Friday, October 25, 2019

NATO NGẬM BỒ HÒN LÀM NGỌT TRƯỚC THÀNH VIÊN NGỖ NGHỊCH THỔ NHĨ KỲ (Trọng Nghĩa - RFI)




Đăng ngày 25-10-2019

Là một thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, nhưng mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ lại ngang nhiên đưa quân sang Syria tấn công vào đồng minh của khối trong cuộc chiến chống Daech là lực lượng người Kurdistan, sau đó lại liên kết với Nga, đối thủ của khối, để kiểm soát vùng chiếm đóng. Trước các hành động trên, nhiều tiếng nói đã vang lên đòi trục xuất Ankara ra khỏi liên minh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan (P) và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. YASIN BULBUL / TURKISH PRIME MINISTER PRESS OFFICE / AFP

Thế nhưng vào hôm qua, 24/10/2019 nhân cuộc họp đầu tiên của NATO từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân qua Syria, các lãnh đạo Liên Minh như đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận các lập luận của thành viên ngỗ nghịch, để khỏi bị mất đi một đồng minh chiến lược của toàn khối.

Theo hãng tin Pháp AFP, chính tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã xác nhận rằng tranh cãi đã bùng lên gay gắt giữa các thành viên NATO, mà theo các nhà quan sát là giữa các nước Phương Tây với Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, ông Jens Stoltenberg từ chối lên án các hành đông của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí tán thành “những lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia” mà Ankara đưa ra để biện minh cho sự can thiệp quân sự vào Syria.

Một nhà ngoại giao cấp cao tham gia cuộc họp đã nói thẳng thừng rằng NATO không thể trừng phạt hay trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ vì hai lý do: Một là trong điều lệ NATO không có thủ tục trục xuất, và hai là “NATO không muốn mất Thổ Nhĩ Kỳ vì đây là một đồng minh chiến lược”.

Về giá trị chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong hệ thống bố phòng của khối NATO, trả lời câu hỏi của đài truyền hình Pháp BFMTV mới đây, ông Jean Marcou, giáo sư trường Khoa Học Chính trị (Sciences Po) ở Grenoble, đồng thời là chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh đến thực tế theo đó Ankara là cường quốc quân sự lớn thứ hai của NATO.

Bên cạnh đó, về mặt địa dư, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn ra cả Hắc Hải lẫn Địa Trung Hải, là giao lộ của các luồng di cư và là cầu nối giữa châu Âu và toàn bộ vùng Cận Đông.

Do vậy, theo giáo sư Jean Marcou, cho dù bị Ankara gây căng thẳng, Phương Tây không thể mạo hiểm cắt cầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ như đã hiểu rất rõ điều đó. Ngay từ trước khi nổ ra vụ tấn công vào Syria, Ankara đã phớt lờ các khuyến cáo của NATO để đăt mua hệ thống tên lửa S400 của Nga. Thế mà NATO vẫn không thể trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên bình diện pháp lý cũng vậy, NATO khó có thể đụng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời đài truyền hình France24, nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc Học Viện Địa Chính Trị Pháp và Viện Thomas More, cho biết là trường hợp trục xuất không hề được dự trù trong khối NATO. Dĩ nhiên là giới lãnh đạo NATO có quyền đề ra khả năng này, nhưng do vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, một quyết định trục xuất nước này có nguy cơ làm cho NATO suy yếu hẳn đi.

Vả lại, theo chuyên gia Mongrenier, dù chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào người Kurdistan ở Syria đặt ra một vấn đề đạo đức đối với NATO, nhưng chiến dịch này không gây tổn hại cho lợi ích thiết yếu của các thành viên NATO.

Chỉ cần Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành nghĩa vụ trong khuôn khổ phòng thủ chung, và đừng gây nên những chuyện quá đáng tại Syria, thì các thành viên còn lại của NATO sẽ chấp nhận sự đã rồi.

Nhìn chung, chính những tính toán chiến lược kể trên đã khiến cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhẹ tay với Thổ Nhĩ Kỳ cho dù nước này đã tỏ ra ngang bướng.

Theo giới quan sát, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan biết rất rõ điều đó, và trong thời gian sắp tới đây, ông sẽ tiếp tục đóng vai ngỗ nghịch, nhưng sẽ cẩn thận để không đi quá trớn.





No comments:

Post a Comment