Saturday, September 7, 2019

KINH TẾ TOÀN CẦU KHỐN ĐỐN VÌ CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
05/09/2019

Cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm dậy sóng nền kinh tế toàn cầu, làm tổn thương niềm tin các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, làm suy giảm giao thương giữa các nền công nghiệp lớn ở châu Á và gây thiệt hại các nhà máy theo hướng xuất khẩu ở châu Âu, theo điều tra và khảo sát của tờ Wall Street Journal.

Bắt đầu từ ngày 1/9, Mỹ đã áp vòng thuế mới 15% đối với hàng hóa Trung Quốc bao gồm quần áo, dụng cụ và đồ điện tử. Đợt thuế quan trả đũa của Trung Quốc cũng bắt đầu có hiệu lực, nhắm vào đậu nành, dầu thô và dược phẩm nhập khẩu từ Mỹ.

Niềm tin kinh tế của các công ty nhỏ của Mỹ đã giảm trong tháng 8 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2012, theo một cuộc khảo sát hàng tháng của hơn 670 công ty nhỏ được thực hiện cho Wall Street Journal. Tỷ lệ những người cho rằng kinh tế Mỹ sẽ xấu đi trong 12 tháng tới đã tăng lên 40%, so với 29% vào tháng 7 và 23% một năm trước.

Các nước bị ‘lạc đạn’

Trong khi đó, hôm 3/9 Nhật Bản cho biết rằng chi tiêu vốn của các hãng chế tạo của họ đã giảm 6,9% trong quý 2, mức giảm đầu tiên trong hai năm do các công ty này đang lao đao với xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm gần hai chữ số. Hàn Quốc cũng cho biết xuất khẩu của họ sang Trung Quốc đã giảm 21,3% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, khiến tổng lượng xuất khẩu của họ giảm 13,6%.

Thuế quan đang gây áp lực lên chi phí cho các công ty đa quốc gia, buộc họ phải tìm cách bù đắp. Hơn nữa, sự bất định về triển vọng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các lãnh đạo công ty khó lên kế hoạch.

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho biết tác động thuế quan đặc biệt rõ rệt ở các thiết bị và vật liệu công nghệ cao được các nhà máy ở Trung Quốc mua về, như phụ tùng ô tô Nhật Bản và chất bán dẫn của Hàn Quốc. Các nhà máy Trung Quốc sử dụng những sản phẩm đó để sản xuất thành phẩm, một số trong đó được xuất khẩu sang Mỹ

Khảo sát các giám đốc mua hàng tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia cũng cho thấy sự suy giảm trong hoạt động sản xuất chế tạo trong tháng 8. Còn ở châu Âu sụt giảm trong hoạt động sản xuất được thấy rõ rệt nhất ở Đức, cường quốc xuất khẩu của châu lục và là nhà cung cấp máy móc và thiết bị hàng đầu trên thế giới.

Theo nhận định của đài CNN, Đức đang đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế. Cơ quan thống kê chính phủ báo cáo rằng nền kinh tế Đức đã giảm 0,1% trong quý hai. Ngân hàng Trung ương Đức dự đoán quý thứ ba cũng sẽ sụt giảm. Hai quý liên tiếp sụt giảm tăng trưởng cũng có nghĩa là kinh tế Đức chính thức bước vào suy thoái. Nếu Đức làm ra ít xe hơn thì các nhà cung cấp của họ ở Hà Lan, Ý, Ba Lan và các nơi khác sẽ thấy đơn đặt hàng giảm, sản xuất chậm và thất nghiệp tăng lên.

“Chiến tranh thương mại và thuế quan vẫn là mối quan tâm lớn nhất của các nhà sản xuất, và sự leo thang chiến tranh thương mại toàn cầu trong tháng 8 đã càng khiến mọi người ngại rủi ro hơn nữa,” ông Chris Williamson, kinh tế gia trưởng tại IHS Markit, đơn vị thực hiện cuộc khảo sát này, nói với Wall Street Journal.

CNN cũng chỉ ra trường hợp của Argentina nơi mà vị Tổng thống từng làm doanh nhân và có lập trường thân thiện với thị trường Mauricio Macri từng cam kết sẽ đảo ngược các chính sách tai hại của người tiền nhiệm cánh tả mang màu sắc dân túy. Khi Macri chuẩn bị ra tái tranh cử thì ông Trump bắt đầu áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại đã khiến các nhà đầu tư bỏ chạy, khiến nội tệ lao dốc. Ngân hàng Trung ương Argentina đã tăng lãi suất để hỗ trợ đồng peso, làm suy giảm tăng trưởng. Trong bối cảnh bất mãn ngày càng sâu sắc, các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp Argentina đang lo ngại rằng ông Macri sẽ mất ghế Tổng thống.

Công ty Mỹ vật lộn

Cuộc khảo sát các công ty nhỏ ở Mỹ do Vistage Worldwide Inc., một tổ chức huấn luyện điều hành, thực hiện hồi tháng 8, ngay sau khi Tổng thống Trump công bố đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng trước khi ông ra lệnh cho các công ty Mỹ bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế Trung Quốc, cho thấy 45% các công ty nhỏ có doanh thu từ 1 đến 20 triệu đô la cho biết lời tuyên bố đánh thuế của ông Trump sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Trong cuộc khảo sát, một số chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết họ ủng hộ thuế quan, ngay cả thuế khiến họ khốn đốn trong ngắn hạn, và đa số cho biết họ lạc quan về tình hình tài chính của mình.

Nhưng các chủ doanh nghiệp cho biết sự bất định về việc liệu thuế có được áp dụng không và khi nào, mức thuế sẽ lớn đến đâu và sẽ được duy trì trong bao lâu, khiến cho họ khó lòng lên kế hoạch sản xuấtvà gây tổn hại cho việc làm ăn của họ, theo Wall Street Journal.

“Thật là ngộp. Thật mệt mỏi. Thật mất tinh thần,” bà Susan White Morrissey, người sáng lập White + Warren, một thương hiệu trang phục vải cashmere ở New York, nói với Wall Street Journal. “Nhân viên của tôi chỉ muốn biết phải làm gì. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, tôi không thể cho họ câu trả lời.”

“Điều chỉnh với chi phí gia tăng đã đủ khó nhưng không biết chắc chính sách sẽ như thế nào trong tương lai còn khó hơn đối phó hơn,” ông Richard Curtin, kinh tế gia thuộc Đại học Michigan, được Wall Street Journal dẫn lời nói. “Đối với các công ty nhỏ điều đó có nghĩa là thận trọng hơn trong kế hoạch đầu tư và tuyển dụng.”

Wiscon Products Inc., một cửa hàng máy móc chính xác ở Racine, bang Wisconsin, thường đặt hàng nguyên liệu trước sáu tháng, nhưng những ngày này họ gặp khó khăn khi yêu cầu khách hàng quyết định họ cần gì trong ba tuần. Một nhà sản xuất ô tô đã hủy đơn đặt hàng phụ tùng trị giá 2 triệu đô la dành cho Trung Quốc vì căng thẳng thương mại leo thang.

Công ty này đã tìm cách bù đắp khoảng 40% doanh thu bị mất thông qua tiếp thị mạnh mẽ và hy vọng sẽ có kết quả tốt hơn, với khách hàng đa dạng hơn. Tuy nhiên, họ đã hoãn kế hoạch mua máy móc mới.

“Đây là điều lạ lùng nhất mà tôi từng thấy,” Chủ tịch Wiscon, ông Torben Christensen, người đã điều hành công ty trong thập kỷ qua, nói. “Nền kinh tế đang bùng nổ, nhưng có nhiều bất trắc. Mà chủ yếu là do chính sách thương mại.”

Các cuộc đàm phán thương mại hầu như bị đình trệ kể từ cuối tháng 5, khi các nhà đàm phán được cho là tiến gần đến một thỏa thuận. Kể từ đó, các nhà đàm phán hai nước đã cố gắng đạt được một thỏa thuận sơ bộ, và cho đến nay vẫn không thành công, mà theo đó Trung Quốc cam kết mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và Mỹ đồng ý nới lỏng các hạn chế đối với tập đoàn viễn thông Huawei.

Mức thuế bổ sung 15% của Mỹ đối với 156 tỷ đô là hàng Trung Quốc bao gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đồ chơi, trò chơi điện tử và các sản phẩm khác đã được ấn định vào ngày 15/12.

Argosy Cruises, một công ty tàu du lịch ở Seattle, gần đây đã hoãn kế hoạch thay thế hai tàu cũ sau khi được thông báo rằng chiếc thuyền 500 hành khách có giá 8,5 triệu đô la hai năm trước giờ sẽ tốn thêm khoảng 1 triệu đô la nữa mà nguyên nhân tăng giá là do thuế quan, giám đốc điều hành Argosy, ông Kevin Clark, nói. Ông Clark cũng lo ngại căng thẳng thương mại đang làm giảm lượng khách du lịch Trung Quốc.

“Cần phải có sự ổn định nào đó về thuế quan và giá cả,” ông Clark nói. “Tôi không muốn ký hợp đồng trong hai năm tới mà không có yếu tố chắc chắn.”

Travis Luther, người sáng lập Queen Anne Pillow Co., công ty sản xuất gối cao cấp có trụ sở tại Denver, cho biết các đối thủ lớn hơn đã tăng tốc mua hàng để né trước thuế quan, điều mà công ty còn non trẻ của ông không làm được. Công ty này đã trả mức thuế cao hơn đối với hàng dệt bông sản xuất tại Trung Quốc được nhập vào Mỹ để sản xuất gối.

Để thích nghi, một số công ty đang di dời.LumiGrow Inc., một công ty sản xuất đèn LED cho làm vườn với quy mô 30 nhân viên, đang dời sang một nhà máy ở Malaysia chỉ một năm sau khi họ đã dời từ Mỹ sang Trung Quốc để giảm chi phí.

Jay Albere, giám đốc điều hành của công ty có trụ sở ở California này, ủng hộ thuế quan nhưng không đồng tình với sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách thương mại. Một chuyến tàu xuất cảng đèn LED đang trên đường đi từ Trung Quốc thì có thông báo sẽ chịu thuế cao hơn trước có vài ngày. “Hãy cho phép tôi có khả năng lên kế hoạch và đưa ra quyết định kinh doanh thông minh,” ông nói. “Sự bất định thật sự rất, rất khó.”

Một số chủ doanh nghiệp nhỏ nói rằng bỏ các nhà cung cấp Trung Quốc không phải là một lựa chọn. Công ty Remodeez có trụ sở tại Charlotte, bang North Carolina, cho biết các quốc gia khác không có kiến thức hoặc cơ sở hạ tầng để sản xuất thiết bị khử mùi cho họ. Ngay cả khi họ có thể tìm được nơi sản xuất mới, chi phí chuyển đổi sẽ làm suy yếu sự phát triển của công ty do họ đã bỏ ra một khoản đầu tư lớn ở Trung Quốc. Công ty này đang tính đến tự mình gánh chịu thuế thay vì tăng giá sản phẩm đối với người tiêu dùng.

Trong khi đó, chi phí cao hơn đang chèn ép dòng tiền mặt và gây khó cho kế hoạch mở rộng, Giám đốc điều hành Jason Jacobs cho biết.

Do doanh nghiệp ‘tồi’?

Hôm 3/9, ông Trump đã bác bỏ quan điểm cho rằng các chính sách thương mại của ông đang gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Ông đổ lỗi cho ‘các công ty điều hành tệ và các công ty yếu kém’ về bất cứ những thất bại kinh doanh nào và kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong bài viết có tựa đề: ‘Chính sách thương mại ‘Nước Mỹ trên hết’ đang tàn phá kinh tế toàn cầu’, CNN cho rằng chính chính sách thương mại của ông Trump là nguồn gốc cho sự suy giảm nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Trên toàn cầu, các quốc gia đang cắt giảm dự báo tăng trưởng và nêu ra tranh chấp Mỹ-Trung là nguyên nhân chính.

“Ông Trump khăng khăng rằng nền kinh tế Mỹ rất mạnh và nói rằng ông không lo lắng về suy thoái. Ông cũng nói là ông sẽ dễ dàng chiến thắng trong chiến tranh thương mại; ông nói đi nói lại rằng Trung Quốc mới là phía phải trả thuế quan mà ông áp đặt lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cũng như ông đã từng nói rằng Mexico sẽ trả tiền xây bức tường biên giới - tất cả những tuyên bố này đều đã được chứng minh là nói bậy,” bài báo viết.

“Mặc dù Trump có thể phủ nhận rằng cuộc chiến thương mại của ông với Trung Quốc có thể gây hỗn loạn cho nền kinh tế Mỹ, các quốc gia khác đã cảm thấy bị ảnh hưởng và ảnh hưởng này có thể sâu rộng - trong một số trường hợp có thể để lại hậu quả lâu dài sau khi thuế quan chấm dứt.”

Theo đài này, đó là lý do tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp, các thành viên của nhóm đã lên tiếng chống lại phát động chiến tranh thương mại. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã thẳng thừng nói về ‘những tranh chấp vô nghĩa’, cảnh báo rằng ‘chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến suy thoái’.

Trong khi đó, sự hứng thú của ông Trump đối với chiến tranh thương mại không có dấu hiệu thuyên giảm. Ông Trump và Bộ Thương mại của ông tuyên bố rằng ô tô nhập khẩu từ nước ngoài là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Và giờ đây, khi mọi việc rõ ràng rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không hề dễ dàng, ông có thể chuẩn bị áp thuế đối với ô tô châu Âu, CNN cho biết.

“Trung Quốc không phải là một đối tác công bằng trong thương mại và nếu chính sách của Trump bằng cách nào làm thay đổi hành vi của Trung Quốc, nhiều người sẽ vui mừng. Tuy nhiên, trong khi đó, thiệt hại đang lan rộng và những người chỉ trích cho rằng có nhiều cách tốt hơn để giải quyết vấn đề, bao gồm làm việc cùng với các đồng minh thay vì liên tục đe dọa họ,” bài báo nhận định.





No comments:

Post a Comment