Wednesday, October 30, 2019

VÌ ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC! (Phạm Phú Khải)




30/10/2019

Cách đây vài hôm, ngày 24 tháng Mười, một tin nhắn trên điện thoại của tôi cho biết 39 thi thể được tìm thấy trong một hộp chứa đồ (container) trên chiếc xe vận tải tại gần thủ đô London của Anh. Thông tin lúc ban đầu tiết lộ những nạn nhân này có thể là công dân Trung Quốc. Tôi rất sốc khi đọc dòng tin này. Dù là người Việt Nam hay bất cứ công dân thuộc mọi sắc tộc nào, tất cả đều đáng thương quá. Cái chết quá oan ức, tức tưởi, vô lý.

Hôm qua, tin cập nhật về vụ này cho biết có thể một số nạn nhân trong 39 thi thể này là người Việt Nam. Bản tin của em Phạm Thị Trà My, nhắn tin cho mẹ, ở Hà Tĩnh, Việt Nam, có thể là một trong các nạn nhân này.

Vì thế nên mấy hôm nay trong đầu tôi vẫn vương vấn về chuyện này. Không phải là vì tôi không quen với các tin xấu này. Thật ra tôi quá quen thuộc với những thảm trạng xảy ra với con người, tại Úc và trên thế giới, bởi vì đó là một phần trong công việc chuyên môn của mình. Nhưng tôi vẫn không khỏi xót thương cho các nạn nhân như thế này.

Sáng nay ngủ dậy, trong đầu vẫn còn mệt nhoài nên chưa muốn ra khỏi giường, cho nên tôi mở nhạc Phan Văn Hưng ra nghe, dĩa “Sinh ra làm người Việt Nam”.

Em sinh ra em làm người Việt Nam
Trong gian ngõ tối không nước không đèn
Vòng tay âu yếm của mẹ sầu thương
Đôi tay khẳng khiu, đôi tay thật buồn
Vòng tay âu yếm (mẹ ơi) đôi tay thật buồn

Em sinh ra em ở chợ Nghệ an
Em buông thuốc trắng ai hay bên đường
Đời trong xó rãnh đã quên tình thương
Đôi mắt già nua, đôi mắt lạnh lùng
Cặp mắt thờ ơ, (người ơi) đâm nhói vào hồn

Em sinh ra em làm người Việt Nam
Và sinh ra trong cuộc lầm than
Sinh ra trong đời bấp bênh gian truân vô vọng
mmm mmm ...

Tôi lại nhớ đến các bài hát “Bài ca cho bé Thảo”, “Thằng bé tát dầu”, “Em bé và viên sỏi”, “Em bé lên sáu tuổi”, “Con bé nhà quê”, “Những đứa bé”, v.v…

Và nước mắt tôi đã rơi. Nhưng tôi không ngờ!!!

Sau khi uống cà phê xong và mở máy computer ra để làm việc, tôi chạnh lòng hơn nữa khi biết rằng có thể nhiều người hơn nữa, có thể phần lớn các nạn nhân này, là người Việt Nam. Hiện giờ vì giấy tờ tùy thân của họ là rất ít, do đó xác định danh tính và quốc tịch của họ là rất khó khăn, cho nên các cảnh sát Anh cần sự trợ giúp của cộng đồng người Việt cũng như các cộng đồng Á châu khác để tiến hành cuộc điều tra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Và tôi không cầm được lòng. Không phải tôi không thương xót người Trung Quốc. Tất cả đều đáng thương. Tôi nghĩ đến bố mẹ Trà Mi và các nạn nhân khác. Đây là những nỗi đau tột cùng của bi thảm. Nhưng có một mối liên kết giữa tôi với người Việt, nó được định hình từ lúc trong bụng mẹ, từ thưở bé đến nay, và dù có muốn quên, tôi vẫn không thể. Tôi vẫn là người Việt Nam.

Kể từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975 đến nay, có bao nhiêu triệu người Việt Nam đã từ bỏ quê hương của họ để đi tìm một nơi khác đáng sống hơn. Vài triệu người đã may mắn tìm đến bến bờ tự do. Nhưng hàng trăm ngàn người khác đã bỏ thây trên biển, trên đường bộ, ở khắp nơi trên thế giới. Những người còn sống thì trãi qua bao nhiêu những sự đe dọa, hành hạ, từ thể xác đến tinh thần, rồi bị những chấn thương tinh thần (trauma) quá lớn để tìm lại cuộc sống bình thường.

Làm sao có thể có sự bình an trong tâm hồn trong hoàn cảnh này!

Tại sao những sự kiện như thế này vẫn xảy ra với người Việt, trong suốt bốn thập niên qua, và vẫn tiếp diễn ngày hôm nay?

Phải chăng vì người Việt đã quá thấm thía với “độc lập - tự do - hạnh phúc” làm tại Việt Nam (Made in Vietnam)!!!

----------------------------

Tài liệu lưu trữ

27/10/2019





No comments:

Post a Comment