Thursday, September 19, 2019

ELON MUSK, AI & CHUYỆN CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐIÊN (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
September 18, 2019
Tôi còn nhớ lúc nhỏ hay được đi coi xi nê tại rạp Việt Nhi. Đây là một rạp hát của phong trào Hướng Đạo, dành riêng cho trẻ con, giá rất rẻ và thường mỗi lần chiếu là chiếu đến hai cuốn phim một lúc.

Vào những năm này Hollywood còn sản xuất các loại phim B mà ta có thể thấy qua sản xuất hàng loạt với nội dung hầu như không bao giờ thay đổi. Phim về các nhà khoa học điên khùng muốn chinh phục thế giới là một trong những loại phim thường gặp.

Mở đầu hầu như bao giờ cũng là một phòng thí nghiệm với một nhóm bác học mặc áo blouse trắng tay cầm ống nghiệm, và đám trẻ con chúng tôi biết ngay là trong nhóm này thế nào cũng có một người điên, điên cuồng đầy tham vọng muốn chinh phục thế giới trong lúc bắt người đẹp trong phim (thông thường bao giờ cũng tóc vàng). Nhưng cuối cùng thì người đẹp bao giờ cũng được giải cứu bởi chàng người hùng trong phim, tuy rằng phải đợi cho đến khi tên bác học điên này bộc lộ rõ bản chất bằng cách khoe khoang ý đồ và tham vọng của mình.

Tỷ phú Elon Musk, đồng sáng lập và tổng giám đốc của Tesla (phải, và trên màn hình) và ông Jack Ma, tỷ phú Trung Quốc, chủ tịch UN High-Level Panel on Digital Cooperation, tại hội thảo ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 29 Tháng Tám, 2019. (Hình: Getty Images)

Tất cả những ký ức đó tự nhiên được gợi lên khi tôi tình cờ đọc được một bản tin nói rằng công ty Neuralink của ông Elon Musk dự tính sẽ gắn hàng trăm cái điện cực tý hon vào trong óc con người để làm tăng khả năng tiếp xúc với computer.

Ông Musk biện luận rằng, hiện nay người ta phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào cái computer nhỏ gọi là smart phone đến nỗi chúng ta đã trở thành người máy “cyborg” một phần, thế nhưng cái con người máy của chúng ta còn rất kém hiệu năng vì mấy ngón tay và những lệnh đánh máy không phải là cái “interface” tối ưu. Thành ra mục tiêu của ông là cung cấp cho người ta một interface hữu hiệu và mau hơn nhiều qua việc gắn trực tiếp bộ óc của chúng ta với máy tính.

Tuyên bố tại Thượng Hải, ông Musk nói nếu nhân loại chúng ta không mau chóng cải thiện khả năng của mình thì chúng ta sẽ bị loại bỏ bởi trí thông minh nhân tạo. Ông nói “nếu ta không thắng được nó, thì chỉ có cách theo nó. Đó chính là mục tiêu của Neuralink.”

Những lời tuyên bố của ông Elon Musk gợi lại cho tôi ký ức của những nhà bác học khùng điên của các cuốn phim tuổi thơ. Viễn tượng mà vị doanh nhân “tech” này đưa ra giống như là trong những câu chuyện khoa học giả tưởng. Nhưng trong các cuốn phim tuổi thơ và trong các chuyện khoa học giả tưởng, tên bác học cuồng điên thường được mô tả là già nua xấu xí, trông giống như một tên phủ thủy của các chuyện thần tiên, trong khi ông Musk lại rất giống người hùng của các phim này, trẻ tuổi đẹp trai lại khéo ăn nói.

Tuy rằng viễn tượng mà ông Musk đưa ra thật là đáng sợ, nhưng cũng giống như tất cả những tiến bộ của khoa học từ trước tới nay, nó tùy thuộc vào việc người ta sử dụng nó như thế nào. Trái với chuyện xảy ra trong các cuốn phim, kỹ thuật mà công ty Neuralink của ông Musk sử dụng đã là một thực thể và đã được đem ra áp dụng, tuy rằng không phải cho những mục tiêu mà ông Musk đề ra.

Một báo cáo gần đây của Hàn Lâm Viện Khoa Học Anh, Royal Society, cho thấy kỹ thuật này đã được sử dụng rộng rãi trong khoa học. Các ứng dụng bao gồm việc gắn những điện cực vào lỗ tai giúp cho những người bị điếc có thể nghe được. Điện cực cũng được gắn vào não bộ giúp cho nhưng người bị bệnh Parkinson’s kiểm soát được sự run rẩy của tay chân.

Theo Tiến Sĩ Sarah Chan của Viện Đại Học Edinburg vốn là một trong những người đóng góp vào báo cáo của Royal Society thì kỹ thuật này có triển vọng giúp cải thiện một loạt những vấn đề y tế. Nó có thể giúp người ta nối các dây thần kinh với hệ thống điều khiển các tay chân giả để bộ óc có thể điều khiển trực tiếp các tay chân này giống như là một phần của cơ thể. Nó cũng có thể được dùng để chữa các bệnh động kinh, đau đớn và trầm cảm.

Thế nhưng bà Chan cũng cho biết, các kỹ thuật mới này cũng đặt ra cho người ta một vấn đề căn bản của triết học, một vấn đề cần phải được xã hội và các nhà làm chính sách thảo luận một cách kỹ càng.

Bà nói: “Khi nói đến chuyện chúng ta trở thành ‘cyborg’, khi chúng ta hội nhập vào với máy, chúng ta cần phải đặt câu hỏi làm vậy nó có tác động thế nào đến bản chất của con người và nhận thức của chúng ta về cái ‘tôi’ cũng như là bản thể của mình.”

Nhưng điều quan trọng trước mắt như một số nhà nghiên cứu chỉ ra là việc phổ biến và thương mại hóa kỹ thuật này sẽ đẩy người ta vượt qua một ngưỡng mới trong việc xâm phạm sự riêng tư của mỗi người và biến các dữ liệu thu được từ bộ óc chúng ta thành một món hàng mới để nuôi dưỡng hệ thống tư bản mới này.

Facebook vốn đã nắm rất nhiều về tư liệu cá nhân của nhưng người sử dụng đang bỏ nhiều tiền vào kỹ thuật “neural interface” này với mục tiêu giúp con người liên lạc trực tiếp với máy tính để có thể “đánh máy qua suy nghĩ” chẳng hạn. Nhưng nếu các công ty này sử dụng sai trái các dữ liệu mà họ thu được từ bộ óc chúng ta thì sao? Hoặc là nó rơi vào tay một chính quyền độc tài như tại Trung Quốc hay Việt Nam và dùng nó để tẩy não người ta thì sao? (Lê Mạnh Hùng)






No comments:

Post a Comment