyễn Chí Vững đã sử dụng tài khoản Facebook chủ trì phát trực tiếp năm lần, có nhiều tài khoản tham gia, với hàng nghìn lượt thích, chia sẻ, xem, bình luận.”

Ông từng bị phạt vi phạm hành chính hai lần về “Tụ tập đông người nơi công cộng, gây mất trật tự công cộng.”

Ông còn bị kể tội là cũng tham gia với 132 Facebooker khác để phát trực tiếp 28 lần, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và hàng chục ngàn lượt người tham gia bình bình luận. Những lời bình luận này hiển nhiên đầy những lời đả kích, phê bình, lên án những sai trái của chế độ, chứ chẳng có lời nào ca ngợi.

Cùng ngày 26 Tháng Mười Một, một người mang song tịch Việt và Nga là ông Phạm Văn Điệp, 51 tuổi, bị tòa án Thanh Hóa kết án 9 năm tù và 5 năm quản chế vì tội dùng mạng xã hội “Tuyên truyền chống nhà nước.”

Luật Sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Điệp, nói với đài Á Châu Tự Do (RFA): “Về bản án, tôi cho rằng nó không có căn cứ pháp luật. Cái tội này thực tế là ông ấy chỉ là bày tỏ, chẳng có chống đối nhà nước gì cả. Đối với những người có hành vi tương tự thì tôi cho rằng đây là một bản án nặng. Vì ông Điệp không có tham gia tổ chức nào cả. Ông ấy cũng thừa nhận các bài viết của mình, chứ không chối bỏ.”

Ông Phạm Văn Điệp đi Nga du học từ Tháng Mười Hai, 1992 và cư trú ở đó cho đến Tháng Sáu, 2016. Ông từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội vào Hè năm 2011. Năm 2016, khi tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam qua đường Lào, ông bị bắt giữ và bị tòa án của Lào tuyên án tù 21 tháng với cáo buộc “sử dụng lãnh thổ nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào chống lại nước láng giềng.”

Ông ra tù vào Tháng Ba, 2018, và được công an Lào đưa tới cửa khẩu Cầu Treo với Việt Nam và được phép nhập cảnh. Ông Điệp cũng đã tham gia vào cuộc biểu tình phản đối Dự Luật Đặc Khu vào Tháng Sáu, 2018. Vào ngày 29 Tháng Sáu, 2019, ông Điệp bị công an Thanh Hóa bắt giam.

Ông Phạm Văn Điệp nghe công bố lệnh bắt và khám xét hôm 29 Tháng Sáu, 2019, tại Thanh Hóa. (Hình: Bảo Vệ Pháp Luật)

Chỉ trong Tháng Mười Một này, nhà cầm quyền CSVN đã bắt giam cũng như kết án tù nhiều người dùng mạng xã hội hoặc viết trên truyền thông nước ngoài các nội dung bị đổ cho tội “xuyên tạc, đả kích, thổi phồng khuyết điểm, chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước…”

Với những cáo buộc như thế, nhẹ thì bị vu cho tội “tuyên truyền chống nhà nước” với bản án co giãn từ 5 năm đến 20 năm tù. Nặng hơn thì bị quy chụp tội “âm mưu lật đổ” với các bản án có thể đến tử hình.

Chẳng hạn, ngày 21 Tháng Mười Một, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, bị Công An Thành Phố ở Sài Gòn bắt giam vì bị vu cho tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống” chế độ độc tài CSVN. Ông là một thành viên sáng lập, đồng thời là chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam. Ông là một cộng tác viên viết bình luận, phân tích thời sự Việt Nam cho một số cơ quan truyền thông ngoại quốc.

Trước đó hai ngày, ông Phan Công Hải, 23 tuổi, quê quán Nghệ An, bị công an bắt giam hôm 19 Tháng Mười Một ở Hà Tĩnh với cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự 2015. Ông bị vu cho tội dùng một số trang Facebook Người Việt Xấu Xí và David Nguyễn đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh “có nội dung xuyên tạc bản chất của đảng, nhà nước, người làm việc trong cơ quan nhà nước; kích động tư tưởng, hành động chống đối, oán ghét, căm thù chính quyền, xúc phạm lãnh đạo đảng, nhà nước, gây hoang mang trong nhân dân.”

Nhà cầm quyền CSVN luôn luôn dị ứng với những lời bình luận, phân tích nêu ra những cái sai trái của chế độ dù hiến pháp xưng tụng công dân có đủ mọi thứ quyền tự do từ tự do ngôn luận, hội họp, báo chí, biểu tình.

Từ đầu năm đến nay, CSVN đã bắt giữ hơn 20 người khi vu cho họ tuyên truyền chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ “chính quyền nhân dân” hay gây rối trật tự công cộng. Khi Luật An Ninh Mạng của nhà cầm quyền bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng, 2019, số người bị bắt giam và bỏ tù vì sử dụng mạng xã hội “chống phá chế độ” càng gia tăng.

Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF, Reporters San Frontieres) trụ sở ở Paris, Pháp, cáo buộc Luật An Minh Mạng của CSVN sao chép lại từ Luật An Ninh Mạng Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực tại nước này từ Tháng Sáu, 2017, “không hề có một thay đổi.” (TN)






No comments:

Post a Comment