Wednesday, October 23, 2019

TÙ CHÍNH TRỊ & NGƯỜI THÂN VẪN BỊ ĐỐI XỬ BẤT CÔNG (RFA)




RFA
23/10/2019

Nhiều tù nhân lương tâm, tù chính trị và cả người thân của họ gần đây đều lên tiếng về sự đối xử bất công, hà khắc của nhà tù. Thậm chí nhiều nhà tù không cho thân nhân gặp mặt và nói chuyện trực tiếp với người nhà mà chỉ được nói qua điện thoại. Hoặc giờ gặp thay vì 1 tiếng bị giới hạn lại 15 phút.v.v. chưa kể những bất công khác về chế độ sinh hoạt, ăn uống…

Đủ kiểu hạch sách, cấm cản

Đơn cử như trường hợp anh Thái Hàn Phong, người bị kết án 14 năm tù vì bị cho là khủng bố chính quyền, trong vụ xử nhóm bị cáo buộc dùng bom xăng tấn công tại Sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 4 năm 2017.

Anh Phong hiện đang bị giam tại trai giam Xuyên Mộc thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trao đổi với RFA hôm 23/10, bà Ba, mẹ của tù nhân lương tâm Thái Hàn Phong cho biết về những bất công mà anh Phong cùng gia đình đang phải gánh chịu:

“Từ ngày chuyển qua trại một năm mấy nay, đi thăm vẫn ngồi trên bàn tự do nói chuyện. Nhưng vừa rồi đi thăm thì họ bắt ngồi giữa tấm kính, nói qua điện thoại, Phong nó bức xúc chuyện đó. Phong cũng nói với tôi cho ăn cơm thì toàn cơm sạn, không có gì ăn, cho ăn sạn, gạo sạn không à. Tuần vừa rồi đi thăm, Phong kể với tôi người ta tuyệt thực về chuyện này, vì bây giờ đi thăm bắt ngồi như vậy và bắt nhận tội, mà tội gì mà nhận. Họ bắt nhận tội thì khi gặp thân nhân mới được ngồi như cũ. Phong bức xúc nói Má đi thăm đợt sau chắc con cũng tuyệt thực luôn.”

Bà Ba cho biết thêm, lúc trước, khi Phong nói vô tội, không phục, còn bị họ (ý chỉ công an, an ninh và quản giáo trại giam) đè tay, bóp cổ, đánh đập. Theo bà, ông Phong hiện rất lo lắng vì có người cùng trại giam, chưa thụ án xong đã chết trong tù vì chế độ khắc nghiệt của trại giam.

Lo ngại của tù nhân chính trị Thái Hàn Phong không phải là không có cơ sở, vì trước đây cũng có nhiều tù nhân chính trị bị phân biệt đối xử, gặp khó khăn trong vấn đề chữa bệnh khiến “chỉ có thể chờ chết” và qua đời trong trại giam như trường hợp của tù nhân Bùi Đăng Thủy. Hay tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Trại qua đời tại trại tù Xuân Lộc, Đồng Nai và người tù thế kỷ Trương Văn Sương qua đời tại trại giam Nam Hà.

Để tìm hiểu thêm RFA liên lạc chị Phạm Thanh Tâm, vợ của tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca, và được chị cho biết bị kiếm cớ ngăn cản không cho thăm chồng:

“Lúc trước thì mỗi tháng tôi có đi thăm, nhưng từ tháng 6 đến giờ nó không cho Chị thăm gặp nữa mà chỉ cho con chị đi thăm thôi. Nó nói không cho thăm vì Chị không có giấy kết hôn với Anh Ca mặc dù sống chung. Lúc trước tôi có liên hệ bên an ninh Đồng Tháp, nó hứa nó sẽ giúp làm đơn gởi lên bộ và trại giam Xuân Lộc đang giam Anh Ca. Nhưng sau đó nó nói Chị có liên quan một số người thành phần không tốt bên ngoài, nó cho là phản động, nó trả lời nó sẽ không làm nữa và không cho chị thăm gặp anh Ca luôn.”

Chị Phạm Thanh Tâm còn cho biết, khi thăm anh Ca còn bị la lối, không cho nói chuyện, bị làm khó dễ. Thời gian thăm nuôi được một tiếng, nhưng chỉ chừng 40 phút là bị cắt, không cho nói chuyện nữa, đuổi về. Gia đình, người thân gởi thuốc chữa bệnh vô cho tù nhân thì họ rất khó nhận được đầy đủ.

Cần áp dụng đúng luật với phạm nhân

Vậy luật pháp quy định vấn đề thăm gặp tù nhân như thế nào? Chúng tôi liên lạc qua tin nhắn với Luật sư Đặng Đình Mạnh, một luật sư đã và đang bào chữa cho rất nhiều tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và được ông cho biết như sau:

“Hiện nay, theo quy định thì các phạm nhân được gặp thân nhân tháng/lần, mỗi lần gặp không quá 01 giờ, trường hợp đặc biệt thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 03 giờ. Phạm nhân được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng. Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ.
Khi gặp thân nhân, phạm nhân được nhận thư, tiền mặt, đồ vật, trừ đồ vật thuộc danh mục cấm. Đối với tiền mặt, phạm nhân phải gửi trại giam.
Phạm nhân được nhận quà gồm tiền mặt, đồ vật do thân nhân gửi 02 lần trong 01 tháng, ngoài trường hợp đã nhận khi được gặp thân nhân như nêu trên.
Ngoài ra, phạm nhân được gửi mỗi tháng 02 lá thư. Liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân mỗi tháng 01 lần, mỗi lần không quá 05 phút.”

Tuy nhiên theo Luật sư Mạnh, trong thực tế, các thân nhân của các phạm nhân đang thụ án thường phàn nàn trại giam thực hiện các quy định như nêu trên khá tùy tiện, cảm tính và mỗi nơi lại có “lệ” áp dụng  rất khác nhau. Ví dụ, trong buổi thăm gặp phạm nhân có đề cập đến sinh hoạt trong trại giam, hoặc thân nhân có nói đến tình hình chính trị bên ngoài thì sẽ bị quản giáo cắt ngang hoặc rút ngắn thời gian thăm gặp. Cũng như thế, nhưng có nơi lại dễ dãi cho qua. Việc gởi quà gồm sách, báo, văn bản pháp luật cũng tùy tiện tùy nơi, tùy lúc như vậy.

Không chỉ tù nhân chính trị bị đối xử hà khắc trong tù, hay thân nhân bị gây khó dễ khi thăm gặp, thân nhân của họ còn bị sách nhiễu, gây khó khăn trong cuộc sống cũng như hạn chế đi lại, mặc dù bản thân họ không phạm tội gì, họ chỉ ‘mang tội’ là thân nhân của một tù nhân lương tâm.

Chị Huyền Trang, vợ của tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, hôm 23/10 cho RFA biết về những khó khăn Chị gặp phải:

“Từ trước đến giờ, công can có gây khó dễ và hù dọa tôi rất là nhiều, bây giờ thì giảm nhiều, nhưng trước kia rất nhiều. Chẳng hạn như vấn đề đi lại của tôi thì họ cũng luôn ngăn cản, nếu tôi muốn đến Đại sứ quán hay hẹn gặp ai đó thì họ luôn luôn cản trở để cuộc gặp đó không diễn ra, nhất là đối với cuộc gặp với các chính khách, các Đại sứ quán.”

Hay trường hợp của Bà Nguyễn Thị Lành, vợ của Mục sư Nguyễn Trung Tôn, thuộc Hội Anh em dân chủ, người đang thụ án 12 năm tù giam tại trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai, trong vụ án mà chính quyền gọi là “Nguyễn Văn Đài và đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Bà cho biết, an ninh Thanh Hóa hăm dọa nếu bà còn nói với báo, đài nước ngoài về tình trạng của chồng, thì sẽ phải chịu hình phạt:

“Công An Thanh Hóa từng triệu tập mời tôi lên làm 1 số công việc về chuyện tôi trả lời báo đài nước ngoài sau những lần đi thăm anh Tôn về. Tôi muốn trả lời quý đài là họ khống chế tôi không được trả lời, khống chế không được nói lên báo chí, đài nước ngoài vì ảnh hưởng đất nước dân tộc, nhưng tôi bức xúc quá, tôi nghĩ phải nói, khống chế tôi, tôi càng sẽ nói hơn.”

Bà Lành còn cho biết, an ninh Thanh Hóa hăm dọa nếu bà còn nói với báo, đài nước ngoài về tình trạng của chồng, thì sẽ phải chịu hình phạt.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một nhà hoạt động xã hội tích cực và cũng là chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ. Ông từng nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu, tra tấn, đánh đập, bôi nhọ vì những nỗ lực đấu tranh cho dân chủ Việt Nam. Vào tháng 2 năm 2017, ông bị bắt cóc và bị đánh đến mức tàn phế cả hai chân tại khu vực rừng núi Hà Tĩnh.

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, cách hành xử của công an, hay trại giam như vừa nêu là một điều đáng tiếc, gây khá nhiều bức xúc cho cả thân nhân và phạm nhân. Ông cho rằng, các quy định hiện nay của pháp luật nên được các trại giam bảo đảm thực hiện đúng đắn và đầy đủ…






No comments:

Post a Comment