Tuesday, September 3, 2019

BẢN TIN NGÀY 03/09/2019 (Báo Tiếng Dân)




03/09/2019

BÀI MỚI
03/09/2019
03/09/2019
03/09/2019
03/09/2019
03/09/2019
03/09/2019
03/09/2019
03/09/2019

*
*
BẢN TIN NGÀY 03/09/2019

Tin Biển Đông

Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật tin, “lúc 16h10′ ngày 2/9/2019 (giờ Việt Nam), tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhóm tàu hải cảnh hộ vệ đang tăng tốc đi về hướng Đá Chữ Thập. Nếu nhóm tàu Trung Quốc quả thực rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam về neo đậu ở Đá Chữ Thập như lần trước, thì dự kiến tối nay nhóm tàu sẽ về tới khu vực Đá Chữ Thập”

Kết thúc lần “khảo sát” thứ nhất, Hải Dương Địa Chất 8 và một số tàu hộ tống đã trở về Đá Chữ Thập vào ngày 7/8, rồi quay lại khu vực Bãi Tư Chính và tiếp tục quấy phá vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từ ngày 13/8 đến nay. Nhiều khả năng lần này nhóm tàu Hải Dương 8 cũng chỉ tạm nghỉ ở Đá Chữ Thập trước khi quay lại.

Tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng 4 tàu hải cảnh hộ tống đang đi nhanh về hướng Đá Chữ Thập với vận tốc khoảng 9-10 knots. Nguồn: FB ĐSK Biển Đông

Lưu ý, hiện nay đang có áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông áp sát bờ biển miền Trung Việt Nam, chỉ khoảng một tuần sau khi bão số 4 Podul vào Việt Nam.

RFA có bài: Có hai “đòn cân não” quanh Bãi Tư Chính. Bài viết so sánh tình hình căng thẳng ở Bãi Tư Chính với giai đoạn đầu của Thế chiến thứ Hai. Sau khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan và trước khi cuộc chiến nước Pháp 1940 nổ ra, đã có một “cuộc chiến cuội” (phoney war), Đức và Anh – Pháp dàn quân ở biên giới nhưng không bên nào gây chiến trước, “sự vắng bóng các hoạt động vũ trang trong một thời điểm kế hoạch xâm lược trên thực tế đã được khai triển”.

Tâm bão đang ở vùng biển ngoài khơi TP Phan Thiết hay ở nơi nào khác? “Tâm bão đang nằm trên lằn ranh giữa những kẻ rắp tâm đầu hàng Trung Quốc với những con người quyết tâm giữ Bãi Tư Chính”. Trong khi Trung Quốc cử một lực lượng tàu hải cảnh khá hùng hậu theo bảo vệ sát sao tàu Hải Dương 8, thì phía Việt Nam chỉ có một ít tàu cảnh sát biển ra đối đầu.  

Tình hình Bãi Tư Chính: Việt Nam kêu gọi quốc tế giúp giảm căng thẳng tại Biển Đông, RFI đưa tin. Theo tin từ hãng Bloomberg, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã gửi thư điện tử, nhấn mạnh, “những diễn biến nguy hiểm” trên Biển Đông đang làm gia tăng cẳng thẳng và gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. 

Cho nên, Việt Nam kêu gọi các nước tham gia vào việc làm giảm căng thẳng, bảo đảm an ninh và tự do lưu thông trên vùng biển này. Bức thư viết: Biển Đông có tầm quan trọng đối với các nước bên trong và bên ngoài khu vực, trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do lưu thông hàng không và hàng hải và “Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng làm việc với các nước và cộng đồng quốc tế” để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.
Khai mạc cuộc tập trận chung Mỹ – ASEAN có Việt Nam tham gia, theo VOA. Mỹ và 10 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, từ ngày 2/9 đã bắt đầu cuộc thao dượt hải quân chung đầu tiên, trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Có 8 tàu chiến, 4 máy bay và hơn một ngàn người tham gia cuộc tập trận kéo dài trong vòng 5 ngày, bắt đầu ở Căn cứ Hải quân Sattahip ở Thái Lan và kết thúc ở Singapore.

Chiều 2/9/2019, các nhân viên của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 vượt sóng lớn đưa thuyền viên người Trung Quốc bị nạn vào bờ, báo Thanh Niên đưa tin. Tin cho biết, thuyền viên này tên Wang Deqian, đang làm trên tàu Great Aspiration từ Trung Quốc tới Singapore, khi đến vị trí cách mũi Vũng Tàu khoảng 220 hải lý về phía Đông – Đông Nam thì Wang Deqian bị tai nạn lao động gãy xương đùi phải.

Căng thẳng Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nguy cơ ngư dân Việt bị hành hung trên chính vùng biển quê hương ngày càng rõ. Tiếc là khi ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh và tàu “dân quân biển” Trung Quốc rượt đuổi và đâm chìm, họ luôn cô đơn ngoài biển khơi, thường không được cứu giúp.


Vụ Mobifone mua AVG: Cựu Bộ trưởng nhận hối lộ 3 triệu USD

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Thương vụ AVG: Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra đại án Mobifone mua AVG. Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai, ông ta đã nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch AVG, số tiền lên tới 3 triệu Mỹ kim.

Từ trái qua: Phạm Đình Trọng, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, là những nhân vật chính trong vụ án Mobifone mua AVG. Ảnh: TT

Ngoài ra, Phạm Nhật Vũ còn đưa hối lộ cho cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn 200.000 Mỹ kim. Ngoài các quan chức ở Bộ 4T, ông Vũ còn đưa hối lộ cho hàng loạt lãnh đạo Mobifone, trong đó có ông Lê Nam Trà , cựu chủ tịch HĐTV Mobifone, nhận của ông Vũ 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc Mobifone, số tiền 500.000 Mỹ kim.


Sai phạm đất đai ở Quảng Ngãi

VietNamNet đưa tin: Gần 400 sổ đỏ bị cấp nhầm suốt 16 năm ở Quảng Ngãi. Trong 16 năm đó, hàng trăm thửa đất ở Quảng Ngãi được cấp chung trong giấy chứng nhận, không có hình vẽ, không có thông tin để xác định vị trí. Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư huyện ủy Bình Sơn xác nhận, người dân phản ánh chính quyền xã Bình Khương đã cấp nhầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 377 thửa đất ở địa phương này suốt chừng ấy năm.

Trong hàng trăm thửa đất cấp nhầm, đó có 165 trường hợp không có quan hệ gia đình, số còn lại có quan hệ thân nhân với nhau. “Nhiều thửa đất được cấp chung trong giấy chứng nhận, không có hình vẽ, không có thông tin để xác định vị trí nên suốt một thời gian dài người dân không phát hiện sai sót”. Chưa thấy có tên tuổi người nào phải chịu trách nhiệm về sai phạm này. 


Vụ cháy Rạng Đông: Ông nói gà, bà nói vịt

Tạp chí Công Thương đặt câu hỏi: Môi trường khu vực kho cháy Rạng Đông đã thực sự an toàn? Trung tâm Quan trắc TN&MT TP Hà Nội khẳng định, đã kiểm tra 5 vị trí xung quanh khu vực cháy, so sánh với các số liệu trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí và các thông số môi trường, rồi kết luận, tất cả các chỉ số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép, như thể chưa từng có một vụ cháy nhà xưởng chứa thủy ngân và hóa chất độc hại ở khu vực này.

Zing có bài: Người Hạ Đình bất an sau vụ cháy Công ty Rạng Đông. Người dân đeo khẩu trang và cố gắng duy trì sinh hoạt ở khu vực chỉ cách hiện trường vụ cháy vài mét. Một tiểu thương cho biết: “Chúng tôi chỉ đọc trên báo nhưng không thấy phường thông báo gì. Vẫn có người mua thì chúng tôi vẫn phải bán thôi”.

Trong khi đó, một số người có nhà cửa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vụ cháy, hiện đang sống trong sự hoang mang: “Tai vạ tự nhiên ập xuống, gia đình tôi không thiết tha làm gì nữa cả. Chúng tôi giờ chỉ chờ chính quyền lên tiếng giải quyết giúp, nhà cửa thế này làm sao ở được”.   


Ô nhiễm môi trường

Chuyện ở Đắk Nông: Gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bị phạt như ‘gãi ngứa’, theo báo Người Việt. Chính quyền tỉnh này vừa ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 1,5 triệu đồng đối với công ty CP thương mại Đức Thành ở Sài Gòn vì đổ 2,200 mét khối chất thải công nghiệp lên khu vực đất do nhà nước quản lý. Một số tiền phạt “gãi ngứa” ngay cả với thu nhập của công chức VN, chứ đừng nói các doanh nghiệp. 

Bài viết cho biết, công ty Đức Thành “đã đổ một lượng rất lớn chất thải của nhà máy Alumin Nhân Cơ nhiều hơn nhiều số lượng bị phạt, hiện chưa thấy có cuộc điều tra nào để xác định các địa điểm và số lượng chất thải bị đổ lén, không theo đúng các quy định về giải quyết các loại chất thải độc hại”.

Báo Tiền Phong có bài: Hà Nội chìm trong ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Kết quả ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAMAir cho thấy, tất cả các điểm đo ở Hà Nội ngày 25/8 đều ở ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng với chỉ số đánh giá chất lượng không khí (AQI) trung bình từ 150 đến 200. Ở Mỹ, chỉ số AQI từ 151 đến 200 thuộc nhóm báo động màu đỏ, nguy hại cho sức khỏe. 

Lý giải hiện tượng giữa mùa mưa nhưng Hà Nội lại có những ngày ô nhiễm nghiêm trọng, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, giải thích, trong các ngày cuối tháng 8/2019, “gió lặng, bụi và khí ô nhiễm không khuếch tán được mà đọng lại ở sát mặt đất khiến Hà Nội giống như bị sương mù, dù độ ẩm không tăng đột biến. Nồng độ bụi mịn đo được cao hơn hẳn những ngày khác trong mùa mưa”.



Tin giáo dục

Báo Một Thế Giới có bài: Bộ GD-ĐT thua kiện PGS-TS Hoàng Xuân Quế. Theo bản án của TAND TP Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã họp các thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, lấy biểu quyết khôi phục lại chức danh PGS cho ông Hoàng Xuân Quế, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Vụ việc xảy ra từ năm 2013. Có người tố cáo ông Quế, tác giả luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” đã “đạo văn” tới 30% dung lượng luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng. Ngày 11/10/2013. ông Quế bị tước bằng tiến sĩ, đến ngày 22 cùng tháng, ông bị mất chức danh PGS và bắt đầu kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. 

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: ĐH Thái Nguyên nói gì về ý định thăng chức cho hiệu phó bị điều tra tham nhũng?PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Nguyên đang bị điều tra trong vụ việc lập hồ sơ, chứng từ khống để quyết toán tiền mua vật tư, hóa chất xét nghiệm đề tài khoa học. Mặc dù bị điều tra vụ tham nhũng, nhưng ông Dũng vẫn được đề nghị thăng chức vụ trong Đảng,  được giới thiệu phụ trách Đảng bộ của Đại học Y dược Thái Nguyên.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Chánh văn phòng Đại học Thái Nguyên xác nhận, do có sự phân công của Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Thái Nguyên, Đoàn công tác đã xuống Đại học Y dược lấy ý kiến về hai trường hợp, chứ chưa có quyết định chính thức: “Đây là nhiệm vụ trong công tác Đảng, không phải chính quyền. Còn việc ông Dũng đang là đối tượng điều tra cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức, chưa bị xử lý về Đảng”.

Giáo viên tố hiệu trưởng gian dối trong vụ cháu bé bị gãy xương đùi, theo Zing. Vụ cháu bé được bác sĩ chụp X-quang chẩn đoán gãy 1/3 xương đùi bên trái từ tối 28/8, nhưng đến chiều 29/8 Hiệu trưởng trường mầm non Tam Đồng vẫn bảo chệch khớp. Hiệu trưởng Đỗ Thị Chăm khẳng định, cô giáo Nguyễn Thị Bảo báo cáo với bà như vậy nói rằng: “Tất cả điều này đều có giáo viên chứng kiến”.

Trong khi đó, bà cô giáo Nguyễn Thị Bảo phủ nhận thông tin báo cáo cháu bé bị chệch khớp. Cô Bảo kể, lúc đưa cháu vào viện, bố của cháu M.A. còn động viên cô giáo hãy bình tĩnh. Sau đó, cô Bảo hỏi phụ huynh về tình hình của cháu thì được biết xương bé đã gãy đôi.
Vụ cô giáo đốt cồn dạy học, khiến 3 trẻ mầm non bị bỏng nặng,xảy ra chiều 9/8/2019, gần đây đã có video clip được đưa lên mạng:


Khi cô giáo tổ chức học về kỹ năng phòng chống cháy nổ cho 25 trẻ tại lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ, “để có giáo cụ dạy cho các bé, cô giáo dùng cồn đổ vào trong mâm rồi châm lửa đốt. Đúng lúc này, ngọn lửa đang cháy tạt vào 3 cháu nhỏ 3-5 tuổi khiến các cháu bị bỏng nặng. Trong số đó có một cháu bị bỏng diện tích rộng”.



***







No comments:

Post a Comment