Wednesday, September 25, 2019

[CỘNG SẢN] CÓ "QUỐC THỂ" ĐÂU MÀ NHỤC? (Thạch Đạt Lang)




Thạch Đạt Lang
26/09/2019

Báo Tiếng Dân ngày 24.09.2019 có đăng một bài viết của tác giả Nguyễn Tiến Tường với tựa đề “Nhục Quốc Thể” nói về chuyện đoàn ngoại giao do “Chủ tịch áo dài” Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu thăm Nam Hàn 4 ngày trong tháng 12 năm 2018, trong đó có 9 người đã trốn ở lại, mục đích tất nhiên chỉ để thoát khỏi “thiên đường XHCN” dù việc việc di cư này là bất hợp pháp.

Bài viết của ông Tường căn cứ vào thông tin từ báo chí Nam Hàn. Ông Tường cho rằng, tin tức từ truyền thông Nam Hàn về sự kiện này là nhục nhã và đáng căm phẫn.

Theo nhận định của ông Tường, không có quan chức nào của chính quyền CSVN chấp nhận việc sống chui nhủi, đi làm trốn thuế với những công việc thấp hèn hoặc tạm bợ bởi giai cấp cán bộ, đảng viên CS trong chế độ CSVN hiện nay là thành phần ăn trên, ngồi trước, là thành phần được tham dự một chuyến công du bằng phi cơ riêng, thuê của Vietnam Airlines.

Sự việc xảy ra đã hơn 10 tháng, đến nay mới vỡ lở. Dù 1 trong 9 người trốn ở lại đã ra đầu thú và xin về nước từ đầu năm nay, nhưng mãi tới bây giờ thông tin mới lộ ra ở Nam Hàn và báo chí nước này đưa tin. Chính phủ Nam Hàn sau đó bắt thêm được một người nữa và hiện đang làm thủ tục trục xuất.

Bài báo của thongtinhanquoc.com cho biết, đoàn của bà chủ tịch áo dài Nguyễn Thị Kim Ngân có tất cả 162 người gồm 20 bộ và thứ trưởng cao cấp (thứ trưởng, bộ trưởng mà không cao cấp thì còn ai cao cấp nữa?). Như vậy khi làm thủ tục xuất cảnh khỏi Nam Hàn, đoàn thiếu mất 9 người, chỉ còn lại 153.

Nghĩ cũng lạ, một phái đoàn ngoại giao do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, đi bao nhiêu không biết, về bao nhiêu không hay. 9 người chứ có phải 9 con ruồi, con kiến đâu mà không thấy ai báo cáo, báo chồn gì cho đến 10 tháng sau, báo chí, truyền thông và người dân trong nước mới biết chuyện nhờ báo chí nước ngoài đưa tin!

Tuy nhiên, sự kiện này thật ra chẳng có gì quan trọng để ông Tường phải căm phẫn hay cảm thấy nhục nhã cho quốc thể.

Đối với những người CSVN, quốc thể chỉ là chuyện tầm phào, nói cho có, sự tồn tại “thiên niên trường trị” của đảng CS, cũng như địa vị lãnh đạo, chức tước của họ trong đảng, trong chính quyền mới là chuyện lớn, đáng quan tâm, rất quan trọng và rất ư … quan ngại.

Nếu người cộng sản VN coi trọng quốc thể – biết nhục nhã, có lòng tự trọng khi thể diện đất nước hay cá nhân – trong cương vị lãnh đạo sợ bị chỉ trích, phê bình, thì đã không có quá nhiều chuyện tai tiếng, từ lúc Hồ Chí Minh còn ở đỉnh cao quyền lực gây ra trước đây, cho đến các lãnh đạo cao cấp đã gây ra, kéo dài đến ngày hôm nay. Đơn cử một vài thí dụ:


2. Trong thập niên 90, đại sứ Lê Văn Bàng của nước CHXHCN Việt Nam tại Liên Hiệp quốc bị bắt ở Mỹ vì tội trộm sò ở khu vực cấm Hog Creek, quận East Hampton, New York. Có lẽ Đại sứ Bàng không biết luật lệ ở Mỹ nên đi mò sò rồi bị bắt, nhưng khi bị cảnh sát phát hiện, ông Bàng giả vờ không biết tiếng Anh. Khi cảnh sát lập biên bản, do sợ bị bắt giữ, ra tòa, sẽ lớn chuyện, nên ông Bàng xuất trình giấy tờ chứng minh là viên chức ngoại giao và xin đặc quyền miễn trừ ngoại giao.


4. Vũ Kiều Trinh con gái của Vũ Văn Hiến, Tổng giám đốc đài Truyền hình Việt Nam, năm 2001 đã vào siêu thị ở Thụy Điển ăn cắp và bị bắt. Tòa đại sứ Việt Nam ở Thụy Điển phải can thiệp, làm giấy chứng nhận cho Kiều Trinh giả vờ bị tâm thần, nên cảnh sát Thụy Điển chỉ giam vài ngày rồi thả.

Nhưng chứng nào tật nấy, năm 2006, khi qua Anh làm việc, Kiều Trinh lại ngứa tay chôm chiếc máy ảnh digital ở một cửa hàng và bị bắt. Một lần nữa giấy chứng nhận tâm thần lại là bùa hộ mệnh cho Kiều Trinh.


Đây là hành động nhục nhã của đảng CSVN mà bà Kim Ngân là người đại diện, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, hành động đó đã làm nhục quốc thể và đáng khinh bỉ, lên án hơn nhiều so với việc 9 người trong đoàn người ngoại giao qua Nam Hàn đã bỏ trốn.

Hơn nữa, người dân trong nước có câu: “Cái cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi“. Chín người kia, cũng như nhiều người khác, hễ có điều kiện, phương tiện, tiền bạc, cho dù là đảng viên, đại biểu Quốc hội, có chức tước, địa vị ở Việt Nam cũng đều tìm cách thoát thân.

Một số đại biểu Quốc hội đã bỏ tiền ra mua quốc tịch nước ngoài, có người trót lọt, nhưng có người đã bị phát hiện như cựu ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường, có quốc tịch nước Cộng hòa Malta, một đảo quốc nhỏ bé, có dân số chưa tới nửa triệu. Vụ việc bị phát hiện, bà Hường đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội khoá 14.

Hay như bà Đặng Thị Hoàng Yến, cựu đại biểu Quốc hội khóa 13, cũng đã nhập quốc tịch Mỹ với tên mới là Maya Dangelas, hiện đang kiện cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nên việc trốn ở lại Nam Hàn của 9 người trong đoàn ngoại giao của bà Kim Ngân chẳng có gì đáng coi là điều nhục nhã, căm phẫn so với những nỗi nhục mà các quan chức lãnh đạo đất nước đã từng gây ra.

Điều chúng ta nên cảm thấy nhục nhã, căm phẫn là, hầu hết người dân đã chọn sự im lặng hoặc lên tiếng chưa đủ chỉ vì hèn nhát hoặc vì thờ ơ, để cho những kẻ bất tài, gian dối, tham lam vô độ, tiếp tục lãnh đạo, đưa đất nước tới bờ vực thẳm, lệ thuộc vào ngoại bang trong nay mai.

Chúng ta gọi đó là nhục quốc thể, nhưng với những người CSVN, họ không có quốc thể, họ chỉ có “đảng thể”.


---------------------

XEM THÊM

RFA
24/09/2019

Hơn 10 tháng sau khi phái đoàn ĐBQH Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc mới loan tin cho biết 9 trong số 160 người đi theo đoàn đã không quay trở lại Việt Nam sau chuyến thăm từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 12 năm 2018.

Ảnh chụp màn hình Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc, hôm 23/9/2019 đưa tin về người Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc.   Screen capture

Tin cho biết, phái đoàn ĐBQH Việt Nam sang Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang. Ngoài Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, còn có 20 quan chức cấp cao là các Bộ trưởng và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Hãng tin MK News, chính phủ Hàn Quốc đã không biết gì về việc 9 thành viên trong đoàn ĐBQH Việt Nam bỏ trốn cho tới khi một người trong số đã bỏ trốn xuất hiện ở sân bay hồi đầu năm 2019 và xin trở về Việt Nam thì vụ việc mới được vỡ lẽ.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khi trả lời phóng viên BBC tiếng Hàn hôm 24/9/2019 cho biết đã xác nhận với Bộ Tư pháp Hàn Quốc rằng, trong chuyến thăm của phái đoàn ĐBQH Việt Nam, có 9 người nhập cư bất hợp pháp, 2 trong số họ đã trở về nước, 7 người vẫn còn đang ở bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao sẽ có hành động tiếp theo dựa trên cuộc điều tra của Bộ Tư pháp, và dựa trên mối quan hệ Việt - Hàn và mối quan hệ liên Triều để tìm hiểu tiếp về vụ việc.

Hiện tại Chính phủ Việt Nam cũng như báo chí nhà nước chưa lên tiếng về việc này.

Quy trình nhân sự của QH có vấn đề

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, không bàn về vụ việc 9 người trong đoàn ĐBQH trốn ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tuy nhiên ông cho RFA biết thông tin liên quan việc tổ chức đi nước ngoài của Quốc hội, vào 24/9:

“Hàng năm, theo yêu cầu xây dựng pháp luật hay học tập kinh nghiệm về hoạt động Quốc hội, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có xem xét quyết định các đoàn ra nước ngoài, số lượng thì tùy theo nguồn kinh phí hàng năm của các cơ quan thuộc Quốc hội.”

Để tìm hiểu về quy định nhân sự khi theo đoàn ĐBQH ra nước ngoài, RFA liên lạc ông Nguyễn Việt Thắng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, và được ông cho biết như sau:

“Có quy định gì đâu, các đoàn Quốc hội muốn đi thì phải có kế hoạch, đi đâu thì phải được nơi đấy mời hoặc mình đặt vấn đề nơi ấy có mời không? Tham quan việc gì, nội dung gì, phải phụ thuộc vào đoàn đấy và nơi tiếp đón thỏa thuận với nhau. Đoàn đi thì chủ yếu từng công việc thì có từng cái nhóm, tại vì Quốc hội có nhiều vấn đề, học tập kinh nghiệm cũng có, trao đổi kinh nghiệm nhiều việc cũng có, hoặc quan hệ quốc tế giữa các Quốc hội hoặc Nghị viện với nhau. Có nhiều loại khác nhau, nhiều cấp khác nhau và nhiều nội dung khác nhau.”

Đây không phải là lần đầu xảy ra việc công dân Việt Nam, hay quan chức đi công tác và tham quan nước ngoài rồi bỏ trốn ở lại, trước đây đã từng xảy ra chuyện các quan chức người Việt đi công tác ở châu Âu đã không quay trở lại Việt Nam. Hay vụ ông Trần Ngọc Phi Long, phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế của Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, được cử đi công tác tại Mỹ đã trốn ở lại quốc gia này. Tuy nhiên, vụ đi theo đoàn ngoại giao do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu thì đây là trường hợp đầu tiên.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, cũng khẳng định đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện trốn ở lại nước ngoài của đoàn ĐBQH:

“Trong thời gian tôi làm việc ở Văn phòng Quốc hội Việt Nam thì không xảy ra trường hợp như thế, không xảy ra chuyện phái đoàn Quốc hội đi  nước ngoài rồi trốn ở lại. Chưa từng xảy ra.”

Theo ông Lê Văn Cuông thì, trong đoàn đi nước ngoài của Quốc hội lúc trước thường chỉ có các ĐBQH, hay cùng lắm có một số người liên quan dự án xây dựng luật hay công việc của quốc hội thì được cử đi, chứ người nhà hay quen thân thì không được tham gia. Ông nói tiếp:

“Các ĐBQH là những người được chọn lựa, dân bầu tín nhiệm, và sự quản lý cũng chặt chẽ, cho nên các ĐBQH này rất nghiêm túc thực hiện các quy định, nên tôi không thấy trường hợp nào ra nước ngoài mà trốn ở lại. Còn phía dân sự thì nhiều, đi nước ngoài trốn ở lại cũng rất nhiều, còn ĐBQH thì cho đến nay tôi chưa thấy trường hợp nào trốn làm ảnh hưởng quốc thể như vậy.”

Vậy vì sao những người bỏ trốn này có thể đi cùng đoàn Đại biểu Quốc hội ra nước ngoài?

Một quan chức của Quốc hội Hàn Quốc khi trả lời phóng viên Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc về câu hỏi, liệu những người bỏ trốn đã đến Hàn Quốc với mục đích từ đầu như vậy hay không. Quan chức này nói rằng ‘có vẻ là như vậy’ và cho biết ông không biết liệu những người này có quan hệ thế nào với các quan chức trong đoàn làm việc của Quốc hội Việt Nam.

Theo ĐBQH Nguyễn Việt Thắng, phải tùy thuộc công việc, nếu nội dung có liên quan công nghiệp thực phẩm, thì Đoàn Quốc hội cũng phải có một vài chuyên gia đi kèm am hiểu công nghiệp thực phẩm, hay một vài doanh nghiệp nào đó đi kèm, để trao đổi với nhau. Hay đi về phòng chống thiên tai thì phải có chuyên gia phòng chống thiên tai. Còn ĐBQH thì vị nào chuyên về việc đó thì đi. Ông nói tiếp:

“Theo tôi biết thì trước kia chưa có ai trong Đoàn Quốc hội trốn cả, các đoàn kinh tế bình thường thì hồi xưa, hàng chục năm trước cũng có, các đoàn công tác thì cũng có người ở lại, nhưng rất là hạn hữu. Còn đoàn của Quốc hội đi nước ngoài thì tôi chưa thấy trốn bao giờ.”

Về thông tin 9 người đi theo đoàn Quốc hội Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc hồi tháng 12 năm 2018, ông Thắng cho biết:

“Cái đấy tôi không nghe tin, tôi không nắm được thông tin đấy.”

Xử lý thế nào?

Khi trả lời báo chí trong nước trước đây, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ cho biết, các quy định hiện hành rất khó xử lý đối với những trường hợp cán bộ bỏ trốn, ở lại nước ngoài.

Ông Lê Văn Cuông cho biết, trong quy định về quy chế hoạt động của ĐBQH có đề cập rất rõ quyền và trách nhiệm cũng như chế tài xử lý vi phạm. Còn các chuyên gia, doanh nhân đi kèm ĐBQH nếu vi phạm cũng căn cứ vào pháp luật Việt Nam, tùy theo mức độ nặng nhẹ, các cơ quan chức năng sẽ xem xét có chế tài xử lý. Vấn đề này, pháp luật Việt Nam rất minh bạch, kể cả phạm tội ra nước ngoài thì phát lệnh truy nã quốc tế.

Theo tin TTXVN đăng tải hồi tháng 12 năm 2018, chuyến thăm Hàn Quốc của Đoàn ĐBQH Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc và mong muốn phát triển mối quan hệ lên tầm cao mới.

Theo Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc, Quốc hội Hàn Quốc đã không thông báo cho phía Việt Nam biết về việc 9 người Việt Nam bỏ trốn, cũng như đã không yêu cầu Việt Nam tiến hành điều tra, hay yêu cầu đảm bảo tránh sự việc tương tự sẽ xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, với sự vụ vỡ lẽ như trên, dư luận trong nước rất bức xúc, Nhiều người mong muốn Chủ tịch Quốc hội lên tiếng về vấn đề, chịu trách nhiệm về vấn đề này. Thậm chí, Chính phủ VN phải điều tra rõ những cá nhân, tổ chức nào đã trục lợi trên danh nghĩa Quốc hội –làm mất thể diện quốc gia, chà đạp quốc thể!
---
Cho đến ngày 25/9, người phát ngôn của Quốc hội Việt Nam, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc mới đưa ra lời giải thích rằng những người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc “không thuộc thành phần đoàn ngoại giao” và chỉ “đi nhờ máy bay”.

Phát biểu vừa nêu của ông tổng thư ký quốc hội VN khóa 14 được đưa ra sau vài ngày giữ im lặng hoàn toàn về vụ việc. Truyền thông Việt Nam hôm 25/9 bất ngờ dẫn phát ngôn của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, người phát ngôn của Quốc hội: “Đây là một sự việc rất đáng tiếc. Số người bỏ trốn nêu trên thuộc thành phần của đoàn tham gia sự kiện diễn đàn Đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc.”

“Sự kiện này do Bộ Kế hoạch - đầu tư, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Phòng thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tổ chức. Những người bỏ trốn không thuộc thành phần đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và không được cấp visa ngoại giao".

"Trong quá trình chuẩn bị phục vụ chuyến thăm chính thức của chủ tịch Quốc hội đến Hàn Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức diễn đàn nêu trên có liên hệ cho đoàn của họ đi nhờ máy bay chở chủ tịch Quốc hội và chúng tôi đã đồng ý. Những người này không thuộc thành phần đoàn thăm chính thức. Hiện lãnh đạo Quốc hội đã đề nghị Bộ Công an phối hợp các bên có liên quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.”

Tuy vậy, truyền thông Việt Nam không cho biết thêm chi tiết về danh tính và nghề nghiệp của những người “đi nhờ máy bay của bà Nguyễn Thị Kim Ngân” và tại sao những người này có được “đặc quyền” đó.








No comments:

Post a Comment