Friday, September 27, 2019

PHẢI CHĂNG TRUNG QUỐC ĐÃ THẮNG TRONG 'CƯỠNG CHIẾM BIỂN ĐÔNG'? (Nguyễn Hiền - VNTB)




28/09/2019

(VNTB) - Trung Quốc tiếp tục đưa dàn khoan dầu sâu vào Biển Đông, trước thời điểm kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Thạch Du 982 (Haiyang Shiyou 982, hay Ocean Oil 982), đã đi vào hoạt động vào thứ Bảy ở vùng nước sâu tới 3.000m, theo Chang An Jian, một tài khoản truyền thông xã hội do Ủy ban Chính trị và Pháp lý Trung ương Trung Quốc nắm.

Không cho biết vị trí của giàn khoan, nhưng điều này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Việt Nam vẫn đang tiếp tục so kè với nhau tại vùng Bãi Tư Chính.

Theo SMCP, động thái này nằm trong chuỗi tăng cường nỗ lực thăm dò tài nguyên kể từ năm 2016 nhằm giảm sự phụ thuộc dầu thô vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Thạch Du 982 gợi nhớ lại giàn khoan nước sâu đầu tiên của Trung Quốc – Hải Dương 981 - đi vào hoạt động ở Biển Đông vào năm 2012. Năm 2014, nó đã được chuyển đến đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 30 km, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 222km về phía đông. Và vị trí đặt của Hải Dương 981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Sự kiện Hải Dương 981 gây ra khủng hoảng ngoại giao hai quốc gia trong suốt mùa hè 2014 và sau đó, làm nổ ra các cuộc biểu tình lớn tại Việt Nam.

Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, cho biết trong một bài báo đã cho rằng, những diễn biến gần đây cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng đẩy mạnh yêu sách hàng hải của mình.

The Diplomat, ngày 26/9, nhận định, Việt Nam đang cho thấy mình ở một vị trí khó khăn, không có nhiều sự hỗ trợ ngoài lời nói, trước một Trung Quốc đầy kiên quyết [về yêu sách].

Điều này phù hợp với những diễn biến thời gian qua, và vào sáng ngày 26/9, Dự án Đại sự ký Biển Đông tiếp tục cập nhật, vẫn chưa tìm được dấu hiệu nào cho thấy hải cảnh Trung Quốc rời khỏi khu vực lô dài 06.1. SỰ thay phiên nhau tìm đến Bãi Tư Chính của nhóm tàu Trung Quốc gắn liền với khu vực Đá Chữ Thập, cho thấy ‘đảo nhân tạo’ hay tiền đồn quân sự mà Trung Quốc xây dựng trái phép đã pháp huy tác dụng trong gây rối và thực hiện mưa đồ biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp của Bắc Kinh.

Điều đáng chú ý là, Trung Quốc đang triển khai một cách tiếp cận yêu sách chủ quyền có phần khác so với trong quá khứ. Theo đó, trước đây Trung Quốc triển khai tàu và ở lại trong một vài tháng trong cùng một khu vực, nhưng lần này – Bắc Kinh chỉ triển khai tàu khảo sát vài tuần rồi rút, sau đó lại quay trở lại.

Và dù có những phản ứng quốc tế đến từ Anh, Mỹ, Úc, Nhật, hay thậm chí là Malaysia, Ấn Độ,… về các va chạm trên Biển Đông, đặc biệt là tại Bãi Tư Chính (thuộc chủ quyền hoàn toàn của Việt Nam) thì theo The Diplomat, ‘dường như Việt Nam sẽ không thể nhận được bất kỳ sự hỗ trợ mạnh mẽ nào từ các đối tác trong khu vực và bên ngoài. Trong khi, Việt Nam khó có thể tự mình chống lại Trung Quốc. [Và] Bắc Kinh dường như đã tính toán chính xác rằng họ không phải sợ bất kỳ sự chống đối nghiêm trọng nào nữa’.

Sở dĩ như vậy, vì bấy lâu nay, so với các ‘mặt trận’ khác, Biển Đông trong mắt EU và Mỹ, cũng như một số quốc gia khác có chỉ số hồ sơ an ninh thấp hơn. Frans-Paul van der Putten, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Clingendael, một nhóm chuyên gia tư duy độc lập ở Hà Lan cho biết: Cho đến vài năm trước, các nước châu Âu thích giữ chỉ số hồ sơ thấp về các vấn đề an ninh khu vực ở Đông Á.

Kết quả trong tiến trình coi thấp an ninh tại vùng Biển Đông là thời điểm Trung Quốc tận dụng tối đa thời gian và vật lực để bồi đắp chuỗi đảo nhân tạo. Đặc biệt, từ năm 2014 - 2018, Trung Quốc đã gia tăng xây dựng và mở diện tích sửu dụng các đảo mà Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép trên Biển Đông, kết quả, tổng diện tích bồi đắp các vùng đá ngầm trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc cưỡng quyền trái phép) đã lên đến 13,21km, trong đó nhóm đá nhân tạo Vành Khăn, Xu Bi, và Chữ Thập trở thành một ‘tiền đồn quân sự’ trên vùng Biển Đông của Bắc Kinh.

Với Việt Nam – quốc gia đang phải chịu tổn thất lớn nhất trong các hành động quấy rối và cưỡng chiếm chủ quyền Việt Nam. Từng có thời chủ đề Hoàng Sa – Trường Sa là chủ đề cấm kỵ trong báo giới và bàn luận xã hội. Vào năm 2011, bộ phim tài liệu ‘Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát’ của ông André Menras - Hồ Cương Quyết được thực hiện tại huyện đảo Lý Sơn và xã Bình Châu thuộc huyện Bình Sơn, nhưng kết quả, đã bị ‘cấm chiếu ở Việt Nam’ dù không ‘vi phạm luật báo chí Việt Nam’. Trước đó, Báo Du Lịch thuộc Tổng Cục Du lịch Việt nam, đã bị đình bản 3 tháng vào năm 2009, vì đăng bài ‘Tản Mạn Đảo Xa’. Các cuộc biểu tình liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa cũng bị triệt khá vì sự ‘nhạy cảm’ của nó trong mắt chính quyền. Trong vấn đề liên quan đến sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, đến nay, cấp lãnh đạo cao nhất lên tướng về vấn đề này là Phó Thủ tướng.

Phải chăng, Trung Quốc đã chiến thắng trước Việt Nam và các nước phương Tây (bao gồm cả Mỹ), trong cuộc chiến thống trị Biển Đông? Nói cách khác, trong khi Việt Nam lên tiếng tuyên bố ngoại giao về các bằng chứng chủ quyền lịch sử từ thời nhà Nguyễn, Âu-Mỹ lên tiếng về ‘tự do hàng hải’, thì Trung Quốc đã thực thi cưỡng chiếm chủ quyền bằng hành động?

Và thực tế cho thấy, vào ngày 22/8/2019, trong khi báo Thanh Niên đăng bài ‘Bằng chứng khách quan Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa’. Thì vào năm 2018, Trung Quốc hoàn thành chuỗi đảo nhân tạo: bãi Đá chữ thập, Đá Xu bi; Đá Vành khăn; bãi Châu Viên; đá Gạc Ma; Đá Ga Ven - Đá Lạc; Đá Tư Nghĩa (thuộc quần đảo Trường Sa); thực hiện cơi nới đảo Phú Lâm và Quang Hòa (quần đảo Hoàng Sa).

Phải chăng Bắc Kinh thực sự đã ‘tính toán đúng’ về rủi ro và cơ hội trong xâm phạm chủ quyền Biển Đông, họ đã thực trọn vẹn kế ‘Vô trung sinh hữu’ (Không có mà làm thành có) trong đó có chủ quyền Việt Nam, nơi mà ‘họ không phải sợ bất kỳ sự chống đối nghiêm trọng nào nữa’?

------------------

Chú thích:







No comments:

Post a Comment