Friday, September 20, 2019

BÃI TƯ CHÍNH : VÌ SAO TRUNG QUỐC DÁM 'VỪA ĂN CƯỚP VỪA LA LÀNG'? (Thường Sơn - VNTB)




Thường Sơn  -  VNTB
21/09/2019

(VNTB) - Khác với vài lần tuyên bố trước mà dù sao vẫn còn có vẻ nể nang mặt mũi ‘đồng chí tốt’, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 18/9/2019 thậm chí còn đòi “Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính”.


Trong khi đó, Bộ Chính trị Việt Nam vẫn ‘kịch liệt phản đối’ nhưng không dám hé môi cái tên Trung Quốc trên đầu môi chót lưỡi khi cuộc chiến khoan dầu đã kéo dài gần trọn một quý, còn các tàu hải cảnh và tàu chiến Việt Nam vẫn chẳng dám nổ một phát súng, dù chỉ bắn lên trời, để cảnh cáo tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc.

Trước đó vào cuối tháng 7 năm 2019, chỉ một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam là Lê Thị Thu Hằng cho biết Hà Nội đã “trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam” - một cử chỉ can đảm mang tính quá hiếm muộn của giới chóp bu Việt Nam về thế buộc phải đối đầu với “thiên triều”, Trung Quốc đã lần đầu tiên phản ứng khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng cáo buộc Việt Nam “vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính kể từ tháng Năm,” “Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam” và “Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc”. Nhưng khi đó Bắc Kinh chưa trịch thượng đến độ dám đòi “Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính”.

Sang tháng 8 năm 2019, Trung Quốc đã lần thứ hai ra tuyên bố về Bãi Tư Chính, khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng, tàu Hải Dương Địa Chất số 8 hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này và yêu cầu quốc gia có liên quan tôn trọng. Ngay trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn mấp máy đọc bài “yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”.

Rõ ràng thái độ tự tin và ngạo mạn của ‘đảng anh’ Trung Quốc trong vụ Bãi Tư Chính đã gia tăng dần qua từng tháng, tỷ lệ nghịch với toàn bộ biểu cảm ‘kịch liệt phản đối’ nhưng không dám có bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào của chính thể ‘đảng em’ Việt Nam.

Vì sao lại xảy đến nông nỗi ấy?

Còn có một nguồn cơn sâu xa và khốn quẫn, liên quan đến ‘kiện Trung Quốc’.

Vào những ngày hè nóng bỏng này, thêm một lần nữa trong nhiều lần, một ít chuyên gia và cũng chỉ một ít tờ báo nhà nước - thật sự sốt ruột trước cảnh ‘trùm mền’ của giới chóp bu Việt Nam - đã phải liệt kê hàng nửa tá cơ sở cho triển vọng ‘Việt Nam sẽ chắc thắng nếu kiện Trung Quốc’.

Người dân hy vọng rằng Bộ Chính trị Việt Nam phải tính đến việc kiện Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng lấp ló khả năng kiện tụng ra trước công luận nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận xã hội về một chế độ chỉ biết ‘hèn với giặc, ác với dân’.

Thế nhưng cho tới nay, cử chỉ bị coi là câm nín của giới lãnh đạo Việt Nam và việc chẳng một quan chức cao cấp nào trong ‘tam trụ’ - từ Nguyễn Phú Trọng đã từng cầu an ‘trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam’ đến Nguyễn Xuân Phúc từng nghiêng ngoẹo cụng ly với Tập Cận Bình  vào năm 2016, và cả Nguyễn Thị Kim Ngân uốn éo trước mặt họ Tập về ‘đại cục’ ở Bắc Kinh… đã dìm xác suất ‘kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế’ xuống đáy hy vọng, xứng đáng bổ sung thêm một ‘không’ nữa vào chính sách ‘ba không’ gậy ông đập lưng ông của Hà Nội: không kiện Trung Quốc!

Kết quả là sau gần 3 tháng từ ngày nổ ra vụ Bãi Tư Chính, hoặc đã là năm thứ ba kể từ lúc Trung Quốc xua tàu bao vây, gây hấn và ‘tống tiền’ Bộ Chính trị Việt Nam ở khu vực này, thực tế quá ư trần trụi và cay đắng là phần lớn trong số các ‘đối tác chiến lược toàn diện’ của Việt Nam đã chẳng có ý kiến gì hoặc ngó lơ vụ Bãi Tư Chính, để mặc cho ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc - cụm từ mà giới quan chức Việt Nam vẫn hỉ hả tụng ca về người bạn ‘Bốn Tốt’ của mình - hành hạ ‘đảng em’ đến mức ‘đái cả ra quần’.


-----------------------------------------

XEM THÊM

Song Phan
20/09/2019

Hôm qua nhân phát biểu ‘sảng’ của Cảnh Sảng rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và tái phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa, ông Greg Poling, giám đốc AsiaMTI bình luận trên twitter, như sau:

Trung Quốc vừa làm vừa vẽ cho ra chuyện. Bộ Ngoại giao TQ muốn tránh đề cập đến đường 9 vạch, nhưng vẫn yêu sách mọi thứ trong đó. Vì vậy, bộ này hợp lí hóa các hành động TQ ngoài khơi của VN với việc nói rằng bãi ngầm Vạn An (bãi Tư Chính) là một phần của quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Vấn đề: không phải vậy”.

Bãi Tư chính là bãi ngầm dưới mặt biển. Thể địa lí trên măt biển khi triều cao gần với lô 06/01 nhất là đảo Trường Sa cách đó gần 190 nm. Bờ biển VN chỉ cách đó 140 nm. Ngay cả khi theo lập trường của TQ là phán quyết của trọng tài năm 2016 là không hợp lệ và Trường Sa được hưởng EEZ / CS (thềm lục đia), thì quả thật vô lí để yêu sách lô 06/01.

Như vậy, TQ vẫn đang đòi quyền đối với tất cả mọi thứ trong đường 9 vạch dù họ có thay đổi trong phát ngôn chăng? VÀ / HOẶC họ có yêu sách toàn bộ quyền lợi từ mọi thể địa lí, thậm chí ngầm dưới mặt biển, kéo ra 200 nm đến tận giới hạn lãnh hải của nước láng giềng, không chấp nhận trung tuyến chăng?

Có lẽ cả hai. TQ yêu sách EEZ đầy đủ từ “các nhóm đảo”, bao gồm các bãi ngầm dưới mặt biển, thông qua các đường cơ sở chưa được vẽ. Trong các khoảng trống còn lại trong đường 9 vạch, họ vẫn yêu sách quyền lịch sử. Xem bên dưới. Nhưng Bộ NG TQ sẽ không thừa nhận điều đó vì rất vô lí về mặt pháp lý, do đó, đó chỉ là cách hợp lí hóa chữa cháy (ad hoc)”.

***
Nói thêm cho các bạn ít theo dõi:

Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Tàu cộng có phán quyết ngày 12/7/2016, dù trên nguyên tắc chỉ có hiệu lực với Philippines và Tàu cộng, nhưng gần như chắc chắn không có chuyện đảo ngược phán quyết này trong các vụ kiện liên quan trong tương lai. Trong phán quyết này có mấy điều liên quan như sau:

– Đường 9 vạch/đoạn hay Đường Lưỡi Bò không hiệu lực vì không có cơ sở trong UNCLOS và luật quốc tế.

– Không có thể địa lí nào ở TS đủ tiêu chuẩn là đảo theo UNCLOS để có EEZ và CS.

– Không thể coi qđ TS như một đơn vị thống nhất để vẽ đường cơ sở rồi tính EEZ và thềm lục địa.

– Không ai có thể đòi quyền sở hữu đối với bãi triều thấp bên ngoài lãnh hải, vốn được coi như một phần của đáy biển (do đó cũng không thể đòi sở hữu đối với bãi ngầm như bãi Tư Chính vốn có chỗ cạn nhất vẫn cách mặt biển 16m).

Mấy điều này chỉ là giải thích cho rõ các quy định trong UNCLOS nên Cảnh Sảng nói Tàu công có quyền theo UNCLOS ở khu vực quanh bãi Tư Chính chỉ là nói ‘sảng’.


------------------------

1 Comment

phải viết là NM nautical mile để tránh nhầm với nanometre nm




No comments:

Post a Comment