Thursday, October 24, 2019

GIỚI TRẺ VIỆT NAM LỚN LÊN SAU CHIẾN TRANH NHÌN VỀ VNCH (Nguyễn Hòa / Người Việt)




Nguyễn Hòa/Người Việt
October 23, 2019

EUGENE, Oregon (NV) – Hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại Đại Học Oregon trong hai ngày 14 và 15 Tháng Mười, 2019, một điểm đặc biệt là có tới 7 diễn giả là các nhà nghiên cứu trẻ tuổi đến từ Việt Nam.

Những người này chưa bao giờ sống dưới chế độ VNCH, hoặc sinh ra sau chiến tranh hay sinh ra ở miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh. Một số trong những người này mới chỉ tiếp xúc với cộng đồng người Việt hải ngoại khi họ đi du học, một số khác thì chưa từng.

Chủ đề mà các diễn giả này thuyết trình khá phong phú, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế đến lịch sử, giáo dục, văn học, nghệ thuật. Nói như Giáo Sư Vũ Tường, Đại Học Oregon, trong bài khai mạc hội thảo là “những bài thuyết trình này đã đụng tới cả những vấn đề cấm kỵ (taboo).”

Những điều cấm kỵ nói theo kiểu nhà nước CSVN là những vấn đề “nhạy cảm,” thường là liên quan đến chính trị, chẳng hạn như VNCH không được nhắc tới tại Việt Nam.

Bài thuyết trình của ông Nguyễn Lương Hải Khôi, Đại Học Sư Phạm TP.HCM, phân tích bộ “Việt Nam Sử Lược” của tác giả Trần Trọng Kim. Bài thuyết trình này động chạm tới điều mà những người Cộng Sản và cơ quan tuyên truyền của họ hay nêu lên là chỉ có đảng Cộng Sản Việt Nam mới là những người chống ngoại xâm hữu hiệu.

Diễn giả Nguyễn Lương Hải Khôi đang thuyết trình về Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim. (Hình: Nguyễn Hòa/Người Việt)

Cũng đến từ Đại Học Sư Phạm TP.HCM, hai diễn giả Hoàng Phong Tuấn và Nguyễn Thị Minh, so sánh sự tự do sáng tác tại miền Nam Việt Nam dưới chế độ VNCH, với loại sáng tác có định hướng dưới sự chỉ huy của đảng Cộng Sản ở miền Bắc.
Thuyết trình về tự do sáng tác tại miền Nam so với miền Bắc. (Hình: Nguyễn Hòa/Người Việt)

Diễn giả Trương Thùy Dung, đến từ Viện Sử Học Hà Nội, so sánh các chương trình giảng dạy đại học ở miền Nam của VNCH và miền Bắc của chính phủ Cộng Sản. Việc so sánh cho thấy ở miền Nam có sự tự do học thuật mà miền Bắc không có, trong đó, các trường đại học miền Nam không ngần ngại giảng cả chủ nghĩa Marx, trong khi tại miền Bắc người ta chỉ cho phép một chủ thuyết ấy của đảng Cộng Sản được giảng dạy mà thôi.

Bình luận về nội dung các bài thuyết trình của những diễn giả đến từ Việt Nam, ông Hoàng Đức Nhã, cựu tổng trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi thời Việt Nam Cộng hòa, nói với báo Người Việt rằng ông thấy một sự cởi mở hơn trước, và điều đó làm ông cảm thấy rất thú vị.

Trả lời câu hỏi của ông Peter Zinoman, Đại Học Berkeley, California về sự tham gia của các diễn giả đến từ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh, cho rằng không khí nghiên cứu các vấn đề gọi là “nhạy cảm” ở Việt Nam đã có phần hy vọng hơn, ít sợ hãi hơn lúc trước.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, đến từ Viện Lịch Sử Hà Nội nói với báo Người Việt về cuộc hội thảo:
“Đây là một cơ hội tốt đối với tôi, với những người nghiên cứu không sống trong giai đoạn đó, có cơ hôi được lắng nghe, ý kiến từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, về thời kỳ VNCH và miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Gần đây tôi thấy các nguồn tư liệu rất là mới, những tư liệu giải mật của Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia được tiếp xúc với tư liệu từ phía Việt Nam, binh sĩ Việt Nam, kể cả những tư liệu phỏng vấn. Những nghiên cứu đó có nhiều đóng góp cho sự phát triển mới. Khi chúng tôi tham gia thì chúng tôi hiểu thêm được nhiều điều.”

Bà Nguyễn Thị Từ Huy, đến từ Đại Học Đại Dương ở Nha Trang, trả lời qua email cho báo Người Việt, viết: “Một dân tộc không thể tồn tại trong tư cách là một dân tộc nếu không có lịch sử của nó… Việc nhiều người từ Việt Nam qua tham gia một hội thảo về VNCH có lẽ phản ảnh những thay đổi quan trọng về nhận thức về lịch sử dân tộc.”

“VNCH là một phần của lịch sử Việt Nam. Sẽ không có một lịch sử Việt Nam trọn vẹn nếu thiếu phần lịch sử của VNCH. Có nghĩa là tìm hiểu về VNCH cũng cần thiết như tìm hiểu bất cứ giai đoạn lịch sử nào trong lịch sử Việt Nam. Nếu tất cả đạt tới nhận thức này thì chúng ta có thể hy vọng rằng một số vấn đề về quá khứ có thể được giải quyết.”

Tuy nhiên, sự “sợ hãi” dù đã giảm bớt như lời bà Nguyễn Thị Minh trả lời tại buổi hội thảo như đã nêu, nhưng nó chưa hoàn toàn chấm dứt.

Một diễn giả đến từ Việt Nam, từ chối nêu danh tánh trên báo Người Việt, ở chỗ riêng tư nói rằng, “Những di sản của VNCH vẫn đương nhiên tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại ở Việt Nam.” (Nguyễn Hòa)

------------------------------------------


No comments:

Post a Comment