Monday, September 23, 2019

HỘI THẢO VỀ XU HƯỚNG CỘNG HÒA TẠI VIỆT NAM (Bùi Văn Phú)




Bùi Văn Phú
23/09/2019

Trong hai ngày 14 và 15 tháng Mười 2019 tới đây, Center for Asian and Pacific Studies tại Đại học Oregon, Eugene sẽ tổ chức hội thảo quốc tế chủ đề: “Studying Republican Vietnam: Issues, Challenges, and Prospects”. Giáo sư Vũ Tường của khoa chính trị học là trưởng ban tổ chức hội thảo này.

Giáo sư Vũ Tường (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Học giả và nghiên cứu sinh từ các đại học Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi trên thế giới sẽ trình bày 36 bài tham luận liên quan đến quan điểm, khuynh hướng cộng hoà tại Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua, qua những nhân vật chính trị, những chính sách, trào lưu văn chương cũng như đời sống văn hoá, xã hội.

Giáo sư Peter Zinoman từ Đại học U.C. Berkeley sẽ là diễn giả chính vào sáng khai mạc và Giáo sư Keith Taylor từ Đại học Cornell sẽ nói chuyện trong buổi chiều kết thúc hội thảo.

Tham gia hội thảo với các bài nghiên cứu có Martena Nguyen, Y Thien Nguyen, Nu-Anh Tran, Haydon Cherry, Christoph Giebel, Pham Thi Hong Ha, Alvin Bui, Nguyen Duc Cuong, Hoang Duc Nha, Edward Miller, Tuan Hoang, Olga Dror, Sean Fear, Truong Thuy Dung, Jay Veith, Trinh Luu, Alex-Thai Vo, Yen Vu, David Prentice, Wynn Gadkar-Wilcox, Nguyen Thi Tu Huy, Cindy Nguyen, Jason Gibbs v.v…

Giáo sư trưởng ban tổ chức Vũ Tường mới đây đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn về hội thảo. Ông tốt nghiệp tiến sĩ chính trị học từ Đại học U.C. Berkeley và đã tham gia ban giảng huấn Đại học Oregon, Eugene từ năm 2008.


Bùi Văn Phú: Giáo sư có thể cho biết những lý do đưa đến việc tổ chức hội thảo quốc tế này?
Gs. Vũ Tường: Lịch sử Việt nam hiện đại có nhiều khoảng trống, vùng trắng, là những giai đoạn hay biến cố lịch sử mà chúng ta có hiểu biết rất mù mờ. Những tư tưởng, xu hướng và tổ chức chính trị cộng hoà là một trong những khoảng trống lớn đó. Do cộng sản là “bên thắng cuộc”, các sử gia của họ như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện được cả một guồng máy chính trị hỗ trợ trong hàng thập kỷ tha hồ tuyên truyền quan điểm, bịa đặt sự kiện, nhào nắn dư luận, cũng như pha chế “kiến thức” để tôn vinh họ, trong khi đàn áp trù dập những quan điểm khác, bôi nhọ những xu hướng chính trị khác.

Việc tồn tại một vùng trắng trong kiến thức lịch sử về hình thái chính trị cộng hoà còn được sự giúp sức đắc lực của giới sử gia nước ngoài. Nhiều sử gia nước ngoài có ảnh hưởng như David Marr chống chiến tranh Việt nam và công khai ủng hộ miền Bắc trong thời chiến, coi miền Bắc là đại diện chân chính cho truyền thống ái quốc của người Việt. Họ nghĩ các lãnh đạo miền Bắc, nhất là Hồ Chí Minh, không phải là cộng sản mà đi theo Liên Xô, Trung Quốc vì cần có hỗ trợ quốc tế để chống Pháp và sau đó là Mỹ. Những sử gia này có thời say mê trích dẫn Trần Huy Liệu và dịch sách của Nguyễn Khắc Viện mà không biết đó là tuyên truyền. Họ bỏ cả đời nghiên cứu về cộng sản và coi nhẹ những người theo những xu hướng chính trị khác.

Mục đích của Hội thảo là nhằm khuyến khích nghiên cứu về các tư tưởng, xu hướng, và tổ chức chính trị cộng hoà để lấp dần khoảng trống nói trên trong lịch sử Việt nam. Mục đích không phải để tôn vinh hình thái chính trị cộng hoà mà để có sự hiểu biết khách quan, đầy đủ hơn về lịch sử cũng như đánh giá đúng vai trò của nó trong quá khứ và rút ra bài học cho tương lai.


Bùi Văn Phú: Trong giới học giả và nghiên cứu sinh quan tâm đến tư tưởng cộng hoà tại Việt Nam, những đề tài được chú ý nhiều là gì, thưa giáo sư?
Gs. Vũ Tường: Nói một cách sơ lược, hình thái chính trị cộng hoà là một hình thái chính trị dựa trên tiền đề về dân quyền và dân chủ, đối chọi với quân chủ và độc tài. Quốc dân là người chủ của quốc gia và người dân có quyền làm chủ thể hiện qua hiến pháp, luật pháp và cách tổ chức hệ thống chính trị. Chính trị cộng hoà khác với cộng sản kiểu Lênin ở chỗ cộng sản cũng nói người dân, nhất là giai cấp lao động, là chủ, nhưng lại đặt lên đầu họ một đảng chính trị “tiên phong” dẫn dắt họ – đây thực ra là một thể chế độc tài, một loại quân chủ trá hình.

Giới nghiên cứu quan tâm đến những nhà tư tưởng chính của nền chính trị cộng hoà, như Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim. Họ quan tâm đến những tổ chức chính trị và văn hoá có khuynh hướng cộng hoà như Việt Nam Quốc dân Đảng, Đảng Cần lao Nhân vị, Tự lực Văn đoàn, Sáng Tạo, Bách Khoa, Đại học Vạn Hạnh. Họ quan tâm đến những nhà chính trị cộng hoà như Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Nguyễn Văn Bông. Họ quan tâm đến tinh thần và thể chế cộng hoà dưới thời Việt Nam Cộng hoà từ 1955 đến 1975. Họ quan tâm đến những di sản của chế độ đó và sự tái sinh của những tư tưởng cộng hoà ở Việt Nam ngày nay và ký ức về Việt Nam Cộng hoà trong cộng đồng người Việt hải ngoại.


Bùi Văn Phú: Trước đây tại Đại học Cornell cũng như tại Đại học U.C. Berkeley cũng đã có những hội thảo chuyên về Việt Nam Cộng hoà, hội thảo tại Đại Học Oregon năm nay có khác biệt ra sao?
Gs. Vũ Tường: Các hội thảo trước đây tại Cornell and U.C. Berkeley giới hạn hơn về đề tài là thuần tuý về Việt Nam Cộng hoà thay vì hình thái chính trị cộng hoà. Tại hội thảo ở Cornell năm 2012 các diễn giả là những chính khách và tướng lĩnh của chế độ Việt Nam Cộng hoà. Tại Hội thảo ở U.C. Berkeley năm 2016 có những nhân vật của chế độ Việt Nam Cộng hoà nhưng không giới hạn trong các chính khách và quân nhân mà còn có cả những nhà giáo dục, nhà báo, nhà văn và một diễn viên điện ảnh. Hội thảo ở U.C. Berkeley cũng có một số nhỏ học giả trình bày nghiên cứu của họ về Việt Nam Cộng hoà.

Hội thảo ở Đại học Oregon lần này đại đa số là học giả và đề tài không giới hạn vào Việt Nam Cộng hoà mà bao gồm các xu hướng, tổ chức, tư tưởng chính trị cộng hoà từ thời thuộc địa cho đến ngày nay ở Việt nam và hải ngoại. Có hơn 30 học giả đến từ Việt nam, Úc, Âu châu, và Hoa kỳ.


Bùi Văn Phú: Theo giáo sư những lãnh đạo hay nhân vật chính trị nào dưới thời Việt Nam Cộng hoà cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa để soi sáng cho lịch sử?
Gs. Vũ Tường: Như tôi nói, hội thảo không giới hạn trong phạm vi Việt Nam Cộng hoà. Có những nhân vật nổi bật như Phan Châu Trinh, Trần Trọng Kim và Phạm Quỳnh của thời thuộc địa rất cần nghiên cứu thêm. Ví dụ, tại hội thảo sẽ có một học giả trình bày một nghiên cứu chưa từng có về nhà sử học Trần Trọng Kim như một trong những người khai sinh ra chủ nghĩa dân tộc ở Việt nam.

Còn những nhà lãnh đạo hay nhân vật chính trị của Việt Nam Cộng hoà đang hay cần được nghiên cứu thêm là Nguyễn Tường Tam, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Nguyễn Văn Bông, Thượng tọa Thích Nhất Hạnh, Thượng tọa Thích Minh Châu, Linh mục Cao Văn Luận, Hộ pháp Phạm Công Tắc và rất nhiều người nữa cũng xứng đáng để nghiên cứu vì chúng ta hiểu biết rất ít về họ.


Bùi Văn Phú: Còn những lãnh vực như kinh tế, văn hoá, đời sống xã hội thời Việt Nam Cộng hoà có những đề tài nào cần quan tâm hơn để thế hệ mai sau có những hiểu biết rõ hơn về một quốc gia đã hiện hữu 20 năm mà nay không còn?
Gs. Vũ Tường: Quan trọng hơn các chính trị gia là thể chế chính trị: hai Hiến pháp của Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hoà, Quốc Hội, các cuộc bầu cử, hệ thống toà án, chính quyền địa phương các cấp, vai trò của quân đội trong chính quyền, vai trò của đảng phái và xã hội dân sự, các quyền chính trị và quyền con người cơ bản v.v…

Về kinh tế thì đường lối phát triển chung, kinh tế tư nhân & nhà nước, quản lý kinh tế, chính sách thuế khoá & tiền tệ, khai thác sử dụng tài nguyên (cao su, dầu mỏ), xây dựng cơ sở hạ tầng, tham nhũng kinh tế, vai trò của viện trợ, chương trình người cày có ruộng, cách mạng xanh, v.v…

Về văn hoá và xã hội là di dân, đô thị hoá, văn hoá thị dân, sự phát triển các tôn giáo và chính sách tôn giáo của chính quyền, chính sách đối với người Hoa, người Miên, và các dân tộc thiểu số khác, chính sách ngoại giao, chính sách và hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khoẻ, bất bình đẳng xã hội như giai cấp, giới tính, chủng tộc, xung đột vùng miền, v.v…

Bùi Văn Phú: Trong chương trình sơ lược đưa ra, đặc biệt tại hội thảo tại Đại học Oregon năm nay có những học giả, nghiên cứu sinh đến từ các đại học ở Việt Nam mà tại các hội thảo trước đây không có sự tham gia, nguyên do nào hội thảo lần này đã có được sự quan tâm của học giả trong nước?
Gs. Vũ Tường: Nhiều di sản của Việt Nam Cộng hoà chưa bao giờ mất đi sự ái mộ của đông đảo công chúng Bắc cũng như Nam mặc dù bị cấm đoán ngặt nghèo trong nhiều thập kỷ. Thí dụ rõ nhất là âm nhạc, từ nhạc tình của Phạm Duy đến nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn đến “nhạc lính” trên nền điệu bolero của Trịnh Lâm Ngân. Các ca sĩ Sài gòn cũ như Thanh Tuyền và Chế Linh vẫn được khán giả cả nước mến mộ. Các lãnh vực nổi bật khác có triết lý của Kim Định, tư tưởng của Thích Nhất Hạnh, tiểu thuyết Dương Nghiễm Mậu, thơ Tô Thuỳ Yên và nghiên cứu sử học của Tạ Chí Đại Trường. Những sản phẩm văn hoá và những nhân vật văn hoá đặc sắc này sinh ra dưới chế độ cộng hoà, và sự trở lại của họ là bằng chứng gián tiếp về sự phục sinh của những giá trị cộng hoà.

Do nhu cầu của thời đại và hội nhập với thế giới bên ngoài từ thập niên 90, chính quyền cộng sản Việt Nam bị bắt buộc phải nhượng bộ cho phép các giá trị cộng hoà cũ phục hồi với một số dưới tên gọi mới: kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, tự do tôn giáo, quyền con người, tự trị đại học, giáo dục nhân bản, v.v… Nhiều biện pháp trên đây chỉ nửa vời và có tính mị dân nhưng cũng cho thấy tính chính danh của các giá trị này. Trong tình huống mới này các học giả ở Việt Nam ngày càng có tự do hơn để nghiên cứu về tư tưởng và thể chế chính trị cộng hoà cũng như những mặt tích cực của chế độ Việt Nam Cộng hoà. Nghiên cứu về những mặt tiêu cực cũng có giá trị học thuật nếu thực sự khách quan không miệt thị.

Bùi Văn Phú: Cám ơn giáo sư và chúc cho hội thảo thành công.







No comments:

Post a Comment