Tuesday, November 26, 2019

LIỆU ÔNG TRUMP SẼ KÝ LUẬT BẢO VỆ NHÂN QUYỀN HONG KONG? (Ngọc Lễ - VOA)




Ngọc Lễ  -  VOA
23/11/2019

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 22/11 từ chối trả lời liệu ông có ký dự luật ủng hộ dân chủ nhân quyền Hong Kong hay là phủ quyết bất chấp sự ủng hộ gần như đồng loạt tại Hạ viện và Thượng viện dành cho ‘Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong 2019.

Ông Trump gọi dự luật này là ‘nhân tố làm phức tạp’ cuộc đàm phán thương mại của ông với Trung Quốc, theo tường thuật của tờ South China Morning Post.

Điều này cho thấy ông Trump ‘có thể sẽ phủ quyết dự luật’ để mở đường cho một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Washington Post nhận định.

Phát biểu trong chương trình buổi sáng ‘Fox & Friends’ trên kênh Fox News, Tổng thống Trump nói rằng ông đang cân bằng các ưu tiên giằng xé nhau trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

“Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng đang sát cánh với Chủ tịch Tập Cận Bình,” ông Trump nói. “Ông ấy là bạn của tôi. Ông ấy là một người tuyệt vời. Nhưng tôi muốn thấy họ giải quyết vấn đề. …Nhưng tôi sát cánh với Hong Kong. Tôi đứng về phía tự do. Tôi đứng về phía những điều chúng ta muốn, nhưng chúng ta cũng đang trong quá trình thực hiện thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử. Và nếu chúng ta có thể làm được thì sẽ rất tuyệt.”

Hạ viện Mỹ hôm 22/11 thông qua ‘Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong 2019’ với số phiếu áp đảo là 417-1. Người duy nhất bỏ phiếu chống là Dân biểu Cộng hòa Thomas Massie ở bang Kentucky. Cuộc bỏ phiếu của Hạ viện diễn ra chỉ một ngày sau khi Thượng viện nhất trí thông qua dự luật.

Tỷ lệ bỏ phiếu tuyệt đại đa số cho thấy Quốc hội có thể vô hiệu quyền phủ quyết của Tổng thống nếu ông tìm cách chặn dự luật. Theo Hiến pháp Mỹ, trường hợp một dự luật bị Tổng thống phủ quyết thì Quốc hội có thể vượt qua sự phủ quyết đó với số phiếu cần thiết là 2/3.

“Nếu ông ấy phủ quyết dự luật này, nếu ông ấy hy sinh các giá trị của Mỹ, Quốc hội nên bác bỏ ngay lập tức và bác bỏ một cách áp đảo,” ông Scott Paul, chủ tịch của Liên minh Sản xuất Mỹ, người thường ủng hộ các chính sách thương mại của ông Trump, viết trên Twitter.

Trung Quốc đe dọa
Trước đó, Trung Quốc đã đe dọa ông Trump rằng ông đang ở ‘bờ vực’ khi dự luật về Hong Kong được đưa đến bàn làm việc của ông

Sau khi một dự luật được cả hai viện Quốc hội thông qua, Tổng thống có 10 ngày để ký ban hành luật hoặc phủ quyết. Nếu ông không làm cả hai khả năng trên, dự luật sẽ tự động trở thành luật. Điều đó có nghĩa là Tổng thống Trump có thời gian đến sau Lễ Tạ ơn để đưa ra quyết định.

Dự luật đòi hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ phải xác nhận ít nhất một năm một lần rằng Hong Kong duy trì đủ quyền tự trị để được Mỹ dành cho quy chế thương mại đặc biệt giúp lãnh thổ này trở thành trung tâm tài chính thế giới.

Dự luật cũng đem lại những chế tài nhắm vào các giới chức Trung Quốc và Hong Kong chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền tại Hong Kong.

Dự luật có nguy cơ làm phức tạp các cuộc đàm phán thương mại đang bị đình trệ trên một số nội dung chính. Các quan chức Trung Quốc chỉ trích hành động này của Quốc hội Mỹ là can thiệp không mong muốn vào công việc nội bộ của đất nước họ. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong tuần này đã nói là sẽ ‘rất khó’ để hoàn tất một thỏa thuận thương mại nếu Trung Quốc dùng đến bạo lực để dập tắt các cuộc biểu tình.

Những phát biểu của ông Trump được đưa ra một ngày sau khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, một trong những tác giả của dự luật, dự đoán rằng Tổng thống Trump sẽ đặt bút ký.

“Theo những gì tôi biết thì ông ấy sẽ ký,” ông Rubio nói.

Từ khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong nổ ra cách nay gần 6 tháng, ông Trump hiếm khi phát biểu về vấn đề này hay thể hiện sự ủng hộ như những người biểu tình mong đợi. Thậm chí, ông còn dùng ngôn ngữ của chính phủ Trung Quốc để mô tả những người biểu tình này là ‘thành phần bạo loạn’. Hồi tháng 6, ông nói rằng việc giải quyết biểu tình là vấn đề giữa Hong Kong và Trung Quốc ‘bởi vì Hong Kong là một phần của Trung Quốc’.
Hai tháng sau, ông Trump đã kêu gọi ông Tập ‘xử lý một cách nhân đạo’ vấn đề Hong Kong.

Tổng thống Trump đối mặt với các lời kêu gọi từ giới lập pháp từ cả hai đảng là ông cần lên tiếng về các cuộc biểu tình leo thang của Hong Kong. “Thế giới nên nghe trực tiếp từ Tổng thống rằng Hoa Kỳ sát cánh với những người dũng cảm này,” lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, nói trong tuần này.

‘Ký sẽ tốt hơn’
Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không ký dự luật bảo vệ nhân quyền-dân chủ cho Hong Kong thì ông ‘sẽ bị mất hình ảnh rất nhiều’ trong kỳ bầu cử vào năm sau và dự luật này, nếu được thông qua, sẽ là sự khích lệ rất lớn đối với những người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong, một ủng hộ viên cuộc biểu tình Hong Kong chia sẻ cảm nghĩ với VOA.

Cô Nancy Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt ở tiểu bang California từng nhiều lần sang Hong Kong tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình của giới trẻ Hong Kong, cho rằng dù ký hay không ký thì khả năng nào cũng tiềm ẩn rủi ro cho ông Trump trong kỳ bầu cử vào năm 2020.

Tuy nhiên cô nói việc ký để thông qua dự luật ‘sẽ tốt hơn cho ông Trump vào thời điểm này’.

“Dự luật này được cả lưỡng viện Quốc hội thông qua với sự đồng thuận gần như tuyệt đối. Mà Quốc hội là đại diện cho nguyện vọng của người dân,” cô giải thích và lưu ý rằng nếu ông Trump phủ quyết thì sẽ ‘đi ngược lại nguyện vọng của người dân’.

Còn nếu ông Trump thông qua dự luật thì sẽ khiến các cử tri nông dân ở những bang ủng hộ chủ chốt bị tổn thương trước những đòn trả đũa của Trung Quốc và khiến khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai nước ngày càng khó khăn, cô Nancy cho biết.

“Trung Quốc đã đe dọa là họ sẽ không nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại và sẽ đánh thuế cao hơn vào nông sản những bang đang ủng hộ Trump,” cô nói.

“Đường nào (ký hay không ký) cũng có thiệt hại nên ông Trump phải cân nhắc chọn con đường thiệt hại ít hơn,” cô nói thêm và cho rằng cân đo giữa nguyện vọng của người dân Mỹ và lợi ích của nông dân ở một số bang thì việc ‘ký dự luật sẽ có lợi hơn’.

“Một phần lớn lý do ông Trump được bầu hồi năm 2016 là thái độ quyết liệt đối với Trung Quốc. Cho nên nếu như ông ấy ký dự luật thì sẽ cho người dân thấy là ông ấy thật sự đối đầu chứ không tìm cách ve vãn Trung Quốc.”

Cô nhận xét rằng ông Trump đã có sự chần chừ, do dự trước lời lẽ đe dọa của Trung Quốc.

Về câu nói ‘sát cánh cùng Tập Cận Bình’ của ông Trump, cô Nancy nói “Ông Trump luôn có những phát ngôn khó hiểu cho nên không nên để ý quá nhiều đến một câu nói của ông ấy mà chỉ nên để ý đến chính sách thực tế.” “Ông ấy có thể hôm nay nói thế này, mai nói thế khác.”

Có thể cho rằng ông Trump không ủng hộ dân chủ và nhân quyền khi nhìn vào những lời nói và hành động của ông, nhưng bên cạnh ông vẫn còn có những cố vấn, cô nói.

“Hy vọng các cố vấn sẽ chỉ ra cho ông thấy con đường nào mang tính chiến lược hơn (ký thông qua dự luật) và vượt qua ý kiến cá nhân (của bản thân ông Trump).”

Tuy nhiên, ủng hộ viên của các cuộc biểu tình đòi dân chủ nhân quyền cho người dân Hong Kong cũng cho rằng dự luật này ‘chỉ có giá trị tinh thần hơn là thực tế’ vì để thực thi ‘cần rất nhiều điều kiện phức tạp’.

Cô nói dự luật này nếu được thông qua sẽ gửi thông điệp đối với người biểu tình Hong Kong rằng ‘thế giới không bỏ rơi họ’ và ‘khích lệ các nước phương Tây khác theo chân Mỹ ra luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong’.

“Đạo luật này sẽ khiến người biểu tình Hong Kong cảm thấy họ có thắng lợi bước đầu,” cô nói thêm và e rằng nếu dự luật bị chặn lại ở Nhà Trắng thì sẽ làm người biểu tình Hong Kong ‘xuống tinh thần’.





No comments:

Post a Comment