Saturday, November 30, 2019

KHOẢNG TRỐNG VĂN BẢN HỌC CHỮ QUỐC NGỮ (Lại Nguyên Ân)




Lại Nguyên Ân

'Từ khi được phổ cập vào đời sống xã hội, chữ Quốc ngữ đã là bạn đồng hành với công cuộc hiện đại hóa xã hội Việt Nam, đã sát cánh cùng những hoạt động của các nền hành chính quốc gia, nền giáo dục quốc dân, nền kinh tế quốc dân, đã phiêu lưu cùng những phiêu lưu của những nhóm phái chính trị xã hội hoặc ít ỏi hoặc đông đảo người Việt trong những thời đoạn khác nhau, đã trở thành cơ sở cho sự xuất hiện và phát triển nền báo chí chữ Việt, nền xuất bản sách chữ Việt.' - nhà nghiên cứu văn học – văn bản học Lại Nguyên Ân.

-------------

Lời tòa soạn: Chữ Quốc ngữ đã có lịch sử hình thành hơn 400 năm và phổ biến rộng rãi, trở thành Quốc ngữ từ hơn 100 năm nay. Chữ Quốc ngữ đã có những đóng góp vô cùng lớn trong tiến trình văn hóa dân tộc. Có thể nói, nếu không có Quốc ngữ, dân tộc ta khó có thể có trình độ phát triển như ngày hôm nay. Di sản chữ Quốc ngữ mà chúng ta đã có là vô cùng lớn. Thế nhưng, công việc bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản này vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Nói cách khác, ngành văn bản học chữ Quốc ngữ vẫn đang còn bỏ ngõ… Để bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này, Văn Hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn học – văn bản học Lại Nguyên Ân.

Nhà nghiên cứu văn học – văn bản học Lại Nguyên Ân. Ảnh: cpd.vn

Phan Văn Thắng: Thưa ông, gần đây trong cộng đồng ồn ào với vô số trao đổi, bình luận về đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền. Tôi sẽ không đề nghị ông bình luận về sự kiện này, mà nhân đây, tôi chợt nghĩ đến vấn đề chúng ta phải bảo quản, bảo tồn, khai thác và phát huy kho tàng di sản chữ quốc ngữ như thế nào, hiện tại và trong tương lai, để có kết quả tốt và hiệu quả cao. Ông có thấy quả thực đây là một vấn đề cần thiết phải được quan tâm không?

Lại Nguyên Ân: Không thể không thấy đây là một trong những vấn đề cấp thiết cần được quan tâm và quan tâm nhiều hơn nữa!
Trước tiên, tôi muốn được nghe đánh giá của ông về vai trò của chữ Quốc ngữ trong tiến trình văn hóa Việt Nam?
Theo tôi, chữ Quốc ngữ đã có vai trò cực kỳ cơ bản trong đời sống người Việt ở thời cận đại và hiện đại.
Ta biết một điều có ý nghĩa nguyên tắc trong đời sống con người hiện đại là cùng với tiếng nói thì ở mỗi dân tộc cần hình thành chữ viết (văn tự) ghi tiếng nói ấy. Người Việt có tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ và về căn bản đã giữ được tiếng Việt qua thăng trầm của hàng ngàn năm lịch sử. Hiện cũng còn một vài dấu tích mờ nhạt cho thấy có thể đã có một dạng văn tự nào đó hình thành ở cộng đồng Việt thời sơ sử. Song nếu đã có một văn tự nào đó xuất hiện ở đây thì nó cũng đã bị xóa sổ trong thời gian một ngàn năm bị xâm lược và đô hộ bởi ngoại bang.
Các quan chức cai trị từ phương Bắc đến đã đem chữ Hán cùng đạo Nho của người Hán dạy cho một số người Việt, đào tạo họ thành đội ngũ viên chức giúp việc quản trị; bằng cách này, chữ Hán và Nho giáo đã phổ cập vào nước ta; tất nhiên thứ văn tự này chỉ phổ cập trong một bộ phận nhỏ người Việt, là giới nhà nho và giới quan chức, thư lại bản địa.
Bước sang thời kỳ độc lập, từ thế kỷ X, các vương triều quân chủ bản địa cũng dùng chữ Hán làm văn tự chính thức. Tuy vậy, chữ Hán tồn tại ở người Việt như một thứ nửa sinh ngữ nửa tử ngữ, − người Việt không nói tiếng Hán, chỉ viết giống người Hán, nhưng lại đọc văn bản viết ấy bằng cách đọc riêng của mình, gọi là cách đọc Hán-Việt. Tuy vậy, bằng chữ Hán, người Việt đã tạo ra hàng ngàn văn bản bao gồm các tác phẩm thơ văn, ghi chép lịch sử, huyền sử, địa lý, văn hóa, v.v. để làm thành một nền văn học chữ Hán của người Việt.
Các nho sĩ người Việt cũng sớm thấy cần có chữ ghi tiếng Việt. Họ đã dựa vào chữ Hán để chế tác ra chữ Nôm (=Nam); dấu tích sớm nhất có thể từ thế kỷ VIII thời còn Bắc thuộc, nhưng trở nên thịnh hành vào thời Lý-Trần, khi xuất hiện các tác phẩm văn học bằng chữ Nôm. Từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX, bên cạnh nền văn học chữ Hán kể trên,người Việt đã có một nền văn học chữ Nôm. Đó chính là văn học bằng tiếng Việt, đạt tới trình độ cổ điển vào thế kỷ XVIII-XIX. Nhưng chữ Nôm rất khó phổ cập (vì người học phải thành thạo chữ Hán mới có thể biết đọc viết chữ Nôm), ít được chuẩn hóa, và chưa hề được vương triều quân chủ nào chính thống hóa.
Về nguồn gốc chữ Quốc ngữ, nó là tiếng Việt được ghi âm bằng hệ chữ chữ cái La-tinh (bảng chữ cái a,b,c…). Khoảng từ thế kỷ XV-XVI, các giáo sĩ đạo Thiên Chúa từ Âu Tây tìm đến các nước phương Đông. Tại đây, họ đã đem bảng chữ cái La-tinh của người châu Âu ghi phiên âm tiếng nói các dân tộc bản địa; tiếng Hoa, tiếng Nhật còn được ghi la-tinh và làm từ điển trước tiếng Việt. Bộ chữ La-tinh ghi tiếng Việt được các giáo sĩ như Francisco de Pina, Gaspar d’ Amaral, Antonio Barbosa… chế tác với sự cộng tác của nhiều người Việt, nhiều giáo sĩ khác.
Thành tựu có ý nghĩa nhất là việc in được cuốn “Từ điển Annam, Bồ-đào-nha, La-tinh” (Dictionarium annamiticum, lusitanium et latinum) năm 1651, do Alexandre de Rhodes soạn. Tồn tại trong phạm vi hẹp là đạo Thiên Chúa, bộ chữ Việt dạng la-tinh còn được cải tiến nhiều lần, quan trọng nhất là sửa đổi của Pierre Pigneaux de Béhaine (cố Bá Đa Lộc), người khởi soạn “Tự vị Annam-Latinh” (1772-73), rồi được hoàn chỉnh bởi Tabert, người soạn “Nam Việt dương hiệp tự vựng” (in 1838).
Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (kể từ 1858), họ muốn lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức tại xứ Đông Dương thuộc Pháp, nhưng sớm thấy khó thành công nên đã thực hiện tại Việt Nam một trạng thái đa ngữ: 3 (hoặc 4) thứ chữ Pháp, Việt (la-tinh hóa), Hán-Nôm cùng tồn tại; bên cạnh trường Pháp có trường Pháp-Việt; giao dịch chính thức thì dùng cả 3 thứ chữ (hoặc có thể xem là 4, khi dùng cả chữ Nôm). Người Việt, trước hết là giới nho sĩ, ban đầu phản đối việc sử dụng thứ chữ Việt ghi la-tinh mới lạ, nhưng ít lâu sau họ thấy thứ chữ mới này dễ học, dễ phổ biến, có thể thậm chí dùng để tuyên truyền tinh thần yêu nước chống thực dân, vì vậy họ quay sang ủng hộ việc phổ biến thứ chữ la-tinh ghi tiếng nói người Việt này. Từ đây thứ chữ la-tinh ghi tiếng Việt này được người Việt gọi là chữ Quốc ngữ (“ngôn ngữ quốc gia!”).
Nhìn lại, có thể thấy, từ khi được phổ cập vào đời sống xã hội, chữ Quốc ngữ đã là bạn đồng hành với công cuộc hiện đại hóa xã hội Việt Nam, đã sát cánh cùng những hoạt động của các nền hành chính quốc gia, nền giáo dục quốc dân, nền kinh tế quốc dân, đã phiêu lưu cùng những phiêu lưu của những nhóm phái chính trị xã hội hoặc ít ỏi hoặc đông đảo người Việt trong những thời đoạn khác nhau, đã trở thành cơ sở cho sự xuất hiện và phát triển nền báo chí chữ Việt, nền xuất bản sách chữ Việt. Sau tháng Tám 1945, một phong trào xóa nạn mù chữ −nội dung là dạy chữ Quốc ngữ − diễn ra rầm rộ, kết quả khả quan.
Về kết cấu ngôn ngữ, tiếng Việt có hai văn tự tương ứng, là chữ Nôm và chữ Quốc ngữ; chữ Nôm khó học, khó sử dụng; chữ Quốc ngữ là văn tự ghi âm, dễ phổ cập vào số đông, vì thế chữ Quốc ngữ đã được chọn làm một trong những phương tiện sống của cộng đồng Việt thời hiện đại.


Phan Văn Thắng: Với lịch sử hơn 400 năm, trong đó có hơn 100 năm phổ biến và phổ cập, trở thành chữ viết chính thức của quốc gia-dân tộc, các thế hệ người Việt Nam đã để lại kho tàng di sản chữ Quốc ngữ vô cũng phong phú, đa dạng cả về nội dung cũng như hình thức thể hiện, từ kiểu/mẫu đến chất liệu… Về phương diện văn học sử, văn bản học, ông đánh giá như thế nào về giá trị của kho tàng di này trong sự phát triển của đất nước?

Lại Nguyên Ân: Về di sản ngôn ngữ nói chung, người Việt Nam có nhiều nguồn di sản, vì trên đất Việt có 54 dân tộc, các dân tộc hầu hết đều có tiếng nói riêng, tuy chỉ một số ít dân tộc có chữ viết riêng.
Chữ Quốc ngữ từ khi được phổ cập, đã dần dần được dùng như ngôn ngữ quốc gia, chung cho tất cả các thành viên thuộc cộng đồng Việt Nam. Gắn với thứ chữ này, chúng ta đã cùng nhau tạo ra cả một kho tàng văn bản viết và in qua các thời kỳ lịch sử, từ 1865 đến nay, gồm kho tàng báo in, sách in, kho tàng sổ sách văn bản hành chính nhà nước, kho tàng sổ sáchvăn bản của các tổ chức chính trị, xã hội; ngay trong dân gian cũng có những lưu trữ tập thể hoặc tư nhân những nguồn văn bản viết hoặc in như giấy tờ về nhân thân, về ruộng đất, về tài sản, phả ký của các dòng họ, sổ sách tài liệu của các hội đoàn, kinh sách của các tôn giáo, văn bản của các tổ chức dân sự…
Đó là những chứng tích về đời sống xã hội, đời sống tinh thần phong phú của xã hội ta qua thời gian lịch sử, có thể giúp các thế hệ sau này hiểu rõ đời sống xã hội những thời trước. Tôi biết, ví dụ, về sở hữu đất đai trước 1945, trước đây có cả một kho lưu trữ địa bạ, có lẽ hiện vẫn được giữ tại một trong các kho lưu trữ quốc gia…

Alexandre de Rhodes và bìa cuốn Từ điển Annam, Bồ-đào-nha, La-tinh (Dictionarium annamiticum, lusitanium et latinum). Ảnh: TL


Phan Văn Thắng: Là một nhà nghiên cứu văn bản học ông đánh giá như thế nào về tình hình lưu trữ, bảo quản kho tàng di sản chữ Quốc ngữ trong thời gian trước đây và hiện nay?
Lại Nguyên Ân: Tôi nhận thấy hiện vẫn có sự thiếu công bằng trong chính sách quốc gia đối với hai nguồn di sản chữ viết của người Việt. Trong khi nguồn di sản Hán-Nôm được nhà nước lập riêng cho một viện nghiên cứu, nhân viên thuộc biên chế nhà nước, các văn bản được soi rọi tương đối kỹ lưỡng, v.v. thì các nguồn di sản chữ Quốc ngữ hiện mới chỉ ở mức được tập hợp bảo quản trong các kho lưu trữ.
Tất nhiên nguồn di sản Hán-Nôm đang có nguy cơ mất mát cao hơn, nên các chính sách cần chú trọng hơn. Song, trong các khâu sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, phát huy (như chữ dùng trong các diễn ngôn về chính sách), thì nguồn di sản Hán-Nôm đã được đầu tư để “nghiên cứu, phát huy”, trong khi các nguồn di sản Quốc ngữ mới chỉ được đầu tư ở mức “sưu tầm, bảo quản”, mà ở cả hai khâu này đều còn nhiều khiếm khuyết.
Chỉ mấy năm gần đây, ví dụ nhân 100 năm sinh Hàn Mặc Tử, ta mới thấy tập thơ “Gái quê” (in 1936) của tác gia này đã tuyệt bản, tức là khắp trong ngoài nước không còn thấy cuốn nào! Cũng dịp ấy, ta mới biết bản in 1938 tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng cũng đã tuyệt bản! Đấy chỉ là vài ví dụ đơn lẻ, chứ trong thực tế, ta chưa biết trong toàn bộ những gì đã được viết ra in ra bằng chữ Quốc ngữ, ước lệ là từ 1865 đến nay, thì những ấn phẩm nào hiện còn văn bản, những ấn phẩm nào không?!
Nhìn chung, nguồn sách báo chữ Quốc ngữ tuy đã được lưu trữ trong một số kho quốc gia, đồng thời cũng ít nhiều được sưu tầm lưu giữ trong dân gian, thậm chí vẫn đang tạo thành một thị trường nhỏ trong dân gian, nhưng công việc kiểm đếm, thống kê vẫn còn dở dang, chưa thể chuẩn xác.
Có thể nói, ngay các đơn vị chuyên trách như các Thư viện lớn, các cơ sở nghiên cứu, cũng chưa nắm được tổng số ấn phẩm sách và báo đã xuất hiện từ 1865 đến nay (một số cuốn từ điển thư mục báo chí đã có vẫn tỏ ra còn nhiều thiếu sót), càng chưa biết rõ cụ thể những cái nào còn cái nào mất. Trong khi đó, các thông tin về vốn liếng văn bản Hán-Nôm hiện còn có lẽ đã rõ ràng hơn hẳn, đồng thời một số khá lớn văn bản Hán-Nôm đã được khảo sát tương đối kỹ, làm rõ những thông tin chứa đựng bên trong, khiến chúng phát huy công dụng cho những nghiên cứu bề sâu hoặc liên ngành.
Vấn đề đặt ra đối với nguồn di sản sách báo tài liệu bằng chữ Quốc ngữ không chỉ là sưu tầm hệ thống hóa để ước lượng chính xác được tiềm năng thực tế của nó, mà còn phải tiến hành những nghiên cứu chiều sâu, nhằm làm bộc lộ những tiềm năng cung cấp dữ liệu căn bản. Hiện mới chỉ có rất ít những khảo sát thống kê thư mục các ấn phẩm báo chí (kiểu như “Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong”, “Mục lục phân tích tạp chí Tri Tân”, v.v.); lại càng ít những nghiên cứu khảo sát lịch sử các tờ báo cụ thể. (Tôi biết có một bản thảo phác họa lịch sử báo Cứu quốc hoàn thành từ 1986 mà nay vẫn chưa in thành sách!).
Vậy mà chỉ những khảo tả cụ thể vốn bài vở cụ thể của các tác giả cụ thể đăng tải trên toàn bộ các ấn phẩm mang một manchette chung, mới là sự mách bảo hữu ích để những nhà nghiên cứu khác nhau tìm đến những sưu tập báo chí khác nhau, tùy theo mục tiêu nghiên cứu chuyên sâu của mình.


Phan Văn Thắng: Ở nước ta, khó nhất trong công việc lưu trữ, bảo tồn di sản này là gì trong điều kiện hiện nay?
Lại Nguyên Ân: Thật sự tôi cũng không được rõ, đối với những cơ quan trọng trách lưu trữ bảo tồn di sản văn bản chữ viết thì khó khăn lớn nhất đối với họ là gì? Là kinh phí được cấp hạn hẹp? Là năng lực kỹ thuật của cán bộ nhân viên? v.v.
Riêng tôi thì tôi nghĩ đến khả năng liên kết, kết nối để có thể hình thành một bản đồ chung về các nguồn di sản chữ viết (dù chỉ nói đến chữ Quốc ngữ hay bao gồm tất cả các ngôn ngữ mà người Việt từng sử dụng). Có thể là kết nối giữa các cơ quan hoặc chủ thể trong nước hiện có sở hữu những sưu tập ấn phẩm sách báo tư liệu; có thể là sự kết nối giữa các thư viện trong nươc với các lưu trữ nhà nước hoặc tư nhân hiện có sở hữu những sưu tập ấn phẩm sách báo tư liệu Việt Nam.
Công trình “Di sản Hán-Nôm Việt Nam. Thư mục đề yếu” (3 tập, Nxb. KHXH., 1993, công trình hợp tác của Viện Hán-Nôm và Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp) là một gợi ý tốt về phương cách hành động.


Phan Văn Thắng: Nhưng hẳn là cũng có nhiều thuận lợi hơn trước? Đó là những thuận gì?
Lại Nguyên Ân: Thuận lợi lớn nhất là chúng ta đã ở một thời đại kỹ thuật khác so với trình độ kỹ thuật trước đây.
Thời đại mà chữ Quốc ngữ được chế tác, rồi được đưa vào sử dụng, cỗ máy in chữ rời trên các trang giấy là phương tiện tiên tiến. Từ những năm 1990s và nhất là bước vào thế kỷ XXI, dân Việt ta cũng đã đi vào thời đại kỹ thuật số (digital) và internet, chỉ muộn hơn các nước tiên tiến vài ba chục năm.
Từ đây, các tài liệu in giấy có thể được số hóa để truyền lên mạng thông tin điện tử. Vậy là bất cứ tài liệu chữ viết hoặc chữ in trên giấy nào, nếu còn tồn tại dù chỉ một bản duy nhất, cũng có thể số hóa để đưa tới tất cả những ai muốn biết.
Trong số các ấn phẩm từng có chỗ đứng đáng kể trong đời sống văn hóa dân tộc ta, đã bắt đầu có một số bộ sưu tập được số hóa để phục vụ giới nghiên cứu, chẳng hạn, bộ sưu tập tạp chí “Nam phong” (1917-34), bộ sưu tập tạp chí “Tri tân” (1941-45), bộ sưu tập tạp chí “Thanh nghị” (1941-45), bộ sưu tập các tuần báo “Phong hóa, Ngày nay” (1932-40), v.v.
Đây là một cách làm rất đáng khích lệ.


Phan Văn Thắng: Ông đánh giá như thế nào về công việc nghiên cứu của các nhà văn bản học cũng như các ngành khoa học liên quan khác trong thời gian vừa qua?
Lại Nguyên Ân: Theo tôi, ở Việt Nam chúng ta mới chỉ có các chuyên gia văn bản học ở khu vực nghiên cứu văn bản Hán-Nôm. Các chuyên gia này thường cũng chỉ giải quyết các nhiệm vụ liên quan đến tác phẩm Hán-Nôm cụ thể chứ ít khi xử lý hoặc đề xuất các vấn đề văn bản học nói chung. Thành thử hầu như chưa giúp gì nhiều cho những vấn đề liên quan đến văn bản nảy sinh trong đời sống.
Tại các đại học có chuyên ngành xã hội-nhân văn ở ta hiện vẫn chưa có ngành văn bản học. Khi gặp những chuyện như thảo luận thế nào là “bản gốc”? Một tác phẩm mà ngay bản viết tay ở tác giả đã có vài ba dị bản thì xử lý thế nào? Làm sao xử lý chuyện “in sai” những câu chữ, đoạn văn nhất định của tác phẩm tái bản? v.v. Chỉ một số nhà báo tìm tới người có kinh nghiệm về văn bản, nhưng lại thấy có khá nhiều điều hình như không có nguyên tắc, không có cơ sở gì để xử lý đúng sai cả! Thành ra ở ta thực ra vẫn chưa có ngành văn bản học chữ Việt (chữ quốc ngữ)!


Phan Văn Thắng: Tôi nghĩ ông là một trong nhưng nhà nghiên cứu văn học có nhiều thành tựu về phương diện văn bản học. Ông có những kinh nghiệm gì về công việc này?
Lại Nguyên Ân: Chỗ này cho phép tôi nói rõ hơn. Năm 2010, tôi được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh ở giải nghiên cứu “vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực Văn bản học”. Thật sự thì lời tuyên xưng này khiến tôi hơi ngỡ ngàng. Năm đó tôi mới chỉ có quyển “Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông Tố” (in 2007). Còn lại, số đông công trình của tôi là sưu tầm tái công bố một loạt sáng tác, trứ tác của một số tác giả xuất hiện đầu thế kỷ XX như Phan Khôi, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Lê Thanh, v.v. Những công trình này nghiêng về phía khôi phục văn bản những tác phẩm đã từng được viết ra in ra, nhưng bị quên lãng rất nhiều năm; tất nhiên trong công việc tìm lại, biên soạn để tái xuất bản tôi cũng cần đến các hiểu biết cơ bản về văn bản học, các kỹ năng để xử lý văn bản.
Đến năm 2016 tôi mới đưa in được cuốn nghiên cứu văn bản thứ hai, dành cho tiểu thuyết “Số đỏ” (1936-38) của Vũ Trọng Phụng. Tức là số công trình thực sự văn bản học của tôi cũng còn ít.
Nhận xét của tôi là, nói chung, mảng tác phẩm chữ Quốc ngữ, hư cấu và phi hư cấu, hầu hết chưa được tiếp cận khảo sát về mặt văn bản. Tôi vốn là người nghiên cứu văn học, cho nên khi tiếp cận ở khía cạnh văn bản, tôi nhận thấy có một ngành của nghiên cứu văn học (và nghiên cứu xuất bản phẩm nói chung) lẽ ra nên có là tìm hiểu lịch sử tác phẩm. Mỗi tác phẩm ra đời như thế nào? Trong dự kiến của tác giả nó từng trải qua những hình hài ra sao? Có thể còn tìm thấy những “dấu tích” các giai đoạn sinh thành tác phẩm ở sổ ghi chép, các bản phác thảo, bản viết lần đầu, bản viết hoàn chỉnh, bản đưa in; rồi từ bản in lần đầu đến những bản tái bản, − tại đó tác phẩm tiếp tục được/bị tác giả chỉnh sửa thế nào, được/bị nhà xuất bản biên tập lại với những thay đổi thế nào? Nếu tồn tại dưới thể chế có kiểm duyệt thì bản đưa in bị kiểm duyệt những gì?
Tất cả những điều này cần được làm rõ, mới thấy được “văn bản” (theo nghĩa nguyên gốc, tức là bản in tác phẩm trên giấy; chứ không phải khái niệm của phê bình mới, xem “văn bản” như thực thể tinh thần nằm trong và thông qua tổng phổ ký hiệu ngôn ngữ văn tự). Tôi nghĩ một tiếp cận như vậy mới giúp ta thấy tác phẩm như một thực thể động chứ không tĩnh, bởi thật ra nó không thể tĩnh tại. Ý niệm về một sự ổn định, cố định của văn bản một tác phẩm qua chiều dài thời gian, thật ra là một ý niệm không tưởng!


Phan Văn Thắng: Để thúc đẩy hoạt động văn bản học cũng như lưu trữ, bảo quản và khai thác tốt kho tàng di sản chữ quốc ngữ, trong bối cảnh hiện tại, theo ông, cần có những điều kiện gì? Cần làm những gì? Như thế nào?
Lại Nguyên Ân: Theo tôi, vẫn cần đẩy mạnh việc sưu tầm, bảo quản, hệ thống hóa, liên kết với hệ thống thư viện trong ngoài nước, ví dụ thư viện của Pháp, để tạo nên những bộ sưu tập hoàn chỉnh của những ấn phẩm lớn, hoặc những sê-ri sách theo những chuyên mục nào đó.
Song song với việc đó, cũng cần khuyến khích khai thác các nguồn tư liệu sách báo bằng những nghiên cứu về nhiều mặt.
Đối với các bằng cấp Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, các đại học nên ra đề tài luận văn về lịch sử báo chí, lịch sử xuất bản. Cần đề ra yêu cầu nghiên cứu sinh đọc tài liệu báo chí, tác phẩm gốc chứ không nên dừng lại ở việc đọc gián tiếp rồi trích dẫn qua giáo trình của mấy ông thầy. Cần đào tạo được thêm những chuyên gia thông thạo về lịch sử báo chí, lịch sử xuất bản ở Việt Nam trong những giai đoạn phát triển cụ thể của nó.
Các ngành xã hội nhân văn ở các trường đại học nên hình thành các bộ môn văn bản học, lịch sử tác phẩm; nên coi đây là những phân ngành mới trong nghiên cứu xã hội nhân văn, nhất là văn học và sử học. Hy vọng là sau mươi năm nữa, chúng ta sẽ có được một số chuyên gia thạo việc trên các lĩnh vực này.

Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.

Phan Văn Thắng thực hiện
Vinh – Hà Nội, 18.12.2017





No comments:

Post a Comment