Sunday, September 29, 2019

TÔI SẼ CỐ BÁM LẤY ĐẤT NƯỚC TÔI (Nguyễn Lân Thắng)





Tôi có khá nhiều bạn bè, họ hàng, người thân bỏ ra nước ngoài sinh sống. Từ những người bạn hoạt động xã hội vì lý do chính trị, cho đến những người bình thường khác, chỉ vì mưu sinh mà phải từ bỏ nơi này.

Chạy trốn khỏi sự nguy hiểm là phản ứng rất tự nhiên của con người. Không chống lại được điều gì đó thì bỏ chạy là giải pháp cá nhân hợp lý, không có gì phải đáng chê trách. Nhưng khi cả một đất nước phải tìm cách bỏ chạy, thì đó là vấn đề rất nghiêm trọng rồi.

Tôi nhớ hồi những thuyền nhân bỏ chạy khỏi Việt Nam, có người bình luận chua chát rằng: cái cột điện mà có chân thì nó cũng phải bỏ chạy. Nay thì không chỉ “Bên thua cuộc” miền Nam bỏ chạy, mà cả nước bỏ chạy.

Phong trào bỏ chạy lan rộng, từ những giai cấp trung lưu tìm kiếm thẻ xanh bằng đầu tư, cho đến học sinh sinh viên tìm kiếm học bổng du học, và cả những lao động tự do khắp các miền quê Việt Nam tìm lối bán mình sang tận Lào. Trớ trêu là cả những dư luận viên từng chống những người hoạt động xã hội rất dữ dội, nay bỏ gia đình sang lao động ở Nhật.

Rồi mới đây nữa có một vụ động trời được khui ra. Đó là việc đoàn ngoại giao của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang thăm chính thức Hàn Quốc từ năm 2018 có đến 9 người vứt cả hộ chiếu để trốn ở lại. Nhục quốc thể không để đâu cho hết!

Tôi là người từng có cơ hội bỏ chạy, nhưng rồi đã quay lại để đối mặt với những vấn đề của đất nước này. Có một lần hồi năm 2016, khi mò mẫm ở miền Trung đi làm phóng sự về thảm hoạ Formosa trên tàu cá của ngư dân, ông chủ tàu tên là Sơn hỏi tôi: Em làm thế được bao nhiêu tiền?

Mang tâm thế là một phóng viên tự do đi làm phim giúp ngư dân tố cáo thảm hoạ môi trường, quả thật lúc đó tôi cũng hơi bối rối vì câu hỏi rất thẳng thừng này. Nhưng nếu ai đã từng biết cuộc đời vất vả của ngư dân trên biển, thì chắc sẽ thấu hiểu và thông cảm với câu hỏi có phần sỗ sàng đó.

Để có thể ra khơi đánh cá, một người chủ tàu phải lo từng đồng một trước chuyến đi. Nào thì lỉnh kỉnh những gạo, dầu, mì tôm, rau củ, nước mắm, bột nêm. Nào thì dầu máy, đá xay ướp cá. Tất cả đều phải đầu tư bằng tiền mặt, nhằm lo điều kiện sinh hoạt và lao động cho cả chục con người trên biển. Ấy là chưa kể những khoản tiền rất lớn để đầu tư tầu bè, trang bị máy móc, lưới vó… Hỏi sao ngư dân câu đầu tiên nằm lòng trước mọi việc là họ phải nghĩ đến tiền.

Chuyến đi năm đó, sau 5 ngày vất vả lênh đênh trên biển, cá thì ít, tàu lại gặp thời tiết không thuận lợi và phải quay vào bờ sớm. Số cá, ghẹ bắt được trên tàu tôi nhớ bán được có mỗi 34 triệu 500 ngàn. Bình thường trước đây, mỗi chuyến đi một tàu cá có thể kiếm được trên dưới 100 triệu hoặc hơn. Nhưng từ khi thảm hoạ môi trường biển Formosa xảy ra thì mọi chuyện bắt đầu khác đi.

Chuyến này sau khi trừ đi tiền dầu máy và nhu yếu phẩm đã mua khoảng 25 triệu, 11 người trên tàu chia nhau chưa đến 10 triệu còn lại. Số tiền này dân biển thường gọi là tiền đi bạn, là tiền chủ tàu sau khi bán cá và trừ đi chi phí sẽ chia cho anh em làm việc trên tàu.

Tôi tạm biệt những người ngư phủ và dứt khoát không nhận một đồng “đi bạn” nào từ ông Sơn chủ tàu. Đến năm sau, tôi nghe nói ông ấy đã phải bán tàu để trang trải nợ ngân hàng gần 2 tỷ và bỏ đi làm công việc khác. Còn hơn chục thanh niên ngư phủ dày dạn kinh nghiệm đi biển hồi đó chắc cũng phải đi lang thang làm thuê làm mướn ở xứ người hết cả rồi. Buồn vô hạn!

Rút cuộc thì sau vài trận đi biển với ngư dân như thế, tôi cũng có được mấy phóng sự về thảm hoạ Formosa, về những mất mát của đất nước này. Có người sau khi xem phim xong tâm sự: Em xem xong bưng mặt khóc hu hu giữa công ty…

Nhưng có lẽ cũng chẳng tác dụng gì nhiều, vì bây giờ ngày ngày mọi người vẫn bỏ đi. Không bỏ đi sao được khi cuộc sống ngày càng khó khăn. Khi những người dân phải đối mặt hằng ngày với khói bụi ô nhiễm, với vấn nạn xã hội khắp nơi. Khi những tiếng nói phản kháng yếu ớt tiếp tục bị đàn áp, bỏ tù.

Có đôi lúc chính tôi cũng hoang mang vì những gì xảy đến quanh ta. Những lúc như vậy, có một bài hát rất hay của ông Nguyễn Đình Toàn đã làm dịu đi nỗi day dứt ấy, và nâng đỡ tinh thần của tôi rất nhiều. Nguyễn Đình Toàn viết:

Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi,
bằng sức người vô hạn.
Bằng sức người đầu đội trăm tấn bom,
Tim mang nghìn dấu đạn.

Tôi đã đổ mồ hôi, đổ máu tươi
Để mong ở lại đây
Dù thế nào cũng ở lại đây.

Nhưng đất đã đỏ,
vì bị nung bằng những lời dối trá
Người bám vào lửa đã đốt cháy tay
Lửa hờn căm, lửa hiểm thâm,
lửa khốn cùng cay đắng
Người lừa nhau,
trời đất còn bưng mặt thảm thương…

Nhưng rồi kết thúc bài hát, ông ấy viết:

….
Tôi đã bám lấy đất nước tôi,
bằng sức người đã kiệt
bằng sức người đã tả tơi ước mơ,
tay chân dường rũ liệt
Tôi cố đợi ngày Việt Nam tái sinh,
trong sông biển yêu thương.
Cho dẫu lòng đã bạc lòng mong.
....

Vâng, tôi sẽ cố bám lấy đất nước tôi, để làm tất cả những gì mong ngày mảnh đất này tái sinh, để không còn ai nữa phải bỏ đi khỏi quê hương này.

Yêu thương tất cả!






No comments:

Post a Comment