Wednesday, October 2, 2019

VIỆT NAM : NHÂN DANH XÂY CHÙA ĐỂ PHÁ RỪNG (Trọng Thành - RFI)




Thứ Tư, ngày 02 tháng 10 năm 2019

Xây chùa để kinh doanh Phật. Dựng tượng Phật để móc tiền dân. Tham nhũng tâm linh. « Du lịch sinh thái – tâm linh » hay du lịch phá sinh thái – phá tâm linh ?... Tệ nạn nhân danh xây chùa hay công trình tôn giáo, tín ngưỡng, để phá rừng, xây các khu « du lịch tâm linh » hay « sinh thái - tâm linh » đã trở thành một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam từ nhiều năm nay.

Đỉnh núi Chín Khúc (Nha Trang) bị san phẳng để xây dựng quần thể "du lịch tâm linh" Cửu Long Sơn Tự, với nhiều "chùa chiền".@ Ảnh chụp màn hình/báo Giao thông

Đầu tháng 6/2019 vừa qua, tại Quốc Hội Việt Nam (1), nhiều đại biểu đã lên tiếng chất vấn lãnh đạo các bộ ngành trực tiếp liên quan (bộ Xây Dựng, bộ Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch, bộ Nội Vụ, bộ Tài Nguyên – Môi Trường) về những khuất tất của các « siêu dự án du lịch » gắn mác « tâm linh » (2), trong đó có những dự án nhân danh xây Chùa để phá rừng. Về vấn đề nói trên, trong Tạp chí Xã Hội tuần này, RFI đặt câu hỏi với thượng tọa Thích Đồng Bổn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, luật sư Đặng Đình Mạnh (TP HCM) và nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang).

***
Rừng Tam Đảo : Phụ Nữ Sài Gòn phanh phui đường dây dự án

Tháng 9/2019, công luận Việt Nam xôn xao với loạt phóng sự của báo Phụ Nữ thành phố HCM về chiến dịch thôn tính vườn Quốc gia Tam Đảo của tập đoàn Sun Group. « Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo » và « Sun Group - “ông trời” không từ trên cao » là các bài viết gây chấn động. Nhân vật trung tâm trong loạt phóng sự là nhà sư Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng, Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).

Sư Toàn, bị tố gạ tình phóng viên, hiện thời đã bị Giáo hội Phật giáo thi hành kỷ luật nội bộ. Nhưng điều chủ yếu của loạt phóng sự của Phụ Nữ Sài Gòn, là thông qua sư Thích Thanh Toàn, làm hiện rõ một đường dây ngầm đằng sau một dự án xây dựng khu du lịch, trong đó ngôi chùa cổ trong rừng sâu mang tên Địa Ngục, được coi là phần lõi của dự án « Tam Đảo II », với đầu tư ước tính 25.000 tỉ đồng. Dự án, nếu được thực hiện, có thể dẫn đến việc hủy hoại hàng trăm hecta khu rừng Quốc gia Tam Đảo.

Trong các cuộc nói chuyện với phóng viên báo Phụ nữ TP HCM, sư Toàn khuyến khích nhà báo – trong vai của nhà đầu tư – đầu tư vào dự án Tam Đảo II, bởi đây là « một dự án lớn nhất, sang nhất, đắt nhất và lãi nhất ». Điều mà sư Thích Thanh Toàn đưa ra để thuyết phục là mối quan hệ đặc biệt của ông với một phó chủ tịch tập đoàn Sun Group. Theo nhà sư, lãnh đạo Sun Group hứa hẹn sẽ đưa 300 tỉ đồng để xây lại khu chùa Địa Ngục. Nhà sư dặn giữ kín vì đây là điều « pháp luật không cho phép », nhưng tin tưởng dự án sẽ được hợp thức hóa.

Báo Phụ Nữ TP HCM khẳng định là loạt bài này « cho thấy mối quan hệ của những “liên minh ma quỷ”, ràng buộc lẫn nhau giữa nhà sư - chùa giả - doanh nghiệp - quyền lực đen. Còn có cả sự liên kết trục lợi từ niềm tin tín ngưỡng, làm lung lay giá trị văn hóa tâm linh, xúc phạm nặng nề đến người chân tu và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ».

Sun Group – tức Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời - được đánh là giá tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh hàng đầu tại Việt Nam. Trong vấn đề xây Chùa tại các vùng rừng núi, Sun Group đặc biệt nổi tiếng với các dự án như quần thể chùa trên đỉnh núi Fanxipan (được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương) hay khu du lịch nghỉ dưỡng núi Bà Nà, được mệnh danh là « châu Âu thu nhỏ » trên đỉnh núi, cách Đà Nẵng khoảng 30 km. Quần thể Chùa trên Fansipan được nhiều người ca ngợi như « kỳ công » của « kiến trúc tâm linh », khu Bà Nà là « nam châm hút khách du lịch ». Nhưng không kể khía cạnh tôn giáo, văn hóa tín ngưỡng, các dự án này cũng bị lên án gay gắt, vì gây tổn thất hết sức nghiêm trọng cho rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn và khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà –Núi Chúa.

Nhiều dự án « du lịch sinh thái – tâm linh » bị lên án hoặc đình chỉ

Các dự án « du lịch sinh thái - tâm linh » không chỉ có tập đoàn Sun Group chủ trì. Gần đây, báo chí Việt Nam nói nhiều đến dự án « khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm - Quảng Nam » hay còn gọi là chùa « Ba Vàng Quảng Nam » (từng làm lễ động thổ giữa rừng phòng hộ) quy mô 200 ha, tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng. Đầu tháng 4/2019, tỉnh Quảng Nam thông báo đã đình chỉ dự án do phía đầu tư không đáp ứng yêu cầu của tỉnh.

Điều được báo chí đặc biệt chú ý là sự hiện diện của đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) (3), đứng ra nhận tiền hàng tỷ đồng ủng hộ từ nhiều tổ chức, cá nhân trong buổi lễ động thổ, và mối quan hệ không rõ ràng giữa vị sư này với lãnh đạo công ty thực hiện dự án.

Một điểm nóng khác là dự án khu « du lịch tâm linh » có tên « Cửu Long Sơn Tự » tại tỉnh Khánh Hòa, rộng hơn 500 hecta, với quần thể chùa, gian hàng trưng bày vật phẩm liên quan đến Phật Giáo, trên đỉnh cao nhất của núi Chín Khúc, có kế hoạch dựng một bức tượng Phật cao 153 m. Theo một số điều tra của báo chí, dự án đang được tiến hành đã băm nát núi Chín Khúc. Theo một đại diện của công ty, dự án này hoàn toàn chưa có « đánh giá tác động môi trường », một khâu bắt buộc với các dự án xây dựng lớn tại Việt Nam. Không có đánh giá tác động về môi trường cũng là tình trạng chung của nhiều dự án du lịch mang danh sinh thái – tâm linh khác.

Trong những tháng gần đây, chính quyền địa phương một số nơi đã đình chỉ các dự án kiểu này, như dự án Cái Tráp (Hải Phòng), dự án hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) (do tập đoàn Xuân Trường là chủ đầu tư).

Trả lời RFI, luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định về tệ nạn mượn danh xây Chùa để làm các dự án du lịch :

« Trước tiên phải nói là các dự án xây dựng những khu ‘‘du lịch tâm linh’’, phát lộ nhiều năm trở lại đây, thì thực ra chẳng có gì là tâm linh cả đâu. Đó thuần túy là những dự án du lịch, mà mục tiêu của nó là lợi nhuận. Có điều nó được khoác lên tấm áo tâm linh, ví dụ như chùa chiền, đền miếu. Chẳng qua cái này là các phương tiện để cho những người làm kinh doanh đạt được mục đích lợi nhuận cao hơn mà thôi, và đạt được cả sự dễ dãi (từ phía chính quyền) trong việc (cấp phép) xây dựng công trình.

Như chúng ta biết, người Á Đông, nhất là người Việt Nam ta, và nhất là người ở phía bắc, thường là rất xem nặng giá trị về tâm linh, tín ngưỡng, và vì vậy họ sẽ dễ dàng chấp nhận các công trình xây dựng, được khoác lên tấm áo tâm linh. Ở đây rõ ràng đã có sự nhập nhằng giữa một công trình, dự án thuần túy kinh doanh và dự án về tâm linh, tín ngưỡng. Luật pháp Việt Nam hoàn toàn có sự thiếu sót khi đã không có quy định rạch ròi : Kinh doanh là kinh doanh, tâm linh là tâm linh. Và nếu xây chùa là thuần túy là chùa. Xây chùa không thể đặt vấn đề là kinh doanh thu lợi nhuận trong đó.

Chuyện đã xảy ra rồi. Trong thời gian trước mắt, tôi nghĩ rằng, chắc là cơ quan lập pháp Việt Nam, phải tính đến đặt một khung pháp lý, có liên quan đến tín ngưỡng. Nếu là tín ngưỡng thuần túy, thì chỉ được phép tín ngưỡng mà thôi (4) ».

Giáo hội Phật Giáo : Nạn nhân hay đồng lõa ?
Về phía Giáo hội Phật Giáo, nhiều sư tăng khẳng định những tiêu cực trong các « dự án du lịch tâm linh » là có, nhưng những đóng góp cho môi trường của Giáo hội mới là điều cơ bản. Sau đây là nhận định của thượng tọa Thích Đồng Bổn, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. Nhấn mạnh đến tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay quá chú trọng đến mặt kinh tế, nên tình trạng môi trường bị tàn phá nặng nề, ông nhận xét :

« Sự góp phần trước hết của Phật Giáo là hiện nay Giáo hội đã ra văn bản phải bảo vệ môi trường. Chỉ trồng rừng thôi, không đốn rừng. Đối với tăng ni chúng tôi khuyến khích tái tạo rừng. Hiện nay việc mua đất, trồng rẫy, trồng rừng bảo vệ cây cối… số lượng tăng ni đăng ký giữ rừng rất nhiều. Chùa thì phải trồng cây cổ thụ. Trồng cây gây rừng, đó là điều hiện nay Phật Giáo đang làm nhiều nhất ở Việt Nam ».


Nhà báo Võ Văn Tạo, người nhiều năm chú ý đến vấn đề môi trường, cho biết suy nghĩ của ông (nhà báo Võ Văn Tạo sống tại Nha Trang, cách không xa dự án xây Chùa trên đỉnh núi Chín Khúc) :

« Xung quanh hoạt động chiếm công thổ, để làm chùa, làm du lịch ‘‘tâm linh - sinh thái’’, hốt bạc của dân chúng, lợi dụng mê tín, dị đoan của người dân, còn một điểm gây tác hại rất ghê gớm đối với môi trường, thiên nhiên. Chúng ta đều biết rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, tác dụng của nó đối với cuộc sống con người. Nó giữ nước, giảm bớt lũ quét. Những năm gần đây, mùa mưa, liên tục khắp từ Bắc đến Nam, đều có những vụ lũ quét gây chết người, ít thì vài nhân mạng, nhiều vài chục, thậm chí có những vụ hàng trăm nhân mạng do lũ lụt, nguyên nhân ai cũng thấy là do rừng bị tàn phá. Ngay Nha Trang của chúng tôi là một thành phố hiền hòa, êm đềm hàng mấy thế kỷ nay, được tiếng là như thế. Năm ngoái cũng có một trận mưa kéo dài, gây ra lũ quét, làm 21 người thiệt mạng, ngay tại thành phố Nha Trang.

Gần đây, đài truyền hình Công an Nhân dân, cũng như VTV, cũng làm những phóng sự về lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa tiêu cực và làm lơ cho những doanh nghiệp chiếm núi Chín Khúc, để làm những dự án xây chùa, du lịch sinh thái trên đỉnh núi. Họ chụp những hình đỉnh núi bị cạo trọc ».

Không có Giáo hội, không đủ thủ tục xây cơ sở tôn giáo mới

Về quan hệ các dự án du lịch mang tên tâm linh với Giáo hội Phật Giáo, thượng tọa Thích Đồng Bổn nhấn mạnh là Giáo hội Phật Giáo chỉ đóng vai trò tiếp nhận các công trình tôn giáo từ phía chủ đầu tư, sau khi chùa chiền đã được bên đầu tư hoàn chỉnh và bàn giao, đúng theo quy định của luật pháp:

« Một ngôi chùa xây nên làm lợi cho rất nhiều, nhưng có cái sự người ta ghét, nhất là những người không phải tôn giáo. Thứ hai là vì quyền lợi, nơi này được, nơi khác không được, thì bắt đầu có cạnh tranh, có điều tiếng. Bên Phật Giáo, chúng tôi thấy những gì mà các đại gia họ làm tốt, làm đúng, mà có giấy phép đầy đủ của Nhà nước, thì (Giáo hội) Phật Giáo mới đồng ý cử người về trụ trì. Chứ thực ra, Phật Giáo không đứng ra. Tức là họ xây văn hóa tâm linh, rồi họ mới mời Phật Giáo vào ».

Ngược lại, về phần mình, luật sư Đặng Đình Mạnh lưu ý việc Giáo hội Phật Giáo (nhất là ở cấp địa phương) đã tham gia ngay từ đầu vào dự án, với việc có ý kiến để hồ sơ xây dựng công trình tôn giáo được chính quyền chấp thuận:

« Những nhà kinh doanh, thay vì họ xin phép làm một công trình kinh doanh, thì họ lại xây dựng một công trình họ cho là thuần túy về tín ngưỡng. Đương nhiên là phải có sự đồng ý của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại địa phương (5). Theo chỗ chúng tôi được biết, xin được sự chấp thuận của Giáo hội Phật Giáo không quá khó đâu. Thực ra, khi xây dựng họ phải có sự đồng ý trước (của Giáo hội), chứ không phải xong rồi mới đặt sự đã rồi với Giáo hội đâu. Chúng ta biết là sự đồng ý của Giáo hội rất là đơn giản. Họ sẽ chấp nhận ngay thôi. Đương nhiên là mình cũng hiểu là để đạt được sự chấp nhận dễ dãi của họ, thì chắc chắn người đầu tư cũng phải có khoản ngoại giao tế, như thế nào đó để Giáo hội Phật Giáo đồng ý (để được) cấp giấy phép đầu tư (6) ».

***

Tại Việt Nam trong những năm gần đây, phong trào xây dựng đền to, chùa lớn tại những nơi danh thắng, rừng xanh núi đỏ, được coi là cơ hội tốt giúp cho việc hợp thức hóa nhiều dự án lấy đất công mang danh « du lịch tâm linh » để xây cất các công trình vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng (trong đó các công trình được mệnh danh « tôn giáo » là một bộ phận) nhằm thu hút du khách, thu về các khoản lời lãi khổng lồ.

Một bộ phận trong công luận Việt Nam lo ngại quy mô của hiện tượng buôn thần, bán thánh phục vụ cho lợi ích của một số tập đoàn, quan chức - bất chấp việc thiên nhiên bị tàn phá - lan rộng trong giới sư tăng và đã bành trướng đến mức sâu rộng, khó lòng cứu vãn. Lòng tham - sân - si của con người hủy hoại môi trường. Muốn cứu môi trường, nên làm theo lời răn của Đức Phật, trong đó trước tiên là cần gạt bỏ bớt tham - sân - si. Trên đây là suy nghĩ của không ít sư tăng trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Thế nhưng vấn đề là bên cạnh vai trò của bộ máy chính quyền, của hệ thống pháp lý, chính bản thân Giáo hội Phật Giáo cũng đang bị tố cáo đã có phần trách nhiệm không nhỏ trong việc hoặc thụ động, hoặc tiếp tay, để cho tệ nạn nhân danh xây Chùa để phá rừng, dưới nhiều hình thức khác nhau, hoành hành từ nhiều năm nay.

RFI xin chân thành cảm ơn thượng tọa Thích Đồng Bổn, luật sư Đặng Đình Mạnh và nhà báo Võ Văn Tạo.

*
Hình minh họa của bài :
Đỉnh núi Chín Khúc (Nha Trang) bị san phẳng để xây dựng quần thể « du lịch tâm linh » Cửu Long Sơn Tự, với nhiều « chùa chiền ». @ Ảnh chụp màn hình/báo Giao thông

*
Ghi chú

1- Xem thêm bài « ''Siêu dự án'' chùa chiền: Trục lợi từ các công trình tâm linh », Nguoihanoi.com, 18/06/2019.

2 - Trả lời chất vấn tại Quốc Hội, bộ trưởng bộ Văn Hóa – Thể Thao – Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện xác nhận, về mặt chính thức, không tồn tại loại hình « du lịch tâm linh » riêng biệt, « việc thương mại hóa các công trình tâm linh và lợi dụng tâm linh để thương mại hóa và thu lợi bất chính, thực hiện để thu lợi, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, đó là hành vi vi phạm pháp luật » (Dân Trí, ngày 06/06/2019). Ngược với bộ Văn Hóa, bộ trưởng bộ Xây Dựng Phạm Hồng Hà khẳng định có tồn tại « khu du lịch tâm linh, được điều chỉnh ở các luật về đất đai, tín ngưỡng tôn giáo, di sản văn hóa, xây dựng, đầu tư, luật quy hoạch, pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển rừng » (VOV.VN, 05/06/2019).

3 - Đại đức Thích Trúc Thái Minh là người vừa bị Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cách mọi chức vụ hồi đầu năm nay, do tổ chức thuyết giảng « vong báo oán » và tổ chức nghi lễ « thỉnh vong », cúng « oan gia trái chủ », trái với giáo lý nhà Phật. Ngôi chùa Ba Vàng mới xây (tại một khu rừng đồi), do ông trụ trì, được ghi nhận là có chánh điện lập kỷ lục « lớn nhất Đông Dương ».

4, 5 - Luật Tôn Giáo, Tín Ngưỡng Việt Nam (điều 58) và Luật Xây Dựng Việt Nam (điều 95, khoản 4) quy định rõ : Các công trình tôn giáo mới chỉ được cấp phép xây dựng khi có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý tôn giáo (thuộc ban Tôn Giáo Chính Phủ - bộ Nội Vụ), « về tính cần thiết và quy mô của công trình ». Mà để được chuẩn y, ắt hẳn hồ sơ này phải có ý kiến từ phía Giáo hội Phật Giáo (địa phương hoặc trung ương). Hiện tại dường như chưa có giải trình từ phía ban Tôn Giáo Chính Phủ về những nghi ngờ về các khuất tất trong vấn đề này, về nguy cơ các công trình tôn giáo bị « thương mại hóa » .

6 - Trả lời chất vấn tại Quốc Hội, bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: « Theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thì không có kinh doanh chùa. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bộ Nội Vụ chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa để trục lợi (từ phía các quan chức) » (Thanh Niên, ngày 06/06/2019).





No comments:

Post a Comment