Sunday, September 29, 2019

LÚC NÀO LÀ THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP ĐỂ VIỆT NAM KIỆN TRUNG QUỐC RA TÒA QUỐC TẾ? (RFA)




RFA
27/09/2019

Ngày 28/9/2019, Bộ trưởng Ngoại giao – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Đã có những mong đợi là ông sẽ đưa vấn đề căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ra UN lần này để có thể đạt được một nghị quyết lên án Trung Quốc, làm cơ sở cho những vụ kiện TQ ra tòa quốc tế. Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn bà Phạm Ngọc Minh Trang – Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học khoa học xã hội nhân văn thành phố Hồ Chí Minh thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam, hiện giờ là học giả theo chương trình Fulbright tại trường Luật thuộc Đại Học New York. Bà Phạm Ngọc Minh Trang vừa có bài viết trên trang Sáng kiến minh bạch hàng hải (thuộc CSIS), phân tích khả năng VN đưa TQ ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.


RFA: Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sắp có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong bài viết mới đây của chị đăng trên CSIS, chị có nói vấn đề đưa căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, chị có thể giải thích nguyên nhân tại sao chị đưa ra lập luận như vậy?
Phạm Ngọc Minh Trang: Một phần theo quan sát và nghiên cứu của chính mình, về vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc có bộ phận tuyên truyền vừa đối với người dân trong nước vừa với bên ngoài và các học giả Trung Quốc viết rất nhiều sách, đăng trên rất nhiều tạp chí nghiên cứu chuyên ngành về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên vấn đề  Biển Đông do chính phủ Việt Nam hoặc học giả Việt Nam nói ra ngoài thế giới thì chưa có nhiều. Cộng thêm trao đổi của mình với một số giáo sư về luật quốc tế ở trường đại học và Liên Hiệp Quốc thì họ nói là họ chưa nghe nhiều về Việt Nam nói về Biển Đông, họ có nghe Philippines, Indonesia, Malaysia nhưng Việt Nam thì rất ít. Mình nghĩ là Việt Nam cần phải để thế giới nghe nhiều hơn ý kiến của Việt Nam về vấn đề Biển Đông và đặc biệt là Bãi Tư Chính gần đây, nạn nhân trực tiếp là Việt Nam. Mình tìm hiểu thêm thì biết là quyền của mỗi quốc gia thành viên UN là có quyền nêu ý kiến của mình và nêu các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh của thế giới ra Đại hội đồng UN, mà đại hội đồng phải có nghĩa vụ phải lắng nghe và trả lời cho vấn đề này như thế nào.


RFA: Chị có nói khi Việt Nam đưa vấn đề này ra đại hội đồng UN như vậy thì có khả năng UN sẽ có một nghị quyết. Theo chị thì khả năng Việt Nam giành được thắng lợi tức là tạo được một nghị quyết ở phiên họp lần này ra sao?
Phạm Ngọc Minh Trang: Mình nói vấn đề gì đó thì người ta nghe là một chuyện, người ta ủng hộ mình hay không là một chuyện. Cơ chế ở Đại hội đồng UN để mà ra được một nghị quyết là cơ chế bỏ phiếu. Tất cả mọi quốc gia đều có quyền bỏ phiếu và các phiếu bằng nhau. Tuy nhiên nó phải hơn 50% thì mới có nghị quyết còn không thì sẽ trôi qua luôn. Mình phỏng vấn một số đại diện của các nước ở UN cộng với trao đổi với các nhân viên làm việc trong UN, họ nhận định là hiện giờ sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đại hội đồng UN rất là lớn. Cái thứ hai mình tìm hiểu thêm, Trung Quốc có ảnh hưởng ở Mỹ Latinh, Châu Phi. Thậm chí TQ có ảnh hưởng ở cả Malasia, Philippines, Campuchia và Lào. Thời điểm hiện nay nếu mình đưa vấn đề này ra và yêu cầu Đại hội đồng UN đưa ra một nghị quyết chỉ trích TQ và yêu cầu các nước phải kiềm chế các hoạt động của mình không nên gây hấn tại Biển Đông thì nó khó, vì rất có thể lúc mình phát biểu người ta không đến nghe. Có thể họ không xuất hiện khi bỏ phiếu hoặc trường hợp thứ ba mình ra một cái nghị quyết mà được ít phiếu bầu nên không có ý nghĩa lớn. Như trong bài mình viết là không phải là một chiến thắng lớn (big win). Mình phải làm từng bước từng bước trước. Ví dụ mình chuẩn bị về mặt học giả, về mặt báo chí rồi đưa ra Đại hội đồng, chứ hiện giờ đột nhiên đưa ra Đại hội đồng thì hơi khó.


RFA: Như vậy là Việt Nam hiện giờ vẫn chưa chuẩn bị những bước để đưa ra Đại hội đồng như chị nói đúng không?
Phạm Ngọc Minh Trang: Tình hình của Bộ Ngoại giao và Chính phủ thì mình không rõ lắm, nhưng mình đọc thường xuyên các báo trên thế giới như Diplomat hay của trang CSIS thì thấy ít các bài của học giả Việt Nam trong khi các bài của học giả Trung Quốc rất nhiều. Thậm chí TQ còn bỏ tiền cho các học giả nước ngoài viết để có lợi cho họ nữa. Minh đọc được những bài đó rất nhiều, nhiều hơn những bài do VN viết.


RFA: Như vậy chị đánh giá là nó sẽ không có lợi cho VN khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa vấn đề này ra tại bài phát biểu ở UN vào ngày mai đúng không ạ?
Phạm Ngọc Minh Trang: Bài phát biểu của Phạm Bình Minh có thể đưa vấn đề an ninh khu vực nói chung. Còn ví dụ như đề cập trực tiếp Việt Nam lên án Trung Quốc ở Bãi Tư Chính thì theo mình nhận định là hơi khó…. Mình còn một hội nghị nữa mà mình có thể đưa vấn đề Biển Đông ra là hội nghị của các nước thành viên của UNCLOS. Nó có hội nghị hàng năm, tất cả các nước tập hợp lại và chia sẻ việc mình thực hiện công ước thế nào thì lúc đó mình có thể trực tiếp nói là TQ đã vi phạm điều mấy khoản mấy của công ước. Như vậy là rất trực tiếp và gần như là có tác dụng nhiều hơn.


RFAChị có nói rằng Việt Nam đưa vấn đề này ra UN và giả dụ có được một nghị quyết, nghị quyết đó có thể dùng trong các tòa quốc tế. Chị nghĩ thế nào về khả năng VN sẽ đưa TQ ra tòa quốc tế cũng giống như Philippines đưa TQ đưa ra tòa Trọng tài Quốc tế PCA và có phán quyết vào năm 2016?
Phạm Ngọc Minh Trang: Minh sẽ phân tích VN kiện TQ ra tòa trọng tài quốc tế theo hai mặt. Thứ nhất về thủ tục pháp lý thì mình hoàn toàn có thể thỏa mãn tất cả các điều kiện về mặt pháp lý, mình là người thực hiện các điều khoản của UNCLOS, những nguyên tắc pháp lý, và TQ là người đang vi phạm. Mình hoàn toàn có thể thắng. Mặt thứ hai là về tác động xã hội thì mình phải nhìn lại việc xuất nhập khẩu với TQ ra thế nào. Ví dụ TQ có gây khó khăn cho mình không. Thường một vụ kiện tụng kéo dài 3 đến 5 năm thì lúc đó kinh tế mình bị ảnh hưởng thế nào thì mình phải cân nhắc cái đó. Ngoài ra, còn có một số tiểu thương vừa và nhỏ cũng có hợp tác làm ăn với TQ thế nào đó, thì ví dụ như mình kiện TQ thì họ sẽ bị ảnh hưởng thế nào. Họ bị ảnh hưởng trực tiếp thì mình  phải quan tâm đến đời sống của họ và có những cái hỗ trợ cho họ thế nào. Cái thứ hai nữa là tại vì mình không thể kiện TQ ra các tòa miễn phí như ICJ hay ITLOS. ICJ là tòa được thành lập bởi Hiến chương Liên Hiệp Quốc hay ITLOS là tòa được thành lập bởi UNCLOS, hai tòa này mình là thành viên thì mình không cần trả tiền để kiện ở đây. Mà kiện ở đây phải có sự đồng ý giữa mình và TQ và chắc chắn TQ sẽ không đồng ý giống vụ của Philippines. Mình phải kiện ở nơi khác là Tòa Trọng tài là nơi Philippines kiện TQ. Tòa này phải trả nhiều tiền, trả cho từng thẩm phán và tòa và nhiều thứ. Lúc mà Philippines kiện TQ thì tiền mà Philippines bỏ ra để theo kiện tính bằng % GDP của cả nước trong mấy năm. Cho nên để đưa vụ kiện này ra về pháp lý mình hoàn toàn tin tưởng mình có thể chiến thắng, nhưng các mặt khác mình phải tính toán cho thật kỹ, chuẩn bị thật kỹ.


RFAMột số người nói rằng VN không cần đưa TQ ra tòa nữa vì Philippines đã đưa ra rồi và phán quyết của tòa có những cái rất có lợi cho VN liên quan đến đường đứt khúc 9 đoạn mà TQ vẽ ra trên biển. Vậy thì VN chỉ cần tuyên bố chính thức là VN chấp nhận phán quyết của tòa năm 2016. Chị có nhận xét gì về ý kiến này?
Phạm Ngọc Minh Trang: Thực ra VN đã đưa ra một tuyên bố chính thức là VN ủng hộ tòa đưa ra phán quyết. Đó cũng là một bước cho thấy VN ủng hộ vụ kiện và ủng hộ Philippines. Cái thứ hai về mặt pháp lý thì đây là vụ kiện của hai nước và nó chỉ có giá trị pháp lý của hai nước mà thôi. Nó sẽ luôn luôn có giá trị pháp lý giữa Philippines và TQ dù sau nay không còn Philippines hay TQ đi chăng nữa, nhưng nó sẽ không có giá trị với nước thứ ba. Theo mình biết từ đó đến giờ chưa có quốc gia nào tuyên bố mình sẽ chấp nhận phán quyết đã ra rồi. Ví dụ trong lúc có vụ kiện mà mình đăng ký vào làm bên thứ ba của vụ kiện này và sẽ chịu tác động pháp lý của vụ kiện trong lúc họ đang kiện thì mình có thể. Còn sau đó rồi thì nó chỉ có giá trị pháp lý giữa hai nước mà thôi. Tuy nhiên nếu mình kiện thì mình có quyền dẫn lại những phán quyết trước đây có lợi cho mình.


RFA: Trong bài báo của chị chị có viết là VN có thể xem xét các bước khác nữa là có được một tuyên bố của ASEAN bày tỏ sự quan ngại về vấn đề Biển Đông. Thực ra ASEAN trong tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 7 cũng bày tỏ quan ngại nhưng họ không nói thẳng là quan ngại mà nói là có một số sự kiện nghiêm trọng xảy ra ở Biển Đông. ASEAN từ trước đến nay cũng luôn tránh chỉ đích danh TQ, và một số chuyên gia nhận định là ASEAN cũng bị chia rẽ do ảnh hưởng của TQ. Chị nghĩ VN có khả năng tạo được một tuyên bố như vậy không và một tuyên bố chung dung như vậy thì giúp được gì cho VN?
Phạm Ngọc Minh Trang: Thực ra nó không phải là những tuyên bố chung dung đâu. ASEAN là một tổ chức quan trọng nhất ở Đông Nam Á hiện giờ. Họ đã ra được tuyên bố quan ngại về những sự kiện xảy ra trong khu vực cũng thể hiện phần nào áp lực với các nước có liên quan. Cái thứ hai là về vấn đề ASEAN chia rẽ hiện nay thì vấn đề đó là có. Campuchia, Lào, hay Tổng thống Duterte của Philippines hiện giờ thì khó có thể đưa ra một tuyên bố của ASEAN. Tức là 10 nước phải đồng thuận thì tuyên bố đó mới được công bố. VN có thể lấy tên ASEAN, tập hợp giữa VN với Malaysia, Singapore, hay cố gắng có Philippines, gọi là các nước ASEAN, thì lúc đó mình có cái tên ASEAN thì tiếng nói của mình là tập hợp của các nước, không phải là một mình VN lên tiếng chống lại TQ. Có được cái tên ASEAN vào thì tốt hơn là chỉ là một cái tên VN quan ngại.


RFA: Chúng ta phải quay lại ý kiến chị nói lúc nãy về tòa Công lý Quốc tế ICJ, và tòa ITLOS, có một số ý kiến nói rằng là Việt Nam có thể yêu cầu hai tòa ra ý kiến tham vấn về hiệu lực của phán quyết tòa PCA. Người ta cũng nêu những dẫn chứng, những vụ trước đó như giữa Malaysia và Singapore. Chị có thể phân tích liệu VN có thể áp dụng điều này và nó có lợi gì cho VN?
Phạm Ngọc Minh Trang: Để xin được ý kiến tham vấn của các tòa quốc tế thì các quốc gia không thể nào một mình xin ý kiến tham vấn mà phải là một cơ quan của tổ chức quốc tế hay một tổ chức quốc tế nào đó. Ví dụ để xin ý kiến của ICJ thì phải là Đại hội đồng xin ý kiến tham vấn hoặc là Hội đồng bảo an UN xin tham vấn hoặc các cơ quan nhỏ của UN xin tham vấn thì ICJ lúc đó mới có quyền đưa ý kiến tham vấn chứ VN không có thể nào đưa vào ICJ và nói họ trả lời câu hỏi này… Cho nên bước đầu tiên bao giờ cũng là sự ủng hộ của tất cả các nước, hay đa số các nước của một tổ chức nào đó. Ở đây ICJ thì là Đại hội đồng UN, cũng phải ra được một cái nghị quyết nói rằng Đại hội đồng rất quan ngại về tình hình Biển Đông, và nhơ ICJ tư vấn pháp lý để giải quyết vấn đề hoặc đưa ra những đề xuất pháp lý giải quyết thế nào, thì vấn đề này mới được giải quyết. Tương tự với ITLOS thì cũng phải là một tổ chức quốc tế, bất cứ tổ chức quốc tế nào hoặc một hiệp ước quốc tế giữa các nước trong khu vực ký kết với nhau và yêu cầu là dựa vào hiệp ước đó thì ITLOS trả lời một số câu hỏi liên quan đến pháp lý về một số vấn đề nào đó. Cho nên nếu VN muốn sử dụng ý kiến tham vấn, thì lúc nào cũng phải tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Đó là một trong những lý do mình nói là VN phải đưa ra cho quốc tế biết nhiều hơn về vấn đề Biển Đông, phải đưa ra Đại hội đồng LHQ.


RFA: Theo phân tích của chị là lúc này VN chưa có lợi thế để đưa ra bất kỳ tòa nào đúng không ạ?
Phạm Ngọc Minh Trang: Nhìn chung thì chưa phải là thời điểm thích hợp để đưa ra tòa án. … Những khó khăn đó khiến cho thời điểm lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp.

RFA: Xin cảm ơn chị đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn








No comments:

Post a Comment