Thursday, October 3, 2019

TRUNG QUỐC RA MẮT TÊN LỬA ĐÔNG PHONG, 'ĐE DỌA GIÁN TIẾP' VIỆT NAM (Viễn Đông - VOA)




02/10/2019

Trung Quốc hôm 1/10 đã trình làng tên lửa hạt nhân chiến lược xuyên lục địa có tên gọi Đông Phong 41, với tầm bắn lên tới 15.000km, trong động thái mà các chuyên gia nhận định là một “tín hiệu” gửi tới các nước tranh chấp Biển Đông như Việt Nam, và thậm chí cả Mỹ.

Tên lửa Đông Phong 41 được chở qua Quảng trường Thiên An Môn hôm 1/10.

Trong cuộc duyệt binh nhân 70 năm ngày lập nước với sự tham dự của 15 nghìn binh sĩ, hơn 160 máy bay cùng với gần 600 các thiết bị quân sự, Đông Phong 41 đã được chở qua quảng trường Thiên An Môn với sự chứng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc khác.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ngày quốc khánh “là dịp để họ bộc lộ rõ hơn, khẳng định hơn nữa tất cả sự đe dọa của họ”.

“Trong tháng Tám, họ đã để cho máy bay ném bom chiến lược bay ở Biển Đông, rồi nó còn hạ cánh xuống Đảo Chữ Thập có sân bay họ làm lớn nhất. Họ cũng từng đưa tên lửa ra đó. Trực tiếp nhất là họ đã có tập trận, bắn tên lửa. Đó là lần đầu tiên họ bắn tên lửa thật, có dẫn đường. Đấy là những sự đe dọa và chuyện duyệt binh là đe dọa gián tiếp thôi. Những gì đã xảy ra ở Biển Đông thì đó là đe dọa trực tiếp”, ông Hợp nói, cũng đề cập thêm tới chuyện Bắc Kinh đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam nhiều tuần qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ duyệt binh hôm 1/10.

Ngoài tên lửa mà các hãng tin nước ngoài nói rằng có thể đánh trúng mục tiêu ở Mỹ trong vòng 30 phút, Trung Quốc còn cho ra mắt các loại khí tài khác như tên lửa siêu vượt âm Đông Phong 17, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 cũng như tàu lặn không người lái HSU001.

Hoàn cầu Thời báo, một ấn phẩm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 1/10 dẫn lời các chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng “các kẻ thù gần như khó có thể chặn được DF-17 [Đông Phong 17]”.

“Nó sẽ đóng vai trò sống còn để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc vì tất cả các khu vực như Biển Đông, Eo biển Đài Loan và Đông Bắc Á đều nằm trong tầm bắn của nó”, tờ báo thường có các bài bình luận thể hiện tinh thần dân tộc của Trung Quốc viết.

Tiến sĩ Hợp nhận định rằng trước khi Đông Phong 41 và17 được Bắc Kinh chính thức công bố trong buổi duyệt binh quy mô lớn mà nhiều nhà quan sát nói là để thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới “đã có tên lửa thừa sức bắn tới Việt Nam”.

“Tên lửa tầm 800 cây số là nó đã thừa sức bắn tới Việt Nam rồi. Họ đặt ở ngay đảo Hải Nam thì họ bắn tới tận đảo Phú Quốc”, nhà nghiên cứu về tình hình Biển Đông nói.

Hình ảnh buổi lễ duyệt binh hôm 1/10.

Hồi đầu tháng Bảy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc tiến hành các cuộc phóng thử nhiều tên lửa chống hạm ở Biển Đông, và coi đó là hành động đi ngược lại với cam kết không quân sự hóa vùng lãnh hải tranh chấp.

Nhận định về tác động của các hành động như vậy đối với quan hệ song phương Hà Nội – Bắc Kinh, ông Hợp nói: “Càng ngày Trung Quốc càng dồn Việt Nam về mặt quan hệ đối ngoại, về mặt an ninh quốc tế, về mặt quan hệ song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam và về cả quan hệ nhóm, tức là đa phương, trong đó Việt Nam có một vai trò gì đó trong khu vực Đông Nam Á”.

Từng có tin Việt Nam có thể mua BrahMos, loại tên lửa vốn từng khiến quân đội Trung Quốc buộc phải bày tỏ lo ngại. Tuy nhiên, hiện chưa rõ là Hà Nội và New Delhi đã đạt thỏa thuận nào về loại tên lửa do Ấn Độ và Nga liên doanh sản xuất này hay chưa.

VIDEO :






No comments:

Post a Comment